Bắc Giang: Bảo tồn, phát huy giá trị ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Mỗi dân tộc thiểu số (DTTS) đều có bản sắc văn hóa riêng biệt, hàm chứa nhiều giá trị độc đáo được thể hiện thông qua các hoạt động: Lễ hội, trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng … Trong đó, ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) là một trong những thành tố quan trọng, cơ bản của văn hóa dân tộc và là tiêu chí xác định thành phần DTTS. Do tác động của toàn cầu hóa, nhiều giá trị văn hóa, trong đó có ngôn ngữ các DTTS ở Bắc Giang đang bị mai một. Trước thực trạng đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị ngôn ngữ các dân tộc thiểu số thông qua hoạt động văn hóa trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang từng bước đạt được “mục tiêu kép”, vừa gìn giữ giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, vừa gìn giữ giá trị ngôn ngữ của các DTTS.

 Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, tỉnh Bắc Giang có trên 1,8 triệu người, với 45 thành phần dân tộc; DTTS có 257 nghìn người, chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh, trong đó có 7 thành phần DTTS có dân số trên 1.000 người, sinh sống thành cộng đồng gồm: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu.

Sinh hoạt CLB hát Dân ca dân tộc Sán Dìu tại huyện Lục Ngạn

Trong những năm qua, Sở VHTTDL Bắc Giang và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; trong đó có việc chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích thành lập các CLB hát dân ca DTTS. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 49 CLB hát dân ca DTTS trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang. Thông qua đó, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; truyền dạy tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc thông qua lời ca, tiếng hát và qua việc ghi chép lời các bài dân ca bằng chữ viết các DTTS.

Sở VHTTDL quan tâm tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng nghệ nhân, nhất là các nghệ nhân được phong tặng danh nhiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) là người DTTS. Bên cạnh các nghệ nhân nắm giữ các loại hình hát dân ca DTTS, trên địa bàn tỉnh còn có các nghệ nhân nắm giữ loại hình Tiếng nói và chữ Viết các DTTS; trong đó có 02 nghệ nhân nắm giữ loại hình tiếng nói và chữ viết dân tộc Dao và dân tộc Sán Dìu đã được phong tặng danh hiệu NNƯT. Họ là những người đi đầu, cống hiến nhiều công sức trong việc sưu tầm, biên soạn tài liệu và mở các lớp truyền dạy hát dân ca và truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trong cộng đồng.

Ông Đàm Văn Tình dạy tiếng Sán Chay tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động

Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa các DTTS nói chung, mai một ngôn ngữ DTTS nói riêng, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân ở các thôn, bản miền núi, vùng cao của tỉnh đã tìm cách gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình theo nhiều phương pháp khác nhau như truyền dạy văn hóa, ngôn ngữ thông qua các loại hình dân ca đặc sắc của dân tộc mình như: Sịnh ca (Dân ca Cao Lan), Cnắng cọô (Dân ca Sán Chí), Soong hao (Dân ca Nùng), Soọng cô (Dân ca Sán Dìu), hát Then – đàn Tính (Dân ca Tày, Nùng)…; tự nghiên cứu, biên soạn tài liệu tiếng dân tộc để mở các lớp truyền dạy miễn phí cho nhân dân  trong thôn, xã mình.

Tiêu biểu như mô hình truyền dạy tiếng Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) của ông Đàm Văn Tình, cư trú tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động. Ông đã cùng một số hội viên Chi hội Người cao tuổi trong thôn tự soạn thảo tài liệu, mở 05 lớp truyền dạy tiếng Cao Lan, Sán Chí cho con em người DTTS trong thôn. Một mô hình khác ở thôn Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, có NNƯT Bàn Văn Cường, người từ nhiều năm nay, đã tự sưu tầm những cuốn sách cổ của người Dao, biên dịch sang chữ quốc ngữ để làm tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc Dao trong cộng đồng. Được biết, đây là bộ sách cổ, viết bằng chữ Hán – Nôm, được người Dao chấp thuận sử dụng trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng, thể hiện một phần bản sắc văn hóa và lịch sử phát triển của dân tộc Dao ở Việt Nam. Đặc biệt, từ tháng 5 năm 2023, Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Bắc Giang đã phát động phong trào học tiếng dân tộc Sán Dìu; trong đó, Chi hội tại thôn Thum Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đã mở được 02 lớp truyền dạy tiếng Sán Dìu cho 136 học viên là học sinh Tiểu học, THCS trên địa bàn…

Đồng bào Dao Thanh Phán, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

Nhằm bảo tồn, phát huy tiếng DTTS, hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đang phối hợp cùng Sở VHTTDL và một số ngành liên quan xây dựng Đề án: “Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.  Trong đó, Sở VHTTDL đã cung cấp thông tin về những nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội, ẩm thực, trang phục, dân ca – dân vũ, nghi lễ cưới – hỏi … để làm cơ sở xây dựng khung tài liệu truyền dạy tiếng DTTS theo nhiều chuyên đề khác nhau như: “Văn hoá đặc sắc các DTTS”, “Quê hương – đất nước”, “Thiên nhiên – môi trường” …

Phí Trường Giang

 

  

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,317
Tổng số trong ngày: 4,957
Tổng số trong tuần: 4,956
Tổng số trong tháng: 143,424
Tổng số trong năm: 397,364
Tổng số truy cập: 2,971,857