|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Về đề tài “Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc” ở Bắc Giang

Nguyễn Đình Bưu

Trong 10 năm qua (2001 - 2010) ở tỉnh Bắc Giang nổi lên đề tài "Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc". Đây là một đề tài hấp dẫn vì nếu chứng minh một cách khoa học, có sức thuyết phục thì cải chính được sự tồn tại lâu nay cho rằng Vũ Thành là vị tướng đánh giặc Nguyên Mông thời Trần. Và tất nhiên một khi Vũ Thành chính là Thân Cảnh Phúc thì có thể đổi tên Vũ Thành thành Thân Cảnh Phúc, vị tướng đánh giặc Tống thời Lý. Đề tài lại có ý nghĩa hệ trọng vì liên quan đến vị thành hoàng của nhiều làng thuộc các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang với các thần tích, sắc phong, nơi thờ tự từ xa xưa lại đây.

1 - Vậy hãy điểm các sách báo địa phương đề cập tới suốt 10 năm qua như thế nào?

- Năm 2001, sách Di tích Bắc Giang do Nguyên Xuân Cần chủ biên. Bảo tàng Bắc Giang xuất bản, có bài Đền Hả của Nguyễn Xuân Cần viết. Có thể nói đây là một thông báo chính thức Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc tức Vũ Thành trở thành vị tướng đánh giặc Tống thời Lý. Bài viết đã nhắc đi nhắc lại Đền Hả thờ Vũ Thành, trong đền có tượng cùng một số đồ thờ, đồ rước và một bản thần tích, 21 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến mà niên đại sớm nhất bắt đầu từ niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức là khoảng 1705 - 1719). Nay phát hiện một bài văn cúng nhắc đến các vị thần thờ ở đền, tác giả không phân tích bài văn cúng, chỉ đơn thuần nêu tên các vị được thờ qua văn cúng rồi so sánh với tư liệu một số nhân vật thời Lý ghi ở sách Việt sử lược (sách thời Trần) để khẳng định Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc, lý do rất đơn giản.

- Năm 2002, tập Từ điển (Nguyễn Quang Ân và Nguyễn Xuân Cần chủ biên) thuộc bộ Địa chí Bắc Giang do Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang xuất bản. Ở các mục từ Cầu Từ (đền), Hả Hộ (xã), Thái Đào (đình) chỉ nói thờ Vũ Thành; còn mục từ Hả Hộ (đền) nói rõ thành hoàng là Vũ Thành nhưng qua tài liệu còn lại ở đền (không cho biết nội dung tài liệu nào) thì Vũ Thành chính là Thân Cảnh Phúc; mục từ Thân Cảnh Phúc nói "có khả năng là Vũ Thành"; mục từ Vũ Thành viết cụ thể "Bảo tàng Bắc Giang căn cứ vào tài liệu ở đền Hả khẳng định phò mã Vũ Thành là phò mã Thân Cảnh Phúc triều Lý" (cũng không cho biết nội dung tài liệu nào). Đặc biệt ở mục từ Nội Bàng viết khác hẳn, cho đây là nơi diễn ra các trận đánh trong kháng chiến chống Nguyên Mông đời nhà Trần và viết rõ là ngày 1/2/1288 Vũ Thành đánh giặc ở đây. Tóm lại, qua các mục từ kể trên cho thấy các nhà nghiên cứu biên soạn khác nhau, sách xuất bản phát hành đầu năm 2002 nhưng yêu cầu biên soạn sửa chữa bản thảo xong trong năm 2001 có thực trạng như vậy.

- Cũng năm 2002, sách Lễ hội Bắc Giang do Ngô Văn Trụ chủ biên, Sở VHTT Bắc Giang xuất bản. Hội Thái Đào (Lạng Giang) nói đình Thái Đào thờ Vũ Thành. Hội Tòng Lệnh (Lục Nam) nói chung chung Vũ Thành là con của công chúa nhà Lý nên được vua nhà Lý trọng dụng. Hội Từ Hả (Lục Ngạn) nói rõ đền thờ Vũ Thành là thờ Thân Cảnh Phúc thời Lý, hội diễn lại sự tích Vũ Thành đánh giặc là diễn lại Thân Cảnh Phúc đánh du kích khi xưa mặc dù chưa nói dựa trên tư liệu nào để nói rằng Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc.

- Năm 2005, sách Lịch sử Đảng bộ xã Thái Đào do Nguyễn Sĩ Thì biên soạn, BCH Đảng bộ xã Thái Đào (Lạng Giang) ấn hành, viết rõ đình Thái Đào thờ Vũ Thành, một vị tướng dân binh quê Lục Ngạn đã lập công lớn trên mặt trận Nội Bàng thời Trần, hy sinh năm 1288, được nhà Trần phong là "Trung dũng hầu đầu thượng tướng quân"…

- Năm 2006, trên báo Bắc Giang số ra ngày 3-8-2006 đăng bài Cần thận trọng khi viện dẫn lịch sử của Hiền Lương. Tác giả bài báo phê bình sách Lịch sử Đảng bộ xã Thái Đào viết về Vũ Thành thời Trần là sai mà căn cứ các sách báo viết về đền Hả thì phải là Thân Cảnh Phúc lấy công chúa Thiên Thành năm 1066, không thể mãi đến năm 1288 mới mất. Đến số báo Bắc Giang ra ngày 5-9-2006 thì soạn giả Nguyễn Sĩ Thì có bài Cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ xã Thái Đào" có viện dẫn sai lịch sử? trả lời rằng ông biên soạn theo sách Địa chí Hà Bắc xuất bản năm 1982. Tra sách đó thì đúng như Nguyễn Sĩ Thì đã trả lời, sách do Thư viện tỉnh Hà Bắc xuất bản năm 1982, trang 337 do Khổng Đức Thiêm viết.

- Cũng năm 2006, tập "Lịch sử và Văn hóa" (Nguyễn Quang Ân và Ngô Văn Trụ chủ biên) thuộc bộ Địa chí Bắc Giang do Sở VHTT Bắc Giang xuất bản ở trang 37 có chú thích: "Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cần, Trần Văn Lạng ở Bảo tàng Bắc Giang thì Vũ Thành chính là phò mã Thân Cảnh Phúc, nhưng theo Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm thì Vũ Thành và Thân Cảnh Phúc là hai nhân vật khác nhau". Và Khổng Đức Thiêm đã viết trong mục chống ngoại xâm thời Lý có nói đến Thân Cảnh Phúc, trong mục chống ngoại xâm thời Trần có nói đến Vũ Thành, tất cả từ trang 32 đến trang 40 sách trên. Tuy nhiên ông không đề cập gì đến thân thế Vũ Thành.

- Cuối năm 2006, sách Văn nghệ dân gian Bắc Giang, tập 2, Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang xuất bản, có bài Cội nguồn Thân tộc thời Lý, quan hệ giữa họ Giáp và họ Thân của Trần Văn Lạng. Trong bài này, tác giả nhắc đến bài văn cúng thần như Nguyễn Xuân Cần đã nêu ra ở sách Di tích Bắc Giang mục Đền Hả. Có điều Trần Văn Lạng công bố đầy đủ bài văn cúng qua bản phiên âm, cho thấy thêm một số chi tiết như cấp sắc phong cho đương cảnh thành hoàng Vũ Thành mà bản của Nguyễn Xuân Cần không có. Qua tài liệu, Trần Văn Lạng cũng khẳng định Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc. Ngoài ra tác giả còn đề cập tới một số nơi thờ các công chúa nhà Lý nhưng chưa lý giải tại sao "Các công chúa nhà Lý trong suốt gần 200 năm được dồn vào làm con của vua Lý Huệ Tông" hay là "Cuộc đời của họ (tức Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc)… chuyển thành nhân vật Vũ Tỉnh, Vũ Thành" (trang 41). Chưa thấy tác giả khảo cứu kỹ bài văn khấn về mặt văn bản học để ít ra giải thích tại sao ở văn khấn này lại nói mẹ Vũ Thành (Thiên Thành công chúa) lại lấy Vũ Tỉnh, đáng lẽ phải lấy "Vũ Thành" tức Thân Cảnh Phúc theo ý tác giả mới đúng, và Vũ Thành ở đây lấy Giáp Thị Tuấn mà họ Giáp không phải họ Lý thì làm sao là phò mã nhà Lý tức Thân Cảnh Phúc được!

- Năm 2008, Bảo tàng Bắc Giang xuất bản sách Văn học dân gian (thuộc bộ Di sản văn hóa Bắc Giang) do Ngô Văn Trụ và Bùi Văn Thành chủ biên, Trần Văn Lạng viết giới thiệu. Đây là sách sưu tầm công bố tư liệu mộc, không có lời bình luận phân tích. Tuy nhiên qua tư liệu cũng cho thấy có vấn đề khác biệt đáng chú ý. Ví dụ trong bài vè "Vũ Thành" (trang 439 - 440) của Lê Văn Thả, thôn Chể xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn do Nguyễn Thị Nga sưu tầm thì Vũ Thành là tướng thời Trần, đánh giặc Nguyên Mông. Còn trong "Thần tích làng Bồng Lai" (xã, huyện trên), trang 770 - 774, do Trần Văn Lạng sưu tầm và dịch thì Vũ Thành sinh cuối thời Lý, lớn lên thi đỗ Thám hoa, làm tướng thời Trần, đánh giặc Ngô, bố là Vũ Tỉnh, mẹ là công chúa Lý Thị Kính con vua Lý Huệ Tông, vợ là Giáp Thị Tuấn con một vị quan ở Sơn Động, mẹ và vợ đi tu sau khi Vũ Thành hi sinh. Cuối bản thần tích này có chép mục  "cung thỉnh" tương đương với "bài văn cúng" (cũng là mục "cung thỉnh") ở đền Hả mà Trần Văn Lạng đã công bố ở bài viết năm 2006 nói trên, nếu so sánh thì hai bản này có một vài chi tiết khác nhau như tên húy của các công chúa nhà Lý đều khác nhau, mẹ của Vũ Thành ở bản Bồng Lai không phải là "Quốc mẫu Thiên Thành"; điểm giống nhau cơ bản là Vũ Thành có bố là Vũ Tỉnh, vợ là Giáp Thị Tuấn. Như vậy, cứ theo tài liệu ở địa phương này thì Vũ Thành không thể là Thân Cảnh Phúc (người lấy công chúa Thiên Thành con vua Lý Thánh Tông năm 1066 và tham gia chống Tống những năm 1075 - 1077).

2  - Như vậy, trải qua 10 năm nhưng vấn đề "Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc" chưa được giải quyết dứt điểm. Vẫn có sách mà là sách quan trọng viết Vũ Thành đánh giặc Nguyên - Mông đời Trần, vẫn có sự trao đổi tranh luận Vũ Thành và Thân Cảnh Phúc là một hay hai người ở hai triều đại khác nhau, vẫn có sự mâu thuẫn ngay trong một bài viết. Xem chừng chưa có nhà nghiên cứu nào nâng đề tài "Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc" thành một chuyên đề khoa học, chưa đi đến tận cùng vấn đề một cách thực sự.

a) Rõ ràng để kết luận chắc chắn rằng Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc thì trước hết nhà nghiên cứu phải phản biện ý kiến cho Vũ Thành là vị tướng nhà Trần đánh giặc Nguyên-  Mông của Khổng Đức Thiêm viết trong Địa chí Hà Bắc (1982), trang 337 và trong Lịch sử và Văn hóa thuộc bộ Địa chí Bắc Giang (2006), trang 37 - 39; của Nguyễn Xuân Cần viết về di tích lịch sử trong Địa chí Hà Bắc (1982) nói trên, trang 476; của Nguyễn Ngọc Bích viết trong Lịch sử Hà Bắc, tập 1, Hội đồng lịch sử tỉnh Hà Bắc, xuất bản năm 1986, trang 93. Phản biện thành công gắn liền với chứng minh có luận cứ thuyết phục, càng làm sáng tỏ vấn đề sẽ mở rộng cánh cửa chứng minh Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc.

b) Mặt khác, do yêu cầu của đề tài, nhân dịp này các nhà nghiên cứu có lẽ phải giám định lại các văn bản thần tích, các sắc phong liên quan đến Vũ Thành. Thực chất khi phản biện quan điểm Vũ Thành là tướng nhà Trần đã liên quan đến sự giám định này rồi. Chúng ta biết rằng các văn bản thần tích có nhiều dạng khác nhau. Thực tế cho thấy có thần tích chỉ là bản chép tay bằng chữ Hán, thậm chí bằng chữ quốc ngữ, sau này theo lời truyền lại hoặc chép lại (bản sao) nhưng thiếu các yếu tố cần và đủ để chứng minh văn bản đó đáng tin cậy; có thần tích ghi rõ người soạn, thời gian biên soạn, in ấn nghiêm chỉnh như văn bản gốc. Nội dung thần tích xác thực sẽ nói lên nhiều điều. Nhất là các sắc phong, Nguyễn Xuân Cần cho biết ở đền Hả thôi đã có tới 21 sắc phong cho Vũ Thành. Cần đối chiếu sắc phong các nơi nếu địa phương còn giữ được. Sắc phong là văn bản Nhà nước phong kiến chính thống, in giấy đặc thù, có dấu triện đỏ, làm giả biết ngay. Nếu sắc phong ghi tên vị thành hoàng được thờ là Vũ Thành (như lời văn cúng do Trần Văn Lạng phiên âm nguyên văn) thì không thể tùy tiện đổi sang tên khác được. Vì tầm quan trọng của đề tài, nhà nghiên cứu không thể không công bố kết quả giám định các bản thần tích, sắc phong ở đền Hả, Cầu Từ cho đến Thái Đào.

c) Lại thấy Nguyễn Xuân Cần và Trần Văn Lạng cho biết bài văn cúng các thần ở đền Hả (Lục Ngạn) vào ngày giỗ 29 tháng 10 âm lịch nhưng chưa lý giải tại sao hội Đền Hả lại tổ chức vào nửa đầu tháng Giêng năm sau (hội chính vào ngày mồng 8 Tết). Trong khi đó hội Tòng Lệnh mồng 7 tháng Giêng, hội Thái Đào mồng 9, 10 tháng giêng, hội Cầu Từ mồng 7 tháng Giêng, riêng hội Tam Giang (Chể, Lục Ngạn) lại vào tháng 2, hội Đông Thịnh (Lục Nam) là 12 tháng 8 theo sách Lễ hội Bắc Giang của Ngô Văn Trụ (chủ biên), Nguyễn Thu Minh, Trần Văn Lạng là những nơi thờ Vũ Thành. Chúng tôi nghĩ cũng phải giám định bài văn cúng về mặt văn bản học cho có sức thuyết phục, tin cậy cao vì Nguyễn Xuân Cần, Trần Văn Lạng đã dựa vào bài văn cúng này để khẳng định Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc. Vì sao Vũ Tỉnh là bố Vũ Thành (tức bố Thân Cảnh Phúc) lại lấy Quốc mẫu Thiên Thành trong khi Việt sử lược nói Thân Cảnh Phúc lấy Thiên Thành? Tại sao công chúa Thiên Thành Lý Thị Cảnh lấy một viên quan thôi lại được gọi là "Quốc mẫu"? Bài văn khấn hay lời "Cung thỉnh" này đáng tin cậy đến đâu? Vấn đề chưa ngã ngũ thì một số người viết bài thường viết "Vũ Thành tức Thân Cảnh Phúc" rồi, tình trạng này diễn ra trong nhiều năm qua!

d) Như mở đầu bài viết, chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của đề tài "Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc" nên cần thiết tổ chức cuộc hội thảo, mời đại diện các làng thờ thành hoàng làng là Vũ Thành cùng nghe, trao đổi ý kiến để đi đến thống nhất nhận định góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu di sản văn hóa ở tỉnh ta, tránh hiện tượng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược".

Qua bài viết này và diễn đàn công luận, chúng tôi hi vọng ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang quan tâm giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.

N.Đ.B

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,014
Tổng số trong ngày: 3,631
Tổng số trong tuần: 5,543
Tổng số trong tháng: 83,089
Tổng số trong năm: 501,583
Tổng số truy cập: 3,076,076