Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Xương Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Đôi nét về di tích chiến thắng Xương Giang Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang nằm trên địa bàn phường Xương Giang, TP Bắc Giang (Bắc Giang) là một di tích gắn với chiến công đánh thắng 10 vạn quân Minh của nghĩa quân Lê Lợi năm 1427, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Lê, đem lại thái bình, thịnh vượng cho đất nước gần 4 thế kỷ. Chiến trận Xương Giang diễn ra cách đây 588 năm, nhưng âm hưởng của chiến thắng vẫn vang vọng và sẽ ngân xa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó chính là hào khí Đại Việt, niềm tự hào của dân tộc ta nói chung, của quê hương Bắc Giang nói riêng.

 

1. Đôi nét về di tích chiến thắng Xương Giang

Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang nằm trên địa bàn phường Xương Giang, TP Bắc Giang (Bắc Giang) là một di tích gắn với chiến công đánh thắng 10 vạn quân Minh của nghĩa quân Lê Lợi năm 1427, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Lê, đem lại thái bình, thịnh vượng cho đất nước gần 4 thế kỷ. Chiến trận Xương Giang diễn ra cách đây 588 năm, nhưng âm hưởng của chiến thắng vẫn vang vọng và sẽ ngân xa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó chính là hào khí Đại Việt, niềm tự hào của dân tộc ta nói chung, của quê hương Bắc Giang nói riêng.

Năm 2008, Sở VHTTDL chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học và Phòng VHTT thành phố Bắc Giang tiến hành khai quật khảo cổ học tại di tích thành Xương Giang. Kết quả khai quật đã thu về rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử chống quân Minh xâm lược của dân tộc ta; bước đầu đã phác thảo về diện mạo, quy mô các công trình kiến trúc trong thành Xương Giang trong lịch sử và đây sẽ là nguồn tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu tiếp về khu di tích này. Năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã Quyết định công nhận di tích lịch sử: Địa điểm Chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang (gồm các điểm: Cửa Đông bắc, cửa Đông, cửa Bắc, cửa Tây nam, cửa Nam, khu trung tâm, dấu vết tường thành phía Đông, đoạn sông Xương Giang, hố khai quật số 2- số 3, giếng phủ, đền Thành) là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 293/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009.

Màn trống hội tại Lễ hội Xương Giang. Ảnh: Quỳnh Thảo

Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, UBND TP Bắc Giang tập trung bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích gắn với phát triển du lịch. Bộ VHTTDL đã có văn bản số 2002/BVHTTDL-DSVH ngày 21/5/2015 về việc thẩm định điều chỉnh dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Chiến thắng Xương Giang, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Thỏa thuận điều chỉnh Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến thắng Xương Giang, bao gồm các hạng mục: Xây dựng Đền thờ anh hùng nghĩa sĩ Xương Giang, Nghi môn, bình phong, Tả vu, Hữu vu, lầu chuông, lầu trống, am hóa sớ, nhà thủ từ - vệ sinh; tôn tạo sân vườn, hồ nước và hạ tầng kỹ thuật.

Dự án được xây dựng nhằm mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Chiến thắng Xương Giang và xây dựng khu di tích Chiến thắng Xương Giang thành điểm đến của Du lịch Bắc Giang. Qua đó, góp phần giới thiệu cho du khách tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Xương Giang chống quân xâm lược nhà Minh năm 1427.

2. Lễ hội Xương Giang xưa và nay

Ngay sau đại thắng quân Minh năm 1427, sang năm 1428, sau khi lên ngôi, Lê Lợi cho tổ chức đại hội ăn mừng chiến thắng và để khao quân, úy lạo tướng sĩ, tuyên đọc Đại cáo bình Ngô. Trong bối cảnh ấy, ở Kinh Bắc (Bắc Đạo) trị sở vẫn ở thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức hội lớn và để cáo tế trời đất, ban phúc lộc cho dân gian. Đó là xuất xứ đầu tiên của lễ hội Xương Giang

Từ đó về sau, những năm kỷ niệm chiến thắng Xương Giang trong dân cũng có làm hội để khơi dậy niềm tự hào về chiến công này và làm lễ cầu siêu cho các vong linh tử trận ở đền thành Xương Giang. Từ thời Lê Trung Hưng về sau, thành Xương Giang không còn là trị sở của Kinh Bắc nữa mà chuyển về thành Thị Cầu. Từ đó thành Xương Giang lấy đất chia cho 5 làng: Thành, Vẽ, Hòa Yên, Thương, Châu Xuyên để canh tác thì hội lệ chuyển đổi nhập vào các làng quanh Xương Giang và mãi về sau cứ mai một dần đi.

Đến năm 1998, ngành Văn hóa -Thông tin tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo bàn về Lễ hội Xương Giang, làm sáng tỏ sự cần thiết mở lại lễ hội này. Vì thế, Lễ hội Xương Giang được mở lại vào năm 1998 với sự tham gia của các làng, xã thuộc thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang) và được duy trì liên tục từ đó đến nay.

Lễ hội được tổ chức tại địa điểm chính là di tích chiến thắng Xương Giang. Ngoài ra, không gian văn hóa lễ hội còn mở rộng tới các xã, phường của thành phố Bắc Giang. Trước ngày khai hội thanh niên nam nữ thi cắm trại. Tối mồng 5 tháng Giêng thanh niên tổ chức đốt lửa trại. Tất các địa điểm đình, chùa. miếu, đền ...đều dựng cờ, tập trung lực lượng chuẩn bị tiến về nơi làm lễ khai hội. Sáng mùng 6 tháng Giêng, các đoàn người từ các thôn làng, phường, xã giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh lần lượt tiến về trung tâm khai hội. Tại đây lễ chào cờ, lễ đọc diễn văn khai mạc, lễ đọc "đại cáo bình Ngô", lễ múa ra quân được tiến hành trang trọng. Các đoàn rước tập kết về đài tưởng niệm dâng  hương rồi lần lượt từng đoàn lên thắp hương cho các anh hùng nghĩa sỹ Lam Sơn. Sau lễ dâng hương các đoàn rước trở về làng mình làm lễ Am vị đưa xếp các đồ tế khí vào vị trí cũ. Riêng các làng Thành và Làng vẽ thì đã coi như bắt đầu lễ hội của làng mình, cờ, kiệu, ngựa được đóng tại trước sân đình.

Các đại biểu dâng hương tại Lễ hội Xương Giang. Ảnh: Hương Quỳnh

Phần hội trong lễ hội Xương Giang gắn liền với phần hội của hai làng Thành và làng Vẽ. Tại đây tổ chức nhiều trò chơi dân gian xen lẫn với các trò chơi hiện đại. Các trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội như: Đu, chọi gà, cờ tướng, vật dân tộc, đập niêu, kéo co... Các trò chơi hiện đại: đập bóng có thưởng, thi đấu giải bóng đá thanh thiếu niên... thu hút rất đông thanh niên và khách thập phương tham gia.

Lễ hội Xương Giang có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, giáo dục lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay. Thông qua lễ hội khẳng định tầm vóc của chiến thắng Xương Giang, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng, nghĩa sỹ đã chiến đấu, hy sinh để giành lại độc lập cho đất nước, mang lại thái bình cho nhân dân. Từ những giá trị to lớn của lễ hội mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Xương Giang là một việc làm hết sức cần thiết hiện nay và mai sau.

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Xương Giang

- Một là,Thực hiện tốt việc quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa tâm linh tại khu di tích chiến thắng Xương Giang để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và làm nơi tổ chức Lễ hội Xương Giang hàng năm. Thường xuyên giữ gìn, tôn tạo cảnh quan di tích để đảm bảo không gian văn hóa thoáng đãng, thuận tiện cho việc tổ chức lễ hội Xương Giang, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong cả nước. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến thắng Xương Giang, bao gồm các hạng mục: Xây dựng Đền thờ anh hùng nghĩa sĩ Xương Giang, Nghi môn, bình phong, Tả vu, Hữu vu, lầu chuông, lầu trống, am hóa sớ, nhà thủ từ - vệ sinh; tôn tạo sân vườn, hồ nước và hạ tầng kỹ thuật.

- Hai là,Lễ hội Xương Giang sau khi được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cần tổ chức tuyên truyền, quảng bánhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân địa phương về giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội, để cùng có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Đồng thời, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung, hình thức lễ hội Xương Giang cho phong phú, độc đáo, hấp dẫn và chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết tới, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Xương Giang trong lịch sử dân tộc.

- Ba là,Tiến hành khảo sát, điều tra chuyên sâu về văn hóa phi vật thể của các làng xã xung quanh thành Xương Giang như các làng Thành, Vẽ, Hòa Yên,   Vĩnh Ninh…Đây chính là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của lễ hội Xương Giang xưa: ví dụ như cách thức tế lễ, rước, các trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian...Từ kết quả này để xây dựng, bổ sung nội dung và hình thức tổ chức lễ hội sao cho bảo tồn được những vốn cổ nhất của các làng này trong lễ hội Xương Giang hàng năm.

- Bốn là,Cần xây dựng một nhà trưng bày các tài liệu, hiện vật phát hiện được tại thành Xương Giang. Trong đó, giới thiệu các tài liệu như: sơ đồ thành cổ Xương Giang, sơ đồ mô tả các trận đánh,...các hiện khai quật được tại thành Xương Giang như: đạn đá, gạch xây thành, thóc gạo cháy ... nhằm giúp nhân dân hiểu biết sâu sắc thêm về di tích và nguồn gốc của lễ hội. Đồng thời, còn là nơi bán các đồ lưu niệm, sản vật địa phương, các ấn phẩm, băng đĩa giới thiệu về di tích và lễ hội Xương Giang.

- Năm là,nghiên cứu nâng cấp lễ hội Xương Giang thành lễ hội cấp tỉnh do UBND tỉnh đứng ra tổ chức vào những năm chẵn (có số cuối cùng là 0) kỷ niệm chiến thắng Xương Giang; còn những năm tròn (có số cuối cùng là 5) giao cho thành phố Bắc Giang tổ chức; những năm lẻ giao cho Phường Xương Giang chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức.

                                                                  Nguyễn Sĩ Cầm

                                                                   Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang

 

 

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,076
Tổng số trong ngày: 2,355
Tổng số trong tuần: 3,859
Tổng số trong tháng: 102,760
Tổng số trong năm: 521,254
Tổng số truy cập: 3,095,747