Mai Sưu - Trung tâm huấn luyện quân thời đánh Mỹ

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nói chính xác hơn, thì khu Tứ Sơn mới thực sự là trung tâm huấn luyện quân cho chiến trường đánh Mỹ, từ năm  1968 đến năm 1975. Đó là tên gọi tượng trưng cho cả bốn xã vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn của huyện Lục Nam, gồm: Bắc Sơn, Bình Sơn, Lục Sơn và Trường Sơn. Riêng xã Bắc Sơn sau này đổi tên thành xã Vô Tranh, tên gọi ấy lấy từ tên xã cũ từ thời phong kiến. Còn Mai Sưu là tên xã cũng thuộc tổng Vô Tranh xưa, nhưng ở đây có chợ, trung tâm buôn bán giao lưu hàng hoá giữa hai miền xuôi ngược từ lâu đời, cho nên khách vãng lai, những người xa xứ đều quen thân và tự hào với tên gọi Mai Sưu, khi nhắc đến cả vùng quê “Tứ Sơn”.

Địa danh Mai Sưu không chỉ đi vào trái tim những người lính Cụ Hồ trên chiến trường đánh Mỹ, trước đó, trong thời kỳ chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân/đế quốc Pháp xâm lược (1945- 1954), Mai Sưu đã trở thành vùng tự do nuôi dưỡng, che chở cho nhiều đơn vị bộ đội kháng chiến, như: Liên tỉnh Quảng Hồng, Trung đoàn 98 nổi danh với tên tuổi Mạnh Hùng (Trung đoàn trưởng) mà giặc Pháp từng mệnh danh là “hổ xám vùng Đông Bắc”; Tiểu đoàn Độc Lập, đơn vị bộ đội địa phương được thành lập chuyên thực hiện nhiệm vụ tiễu phỉ ở vùng Đông Bắc tổ quốc. Núi rừng Mai Sưu không chỉ “nuôi bộ đội, vây quân thù” mà còn chở che nuôi dưỡng hàng triệu đồng bào từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương…tản cư, hàng nghìn giảng viên, sinh viên đại học sơ tán về đây học tập trong haicuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Vì vậy, Mai Sưu là điểm hẹn, điểm nhớ của biết bao con người đã vì cuộc trường chinh cứu nước mà đến đây. Còn với hàng vạn người lính thời đánh Mỹ thì Mai Sưu là vành nôi thứ hai, là tấm chăn ấm áp tình thương sưởi ấm tinh thần cho họ trong thời gian luyện rèn gian khổ, để có hành trang vào cuộc trường chinh giữ nước. Mai Sưu còn là điểm nhớ trên những trang thư hay những lần đưa tiễn của người lính trung đoàn 568.

Qua hơn ba mươi năm, nên hiện vật, tư liệu, hình ảnh các anh chẳng để lại gì đáng kể, nhưng nghĩa tình sâu nặng của các anh với đồng bào nơi đây thì mãi mãi không thể phai mờ. Chiến tranh đã lùi xa, khí hậu và thời gian nghiệt ngã đã bao phủ làm mờ đi dấu tích, nhưng thế hệ sau, những người làm công tác tìm về quá khứ hào hùng của các anh, để khơi dậy không khí sục sôi và những chiến tích chói ngời mà những người lính Trung đoàn 568 lập nên.

Xin ngược dòng thời gian tìm về với lịch sử Trung đoàn. Đơn vị được thành lập trên chính miền đất này vào tháng 5 năm 1968. Tiền thân là Trung đoàn 6, Sư đoàn 330 thuộc quân khu Tả Ngạn, đóng quân tại Nước Vàng, xã Lục Sơn. Việc thành lập Trung đoàn chứa đựng ý nghĩa đặc biệt. Sau tết Mậu Thân 1968 trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta vẫn trên đà thắng lớn và chủ động tấn công địch. Khẩu hiệu “tất cả cho chiến trường đánh Mỹ” vẫn luôn thôi thúc giục giã hậu phương... Trong hoàn cảnh ấy, Sư đoàn 330 được lệnh vào tiền phương chi viện cho chiến trường, riêng Trung đoàn 6 để lại Ban chỉ huy Trung đoàn, cán bộ khung và một đại đội, để thành lập đơn vị mới. Trung đoàn 568 thành lập với nhiệm vụ hết sức thiêng liêng cao cả, nhưng đầy khó khăn thử thách: Phòng thủ tuyến đường 173, án ngữ bảo vệ miền Đông Bắc tổ quốc, và khó khăn hơn, thiêng liêng hơn là huấn luyện quân, trực tiếp đưa quân vào chiến trường chi viện cho các mặt trận.

Khi mới thành lập, do điều kiện vật chất khó khăn, và để đảm bảo tính bí mật cơ động, nên các doanh trại chỉ là nhà tranh vách đất, núp dưới những tán rừng xanh và một phần ở nhờ trong nhà dân quanh vùng. Trung đoàn đón quân ở Hòn Miếu thôn Đồng Giàng, xã Bình Sơn. Còn đơn vị hậu cần và các đơn vị trực thuộc đóng quân ở 3 xã Trường Sơn, Bình Sơn, Lục Sơn. Xuất phát từ nhiệm vụ cao cả như vậy nên không bao lâu, đơn vị đã ổn định và tiến hành tuyển quân huấn luyện tân binh và trực tiếp đưa bộ đội vào các chiến trường đánh Mỹ, đồng thời giúp chính quyền và nhân dân địa phương giữ gìn trật tự trị an, bảo đảm an toàn bí mật quân sự.

 Năm 1970 Trung đoàn đã lớn mạnh và mở rộng tuyển quân trên cả khu vực, như: Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... Và địa bàn thao trường huấn luyện tân binh cũng mở rộng cả khu vực Tứ Sơn và xã Tân Mộc của huyện Lục Ngạn.

 Năm 1972 ,đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, nên Xí nghiệp dược phẩm trung ương III chuyển về Hà Nội, đã bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất nhà xưởng ở Cầu Dầy (Trường Sơn) cho Trung đoàn 568. Từ đó, Trung đoàn bộ đóng ở đây, còn các đơn vị trực thuộc, huấn luyện đóng rải rác trên các thao trường lớn, như: Trại Lán, Cầu Dầy, Ao Vè, Trại Mạ (xã Vô Tranh); Đồng Giàng, Bãi Cả, Đồng Đỉnh, Chẽ Mơ, Đồng Sung, Cầu Bình, Đồng Rùa (xã Bình Sơn); Suối Tanh, Đồng Vành, Bến Mộng (xã Lục Sơn); Tân Mộc, Bãi Còng, Bãi Tía, Ngựa Lồng (xã Tân Mộc). Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị, BCH Trung đoàn đã bố trí các đơn vị trực thuộc trên các địa điểm hợp lý. Đơn vị quân y đóng tại Đồng Đỉnh. Đơn vị cải tạo lính thu dung đóng tại Trại Mạ. Nhà khách, nơi đón tiếp khách và bộ đội vào chiến trường ở Đồng Rùa, xã Bình Sơn. Đơn vị hậu cần ở Bãi Cả. Trường huấn luyện cán bộ hạ sỹ quan ở Tân Mộc. Kho vũ khí  ở Ngựa Lồng, Đồng Hiệu...

 Thông thường mỗi khóa huấn luyện tân binh thường 3-6 tháng, nhưng khi tổng động viên mỗi khóa chỉ huấn luyện được 1 tháng, thậm chí có khóa chỉ 15 ngày rồi lại lên đường vào chiến trường vừa hành quân vừa tập luyện. Hết khóa này đến khóa khác, chính quyền và đồng bào địa phương đón các anh bộ đội rồi lại lưu luyến tiễn đưa. Dù đồng bào ưu ái nhưng chiến trường giục giã, trùng trùng lớp lớp các anh vẫn hăng hái lên đường vào tiền phương đánh Mỹ. Gặp gỡ các chiến sỹ Trung đoàn 568 năm xưa thì được biết: đơn vị các anh là đơn vị đặc biệt chỉ huấn luyện bộ binh nên phiên chế cũng có khác biệt. Năm 1972 là thời kỳ cao điểm nhất Trung đoàn huấn luyện đến 9 tiểu đoàn tân binh (mỗi tiểu đoàn 300 chiến sỹ). Thế mà qua gần chục năm  với hàng chục khóa huấn luyện thì số lượng bộ đội trên chiến trường từng qua đây lên tới hàng chục vạn. Trung đoàn 568 thật xứng đáng là “Lò huấn luyện quân thời chống Mỹ” mà nhân dân tin yêu dành cho. Đảm bảo nhiệm vụ huấn luyện, giữ gìn trị an khu vực, Trung đoàn còn giúp chính quyền và nhân dân nơi đóng quân nhiều việc làm có ý nghĩa tác dụng thiết thực như: xây dựng đơn vị dân quân du kích vững mạnh toàn diện. Nhiều đơn vị dân quân 10 năm liền dành Cờ quyết thắng đều có công lao to lớn của cán bộ Trung đoàn. Nhiều đoàn thể, đội sản xuất thôn xóm kết nghĩa với các đơn vị tạo mối đoàn kết gắn bó, giúp nhau phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngày ấy Mai Sưu là vùng rẻo cao đồng bào dân tộc dân trí còn thấp, chính những hoạt động văn hóa văn nghệ lành mạnh của bộ đội đã nâng cao dân trí, nhận thức cho đồng bào. Bộ đội còn giúp dân xây dựng nhiều công trình phúc lợi như: trường học, bệnh xá, đường giao thông, các công trình thủy lợi... Gần chục năm đóng quân trên địa bàn nghĩa tính quân dân ngày càng được gắn bó hơn. Tin yêu bộ đội nhân dân không ngần ngại cho con em mình tòng quân huấn luyện tại đơn vị. Suốt thời gian ấy Mai Sưu có hàng nghìn thanh nên huấn luyện tại đây. Riêng xã Bình Sơn từ 1968 đến 1972 có 300 thanh niên tòng quân thì có 200 chiến sỹ huấn luyện ở E568. Những tên tuổi như Phạm Đình Nguyệt (Trung đoàn trưởng), Đào Ngọc Xới, Phạm Hồng, Giáp Văn Khương mãi mãi được nhân dân mến phục bởi tấm lòng nhiệt tình tận tụy vì nhân dân. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đơn vị nhiều lần được các cấp khen thưởng về thành tích xuất sắc trong huấn luyện. Nhiều người đã trở thành Anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam, dũng sỹ diệt Mỹ. Và đến hôm nay trên mặt trận xây dựng đất nước, các anh vẫn là những người mang lại niềm  tin, niềm tự hào về truyền thống Trung đoàn 568...

Thế hệ các anh qua những tháng năm gian khổ trên chiến trường có nghiều người đã hy sinh. Có những người từ chiến trường trở về các anh vẫn quyến luyến miền đất Mai Sưu, chiếc nôi thời quân ngũ.

Ấn tượng sâu sắc nhất, đẹp đẽ nhất đã đi vào trái tim đồng bào và trong trái tim những người lính là hình ảnh những người mẹ, người chị lưu luyến bịn rịn tiễn đưa lớp lớp bộ đội vào chiến trường đánh Mỹ. Và chắc chắn các anh còn nhớ Đèo Me chính là địa điểm thương yêu và thiêng liêng ấy.

Cảm ơn các anh những người lính Trung đoàn 568 năm xưa, cảm ơn những người mẹ, người chị Mai Sưu đã dành tình thương sưởi ấm tinh thần những người lính để họ xông pha vào chiến trường diệt Mỹ.

Cảm ơn núi rừng Mai Sưu đã che chở bom thù để các anh yên tâm luyện rèn có hành trang vào cuộc chiến tranh giữ nước.

Với những ý nghĩa đó năm 1998, UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp Bằng công nhận di tích lịch sử và sau đó đã tiến hành dựng bia kỷ niệm trên mảnh đất Mai Sưu.

Năm 2009, Tỉnh Quảng Ninh xây dựng nhà bia kỷ niệm tại Đồng Vành

Những năm gần đây, trong tình hình đất nước đổi mới, đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao, các cán bộ chiến sĩ chống Pháp, chống Mỹ năm xưa đã tổ chức nhiều đoàn về thăm Mai Sưu

Cùng với những danh thắng, sản vật ở địa phương, Mai Sưu hứa hẹn sẽ trở thành địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn của huyện Lục Nam.

Quang Đại

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5,225
Tổng số trong ngày: 567
Tổng số trong tuần: 8,215
Tổng số trong tháng: 50,765
Tổng số trong năm: 304,705
Tổng số truy cập: 2,879,198