Đền Thần Nông - Nơi tri ân tổ nghề nông

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đối với cư dân nông nghiệp, thần Nông là vị thần ban cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt nên việc thờ cúng thần Nông trở thành nét văn hóa đặc sắc từ bao đời nay và được thể hiện ở nhiều nghi lễ thực hành tín ngưỡng khác nhau ở mỗi dân tộc, vùng miền như: Lễ cầu mùa, xuống đồng, cầu đảo, cúng cơm mới, tịch điền... Ngôi đền thờ Thần Nông nằm tại điểm cuối của dãy Huyền Đinh – Yên Tử, hướng ra sông Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cư dân nông nghiệp trong vùng.

Ngôi đền uy nghiêm ấy thuộc thôn Hố Mỵ, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam được xây dựng trên dấu tích cổ thuộc sườn núi Huyền Đinh. Đền xây dựng 5 gian 2 chái, 2 tầng, 8 mái đao cong là nơi thờ vua Thần Nông- mà theo truyền thuyết đây là người đầu tiên dạy dân biết cải tạo các giống lúa dại thành lúa đồng nuôi sống con người. Gian giữa đền đặt ban thờ tượng Vua Thần Nông và các vị vua Hùng; ban tả có 3 tượng thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; ban hữu gồm 3 tượng thờ Quan giám sát Đại vương.

Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp Thần Nông chăm lo cho việc trồng cấy để mùa màng tươi tốt. Truyền thuyết kể rằng, Vua Thần Nông sống cách chúng ta khoảng 5.000 năm, là người dạy dân nghề làm nông, chăm lo mùa màng, chế tạo cày bừa và là người đầu tiên làm lễ thượng điền và hạ điền. Ông cũng là người phát triển nghề thuốc trị bệnh cứu dân, độ thế. Vì thế, việc thờ cúng Thần Nông trở thành một nét văn hóa đặc sắc của các cư dân văn minh lúa nước. Truyền thuyết  cho biết: Thần Nông là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa, trồng trọt cũng gọi là Viêm Đế. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông, là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh nhân đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Kinh Dương Vương. Đế Minh lập Đế Nghi làm con nối ngôi cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương Vương làm vua cai trị phương Nam. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 con trai là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy tổ khác nhau, chung hợp thật khó. Bèn từ biệt nhau, chia 50 người con theo mẹ về núi, 50 người con theo cha về biển, phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi.”

Quan niệm của cư dân nông nghiệp cho rằng thờ cúng Thần Nông để cầu mong mùa màng được tốt tươi, thóc nhiều, rau lắm, nhà nhà đều no đủ: “Phong thuận vũ hoà”, “phong đăng hoà cốc”, “quốc thái dân an”... Gắn liền với đền Thần Nông tại xã Cẩm Lý là dãy núi Huyền Đinh, nơi còn nhiều dấu tích phản ánh về nghề nông của người dân còn lưu truyền trong dân gian. Đó là những hình tượng, những vật dụng quen thuộc của nghề nông như con trâu đá, núi Thằng Người, luống cày ông Thuấn, hòn Đống Thóc, hòn Đống Gạo, cái quạt hòm… Nhân dân trong vùng lưu truyền huyền tích rằng, vào một đêm đầu thế kỉ trước có một người khách phương xa đến, dừng chân trên một đỉnh núi cao (nơi hiện đang đặt tượng Mẫu) thì có một cơn gió mát từ trong núi thổi ra. Đứng trên đỉnh núi, chòm sao Thần Nông sáng rực, rất gần, có thể đếm rõ từng con vịt của Thần Nông trên dải sông Ngân Hà. Kết hợp với những dấu tích còn lưu lại, người dân trong vùng có một niềm tin sâu sắc rằng nơi đây chính là huyệt đạo của Thần Nông. Kể từ đó, rất nhiều du khách tìm về đây hành lễ mỗi dịp đầu xuân với tâm nguyện cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Với mong muốn có một nơi để dâng hương, cầu nguyện cho sự phồn thịnh của quê hương, người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn, địa phương đã lập quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng đền Thần Nông trong quần thể khu văn hoá tâm linh quy mô tương đối lớn. Công trình được khởi công xây dựng năm 2017 và đến thời điểm này đây là một trong những ngôi đền hiếm hoi trong nước và duy nhất ở miền Bắc được xây để thờ Thần Nông. Việc xây dựng đền cũng có ý nghĩa nhằm khuyến nông, phát triển nghề trồng trọt và tạo thêm một địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong vùng; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh của địa phương. Vào dịp tổ chức lễ hội tháng Giêng, ban tổ chức thực hiện các nghi thức khai canh, hạ điền, phát lộc cho nhân dân, du khách bằng những hạt giống với sở nguyện được đủ đầy, tươi tốt. Qua đó còn thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông “Dĩ nông vi bản”, “Phi nông bất ổn”…

Toàn bộ khu đền được xây dựng trong một quần thể hài hòa, tựa sơn, hướng thủy cùng hệ thống đồng bộ như giao thông, công viên cây xanh, hồ nước, khu vui chơi giải trí… đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh của du khách thập phương và nhân dân trong vùng, mở ra một hành trình mới trên đường khám phá về vùng đất văn hoá, du lịch tâm linh phía Tây Yên Tử kết nối với khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) và Yên Tử (Quảng Ninh).

Đắc Thụ

 

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,403
Tổng số trong ngày: 2,703
Tổng số trong tuần: 2,702
Tổng số trong tháng: 141,170
Tổng số trong năm: 395,110
Tổng số truy cập: 2,969,603