AM VÃI: DI TÍCH MANG DẤU ẤN THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ: DI SẢN VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

TS. Trương Thị Thủy

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 Chùa Am Vãi thuộc xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một trong hệ thống di tích Trúc Lâm ở Tây Yên Tử. Khu vực Tây Yên Tử bao gồm phần lớn vùng đất thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay. Nơi đây từng là một trong những trung tâm Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Bài viết này giới thiệu khái quát về di sản Hán Nôm di tích chùa Am Vãi và giá trị tư liệu với việc nghiên cứu Phật giáo và hệ thống di tích Tây Yên Tử.

1. Tư liệu Hán Nôm và dấu tích Phật giáo ở Am Vãi và Tây Yên Tử

Tây Yên Tử là vùng đất cổ, ngày nay thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, nằm chung trong không gian văn hóa Kinh Bắc, nơi có Luy Lâu - trung tâm Phật giáo sớm nhất khu vực, nên đã tiếp nhận sự ảnh hưởng đạo Phật từ rất sớm. Tài liệu thư tịch, cũng như dấu tích vật chất để lại, cùng truyền thuyết dân gian ở địa phương đã  cho thấy đạo Phật du nhập vào nơi đây từ rất sớm.

Chẳng hạn, những dấu chân Phật khắc trên đá, là những biểu tượng Phật cổ từ Ấn Độ ảnh hưởng tới Việt Nam. Các dấu chân Phật đều được khắc trên phiến đá lớn cạnh phế tích chùa cổ. Dấu chân Phật ở phế tích chùa Bạch Liên (thôn Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) được đục trên phiến đá sa thạch hình vết chân người, độ sâu khoảng 2,5 cm; Dấu chân Phật ở chùa Am Vãi (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) được đục trên khối đá cát kết dựng đứng hình vết chân vừa bằng vết chân người thường có đủ các ngón chân; dấu chân Phật ở chùa Yên Mã (xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam) được đục trên mặt một khối đá nổi có chân sơn ẩn sâu gắn liền với nền đá mẹ trong lòng núi. Dấu chân này đục y hình chiếc giày cỏ, kích thước nhỉnh hơn chân người thật một chút, vết đục rất sâu, thô, vết chân ấy lúc nào cũng có nước. Ngoài ra là những dấu vết chùa, am cổ ở di tích chùa Dâu dưới chân núi Nham Biền thuộc địa phận xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng.

Thời Lý (TK XI - XIII) Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu rộng trên đất này. Cuối triều Lý, tại vùng Na Ngạn (nay thuộc địa phận huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Dũng) có Đại sư Ẩn Không là người nối tiếp thiền sư Thông Biện hoàn tất việc biên soạn tác phẩm Thiền uyển tập anh /禪菀集英. Tập sách này ghi lại một sự kiện quan trọng liên quan đến Ẩn Không đại sư như sau: “Ngày 18 tháng 2 năm Bính Tý (1216), sư Thần Nghi đem tập phả đồ của Thường Chiếu trao cho mình truyền lại cho đệ tử là Ẩn Không, dặn rằng: Bây giờ đang loạn lạc, người hãy giữ sách này cẩn thận, chớ để binh hỏa hủy hoại thì thì tổ phong ta mới không bị mai một. Nói xong sư tự qua đời”. Đặc biệt hơn, cuối đoạn văn này có dòng nguyên chú như sau: “Ẩn Không trước ở huyện Na Ngạn, Châu Lạng, người đương thời gọi là Na Ngạn đại sư/ 隱 空從昔居于 諒 州 那 岸 縣 時 號 那 岸大師”.

Điều này cho thấy rằng, vùng đất Tây Yên Tử thời Lý đã sản sinh ra không ít thiền sư, trong đó có vị trở thành vị thiền sư danh tiếng cả nước. Đồng thời hiện để lại khá nhiều ngôi chùa có quy mô lớn như: Chùa Hả (xã Hồng Giang), chùa Chể, chùa Bạch Liên (xã Phượng Sơn) huyện Lục Ngạn; chùa Tòng Lệnh (xã Trường Giang), chùa Cao (xã Khám Lạng), chùa Nhạn Tháp (xã Tiên Nha), chùa Đám Trì (xã Lục Sơn), huyện Lục Nam, chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng).

Trên cơ sở của các danh lam cổ tích này có từ trước đến thời nhà Lý, Phật giáo thời Trần, trong đó tiêu biểu là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có điều kiện phát triển sâu rộng ở đây, mà dấu tích để lại đến ngày nay khá đậm đặc ở phía Tây Yên Tử.

Thời Trần, Phật giáo Đại Việt phát triển mạnh mẽ mà đỉnh điểm là sự xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (cuối thế kỷ XIII) do Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Sở dĩ được gọi là Trúc Lâm Yên Tử, là vì trung tâm của Thiền phái tập trung ở núi Yên Tử ở cả hai sườn đông và tây. Ở sườn phía Đông, có chùa Hoa Yên, chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) được mở mang trên quy mô lớn. Chùa Hồ Thiên, chùa Ngọa Vân (cũng thuộc huyện Đông Triều)  được xây dựng nơi sơn lâm tĩnh mịch trở thành vệ tinh thu hút nhiều vị cao tăng đến tu trì.

Cùng với việc xây dựng, mở mang hệ thống chùa, am ở sườn đông Yên Tử, ở bên sườn tây Yên Tử sơn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, Tam tổ Trúc Lâm cũng chọn những nơi có non cao cảnh đẹp, gần sông suối, sơn thủy giao hòa để mở mang hệ thống chùa, am như: Chùa Sơn Tháp (xã Cẩm Lý), chùa Bát Nhã (xã Huyền Sơn), chùa Hồ Bấc (xã Nghĩa Phương), huyện Lục Nam; chùa Hàm Long, chùa Am Vãi (xã Nam Dương), huyện Lục Ngạn. Đặc biệt, với sự tiếp nối các sư tổ, chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên), huyện Yên Dũng đã được mở rộng từ ngôi chùa cổ có từ thời Lý trở thành trung tâm với quy mô lớn để đào tạo tăng đồ của dòng thiền Trúc Lâm. Vì thế, ở sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang cũng là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Nơi đây hiện còn nhiều dấu tích khảo cổ học và di văn Hán Nôm liên quan đến việc xây dựng, tôn tạo chùa Phật Trúc Lâm. Một trong số văn bia có niên đại sớm nhất và quý giá nhất thời Trần là văn bia chùa Hang Tràm (Nham Nguyệt tự) ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng. Văn bia được soạn khắc năm Xương Phù thứ 11 (1387).

Văn bia khắc trên Thiền vị của ngôi tháp đá cổ thuộc phế tích chùa Sơn Tháp (thuộc xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam) có nội dung như sau: "Huyền cơ thiện thọ Pháp Vân Hòa thượng vị 玄 幾 善 壽 法 雲和 尚位” (Nghĩa là: Bài vị Hòa thượng có đạo hiệu là Huyền Cơ Thiện Thọ Pháp Vân). Chùa Sơn Tháp cũng là một cơ sở của Thiền phái Trúc Lâm.

Thời Trần còn có bài văn bia nổi tiếng của Lê Quát là Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc tự/北江拜村紹福寺碑記. Chúng ta biết rằng, chùa Thiệu Phúc, thôn Bái được đề cập ở đây chính là chùa thôn Cung Bái (xã Đan Hội) ngày nay, vốn là danh lam bảo sái thời Trần ở sườn Tây Yên Tử.

Tiếp nối văn bia thời Trần là văn bia thời Lê sơ phản ánh các danh lam cổ tự của Trúc Lâm ở Tây Yên Tử. Đó là ở chùa Khám, xã Khám Lạng, huyện Lục Ngạn có một bệ đá hoa sen niên hiệu Thuận Thiên và bệ tượng Phật niên hiệu Hồng Đức thời Lê Sơ.

Cụ thể là minh văn khắc trên bệ đá chùa Khám ghi 順天五年壬子年, 龕社下品刘俱, 妻杜醜 /Thuận Thiên ngũ niên Nhâm tí niên, Khám xã Hạ phẩm Lưu Câu, thê Đỗ Xú. Nghĩa là: Năm Nhâm Tí niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432). Lưu Câu chức Hạ phẩm người xã Khám và vợ là Đỗ Xú (công đức).

Minh văn khắc trên bệ tượng Phật vào năm Hồng Đức thứ 25 (1494). Đây là bệ Phật Tam thế, gồm ba bệ. Trong ba bệ này thì bệ ở giữa mới được đúc lại theo mẫu bệ bên phải. Bệ bên phải hoàn hảo nhất, có văn bản khắc trên hai mé bệ. Mặt  trước khắc 13 dòng, mỗi dòng 3 chữ; mặt bên khắc 17 dòng, dòng 3 chữ. Nội dung văn bản như sau: 洪 德 二 十 五 年 二 月 初 七 日 信 主 刘 氏 論 起 造 佛 三 尊号 曰 善 緣 婆 錢 三 貫 與 順 心 翁 一 貫 正 念 翁 妻 婆. .慈 信 婆 ? 愚 翁 并 有 福 婆 一 贯 无 心 翁 并 婆 錢  五 陳 祿 衣 一 件 阮 氏 衣 一 件 阮 氏 瑞 衣 一 件 阮 氏陸 岸 縣 社 富 山 翁 并 婆 衣 一 件 東 洛 社 阮 氏 錢 五 陌 。  Nghĩa là: Ngày mồng 7 tháng 2 năm Hồng Đức 25 (1494), Tín chủ Lưu Thị Luận khởi xướng tạo tác tượng Phật tam tôn. Hiệu là Thiện Duyên, bà cúng 3 quan tiền và Thuận Tâm ông 1 quan tiền, Chính Niệm ông và  bà. Từ Tín bà, Ngộ Ông cùng Hữu Duyên bà cúng 1 quan tiền, Vô Tâm ông và bà cúng 5 quan. Trần Phúc cúng 1 chiếc áo, Nguyễn Thị cúng 1 chiếc áo, Nguyễn Thị Thụy 1 chiếc áo, Nguyễn Thị, Phú Sơn ông và bà người xã huyện Lục Ngạn cúng 1 chiếc áo. Đông Lạc xã Nguyễn thị cúng 5 mạch tiền.

Như vậy là ở riêng chùa Khám năm Thuận Thiên thứ 5 (1432) tạo một bệ đá hoa sen, đến năm Hồng Đức thứ 25 (1494) thì tạo bệ tượng và ba pho tượng Tam thế. Cùng việc công đức tạo tượng, là việc công đức cúng áo Phật, cả thảy 4 chiếc. Rất có thể 3 áo cho ba pho Tam thế đặt ở sau cùng, còn 1 áo cho một pho tượng khác đặt trên bệ đá hoa sen ở phía trước. Rất có thể đây là tượng A Di đà.

Ngoài ra, còn có chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những chốn tổ của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, hiện còn lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong đó, kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vừa được tổ chức UNESCO thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi danh là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới của khu vực. Chùa hiện còn một số bia tháp ghi tự hiệu một số vị Thiền sư của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Chùa còn khá nhiều văn bia khác ghi về tiến trình xây dựng, trùng tu chùa, tô tượng, đúc chuông. Chẳng hạn, văn bia Chúc thánh Vĩnh Nghiêm tự bi /祝聖永嚴寺碑 khắc dựng cuối triều nhà Mạc thế kỷ XVI, ghi việc Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn và Công chúa Phúc Thành công đức góp sức trùng tu chùa. Văn bia Trùng tu Vĩnh Nghiêm tự bi/重 修 永 嚴 寺 碑 ghi việc trùng tu tòa Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường những năm đầu thế kỷ XVII. Văn bia Vĩnh Nghiêm tự công đức bi /永嚴寺功德碑 được soạn năm 1606 ghi việc trùng tu, tô tượng chùa Vĩnh Nghiêm.

Như vậy, văn bia ở phía Tây núi Yên Tử mà ngày nay phần lớn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang khá phong phú và quý giá, là sản phẩm và dấu tích trực tiếp của các hoạt động và thực hành tôn giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.  

2. Di tích chùa Am Vãi  

Cùng với việc phát triển giáo lý của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là sự phát triển về đội ngũ tăng - ni của Trúc Lâm. Đồng thời là việc xây dựng các công trình kiến trúc như chùa, am, thiền viện. Đây là những công trình văn hoá vật thể, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo tăng - ni của Trúc Lâm. Tuy nhiên đến nay những cơ sở này có nơi còn, có nơi đã hư hoại hoàn toàn, chỉ còn lại những dấu tích mà thôi. Các di tích này có niên đại xây dựng sớm muộn khác nhau, nhưng hầu hết được xây dựng ở thể kỷ XIII và XIV, hoặc Trúc Lâm kế thừa những cơ sở trước đó.

Sau này, vào thế kỷ XVII và XVIII, phái thiền Trúc Lâm được phục hưng thì các cơ sở chùa, am trước đó được tu sửa hoặc được xây dựng thêm. Tuy chưa có thống kê chính thức được công bố số lượng chùa - am - thiền viện của Trúc Lâm trước đây, nhưng những ngôi chùa, am, thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm còn lại, cùng những dấu tích vật chất của nó ở Yên Tử Sơn- khu vực Vòng cung đông triều quanh núi Yên Tử.

Tỉnh Bắc Giang gồm: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hồ Bấc, chùa Bình Long, chùa Cao, chùa Hang Non, chùa Hòn Tháp, chùa Yên Mã, chùa Hang Dong, chùa Ổ Lợn, chùa Am Vãi, chùa Đồng Vành, chùa Chỉ Tác.

Toàn bộ sườn núi phía bắc và tây bắc của dãy núi Yên Tử đều thuộc khu vực huyện Sơn Động, huyện Lục Ngạn và huyện Lục Nam của tỉnh Bắc Giang.

Khi thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được khai sáng, và nhất là từ khi Trần Nhân Tông thu nhận Pháp Loa làm đệ tử thì Vĩnh Nghiêm đã trở thành một trung tâm thiền viện của Trúc Lâm - nơi thu nạp và đào tạo nhiều tăng – ni Phật tử, đồng thời cũng là nơi thường xuyên Trần Nhân Tông và Pháp Loa đăng đàn thuyết Pháp cho các tăng- ni phật tử trong cả nước. Vĩnh Nghiêm đã trở thành thiền viện lớn nhất - nơi đào tạo lớn nhất trong cả nước của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đại Việt. Vĩnh Nghiêm là một trong ba chốn tổ quan trọng, nhằm đào tạo tăng ni và tổ chức giáo hội Trúc Lâm Yên Tử của tam tổ Trúc Lâm Yên Tử Đại Việt ở thế kỷ 13 - 14.

Trong các ngọn núi phía Tây bắc của dãy Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, thường cũng có độ cao khá lớn, tại các đỉnh của nó có thể cho phép ta bao quát cả một vùng đất rộng lớn xung quanh. Tại các khu vực này đều có những con đường thông sang Quảng Ninh, Hải Dương, qua các đèo như: Ba Đác, Đình Hẩy, Hồ Bấc, Thanh Mai, Đá Bạc, Cẩm Lý…

Trên địa phận Bắc Giang, ta có thể thấy ba cụm di tích thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà từ trung tâm Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, có thể qua đó để đến với các trung tâm Trúc Lâm Côn Sơn, Thanh Mai ở Hải Dương; Quỳnh Lâm, Ngoạ Vân, Hồ Thiên ở huyện Đông Triều và Hoa Yên, chùa Đồng ở đỉnh non Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Am Vãi (Am Ni tự) được xây dựng từ thời Trần, trên vườn chùa còn ngôi tháp đá cổ thời Trần “Liên Hoa bảo tháp/ 蓮花寶塔” (Tháp báu Liên Hoa). Trong lòng tháp có tấm bia bài vị tuy đã bị phong hóa nhưng vẫn khôi phục được đủ nội dung: “Trúc Lâm viên tịch Ma ha Tỳ khưu Như Liên hóa thân Bồ tát cẩn vị竹林圓寂摩訶比丘如蓮化 身菩薩謹位” (Nghĩa là: Vị thiền sư là Ma ha Tỳ khưu Như Liên hóa thân bồ tát được viên tịch về chốn tổ Trúc Lâm). Về chùa Am Vãi, sách Đại Nam Nhất thống chí /大 南 一 統 誌 có đoạn chép rằng: "Núi Am Ni ở xã Nam Điện, phía nam huyện Lục Ngạn mạch núi từ Phật Sơn, Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng nước trong không bao giờ cạn, cạnh núi có hai cái bồn bằng đá, trên núi có hầm chùa cũ".

Thời Trần còn có bài văn bia nổi tiếng của Lê Quát là Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc tự bi kí北江拜村紹福寺碑記. Chúng ta biết rằng, chùa Thiệu Phúc, thôn Bái được đề cập ở đây chính là chùa thôn Cung Bái (xã Đan Hội) ngày nay, vốn là danh lam bảo sái thời Trần ở sườn Tây Yên Tử.

Chùa cũ: Gồm các tòa Tiền Đường - Tam Bảo. Hành lang, hậu đường và nhà bếp, giếng nước, vườn tháp; Tòa tiền đường có nền dài 20m, rộng 5m5; Hậu đường dài 15m, rộng 7m; Tam Bảo dài 10 m, rộng 6m; Hai tháp đá: 1m10 x 1m10. Mỗi tháp cách nhau 3m4.

Chùa mới: dài 11m, rộng 6m1.

Chùa Am Vãi không còn các tảng kè chân cột, nhưng bố cục mặt bằng kiểu nội công ngoại quốc đã cho thấy các công trình sẽ liên kết với nhau theo các bộ vì.

Như vậy, văn bia ở phía Tây núi Yên Tử mà ngày nay phần lớn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang khá phong phú và quý giá, là sản phẩm và dấu tích trực tiếp của các hoạt động và thực hành tôn giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. 

Nhìn chung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ta thấy có trung tâm Trúc Lâm Vĩnh Nghiêm và ba cụm di tích (Bình Long - Hòn Tháp, Hồ Bấc, Đồng Vành) có giá trị văn hóa Trúc Lâm và có mối quan hệ với các khu vực Trúc Lâm khác thuộc tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh.

3. Con đường du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử

Ngày nay, cùng với sự tiếp nối văn hóa của thời đại - đó là sự tiếp nối văn hóa của truyền thống và văn hóa công nghiệp, công nghệ thông tin, con người hôm nay cần trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha trong lịch sử để lại. Hơn nữa, không chỉ có ở Việt Nam, mà ngay các quốc gia có nền công nghiệp cao, con người ở đó cũng đang quay lại với những giá trị văn hóa truyền thống của họ, họ bảo tồn, khơi dậy, phát huy, khai thác nó nhằm đáp ứng, phục vụ cho cuộc sống của chính họ và quốc gia họ. Không những vậy, nó còn là những giá trị văn hóa của nhân loại và mãi mãi bền vững cùng nhân loại.

Ở Việt Nam, hiện tại có rất nhiều những giá trị văn hóa truyền thống khác nhau cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ đề cập tới hai vấn đề: thứ nhất về di tích Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử (Am Vãi) trong cụm di tích Trúc Lâm Yên Tử, như đã trình bày. Và từ đó có cái nhìn ở góc độ du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong thời đại ngày nay.

Trước hết cần nhìn nhận, xây dựng các con đường, các tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm, trên cơ sở các di tích như đã đề cập ở các phần trên. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy các tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm như sau:

Tuyến Tây Yên Tử

Trung tâm Phật giáo, chùa Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích thứ nhất: chùa Bình Long (Huyền Sơn), Yên Mã (Bắc Lũng), Hòn Tháp (Cẩm Lý), Hang Non (Khám Lạng) huyện Lục Nam. Tiếp theo đi đến cụm di tích thứ ba chùa Đồng Vành (Lục Sơn), Nghè Mẫu, đền Thánh Trần Cao San, Nghè Cả, Nghè Long (Lục Sơn), huyện Lục Nam. Chùa Am Vãi xã Nam Dương, (Lục Ngạn), am, chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên và chùa Đông.

Kết hợp tuyến Đông-Tây Yên Tử

Từ chùa Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích thứ nhất chùa Bình Long, Yên Mã, Hòn Tháp (Lục Nam - Bắc Giang) đi tiếp Côn Sơn, Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Chí Linh - Hải Dương), tiếp đến chùa Hồ Bấc, khu đền Trần, khu sinh thái, đền Suối Mỡ (Lục Nam - Bắc Giang).

Hoặc từ chùa Vĩnh Nghiêm đi chùa Bình Long, Yên Mã, Hòn Tháp. Sau đó đi tiếp chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, Ngũ Đài Sơn; sau đó đi tiếp đến trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm, đền An Sinh, chùa, am Ngoạ Vân, Hồ Thiên, đi tiếp xuống cụm di tích thứ ba chùa Đồng Vành, Am Vãi, đền Trần (Lục Sơn- Lục Nam- Bắc Giang), sau đó đi tiếp lên chùa Đồng, xuống Bảo Sứ, Một Mái, Chùa Tiên, Hoa Yên, Giải Oan (Quảng Ninh) và kết thúc.

Hoặc là đi từ Vĩnh Nghiêm - đến hết toàn bộ di tích Tây Yên Tử, sau đó lên chùa Đồng, Hoa Yên, Giải Oan, và quay về Quỳnh Lâm, An Sinh, Ngoạ Vân, Hồ Thiên, sau đó về Côn Sơn, Kiếp Bạc, hoặc là từ Vĩnh Nghiêm đi Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai, đến Quỳnh Lâm, An Sinh, Ngoạ Vân, Hồ Thiên để rồi lên Hoa Yên, chùa Đồng và xuống chùa Đồng Vành, đền Trần, chùa Am Vãi để rồi trở về Suối Mỡ, Hồ Bấc và kết thúc ở Bình Long, Hòn Tháp, Yên Mã.

Giải pháp

Trên đây là các tuyến du lịch văn hoá tín ngưỡng Phật giáo - Trúc Lâm được hình thành từ các di tích thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tuy nhiên, để có được các tuyến du lịch đó trong tương lai thì cần rất nhiều yếu tố, điều kiện và điều đó chắc chắn chưa thể trở thành hiện thực, nếu không có một lộ trình kiến trúc trong một thời gian liên hoàn, hữu cơ, đồng bộ và gắn bó giữa các cơ quan, các cấp, ngành cùng chung tay, chung sức và đồng thuận về nhận thức được đầy đủ giá trị văn hoá của Trúc Lâm; trước hết là lãnh đạo của ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang, thậm chí cả chính phủ. Đồng thời cũng cần có sự chia sẻ, chung tay của cả nước nhằm ứng xử văn hoá với văn hoá Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.

Điều mong muốn của tác giả trong bài viết này là vấn đề bảo vệ môi trường sinh cảnh của Yên Tử sơn nói chung và môi trường ở tại các điểm du lịch của Trúc Lâm cũng như những di tích phụ cận khác thuộc thời Lý - Trần - Lê ở Yên Tử.

Mong muốn thứ hai là cần khảo sát ngay các di tích Trúc Lâm ở toàn bộ dãy núi Yên tử. Từng bước xây dựng di tích ở cả ba cụm di tích nằm ở sườn Tây-Tây Bắc Yên Tử. Mở các tuyến đường đi giao thông giữa trung tâm Vĩnh Nghiêm đi đến các cụm di tích Trúc Lâm nằm trên địa bàn của ba tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, và Hải Dương nhằm nối các đường giao thông- du lịch giữa các trung tâm văn hoá Trúc Lâm với các cụm di tích Trúc Lâm.

Một vấn đề nữa cần quan tâm đó là Trung tâm của văn hoá Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, vấn đề này cần phải ứng xử như thế nào về mặt văn hoá? Tôi cho rằng cần phục hồi văn hoá Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập văn hoá, kinh tế quốc tế hiện nay.

Du lịch văn hoá tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm, điều không thể thiếu đó là ẩm thực Trúc Lâm. Cần tổ chức tốt, phục vụ du khách thưởng thức ẩm thực Trúc Lâm, làm sống lại tinh thần văn hoá ẩm thực của Trúc Lâm trong xã hội hiện đại ngày nay.

Không chỉ có văn hoá ẩm thực của Trúc Lâm, mà còn rất nhiều yếu tố về văn hoá phi vật thể khác như: Trang phục, truyện, thơ, văn, mỹ thuật, hội hoạ, sân khấu, lễ hội,… của văn hoá Trúc Lâm ở thế kỉ 13 - 14 cũng cần được nghiên cứu, khai thác, nhằm dựng lại nét văn hoá sinh hoạt của con người Trúc Lâm ở thế kỉ 13 - 14 nhằm đáp ứng cho du khách trong và ngoài nước ở xã hội ngày nay.

Bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể thuộc văn hoá Trúc Lâm Yên Tử ở thế kỉ 13 - 14 là điều chính đáng và cấp thiết. Điều đó nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Để khai thác phát huy tốt văn hoá truyền thống Trúc Lâm Yên Tử, trước hết cần có sự chung tay, chia sẻ, phối hợp hành động cũng như sự đồng thuận của cán bộ quản lý ở các cấp, ngành của ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang, đồng thời cần có sự chia sẻ của các cấp, ngành, trung ương và chính phủ.

Để con đường du lịch văn hoá tín ngưỡng Trúc Lâm Yên Tử trở thành hiện thực thì ngay từ bây giờ, mỗi người, mỗi tổ chức xã hội, mỗi cấp, ngành cần có hành động kịp thời như hoạch định lộ trình kiến trúc để bảo tồn văn hoá Trúc Lâm Yên Tử, trong đó điều trước tiên cần kíp phải hành động ngay đó là bảo tồn sinh cảnh của di tích, cụm di tích và toàn bộ khu vực thuộc núi Yên Tử và các vùng phụ cận.

Nếu có một lộ trình khai thác, phát huy, giữ gìn văn hoá Trúc Lâm Yên Tử thiết thực, chắc chắn trong tương lai gần, con đường du lịch văn hoá tín ngưỡng Trúc Lâm Yên Tử sẽ trở thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi của du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, ngưỡng mộ dãy núi Yên Tử Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Xuân Cần (2001), Di tích Bắc Giang, Bảo tàng Bắc Giang.
  2. Nguyễn Xuân Cần (2003), Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Bảo tàng Bắc GianThích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1995.
  3. Di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều (2010), Nxb KHXH, Hà Nội.
  4. Đại Nam nhất thống chí (1992), Quốc Sử quán triều Nguyễn, tập 3, Nxb Thuận Hoá. Huế.
  5. Lâm Giang- Nguyễn Đình Bưu chủ biên (2003), Địa chí Bắc Giang- Di sản Hán Nôm, Sở VH TT Bắc Giang.
  6. Lâm Giang (2001), “Đôi nét về văn khắc huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang”, TCHN, số 3, tr 49-56.
  7. Tạ Quốc Khánh (2013), Chùa, tháp và Phật giáo thời Trần qua những dấu tích hiện còn”, Phật hoàng Trần Nhân Tông- con người và sự nghiệp, Nxb KHXH, Hà Nội.
  8. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2011) Bảo tổn và Phát huy Các giá trị Di sản văn hóa Lý – Trần tỉnh Bắc Giang, Nxb Thông Tấn, Hà Nội.
  9. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2016) Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc lâm, Hà Nội.
  10.  Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội
  11.  Nguyễn Văn Phong (2001), “Phát hiện bia đá thời Trần ở chùa Hang Tràm, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang”, TBHNH , VNCHN, Hà Nội.
  12.  Nguyễn Văn Phong (2002), “Bước đầu khảo sát văn bia Hán Nôm Bắc Giang trước thế kỉ XVIII”, TBHNH, VNCHN, Hà Nội, tr 450-459.
  13.  Đinh Khắc Thuân chủ biên (2016), Văn bia thời Trần, Nxb Văn hóa dân tộc.
  14. Trương Thị Thủy (2016), “Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử qua văn bia cụm di tích vòng cung Đông Triều, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, ĐH Quốc gia Hà Nội- Viện Trần Nhân Tông; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  15. Trương Thị Thủy (2015), “Tư liệu văn bia ở cụm di tích vòng cung Đông Triều góp phần tìm hiểu ba vị sư tổ Phật giáo Trúc lâm Yên Tử, TCHN, số 03, tr 27-35. 
  16. Trương Thị Thủy (2017), “Văn bia và cụm di tích Phật giáo huyện Đông Triều xưa”, TCHN, số 2, tr40-45.
  17. Trương Thị Thủy (2018), Nghiên cứu Văn bia cụm di tích Vòng cung Đông Triều, Luận án TS Học viện KHXH.
  18.  Tam tổ thực lục,  三祖實錄, A. 2064, VNCHN.
  19.  Bắc Giang Bái thôn Thiện Phúc tự/北江拜村紹福寺碑記.

 

Một góc Yên Tử

Một góc chùa Hoa Yên - Yên Tử

Một góc chùa Vĩnh Nghiêm

Quanh cảnh chùa Am Vãi

Đỉnh thiêng Yên Tử

 

 

User Online: 9,633
Total visited in day: 2,894
Total visited in Week: 2,893
Total visited in month: 50,385
Total visited in year: 612,292
Total visited: 3,186,785