Trung tướng Phạm Hồng Sơn

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Đỗ Văn Thái

Phạm Hồng Sơn là một tướng tài của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông sinh năm 1923 tại thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang). Gia đình ông vốn gốc ở Hương Khê - Nghệ An. Chú ruột ông là liệt sỹ Phạm Hồng Thái - người đã ôm tạc đạn mưu sát Toàn quyền Đông Dương, tại Hương Cảng (Trung Quốc). Do ông nội và bố ông tham gia khởi nghĩa của Phan Đình Phùng nên gia đình bị Pháp phát vãng lên Thất Khê - Lạng Sơn. Năm 1918 hết hạn đi đày, gia đình ông về Bắc Giang lập nghiệp và trở nên giàu có. Nhưng rồi bố ông mất sớm, lại gặp lúc khủng hoảng kinh tế, nên năm 1930 gia đình ông bị phá sản. Mẹ ông và chị gái phải chuyển sang buôn bán nhỏ, lấy tiền nuôi ông ăn học.

Học hết tiểu học ở trường tỉnh, năm 1936 Phạm Hồng Sơn ra học trường Trung học Gia Long, rồi trường Bưởi, năm 1941 ông thi đỗ vào học trường Luật. Năm 1945 phong trào kháng Nhật cứu nước đã lên rất cao, ông tham gia Tổng hội sinh viên Hà Nội. Sinh viên và các tầng lớp nhân dân Hà Nội công khai ủng hộ Việt Minh, tuyên truyền kêu gọi dành độc lập dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, Phạm Hồng Sơn được giới thiệu ngay vào học trường Quân chính kháng Nhật khóa 4. Thế là từ một sinh viên chỉ quen với sách bút, Phạm Hồng Sơn chuyển sang cuộc đời của một chiến binh.

Anh lính trẻ Hồng Sơn chỉ được huấn luyện 15 ngày, biết được đi đều mốt hai, tổ chức hành quân, bắn súng trường và ném lựu đạn, thế mà đã phải làm chỉ huy cấp đại đội, lên đường đi Nam Tiến. Sau một số trận đụng đầu với giặc Pháp ở Nha Trang, đơn vị anh được lệnh rút lên rừng để bảo toàn lực lượng và huấn luyện thêm. Riêng anh được điều ra Bắc để học quân sự, rồi chuyển về Trung đoàn Bắc Bắc (sau này là Trung đoàn 36 - Đại đoàn quân tiên phong). Học hành bài bản quân sự chẳng được là bao, nhưng nhờ tích cực đọc sách, tham khảo cấp trên, cấp dưới và nhất là rút kinh nghiệm thực tiễn, Phạm Hồng Sơn đã nhanh chóng trở thành người chỉ huy có tài, thông minh và gan dạ.

Mở màn kháng chiến chống Pháp, Hồng Sơn là chỉ huy tiểu đoàn chiến đấu ở Bắc Ninh. Trong chiến dịch Biên giới (1950) Hồng Sơn là chỉ huy Trung đoàn 36, đánh địch tiếp viện ở Lạng Sơn. Từ đây Hồng Sơn đã trở thành người cầm quân đầy bản lĩnh, kinh nghiệm, tung hoành trong nhiều chiến dịch, như: Tây Bắc; Hà Nam Ninh; Hoàng Hoa Thám; Hòa Bình; Thượng Lào v.v…Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồng Sơn được giao nhiệm vụ chỉ huy mũi chủ công của Sư đoàn 308, tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo, cứ điểm 206, đánh từ phía tây thẳng xuống khống chế sân bay Mường Thanh và sẵn sàng cùng các đơn vị đột phá vào sở chỉ huy của tướng Đờ Cát. Kết thúc giai đoạn 2 của chiến dịch, đơn vị anh đã vinh dự nhận được lá Cờ Quyết chiến Quyết thắng của Bác Hồ trao tặng.

Thắng trận Điện Biên, anh được thưởng phép một tuần. Anh đi xe đạp, từ Sơn La theo đường chiến dịch về quê, đến Cầu Kê Thanh Hóa thì gặp người yêu. Được sự nhất trí của gia đình vợ, anh và chị Đào vội vàng tổ chức đám cưới ngay tại nơi gia đình mẹ vợ sơ tán, không cần lễ nghi, không có mặt nhà trai, chỉ có nước chè xanh, bánh kẹo và văn nghệ. Chị Đào, vợ anh là con ông Đặng Thai Mai, lúc đó gia đình sơ tán ở Thanh Hóa. Và thế là anh và ông Võ Nguyên Giáp trở thành anh em cọc chèo. Cưới vợ được vài ngày, Hồng Sơn lại vội vàng trở ra đơn vị. Lúc này Sư 308 được lệnh tiếp tục về Bắc Giang để mở chiến dịch phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ đánh uy hiếp Hà Nội, ông phải tức tốc đuổi theo, rất may là vẫn kịp vào vị trí chỉ huy trước khi khai hỏa.

Hòa bình được vài năm, bước vào kháng chiến chống Mỹ, người lính Hồng Sơn lại phải chia tay gia đình, vào Nam đánh giặc. Với cương vị Sư đoàn trưởng, hoặc Phó Chỉ huy mặt trận, Hồng Sơn đã tham gia chiến đấu ở nhiều nơi, nhiều chiến dịch, như: Mặt trận Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên, Quảng Trị v.v…Kết thúc chiến tranh, do sức khỏe có vấn đề, ông được điều về Bộ Quốc Phòng và Viện Khoa học Quân sự để công tác.

Ngoài những chiến công một đời trận mạc, Hồng Sơn còn có nhiều công trình nghiên cứu tổng kết về nghệ thuật quân sự nên ông đã được Nhà nước phong hàm Giáo sư và quân hàm Trung tướng.

Lâu nay, ở Bắc Giang ít thấy người ta nhắc tới Trung tướng Phạm Hồng Sơn, và ngay cả trận đánh Cầu Lồ - Chỉ Tác (thuộc Lục Nam) rất ác liệt, sau chiến dịch Điện Biên Phủ nhiều người cũng không biết. Chính vì vậy, tôi viết bài này để giới thiệu tới đông đảo bạn đọc.

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,551
Tổng số trong ngày: 2,771
Tổng số trong tuần: 9,890
Tổng số trong tháng: 69,343
Tổng số trong năm: 323,283
Tổng số truy cập: 2,897,776