Kỳ Đồng- Nguyễn Văn Cẩm với Khởi nghĩa Yên Thế

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Kỳ Đồng- Nguyễn Văn Cẩm với Khởi nghĩa Yên Thế- Sự kết tinh của tinh thần yêu nước và ý chí của những người anh hùng

Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chống lại thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai đã trở thành biểu trưng rực rỡ của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Từ đó đến nay, hình ảnh người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Nắm và các nghĩa sĩ Cầu Vồng- Yên Thế Bắc Giang vẫn còn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Trong gần 30 năm chiến đấu ngoan cường giữa núi rừng Yên Thế, sức hút và tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã có sự lan tỏa và hấp dẫn mạnh mẽ đến các sĩ phu, những người yêu nước trên mọi miền đất nước lên Yên Thế, hòa nhập với phong trào giương cao ngọn cờ đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Kỳ Đồng- Nguyễn Văn Cầm với Khởi nghĩa Yên Thế, với Hoàng Hoa Thám và các nghĩa sĩ Yên Thế chính là một minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, ý chí kết tinh của tinh thần yêu nước của những người con đất Việt.

Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1875 tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cha ông là một nhà nho nghèo, sống bằng nghề dạy học. Do đó, Kỳ Đồng đã sớm được học chữ Nho và có tài ứng đối, lanh lợi nên đã được mệnh danh là “Kỳ Đồng”. Năm 8 tuổi, đi thi Hương ở Nam Định, đỗ loại ưu được vua ban học bổng nên tiếng tăm lại càng vang khắp. Thời kỳ đó, thực dân Pháp đã đánh chiếm Nam Định và các nơi trong nước, để tránh rắc rối, thực dân Pháp đã gửi Kỳ Đồng sang du học ở Angêrie. Sau 10 năm du học tại Alger (thủ đô của Angerie thuộc Pháp) từ năm 1887 đến 1896, được tiếp xúc với nền văn minh dân chủ Pháp quốc, với các nhân sỹ tiến bộ, đặc biệt qua các cuộc đàm luận với ông vua yêu nước Hàm Nghi đang bị lưu đày ở Algerie, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã âm thầm chuẩn bị và vạch hướng hoạt động đúng đắn cho mình khi trở về nước. Khi trở về nước, ông không làm công chức cho Pháp mà xin đi lập đồn điền khai hoang ở Yên Thế. Thực dân Pháp tuy chấp thuận đề nghị của Kỳ Đồng, nhưng biết ông là người có lòng yêu nước nên ngầm sai mật thám theo dõi ông từng bước.

Kỳ Đồng lên Yên Thế khai hoang, lập nên Thất diệu đồn điền, dân chúng từ đồng bằng đến trung du về theo Kỳ Đồng như một phong trào. Từ nông dân đến những người của phong trào Cần Vương, họ sẵn sàng bán cả gia tài, điền địa lên Yên Thế. Bố Hạ, chợ Suối Cấy theo Kỳ Đồng, điều này đã khiến thực dân Pháp đóng đồn ở Bố Hạ thường xuyên phải để mắt tới. Thời gian này, Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm) đã khéo léo và lặng lẽ chuẩn bị lực lượng, chiêu tập những người yêu nước, cùng chí hướng về chợ Kỳ- một địa danh kề sát Yên Thế-nơi thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám vẫn đang hoạt động, nhằm liên kết khởi binh khi thời cơ đến. Ông chủ trương xây dựng khu vực chợ Kỳ thành một “căn cứ trá hình”, cố gắng che mắt thực dân bằng cái vỏ “Đồn điền” hợp pháp, vừa làm nơi tích lũy lương thảo, liên lạc với các địa phương chỉ đạo phong trào ở đồng bằng, vừa bí mật liên kết với lực lượng của Hoàng Hoa Thám, Kỳ Đồng đã khéo léo xây dựng căn cứ Chợ Kỳ theo kiểu những “làng pháo đài”, tuy nhìn bề ngoài vẫn như những làng xóm bình thường nhưng cách tổ chức, sinh hoạt và lao động trong “đồn điền” rất chặt chẽ: Nghĩa quân bí mật canh gác, kiểm tra người lạ mặt, tập dượt cứu hoả, quy định mật hiệu báo động v.v...

Một số tài liệu của Pháp cho biết: Kỳ Đồng mở đồn điền không phải là mục đích chính, mục đích chính của ông là tìm cách bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám để giúp đỡ Hoàng Hoa Thám chống Pháp. Do đó, trong thời gian xây dựng đồn điền, Kỳ Đồng đã bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám và giúp Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế về người, tiền của và cả tinh thần. Trong hồi ký của Trung tá Pháp Pêrô có viết: Đề Thám và Kỳ Đồng thường hội kiến bí mật. Đề Thám còn cho quân thâm nhập các làng xóm mới lập trong đồn điền Chợ Kỳ (chợ Suối Cấy…). Sau một thời gian dài theo dõi hoạt động và thu thập nhiều tài liệu chứng tỏ tinh thần chống Pháp quyết liệt của Kỳ Đồng; “…chiều ngày 21/9/1897, được tin Kỳ Đồng và người nhà đang “tíu tít bận bịu giữa những kiện hàng dài bó chiếu, thò ra những báng súng xếp chéo nhau với nòng súng” tức thì Pêrô huy động ngay một trung đội kỵ binh và lính tráng hai đồn Nhã Nam và Bố Hạ đến Chợ Kỳ bắt Kỳ Đồng. Chúng còn thu được khá nhiều tiền bạc, đạn dược, truyền đơn, tuyên cáo, cả danh sách những người trong bộ máy nhà nước sau này và bộ máy tổng khởi nghĩa…” (Khởi nghĩa Yên Thế. Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần. Tr.245), sau đó chúng đày ông tới quần đảo Tahiti ở Thái Bình Dương cho tới lúc qua đời (17/7/1929). Ca ngợi ông, Pêrô đã viết: “…mềm mại như một cây trúc non…nói tiếng Pháp …không kém gì một dân Pari chính cống. Đó là một người An Nam tuyệt vời, một trong số những nhân vật đẹp đẽ nhất của nòi giống biết bao đặc thù tinh tế và sâu sắc…”(Pêrô- Những nẻo đường chiến trận. Pari 1908).

Kỳ Đồng sinh ở Thái Bình song vùng đất Yên Thế - Bắc Giang chính là nơi ông gắn bó mưu thành sự nghiệp và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Vậy điều gì đã thôi thúc một chàng trai mới hơn 20 tuổi đầu, có tư chất thông minh “Kỳ Đồng”, thần đồng, được đào tạo bài bản ở một môi trường có nền kinh tế, văn hóa phát triển như nước Pháp, có cơ hội để tiến thân, có một cuộc sống giàu sang, có địa vị lại lên một vùng đất lam sơn chướng khí, heo hút đầy hiểm trở như Yên Thế? Đó phải chăng chính là tinh thần yêu nước và ý chí của những người anh hùng cùng chí hướng hội tụ trên vùng đất thiêng Yên Thế?

Xin được khẳng định như vậy vì đây cũng là nhận định của rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong cả nước khi nhận định về mối quan hệ của Kỳ Đồng- Nguyễn Văn Cẩm và người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Khởi nghĩa Yên Thế có sức hút kỳ lạ với những danh sĩ và những người yêu nước trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trước hết đó chính là tinh thần yêu nước, yêu tự do của những con người không cam chịu kiếp nô lệ. Có rất nhiều nhà yêu nước đã lên với Yên Thế song chúng ta hãy nhìn nhận cách tiếp cận với Khởi nghĩa Yên Thế của Kỳ Đồng. Đó là một cách tiếp cận đầy khôn khéo của một người có trình độ, có tầm nhìn chiến lược, tài hoa; xin lập đồn điền, khai hoang, chiêu mộ dân chúng để chờ thời. Tiếp cận với Hoàng Hoa Thám để định hướng cho những luồng tư tưởng mới. Có thể nhận thấy, trong phong trào kháng Pháp của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, giai đoạn những năm 1892 - 1901, nghĩa quân đánh Pháp trên khắp núi rừng Yên Thế, với lối đánh du kích linh hoạt, đầy mưu trí bất ngờ gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề, buộc chúng phải ký với nghĩa quân Yên Thế về hoà hoãn từ 1894 - 1896, tạo tiền đề cho nghĩa quân xây dựng cơ sở ban đầu cho căn cứ Phồn Xương. Trong thời gian này, nhân dân cả nước đều hướng về phong trào khởi nghĩa Yên Thế, tiêu biểu nhất là những người theo Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm về Yên Thế tìm cách liên hệ với nghĩa quân để giúp phong trào khởi nghĩa tiếp tục phát triển. S định hướng và những luồng tư tưởng mới của Kỳ Đồng đó có tác động rất lớn đối với Hoàng Hoa Thám và các nghĩa sĩ Yên Thế, sau giai đoạn này, phong trào khởi nghĩa Yên Thế phát triển mở rộng cơ sở xuống đồng bằng và các tỉnh lân cận thuộc Bắc Kỳ. Thời kỳ này các sĩ phu yêu nước đều hướng về Phồn Xương trong đó có 2 nhà chí sĩ yêu nước tiêu biểu là: Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã từng đến Phồn Xương gặp Đề Thám bàn kế sách đánh Pháp, mặt khác Hoàng Hoa Thám cũng cho lực lượng nghĩa quân đi các tỉnh gây cơ sở và cho người tham gia vào vụ Hà Thành đầu độc 1908 gây tiếng vang lớn trong toàn quốc. Cũng trong thời kỳ này, từ trung tâm Phồn Xương, Hoàng Hoa Thám đã đích thân đến trung tâm Nhã Nam, phủ đường huyện Yên Thế đàm phán với thực dân Pháp và bè lũ tay sai mở ra cục diện đấu tranh chính trị và ngoại giao đã thu được phần thắng về cho nghĩa quân khiến cho thực dân Pháp vô cùng khiếp sợ.

2. Kỳ Đồng và những dấu ấn còn lại trên vùng đất Yên Thế - Bắc Giang

Chúng ta có thể nhận thấy, thời gian gắn kết của Kỳ Đồng- Nguyễn Văn Cẩm với Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế tuy ngắn ngủi và bị thực dân Pháp phát hiện, đàn áp song tư tưởng và dấu ấn của ông để lại với vùng đất Yên Thế - Bắc Giang thì rất sâu đậm cả về vật chất và tinh thần.

*Động Thiên Thai- Đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm

Động Thiên Thai cách thành phố Bắc Giang khoảng 35km về phía Tây Bắc, trước năm 1945 thuộc xã Đồng Kỳ, tổng Hương Vỹ, phủ Yên Thế,  nay thuộc xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Đây là một khu đồn điền lớn thuộc xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ ngày nay. Thất diệu đồn điền được bố trí tựa như 7 ngôi sao sáng của chòm sao Bắc Đẩu, gồm bảy khu (hay bảy trại), gồm: trại nhất, trại nhì, trại ba, trại tư, trại năm, trại sáu và khu Động Thiên Thai. Thiên Thai là nơi tiên thánh ở hay cõi tiên. Kỳ Đồng đặt ra tên gọi này nhằm đánh lạc hướng bè lũ thực dân, làm chúng nhầm tưởng ông đến đây chỉ để vui thú nhàn du với ảo ảnh linh dị thần bí, nhưng thực ra Thiên Thai là trung tâm và các trại quây quần quanh vùng, đồng thời có sự liên hệ chặt chẽ với nghĩa quân Yên Thế. Bảy trại này sắp xếp dọc 2 bên đường từ Đồng Kỳ đi Đồng Vương. Từ đây tới Phồn Xương- đại bản doanh của Đề Thám chừng 4 km. Động Thiên Thai xưa vốn chỉ là khu nhà tranh nhỏ bé được Kỳ Đồng xây dựng lên. Sau đó chính nhân dân lại biến nó thành đền thờ phụng Kỳ Đồng (sau khi ông mất). Đền ngoảnh hướng Nam, nằm ở Trại Nhất phía trước có đường liên xã, kề cạnh là đường tỉnh lộ 398 và tuyến đường sắt nối ngã tư Kép (huyện Lạng Giang) với tỉnh Thái Nguyên. Phía sau đền là dòng sông Sỏi chảy dọc theo hướng Tây Nam về Bố Hạ. Đền có bố cục theo kiểu chữ đinh (J), gồm toà tiền đường 5 gian và hậu cung 2 gian. Kết cấu khung chịu lực bằng gỗ, kiểu dáng kiến trúc khung mái đơn giản kiểu kẻ truyền, trụ giá chiêng được bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn cầu kỳ, phía trước hậu đường đắp nổi ba chữ Thiên Thai động, nền đền lát gạch vuông truyền thống, mái lợp ngói mũi. Cửa đền được xây cuốn hình vòm gồm 3 cửa, cửa giữa cao và to hơn cửa hai bên, cánh cửa được đóng bằng gỗ, kiểu bức bàn. Trong đền được bài trí tượng thờ và nhiều đồ thờ tự khác. Hằng năm, vào ngày 24/2 (âm lịch), nhân dân trong vùng và cán bộ xã Hồng Kỳ lại tưng bừng mở hội, dâng hương và tổ chức các hoạt động văn hóa để tưởng nhớ đến công trạng của ông.

Với ý nghĩa lịch sử như trên, động Thiên Thai là một trong 23 điểm di tích thuộc Hệ thống di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

* Mộc bản Động Thiên Thai- di sản về tư tưởng của Kỳ Đồng- Nguyễn Văn Cẩm.

Sau khi Kỳ Đồng mất, người đệ tử trung thành của ông là cụ Từ Kế Liêm đã đem các lời huấn truyền của Kỳ Đồng và các bài văn giáng bút của những người đồng chí chép thành hai quyển kinh và đặt tên là Thiên tổ cứu kiếp chân kinh/天祖救劫真經 Thành đạo thần kinh /成道神經 và rồi đứng ra hưng công tiền của cho khắc thành ván in, nhân bản, phát hành rộng rãi ở các tỉnh Bắc Kỳ. Xưa nay, nhiều người nhầm tưởng khi gọi hai bộ kinh trên đều là “Kinh Kỳ Đồng”. Khảo sát kỹ nội dung ván khắc động Thiên Thai chúng tôi xác định chỉ có Thiên tổ cứu kiếp chân kinh mới là tác phẩm của Ngọc Đình Kỳ Tiên (tức Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm), còn Thành đạo thần kinh thực chất là tập văn giáng bút của nhiều tác giả (trong đó có bài 01 của Kỳ Đồng). 

          Thiên tổ cứu kiếp chân kinh Thành đạo thần kinh được san khắc, in ấn nhân bản phát hành tại động Thiên Thai từ năm Ất Dậu 1945 và từ đó đến năm 2001 vẫn được tàng bản tại động Thiên Thai. Tuy nhiên, do chiến tranh và tác động của thời gian nên bản khắc in hai bộ kinh đã bị xâm hại, thất lạc một số ít. Được sự đồng ý của chính quyền, nhân dân địa phương và cơ quan chức năng, năm 2001, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã kiểm kê và đưa toàn bộ ván in tàng lưu ở động Thiên Thai về Bảo tàng tỉnh để quản lý, trưng bày, phát huy giá trị của văn vật.

          Số mộc bản đưa về Bảo tàng tỉnh có tổng số 48 đơn vị ván khắc, trong đó ván khắc của hai bộ Thành đạo thần kinhThiên tổ cứu kiếp chân kinh có 22 mảnh ván khắc, còn lại 24 ván là bản khắc Thiên đế cung linh từ /天帝宫靈祠 và 01 ván khắc phôi in sớ tấu của bản động.

Ván khắc ở động Thiên Thai được khắc trên gỗ thị (có một vài ván khắc bằng gỗ thừng mực). Tùy từng kinh/sách mà kích thước ván khắc động Thiên Thai có kích thước khác nhau. Và ngay trong cùng bộ cũng có kích cỡ chênh lệch ít nhiều.

Bộ ván khắc Thành đạo thần kinh/ 成道神經 có hình khối chữ nhật kích cỡ dài, rộng, dày trung bình là 31,5cm x 20,5cm x 2,5cm; ván khắc kinh này được khắc theo kiểu truyền thống có đủ biên lan, bản tâm, ngư vĩ. Biên lan là hai đường chỉ ngoài đậm, trong mảnh. Thượng hạ bản tâm là ngư vĩ. Thượng ngư vĩ khắc tên kinh, hạ ngư vĩ khắc thứ tự trang sách. Bản tâm là khung rộng ở giữa trang nhưng để trơn không khắc chữ. Sách in có 28 trang gấp (54 trang đơn), tương đương với 28 mặt ván khắc (14 ván khắc hai mặt). Sưu tập ván khắc hiện tàng bản tại Bảo tàng tỉnh còn 11 mảnh ván khắc bộ kinh này. Ván được khắc bằng chữ Nôm trên hai mặt, chữ đồng dạng kiểu chân phương. Hiện một số ván khắc bị cong vênh, có ván bị cháy xém cạnh, nhưng nét chữ còn sắc, chất lượng ván in còn khá tốt. Mộc bản Thành đạo thần kinh hiện đã bị mất ván khắc trang đầu sách, nhưng theo bản in trên giấy, trang đầu kinh có nội dung như sau: “Thành đạo thần kinh. Tàng bản tại Bắc Giang tỉnh, Yên Thế phủ, Hương Vĩ tổng, Đồng Kỳ xã. Thiên vận Ất Dậu niên, thập nhất nguyệt, vọng nhật giáng trước. Thiên Thai động, Thích tử Từ Liêm kế phụng san /成道神經.藏板在北江省安世府香洧 , 童奇社,天運乙酉年十一

月望日降著 . 天台峒 . 釋子徐廉繼奉刊- Kinh Thành đạo thần. Tàng bản tại xã Kỳ Đồng, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. (Bản khắc) hoàn thành vào ngày Rằm tháng 11 năm Ất dậu (1945). Thích tử (đệ tử đạo Thích) là Từ Liêm kế (?) phụng khắc. Thành đạo thần kinh là tuyển tập gồm 27 bài văn giáng bút chữ Nôm của các bậc tiên thiên, thánh thần (trong đó có tác phẩm của Kỳ Đồng). Cũng có thể xem đó là 27 bài thơ vịnh sử, vịnh cảnh và những lời ca mang ý nghĩa giáo huấn của người xưa trong các mối quan hệ vua tôi, cha con, bè bạn, láng giềng, tộc họ…và những khuyên răn không tham lam của cải, không ham mê rượu chè, hút hít bê tha.

Bộ ván khắc Thiên tổ cứu kiếp chân kinh /天祖救劫真經 có hình dạng, kích thước, trang trí tương đồng với ván khắc Thành đạo thần kinh nhưng số lượng ván khắc có 26 mảnh ván (ít hơn Thành đạo thần kinh 02 mảnh). Khi in ra giấy, toàn bộ Thiên tổ cứu kiếp chân kinh có 26 trang gấp, tương đương 54 trang đơn. Trong đó, 13 trang đầu (tính theo trang gấp) được khắc bằng chữ Hán là phần kinh của Thiên tổ cứu kiếp chân kinh. Những trang còn lại (13 trang gấp) là nội dung Thiên tổ tứ ca /天祖賜歌 (tức Bài ca được Thiên tổ ban) được khắc hoàn toàn bằng chữ Nôm. Cả hai nội dung khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm này gộp thành Kinh Kỳ Đồng. Hiện tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang còn 11 mảnh ván khắc bộ kinh Thiên tổ cứu kiếp chân kinh.

Ngoài ván khắc của hai bộ kinh trên, trong sưu tập mộc bản động Thiên Thai còn có 24 ván khắc Thiên đế cung linh từ và 01 ván khắc phôi in sớ tấu của bản động. Thiên đế cung linh từ (Đền thiêng cung Linh Đế) có số lượng hơn chục mảnh, có kích cỡ 26,5cm x 16,5cm x 2,5cm. Mỗi ván khắc đều khắc chữ Hán trên hai mặt. Bản khắc không có bản tâm, ngư vĩ. Biên lan khắc đường chỉ đơn đậm nét. Chữ khắc kiểu chân phương, đẹp dễ đọc. Những mộc bản này không có lạc khoản, nhưng căn cứ kiểu chữ, kỹ thuật khắc bản, chúng tôi đoán định bộ ván in Thiên đế cung linh từ được khắc vào cuối thế kỷ XIX. Bộ ván in sách này thiếu rất nhiều nên khó xác định chính xác nội dung. Những mảnh ván còn lại cho biết một phần nội dung như cuốn lịch để xem ngày giờ tốt xấu trong việc cúng bái, tế lễ, cầu lộc, cầu tài…

Bộ sưu tập Mộc bản động Thiên Thai được xem là sưu tập mộc bản được san khắc muộn nhất trước khi nghề khắc in mộc bản Việt Nam cáo chung, lụi tàn vào những năm sau đó. Những mộc bản này cho thấy sự tinh tế, tài khéo của nghệ nhân dân gian làm nghề khắc bản in Việt Nam trong những năm giữa thế kỷ XX. Mộc bản ở đây được san khắc bằng chữ Nôm ở thời kỳ muộn (giữa thế kỷ XX) cho nên rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự của người Việt thời kỳ này. Đặc biệt đây là bản gốc, độc bản, đảm bảo tính xác thực, là những tác phẩm của Kỳ Đồng- Nguyễn Văn Cẩm và những người đồng chí của ông hàm chứa nội dung yêu nước, lòng nhân ái của con người nên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Để tưởng nhớ và ghi danh công lao của ông với dân, với nước, trong nhiều năm qua nhiều hình thức vinh danh, tri ân đã được thực hiện. Trước hết là ở Thái Bình trên quê hương của ông đã có xã, đường phố ở thành phố Thái Bình mang tên ông. Đền thờ ông đã được xây dựng.

Ở Bắc Giang, nhân dân vùng Yên Thế đã dựng đền để thờ ông, mở hội để tưởng nhớ ông, có đường phố ở thị trấn Cầu Gồ (huyện Yên Thế) và thành phố Bắc Giang mang tên ông. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có địa danh, có trường, có đường mang tên ông. Các di vật gắn với công trạng của ông còn (kinh, sách, tài liệu, hiện vật ) được sưu tầm gìn giữ để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Đỗ Tuấn Khoa

* Tài liệu tham khảo:

1. Khởi nghĩa Yên Thế -  Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần-  Sở VHTT Bắc Giang, Hội KHLS Việt Nam . 1997;

       2. Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế -  Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang. Nhà xuất bản Thông tấn. 2012;

       3. Hiện vật tiêu biểu Bảo tàng tỉnh Bắc Giang-Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Nhà xuất bản Thông tấn. 2015;

 

 

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,217
Tổng số trong ngày: 3,701
Tổng số trong tuần: 5,613
Tổng số trong tháng: 83,159
Tổng số trong năm: 501,653
Tổng số truy cập: 3,076,146