Bia đồi Kép – một chứng tích lịch sử ghi dấu sự kiện thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Bắc Giang năm 1884

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2005, trong một đợt khảo sát điền dã tại khu vực đồi Kép, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, các cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã phát hiện một tấm bia đá tứ diện rất lạ.

Bia được làm bằng chất liệu đá xanh, tạo tác dạng tứ diện có kích thước cao 1,3m, rộng 0,6m. Khu vực dựng tấm bia này là một gò đồi cao còn gọi là Đài Kỷ niệm chiến thắng Kép năm 1884. Qua nghiên cứu, tìm hiểu thì Đài kỷ niệm này do người Pháp cho dựng năm 1885 tại khu vực này để kỷ niệm cho sự kiện quân đội viễn chinh Pháp tiến đánh làng Kép, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang vào tháng 3/1884. Đài tưởng niệm này hiện nay vẫn còn dấu tích nền được xây bằng đá ong, hình vuông, mỗi chiều khoảng 8m.

Khảo sát nội dung của tấm bia đá cho thấy đây là một bia đá dạng “Long đình” thường thấy ở các ngôi đình làng Việt tạo tác theo phong cách thời Lê (thế kỷ XVIII); tuy nhiên, trên tấm bia lại khắc tiếng Pháp có chèn hoa văn cành ô liu và vòng nguyệt quế. Làm sạch tấm bia, chúng tôi phát hiện ra còn rất nhiều nét chữ Hán ở trên thân bia song rất tiếc những phần chữ Hán này đã bị mài mòn, khắc đè lên đó chữ Pháp ở 4 mặt với các nội dung như sau:

Mặt thứ nhất và thứ hai:

Au Général de Negier Vainquer des Chinois 8 - Octobre 1884. Honner aux tues en Jour (dịch là: Tướng Negier chiến thắng quân Trung Quốc ngày 8/10/1884 và anh dũng hy sinh trong ngày hôm nay).

Mặt thứ 3:            23em 111em 143em

                       12emBatteri 3emBatteri bis

         Dịch có nội dung là: Đây có thể là những phiên hiệu (dạng đại đội, trung đội, tiểu đoàn) của các đơn vị lính Pháp tham chiến tại địa điểm này.

Mặt thứ 4:     élevé par     

Amiot E     

DevillardC Solda

Schneider

SchnierléC    

Bader  Le

Burghard Soldats

Micheels

Cordart  LI colonel

2 Févriér 1885

Dịch là: Tuyên dương (đề cao) những người lính có tên như trên. Ngày  dựng 2/2/1885.

Qua nội dung khắc trên bia được dịch, chúng ta có thể nhận thấy rằng đây là một chứng tích ghi lại sự kiện thực dân Pháp tiến đánh tỉnh Bắc Giang mà cụ thể ở đây là trận đánh làng Kép, một địa điểm nằm cách thị xã Phủ Lạng Thương (tên gọi cũ của TP Bắc Giang ngày nay) khoảng 15km về phía Bắc vào giai đoạn từ 3/1884 - 10/1884 giữa quân đội viễn chinh Pháp với quân triều đình nhà Thanh- Trung Quốc và các nghĩa binh phong trào yêu nước do Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh) lãnh đạo.

Bia Đồi Kép được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Về sự kiện này, trong cuốn “Việt Nam cuộc chiến 1858 - 1975”; cuốn  Địa chí Bắc Giang xuất bản 2001 cũng đã có đề cập và ghi lại trận chiến này. Song để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể ngược dòng lịch sử, trở lại thời kỳ đầu 1882 -1883, trước sự ươn hèn của triều đình nhà Nguyễn, thực dân Pháp mở cuộc tấn công Bắc Kỳ lần thứ 2, sau khi chiếm được thành Hà Nội, quân Pháp lần lượt tiến đánh các tỉnh phía Bắc: Bắc Ninh, Nam Định, Sơn Tây, Hải Dương, Phú Thọ, Lạng Sơn và đầu tháng 3/1884, chúng tiến đánh Bắc Giang. Ngày 15/3/1884, chúng chiếm được Phủ Lạng Thương; ngày 16/3, quân Pháp tiến đánh làng Kép, một vị trí quan trọng nằm án ngữ trên con đường Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn. Tại Kép, trong các ngày từ 16 - 20/3/1884, quân viễn chinh Pháp đã vấp phải sự chặn đánh dữ dội của quân đội triều đình nhà Thanh- Trung Quốc và các nghĩa binh trong phong trào yêu nước do Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh) lãnh đạo. Ngày 20/3/1884, quân Pháp buộc phải rút khỏi Kép quay trở về Bắc Ninh. Ngày 5/10/1884, quân Pháp do tướng Nêgriê chỉ huy lại tiến đánh Kép, trên đường hành quân, các cầu cống hầu hết đã bị phá huỷ nên chúng gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 6 - 7/10/1884, nhiều trận đánh ác liệt giữa quân Pháp và quân Thanh- nghĩa quân Cai Kinh diễn ra tại khu vực từ Phủ Lạng Thương đến Kép. Đặc biệt và ác liệt nhất là trận đánh vào ngày 8- 9/10/1884. Theo tài liệu lịch sử ghi lại thì tại trận đánh này binh sĩ cả hai bên tham chiến lên tới trên 30 ngàn người chưa kể hàng ngàn nông dân bị cưỡng bức đi phục vụ chiến trường. Trận Kép bắt đầu ngày 8/10, kết thúc ngày 9/10/1884. Quân Thanh bị chết hơn 600 quân và phải rút lên biên giới phía Bắc, tướng Nêgrie quân Pháp bị thương nặng đưa về Hà Nội cấp cứu và chết (sự kiện này trên tấm bia có ghi rõ), quân số bị thiệt hại đáng kể. Sau khi chiếm được Kép, đuổi được quân Thanh lên phía Bắc, quân Pháp tiếp tục truy kích, tiến đánh nghĩa quân Cai Kinh trong các ngày từ 15, 16, 17/10 song ở khắp nơi đều bị nghĩa binh chặn đánh, bị thiệt hại và phải rút chạy. Ngày 20/10/1884, quân Pháp rút khỏi Kép về đóng ở Phủ Lạng Thương.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, trong suốt khoảng thời gian từ 3/1884- 10/1884, các địa điểm từ Phủ Lạng Thương đến Kép, Yên Thế là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh giữa quân đội Pháp với quân triều đình nhà Thanh và các nghĩa binh yêu nước trong phong trào khởi nghĩa Cai Kinh. Bia đá đặt tại đồi Kép là một chứng tích của trận chiến ác liệt ngày 8/10/1884 ghi rõ sự kiện này. Ngày dựng của tấm bia này cũng được ghi rõ vào ngày 2/2/1885, tức là sau sự kiện chiến trận xảy ra (8/10/1884). Người Pháp đã cho dựng tấm bia này và đã tận dụng ngay tấm bia của một ngôi đình trong khu vực đó mài mòn phần chữ Hán khắc đè chữ Pháp và biểu tượng chiến thắng (cành ôliu và vòng Nguyệt quế) để vinh danh những người lính Pháp tử trận và kỷ niệm sự kiện này.

Hơn 100 năm đã qua, mặc dù là một tấm bia do người Pháp dựng lại để tưởng niệm một sự kiện lịch sử song sự tồn tại của nó cho đến ngày nay vẫn là một tài liệu rất quý minh chứng cho sự hiện diện đầu tiên của quân đội viễn chinh Pháp khi tiến đánh tỉnh Bắc Giang vào đầu năm 1884, giúp  cho chúng ta hiểu thêm về một sự kiện lịch sử diễn ra trên mảnh đất Bắc Giang.

Năm 2005, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành sưu tầm tấm bia đá độc đáo này về trưng bày tại khu trưng bày ngoài trời của đơn vị.

 

  Đỗ Tuấn Khoa

 

 

 

 

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5,120
Tổng số trong ngày: 2,745
Tổng số trong tuần: 4,657
Tổng số trong tháng: 82,203
Tổng số trong năm: 500,697
Tổng số truy cập: 3,075,190