Chuỗi sân golf - hướng đi mới trong phát triển du lịch

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với nhiều vùng kinh tế trọng điểm, nhiều khu công nghiệp, có quỹ đất phù hợp, Bắc Giang đang có hướng phát triển sân golf, thúc đẩy dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Sản phẩm du lịch mới

Dự án sân golf, dịch vụ Yên Dũng thuộc địa bàn xã Tiền Phong có diện tích 190 ha, quy mô 36 ha cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên dãy núi Nham Biền với tổng mức đầu tư hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần QNK Bắc Giang. 

Tháng 8/2017, sân golf khánh thành và đi vào hoạt động. Mỗi tháng, nơi đây đón tiếp khoảng 4 nghìn lượt khách, khách Hàn Quốc chiếm khoảng 40%, còn lại chủ yếu là khách trong nước. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng, sân golf  hoạt động đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương với mức lương bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển hệ thống sân golf được tỉnh xác định là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy dịch vụ, du lịch. So với nhiều tỉnh, thành phố xung quanh, Bắc Giang có quỹ đất phù hợp để làm sân golf vì địa hình có nhiều đồi núi thấp. Theo tính toán của các nhà quản lý, những nơi đất khó canh tác, kém phì nhiêu nếu để trồng rừng sản xuất hay cây ăn quả, giá trị kinh tế mang lại không cao. Nếu chuyển đổi làm sân golf (mỗi sân golf khoảng 140 ha) sẽ tạo việc làm cho khoảng 300 - 500 lao động. Bình quân, một sân golf nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 30-50 tỷ đồng/năm.

Thực tế ở Việt Nam, nơi nào có sân golf dịch vụ đều phát triển, như: Vận chuyển, vận tải, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí cũng như kéo theo sự phát triển về đô thị. 

Điều này thể hiện rõ nhất ở Sầm Sơn (Thanh Hóa); Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, các sân golf đều được xây dựng gắn với những khu, điểm du lịch nổi tiếng.

Bắc Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, các khu, điểm du lịch được nhiều người biết đến như: Suối Mỡ (Lục Nam), hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn (Lục Ngạn), Khe Rỗ (Sơn Động) có thể thu hút đầu tư phát triển du lịch golf kết hợp du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng. 

Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển 1-2 sân golf đơn lẻ sẽ không tạo ra sự khác biệt, không đủ làm nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Theo kinh nghiệm ở một số quốc gia, để hình thành sản phẩm du lịch golf ở một địa phương nào đó, tối thiểu phải có chuỗi 6-10 sân golf. 

Vài năm gần đây, phong trào chơi golf ở Bắc Giang phát triển mạnh. Thêm vào đó, số lượng chuyên gia nước ngoài, nhất là chuyên gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản sinh sống, làm việc ở các khu công nghiệp của tỉnh có nhu cầu chơi golf rất lớn. Phần lớn người chơi golf đều có thu nhập cao.

Chọn doanh nghiệp có tiềm lực

Ông Nguyễn Hữu Phải, nguyên Chủ tịch Hội Golf Bắc Giang chia sẻ, hiện Hội Golf Bắc Giang có gần 300 hội viên, ngoài ra còn hội golf ở các huyện: Việt Yên, Yên Dũng và người hưu trí; khá đông chuyên gia nước ngoài sinh sống, làm việc tại Bắc Giang. Để phát triển hệ thống sân golf phải chọn được những doanh nghiệp đủ tiềm lực thiết kế, xây dựng sân golf đạt chuẩn quốc tế mới thu hút được nhiều khách.

Giai đoạn 2020-2030, tỉnh Bắc Giang quy hoạch 11 sân golf ở nhiều huyện, lấy thành phố Bắc Giang làm trung tâm. Đi kèm hệ thống sân golf là việc quy hoạch, thu hút các dự án về khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng và các loại hình vui chơi giải trí khác."Chúng ta đầu tư sân golf không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí mà còn để phát triển sản phẩm du lịch golf của Bắc Giang", Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh.

Để thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng làm tốt công tác quy hoạch, lựa chọn địa điểm sao cho không ảnh hưởng đến đất lúa, sử dụng đất tiết kiệm, thường là những khu vực đất đai sử dụng kém hiệu quả. Tích cực xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng, kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành sân golf vì đây là loại hình mới đối với Bắc Giang. Mặt khác, có cơ chế chính sách để xây dựng sản phẩm du lịch golf. Hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành, hướng tới đối tượng khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 60%.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2021-2025 cũng xác định phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa- tâm linh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. UBND huyện có kế hoạch thu hút đầu tư một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp. Hiện Tập đoàn Vingroup có kế hoạch khảo sát 1.600 ha đất tại xã Tân Liễu (Yên Dũng), Đồng Sơn (TP Bắc Giang) để làm sân golf và khu đô thị, nghỉ dưỡng. 

Giai đoạn 2021-2025, cùng với xây dựng một số tuyến đường, cầu Đồng Việt sẽ được khởi công nối huyện Yên Dũng với thành phố Chí Linh (Hải Dương), đồng thời kết nối các điểm du lịch của huyện với vùng lân cận, đặc biệt là sân golf ở Yên Dũng với sân golf Chí Linh và cụm sân golf tại Quảng Ninh.

Được biết, tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án sân golf đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại các xã Chu Điện, Khám Lạng, Yên Sơn (Lục Nam), quy mô 140ha, 36 hố tiêu chuẩn quốc tế, vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng; sân golf Việt Yên tại các xã Hương Mai, Trung Sơn (Việt Yên) quy mô 140 ha vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư các dự án trên đang phối hợp với UBND các huyện thực hiện các bước để giải phóng mặt bằng.

Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc tốp dẫn đầu cả nước, đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong tương lai, sản phẩm du lịch golf của tỉnh Bắc Giang sẽ phát triển, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy hoạt động dịch vụ, du lịch, tăng thu ngân sách nhà nước, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. 

Công Doanh

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,935
Tổng số trong ngày: 97
Tổng số trong tuần: 96
Tổng số trong tháng: 138,564
Tổng số trong năm: 392,504
Tổng số truy cập: 2,966,997