Thời trang khơi nguồn cảm hứng cho du lịch vải thiều

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Vấn đề phát triển du lịch mùa vải trên đất Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được bàn từ lâu trước song phải đến năm nay với những ý tưởng độc đáo, sáng tạo của một số doanh nghiệp kết hợp với hợp tác xã nên có thể nói đã thực sự tạo ra được những nét mới và sức lan tỏa mạnh mẽ.

Ý tưởng sáo tạo

Mùa thu hoạch vải thiều đang bước vào chính vụ, những ngày này lên Lục Ngạn ai cũng cảm thấy choáng ngợp bởi không gian tràn ngập màu đỏ của vải chín trên những vườn đồi, đường quê, khu phố. Với chủ đề “Lục Ngạn mùa vải chín”, địa phương kỳ vọng sẽ đón khoảng 100 nghìn lượt khách, tạo ra điểm nhấn trong phát triển du lịch. Trong đó trọng tâm là tổ chức các tour du lịch trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng cao.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật tại thôn Chão, xã Giáp Sơn

“Nổ phát súng” đầu tiên trong chuỗi các hoạt động thu hút phát triển du lịch mùa vải thiều năm nay là show trình diễn thời trang mang tên The Art Of Lychee ngay giữa vườn vải với quy mô lớn do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) cùng HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Giáp Sơn tại thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) phối hợp tổ chức. Chương trình thu hút đông đảo người mẫu, ca sĩ, du khách trong và ngoài nước tham gia như siêu mẫu Hà Anh, Đan Tiên, người mẫu Dylan Nguyễn, Nguyễn Bảo Sơn, mẫu tây Yang Iryna và nhiều gương mặt trẻ triển vọng khác. Hơn hai nghìn khán giả, du khách và nhân dân địa phương đã có mặt để cổ vũ. Bằng việc phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội, sự kiện đã góp phần lan tỏa rộng rãi và nâng tầm thương hiệu vải thiều Bắc Giang cũng như mời gọi du khách về với vùng đất này.

Điểm đặc biệt của sự kiện đó là từ sân khấu, sàn diễn, không gian đến chất liệu, màu sắc của những bộ trang phục đều được được lấy cảm hứng từ vải thiều và văn hóa, con người Lục Ngạn. Ta có thể nhận ra gam màu nâu trầm đặc trưng của bộ trang phục dân tộc người Sán Dìu ở xã Quý Sơn, những màu đỏ tươi của sắc vải thiều chín lấp ló sau những tầng lá… Với 28 bộ trang phục lấy cảm hứng từ vải thiều, vùng đất, con người Bắc Giang do những nhà thiết kế trẻ tài năng thực hiện. Sắc đỏ của trái vải hoà cùng sắc xanh của núi rừng đã tạo nên một bộ trang phục vừa hài hoà về màu sắc vừa mang nhiều lớp lang ý nghĩa. Đơn cử như bộ trang phục Vedett nặng tới 15 kg, được lấy ý tưởng từ hình ảnh đặc trưng của miền núi phía Bắc Việt Nam với những ruộng bậc thang tuyệt đẹp và không thể thiếu vườn vải của mảnh đất Bắc Giang, cùng hình ảnh người nông dân cần cù chịu khó. Khán giả cũng được chiêm ngưỡng nhiều bộ trang phục độc đáo khác như váy cô dâu được làm hoàn toàn bằng những quả vải tươi hay những trang phục hiện đại với sắc đỏ, xanh chủ đạo…

Chị Nguyễn Thị Tuyết, đơn vị tổ chức tour du lịch cho biết: "Tôi sinh ra, lớn lên ở Bắc Giang và đã từng được thưởng thức những trái vải ở Mexico, Úc, Trung Quốc nhưng hiếm nơi nào có được hương vị thơm ngon như vải thiều Lục Ngạn. Ở nước ngoài, họ đã rất thành công phát triển các tour thăm vườn nho, cherry... Nhận thấy tiềm năng ở Lục Ngạn rất lớn, tôi ấp ủ giấc mơ thực hiện tour du lịch vườn vải thiều để giới thiệu loại đặc sản này đi xa hơn nữa”. Sở dĩ Công ty Phúc Lâm chọn HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Giáp Sơn để phát triển du lịch bởi đây là nơi có vườn cây ăn quả rộng được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu... Đặc biệt chủ vườn có bí quyết cho quả vải mọc ra rừ thân cây vô cùng độc đáo. Trước đó, khi vải nở hoa đơn vị lữ hành này đã từng đưa khách ở Hà Nội tới đây, du khách thỏa thích ngắm mùa hoa vải thiều nở rộ, dựng lều cắm trại dưới tán cây, ngoài thăm vườn, chụp ảnh, du khách trải nghiệm thu hoạch mật ong nguyên chất, có 14 cây vải đã được khách ở các nơi mua với giá hơn 10 triệu đồng/cây để khi vải chín sẽ lên thu hoạch. Đây cũng là nét mới trong du lịch tại Lục Ngạn.

Rất nhiều lời khen ngợi của khán giả, du khách dành cho hoạt động này. Nhân chuyến thăm và làm việc tại Lục Ngạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã thăm vườn vải và chứng kiến chương trình, ông đã vô cùng bất ngờ, biểu dương cách làm sáng tạo của HTX và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết: “Làm du lịch nông nghiệp là bán cảm xúc, khi đó giá trị sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Lục Ngạn là nơi có nhiều hoa thơm, quả ngọt, rất thích hợp kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch. Địa phương đã khai phá ra con đường ấy, do đó cần tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng”.

Khẳng định làm du lịch miệt vườn sẽ giúp thay đổi tư duy nông nghiệp của nông dân, mang sự năng động, văn minh của đô thị về với làng quê và ngược lại sẽ giúp du khách được trải nghiệm thiên nhiên, tạo ra được nhiều cảm xúc, giá trị hơn. Nói với chủ vườn vải Trần Văn Hành tại thôn Chão, Bộ trưởng ví von “bán vải không giàu, bán luôn ông bán vải mới giàu, người nông dân dám tự tin đứng  giữa đám đông để giới thiệu về quy trình sản xuất, làm hướng dẫn viên phục vụ khách sẽ mang lại giá trị cao hơn - ấy chẳng phải là “bán mình hay sao?”. Qua đây ông đề nghị địa phương, doanh nghiệp và người dân cần quan tâm hơn nữa đến các quy trình sản xuất vải thiều đạt chất lượng cao, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm du lịch cho nông dân cũng như đội ngũ làm du lịch địa phương, tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm, hàng hóa phù hợp, nhỏ gọn đáp ứng yêu cầu của du khách.

Cảm nhận đồi núi Lục Ngạn hôm đó tràn ngập những cánh bướm dập dờn bay lượn, Bộ trưởng liên hệ ngay đến hiệu ứng cánh bướm trong kinh tế học. “Những cánh bướm nhỏ bé, mỏng manh kia nó quạt rất nhẹ, nhưng nó có thể cộng hưởng để gây ra những cơn bão lớn. Tương tự, làm du lịch nông nghiệp cũng vậy, ban đầu chỉ là những đốm sáng nhỏ ở thôn Chão, rồi làm tốt sẽ được nhân rộng, phát triển mạnh mẽ hơn và chúng ta cần phải xem đây là một xu hướng của nền kinh trế nông nghiệp trong tương lai”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nhiều HTX trồng vải tham gia làm du lịch

Lục Ngạn được biết đến là “vựa” cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, trong đó vải thiều là cây chủ lực có thương hiệu từ lâu. Năm 2023 diện tích vải thiều toàn huyện là hơn 17 nghìn ha, sản lượng khoảng 98 nghìn tấn. Hiện nay phần lớn người dân Lục Ngạn chăm sóc cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Người dân địa phương tham gia cùng chương trình

Trên địa bàn huyện có gần 20 HTX sản xuất vải kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch. Trước mùa vải chín, Lục Ngạn đã khảo sát, lựa chọn điểm du lịch, HTX, nhà vườn có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP có diện tích lớn, vườn quả sai, đi lại thuận tiện; chủ nhà thân thiện, nhiệt tình. Trong đó tập trung vào các xã có nhiều nhà vườn đẹp như: Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương, Trù Hựu, Phượng Sơn… Một số đơn vị từng đón tiếp và tổ chức nhiều sự kiện như: HTX dịch vụ du lịch văn hóa Đông Bắc (thị trấn Chũ), HTX Nông sản sạch Bình Nguyên và HTX Du lịch Đồng Dao (xã Quý Sơn),  HTX Sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải (xã Thanh Hải), HTX Lục Ngạn xanh (xã Đồng Cốc)… Thời điểm này, các HTX đã hoàn thiện nhiều hạng mục cơ sở vật chất đón tiếp khách và đang tích cực quảng bá, liên kết với các nhà vườn, công ty lữ hành đưa khách đến.

Chị Trương Thị Bẩy, Giám đốc HTX cho hay: “HTX trồng theo quy trình GlobalGAP với sản lượng khoảng 30 tấn, dịp này tiếp tục được chọn là một trong những điểm đến trong hành trình tham quan, khám phá mùa vải thiều. Ý thức được việc kết hợp sản xuất gắn với làm du lịch, chúng tôi sẽ tận tình làm hướng dẫn viên phục vụ ăn uống tại chỗ. Để du khách thoải mái dạo chơi trong vườn, đơn vị lữ hành đã hỗ trợ HTX xây dựng các chòi nghỉ chân, bàn ghế và lắp đặt dàn phun sương chạy quanh vườn để khách bớt cảm thấy nóng bức khi thăm thú vườn đồi”. Theo tour du lịch được thiết kế, chỉ với 100 nghìn đồng khi mua vé trực tiếp tại vườn, du khách có thể tham gia trải nghiệm vườn vải, tự do ăn vải thỏa thích, tham quan, trải nghiệm những hoạt động thú vị và lưu giữ kỷ niệm tại nhiều góc đẹp. Ngoài ra còn có tour trải nghiệm hái vải ban đêm với giá 500 nghìn đồng, khách sẽ được ăn “buffet vải”, ăn tối cùng các bác nông dân và nghỉ qua đêm tại nhà dân.  

Chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay,  HTX Nông sản sạch Bình Nguyên đã kết nối một số đơn vị lữ hành tại Hà Nội và TP Bắc Giang và lên lịch đưa khách đến nhà vườn. Bên cạnh các nhà chòi, vườn hoa, cây cảnh được đầu tư chăm sóc trước đây, HTX vừa xây dựng thêm nhà cộng đồng rộng rãi làm nơi tổ chức các sự kiện sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, đồng thời tuyển thêm đầu bếp, nhân viên phục vụ.  Còn  HTX Du lịch tổng hợp Sơn Hải đã chủ động xây dựng lịch trình tham quan của khách, tổ chức quay clip, chụp ảnh đăng bài lên mạng xã hội và đã nhận được nhiều hợp đồng phục vụ cả khách trong và ngoài tỉnh. Theo đó sau khi tham quan, trải nghiệm vườn vải tại xã Thanh Hải, mọi người sẽ di chuyển bằng thuyền ra đảo nổi trên hồ Cấm Sơn để ăn nghỉ tại đây với các món ăn dân dã như cá hồ, gà đồi, thịt nướng, canh chua... Một số đơn vị lữ hành cũng như đoàn khách lẻ đã đăng ký sử dụng dịch vụ.

Năm nay lần đầu tiên địa phương tổ chức chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” tại điểm du lịch Bầu Tiên (xã Quý Sơn) với nhiều hoạt động mới như tổ chức thi hái, bó và đóng vải, chế biến, trưng bày các sản phẩm, món ăn, đồ uống từ vải, kết hợp trưng bày các sản phẩm đặc trưng để du khách tham quan, thưởng thức. Cơ quan chức năng của huyện đã thành lập các tổ hướng dẫn viên, thuyết minh viên am hiểu lịch sử vùng đất, con người và quy trình sản xuất vải để giới thiệu đến khách du lịch. Tuyên truyền đến cán bộ, công chức và nhân dân về lợi ích của du lịch trong phát triển kinh tế và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Yêu cầu thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, thân thiện. Các nhà vườn thu phí rõ ràng, bán hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, quét dọn vườn đồi sạch đẹp, bố trí bàn ghế, mắc võng để du khách thư giãn…

 Nguyễn  Hưởng 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,743
Tổng số trong ngày: 6,872
Tổng số trong tuần: 6,871
Tổng số trong tháng: 145,339
Tổng số trong năm: 399,279
Tổng số truy cập: 2,973,772