Các nguồn lực tài nguyên nhân văn trong phát triển du lịch chùa Am Vãi

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Nguyễn Đức Bình

Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Nói đến tài nguyên nhân văn ở núi chùa Am Vãi là nói đến các yếu tố như: các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học, các đối tượng văn hóa, thể thao,… Để hiểu và biết rõ hơn tài nguyên nhân văn ở núi Am Vãi, dưới đây chúng tôi sẽ trình bày khái lược các nguồn lực của nhóm tài nguyên nhân văn của núi chùa Am Vãi như sau:

Về các quần thể di tích lịch sử - văn hóa

Nhìn tổng thể, vực núi Am Vãi nằm trên địa bàn 3 xã là Nam Dương, Tân Lập và Tân Mộc; trong đó, xã Nam Dương lấy làng Biềng và làng Nam Điện, khu chùa Am Vãi làm đối tượng nghiên cứu chính. Bởi vì 3 điểm di tích này đều thuộc quần thể di tích lịch sử - văn hóa có nhiều liên đới, liên quan đến với nhau. Các di tích đó là:

+ Chùa Vĩnh Phúc thuộc làng Biềng, nằm ngay trên một sườn núi, bên dưới là ngôi đình làng Biềng. Ngôi chùa cũ đã không còn, thay vào đó là một ngôi chùa mới được dân làng tôn tạo lại vào năm 2015 trên nền chùa cũ. Ngôi chùa còn lưu giữ lại được cây hương bằng đá, có ghi niên đại, mặt trước bát hương quay vào chùa có hai chữ hán “Lãi Đài” (bát hương ngoài trời). Bên dưới thân cột có ghi rõ “Vĩnh Phúc Thiền tự” (dịch: Thiền viện Vĩnh Phúc), bên phải cây hương trong chùa nhìn ra có dòng chữ “Vĩnh Thịnh thất niên tự” (dịch: Niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ bảy). Vĩnh Thịnh là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông (húy Lê Duy Đường, Vua có hai niên hiệu: niên hiệu Vĩnh Thịnh (1706 - 1719); niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729)). Chùa còn có nhiều cây đại cổ ước chừng gần ba trăm năm lịch sử. Ở ngay cạnh chùa còn có ngôi mộ cổ tương truyền của nhân dân trong làng thì đó chính là ngôi tháp tổ của một vị sư trụ trì. Chúng tôi đến khảo sát thấy còn lại là đống gạch đổ nát, không có văn bia bài vị, còn được người dân cho biết cạnh ngôi mộ khi xưa là nhà tổ. Qua những mô tả của dân chúng có thể thấy đã từng có một ngôi chùa lớn, và rất nhiều đệ tử qua lại nơi đây và chùa đã trở thành thiền viện một thời. Niên đại ghi lại trên cây hương thì thiền viện hình thành trước sau đó vì thấy vai trò lớn của chùa đối với đời sống tôn giáo, các đệ tử có nhiều nên việc  thiết lập thiền viện trở nên cấp thiết, không có đệ tử, ít không thể thành thiền viện, tại chùa còn có ruộng chùa, rừng chùa. Những minh chứng trên cho thấy chùa đã có một quá khứ vàng son.

Chùa Vĩnh Phúc; mộ tổ trong khuôn viên chùa.

+ Chùa Hàm Long: là ngôi chùa đặc biệt, còn lưu lại hai ngôi tháp tổ. Các cụ cao niên trong làng kể lại ngày xưa sư trụ trì chùa tự lên giàn hỏa thiêu, mọi người xung quanh phải góp củi, mỗi nhà một gánh đem đến. Từ đó, chỗ thiêu các nhà sư đó dân trong vùng gọi là giàn hỏa thiêu. Tục này có từ triều Lý trong sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên cũng viết: “…Ngày ất Dậu, vua bắt đầu ngự điện Thiên An coi chầu. Xuống chiếu cho các quan bỏ áo trở. Ngày hôm ấy vua ngự ra Na Ngạn(bây giờ thuộc huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang) xem các cung nữ lên đàn thiêu để chết theo Đại hành hoàng đế” (Ngô sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, quyển 3, kỷ nhà Lý, NXB Khoa học xã hội, H, 1972, tr.258). Khi làm đường vào chùa, các cụ cao niên trong làng thấy hàng đất nung và một số đồ dùng bằng sành cổ. Xung quanh chùa còn rất nhiều câu chuyện kể, trong đó, chùa còn một cây thị rất to, đường kính thân cây khoảng nửa mét. Tương truyền cây thị này có hằng ngàn năm lịch sử. Nó cũng chứng kiến rất nhiều sự kiện của chùa xưa kia. Mặc dù vậy, ngày nay chúng ta tới chùa chỉ còn thấy các dấu tích và các câu chuyện bị bỏ lửng kể lại không rõ nguồn gốc, còn ngôi chùa với nhà ngang dãy dọc đều không còn nữa. Chúng ta cần có thời gian và các công trình nghiên cứu nghiêm túc hơn nữa về riêng ngôi chùa Hàm Long.

Ảnh chùa Hàm Long; Ảnh mộ sành tại chùa Hàm Long.

Khu chùa Hàm Long thuộc xã Nam Điện cũ (nay là làng Nam Điện thuộc xã Nam Dương). Chùa Hàm Long ở vào địa thế có cảnh quan đẹp, dưới chân núi phía Nam núi Am Vãi. Các cụ cao niên trong làng cho biết, thế đất của chùa Hàm Long rất đặc biệt, chùa nằm chính trên đầu rồng. Chùa cũ đã mất tòa tiền đường chỉ còn hậu cung (tòa Tam Bảo) với các pho tượng và đồ thờ cũ. Bên cạnh chùa có 3 tháp đá dựng lên bằng loại đá nhám cát kết. Các tháp này còn nguyên vẹn, dự đoán là ba tháp đầu Lê Trung Hưng. Một số nhà nghiên cứu địa phương cho rằng rằng chùa Hàm Long có khả năng là ngôi chùa có từ thời Lý, gắn với sự kiện các cung nữ Triều Lý lên dàn Thiêu ở Na Ngạn (Lục Ngạn) chết theo Hoàng đế Lý Nhân Tông mà sách Việt Sử lược ghi chép. Việc đồ rằng như thế là vì ở đó dân truyền là có khu đồng Hỏa Thiêu. Điều này mang đến một mách bảo cho ta một kết quả tốt đẹp về những dấu tích chùa thời Lý ở nơi đây.

+ Chùa Am Vãi là ngôi chùa có truyền tích tu hành khổ hạnh (dự đoán là truyền tích thời Lý - Trần). Sau đó, đến thời Trần thì có chùa Am Vãi với cái tên chùa Am Ni (hay chùa Am Vãi).

          Về ba di tích này: Chúng tôi qua khảo sát thầy rằng cả ba đều là di tích chùa tháp cổ ở trong vùng. Chùa Vĩnh Phúc không còn nguyên vẹn vì bị tàn phá do nhiều lý do trong lịch sử. Ở đây còn có cây hương đá thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Chùa cũ đã mất, mới được xây lại quy mô nhỏ, bên cạnh đình làng.

          Chùa Am Vãi là ngôi chùa trên đỉnh núi Am Vãi. Chùa này cách xã dân (chùa cách làng Biềng và làng Nam Điện chừng 2 giờ leo núi đi bộ).

          Ở khu chùa này trước năm 1997 chỉ là môt khu phế tích - Chùa cũ đổ nát chỉ còn dấy tích nền chùa. Trong khu vực chùa có 2 tháp đá nhỏ thời Trần. Sau đó, các cụ làng Biềng, làng Nam Điện cùng nhau bỏ công, bỏ sức và tiền của ra xây dựng lại 3 gian nhỏ làm nơi thờ Phật.

Qua khảo sát khi đó, chúng tôi đã thu được kết quả sơ bộ như sau:

a)Chùa cũ: gồm nền móng các tòa tiền đường, tam bảo, hành lang, hậu đường và nhà bếp, giếng nước và vườn Tháp.

- Toà tiền đường dài nền 20m, rộng 5m5.

- Tòa Tam bảo dài 10m rộng 6m.

- Hành lang trái dài 15m5, rộng 3m80.

- Hậu đường: dài 15m5, rộng 7m.

- Hai tháp đá: 1mx1m10.

- Chùa mới: dài 11m, rộng 6m.

Tháp chùa Am Vãi có 2 tháp (1 tháp phục hiện lại), trong đó có một tháp có chữ “Liên hoa Bảo tháp” ở mặt trước. Trong tháp có bài vị khắc chữ Hán có nội dung là:

“Trúc Lâm viên tịch ma ha bất Thương Tỳ Khưu Như Liên Thiền sư hóa thân Bồ tát cẩn vị”.

Dịch nghĩa là:

“Vị thiền sư là ma hat bất Thương Tỳ kheo Như liên hóa thân là Bồ tát đã viên tịch về chốn Trúc Lâm”.

Qua bài vị này, chúng tôi cho rằng vị thiền sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử này là một vị sư ông, không phải sư nữ nữa. Còn tháp thứ 2 không có bài vụ do không tìm thấy chăng. Xung quanh khu vực chùa Am Vãi còn có các vật liệu tháp chùa nữa. Do đó chúng tôi cho rằng chùa này không phải chỉ có 2 tháp mà hơn 2 tháp.

Tháp đá chùa Am Vãi có quy cách như sau:

+ Măt bằng 1m8 x 1m8.

+ Cao: 3m20.

+ Thân tháp: 1m10.

+ Chóp tháp: Đua 4 đao rộng 1m35.

Do chùa cũ đổ nát thành phế tích nên chúng ta có thể coi khu chùa cũ ấy là Di tích văn hóa khảo cổ. Nếu có điều kiện mà tổ chức khai quật khảo cổ học di tích này sẽ cho chúng ta kết quả về chùa Am Vãi cụ thể hơn - nhưng khi chưa làm được việc này thì chùa đã xây trùm lên hai lần. Lần thứ hai đã làm xáo trộn hẳn dấu tích chùa cũ - Khả năng khai quật khảo cổ học là rất hạn chế. Cũng may mắn ở di chỉ này còn có hai tháp đá là 2 di tích mộ tháp của chùa. Trong đó có 1 tháp giúp ta xác định đây là ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Ngoài khu chùa Am Vãi ra, ở đây còn có di tích gọi là Hang tiền, Hang gạo. 2 di tích này chỉ là 2 mái đá nhỏ, có đặt bát hương. Hai địa điểm này gắn với truyền tích rằng: xưa ở nơi này có sư tu hành. Sư sống ở đó dựa vào Hang tiền, Hang gạo. Nhưng Hang tiền, Hang gạo hàng ngày chỉ chảy ra số tiền số gạo đủ cho nhà sư dùng 1 ngày. Một hôm, sư có khách đến thăm, nhà sư liền khơi thêm tiền, thêm gạo để đủ cho 2 người dùng, thế là tiền và gạo không chảy ra nữa. Do đó, vị sư này không ở lại đây được nữa phải bỏ đi nơi khác.

Truyền tích này là truyền thuyết phản ánh về lối tu hành khổ hạnh một thời ở núi này. Nó tuy không phải là thật nhưng nó lại là huyền tích cho ta nghĩ rằng vào thời xa xưa, đạo Phật đã đến nơi đây với tư tưởng xuất thế. Sau đó khi Thiền phái Trúc Lâm phát triển thì đạo Phật ở nơi này nhập thế. Sự nhập thế của Đạo Phật ở chùa Am Vãi được phản ánh ở truyền tích làng Biềng được quan xử cho làng được quản lý chùa Am Vãi. Truyện kể rằng: trước kia, 3 làng là: Biềng, Nam Điện, Khả Lã cùng chung nhau chùa Am Vãi. Do lý do gì đó mà 3 làng đòi quyển quản lý chùa. Việc đến quan xử. Quan ngủ ở chùa xem gà làng nào gáy trước thì chùa thuộc về làng đó. Cuối cùng quan nghe tiếng gà của làng Biềng gáy trước. Cho nên quan giao quyền cho làng Biềng quản lý chùa. Nhưng sau đó làng Biềng lại xây chùa Vĩnh Phúc ở làng cho tiện thờ Phật. Còn chùa Am Vãi chỉ lên đó vào tuần rằm và ngày hộ lệ. Đó là huyền tích cho thấy sự nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm. Cuộc di chuyển từ nơi núi cao cảnh đẹp về làng là nguyên nhân làm cho chùa Am Vãi đổ nát là có lý do như thế.

+ Một điều cần bàn về khu chùa Am Vãi là: vậy chùa Am Vãi có là một danh thắng hay không? Danh thắng là tài nguyên thiên nhiên kết hợp với tài nguyên văn hóa nhân văn. Nơi đây núi cao cảnh đẹp, lại có di tích lịch sử - văn hóa chùa tháp được sử sách ghi nhận. Nơi đây vì thế thực sự là một khu danh thắng gắn với ngôi chùa thờ Phật từ lâu đời. Do nó là danh thắng nên bổ sung vào yếu tố tài nguyên nhân văn của chùa Am Vãi thêm một nội dung nữa.

+ Trong nội dung Tài nguyên nhân văn có nội dung gắn với lễ hội của chùa. Chùa Am Vãi là chùa có lễ hội vào ngày mùng Ba tháng Ba. Vào ngày này dân xã và dân thập phương về đây làm lễ dâng hương cúng Phật rất đông vui. Có thể nói rằng: Lễ hội chùa Am Vãi là lễ hội của cả vùng. Hình thức chính là hành hương cúng Phật - tham quan danh thắng với các điểm: Bàn cờ tiên, Hang tiền, Hang gạo và chùa Am Vãi.

Lễ hội chùa Am Vãi năm 2013

+ Một yếu tố tài nguyên nhân văn khác nữa của khu chùa Am Vãi là các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học ở nơi này. Như ta đã biết ở xung quanh núi chùa Am Vãi có các dân tộc cùng nhau cư trú như Kinh, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Hoa, Tày, Nùng. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao của mỗi dân tộc đã sản sinh ra các sản phẩm văn hóa riêng của mình. Cái chung nhất là các dân tộc đó hiện nay đều cùng nhau phát triển trồng cây ăn quả, trong đó có cây vải thiều, hồng, cam, bưởi là cây đặc sản có ưu thế của vùng. Người Kinh ở Nam Dương có nghề làm mỳ gọi là Mỳ chũ có tiếng khắp nơi. Người Cao Lan, Sán Dìu có hát dân ca dân tộc mình. Người Hoa ở Tân Mộc cũng có bản sắc riêng góp phần làm cho tài nguyên nhân văn vùng núi Am Vãi thêm sâu đậm.

Như vậy, qua trình bày ở trên đã cho thấy Tài nguyên du lịch của núi chùa Am Vãi được biểu hiện ở tài nguyên nhân văn. Loại tài nguyên này đang và đã được khai thác nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Cho nên ta có thể nói rằng tài nguyên du lịch của chùa Am Vãi vẫn còn tiềm ẩn ở hình thức (dạng) tiềm năng. Tức là có tiềm năng nhưng sự khai thác chưa cao, chưa hiệu quả.

c) Qua thực thế sử dụng khu di tích chùa Am Vãi chúng tôi thấy rằng: Hoạt động du lịch ở chùa Am Vãi đang ở lại hình du lịch văn hóa, tôn giáo ở phạm vi trong vùng là chính. Hành trình tham gian du lịch nơi đây thuộc loại du lịch có thời gian ngắn với các nhóm du lịch thanh niên, thiếu niên và các cụ già có độ tuổi từ 60 trở xuống nhưng không liên tục, thường xuyên, tập trung vào các ngày lễ, ngày nghỉ.

Các cuộc tham quan du lịch này chủ yếu là thăm quan và thực hành nghĩ lễ tôn giáo tại chùa Am Vãi mà chưa có nhu cầu thăm làng Biềng, chùa Hàm Long. Có lẽ vì việc đầu tư cho các khu này chưa tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có của chùa Am Vãi./.

 

 

 

 

 

 

User Online: 9,243
Total visited in day: 3,048
Total visited in Week: 3,047
Total visited in month: 50,539
Total visited in year: 612,446
Total visited: 3,186,939