Các nguồn lực về tài nguyên trong phát triển du lịch chùa Am Vãi, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Trần Văn Lạng

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

 

Bắc Giang là một tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc của đất nước, cùng với các tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn... và một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Dương, Hải Phòng cùng án ngữ và che chở vùng đất phên giậu phía Đông của đất nước qua nhiều trường đoạn lịch sử. So với các tỉnh khác trong vùng Đông Bắc, tỉnh Bắc Giang có địa hình mang tính chuyển tiếp từ không gian đồng bằng sang không gian đồi núi, các huyện giáp với rìa phía Đông Bắc của châu thổ Bắc Bộ như: Yên Dũng, Việt Yên, một phần các huyện Lục Nam, Việt Yên, Hiệp Hòa, vẫn còn rải rác những cánh đồng lúa rộng lớn, nhưng càng đi xa rìa phía Đông Bắc của châu thổ này, địa hình càng trở nên cao dần, yếu tố đồi núi xuất hiện nhiều và phân bố rộng khắp trên địa bàn các huyện còn lại của tỉnh như: Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam và đặc biệt đến hai huyện Lục Ngạn, Sơn Động cùng nửa phía Đông Bắc của huyện Lục Nam, yếu tố đồi núi rõ rệt hơn và trở thành đặc trưng của địa hình các huyện này. Với địa hình như vậy, các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động thuộc vào sơn phần tự nhiên của cánh cung Đông Triều. Dưới thời Nguyễn, sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Dư địa chí chép: “Phủ Lạng Giang có 6 huyện: Phượng Nhỡn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn. Phủ Lạng Giang ở miền Thượng du trấn Kinh Bắc, sáu huyện đều nhiều núi [...]. Dòng Xương Giang từ sông Lục Đầu trở lên quanh vòng ở khoảng 6 huyện. Thời Trần, Hưng Đạo Vương thường coi quân ở phủ Lạng Giang, mở dinh thự ở Vạn Kiếp...”.     

Chùa Am Vãi trong không gian địa lý ở khu vực Tây Yên Tử

Thứ nhất về mặt địa hình, địa mạo: ta thấy núi Am Vãi là một núi lớn, nằm trong thung lũng sông Lục Nam, thuộc phía Tây dãy Yên Tử (ở địa phận tỉnh Bắc Giang). Núi này thuộc địa danh giáp ba xã: Nam Dương, Tân Mộc và Nghĩa Hồ của huyện Lục Ngạn - Núi có độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, trong đó đỉnh cao nhất nằm ở khu vực chùa Am Vãi. Lên đỉnh núi này có thể bao quát toàn cảnh thung lũng sông Lục Nam, có thể nhìn thông về thành phố Bắc Giang; quan sát toàn cảnh núi Yên Tử chùa Đồng về đến khu Côn Sơn - Kiếp Bạc - nhìn suốt dãy Thái Hòa và dãy Bảo Đài ở bờ phải sông Lục Nam - Nghĩa là khi đứng ở đỉnh núi Am Vãi mà nhìn ra bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc là rất thoáng đãng và đẹp mắt - tựa như ta đứng ở giữa trung tâm thung lũng sông Lục Nam mà bao quát vậy - ở đây ta nhìn về thị trấn Chũ như nhìn vào trong lòng bàn tay vậy. Đó là một bức tranh đô thị vùng núi đẹp trong hiện tại và trong tương lai. Con sông Lục Nam chảy quanh bên sườn phải của núi Am Vãi rất đẹp.

Sông Lục Nam nhìn từ vị trí chùa Am Vãi

          Núi Am Vãi là một trong những mạch núi từ Yên Tử đẩy ra mà thành. Đây là mạch núi đất, đá lẫn lộn. Đá ở núi Am Vãi là loại đá cát kết hạt thô. Các khe núi ít có nguồn mạnh phát ra làm thành các khe suối nhỏ nên bề mặt của núi khô, ít nước nên cây tự nhiên thưa thớt không tạo thành các khu rừng nhiều tầng, nhiều tán mà chủ yếu là các trảng tranh xen lẫn các loài cây chịu hạn như sầm, tầu tấu, me dại, sim, mua, cỏ tranh. Chim thú vì thế cũng ít.

          Ở khu chùa Am Vãi, từ đỉnh có mạch nước nhỏ chảy ra quanh năm. Vì thế, người xưa đã tạo nên một cái giếng nhỏ để lấy nước dùng. Từ đây trở xuống, do có lạch nước này nên cây cỏ cũng có phần tốt tươi hơn nhưng vẫn là cảnh quan rừng khô hạn, rừng trảng là chính: xanh cỏ, xanh lá cây về mùa xuân, mùa hạ. Khô hạn về mùa thu, mùa đông. Với cảnh quan như thế nên ở nơi đây vẫn có cái đẹp của cảnh quan sinh thái rừng trảng khô hạn. Nó giống như cảnh quan của cao nguyên Sa La Van, A Tô Pơ ở Lào.

          Núi xưa không rõ tên là núi gì. Nhưng trong Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn gọi núi này là núi Am Ni. Am là cái am cỏ nhỏ. Ni là sư nữ, là bà vãi. AM NI là nơi tu hành của sư nữ, không phải của sư nam (tăng). Dân địa phương gọi là núi Am Vãi, tên này cũng tương tự như tên Am Ni - là nơi có bà vãi tu hành ở đây. Do đó, sách Lục Nam địa chí có cho biết ngày xưa ở đây có am nhỏ là nơi tu hành của vị công chúa triều Trần. Có lẽ cái tên Am Ni có từ đó chăng.

          Sách Đại Nam nhất thống chí - Triều Nguyễn cũng chép rằng:

          “Núi Am Ni: ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn. Mạch núi từ Phật Sơn, Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn. Cạnh núi có hai bồn đá. Trên núi có nền chùa cũ”. Nói như thế là đến thời Nguyễn, núi Am Ni có tiếng, có bồn đá nhưng chùa không còn, chỉ còn nền.

     

Đại Nam nhất thống chí

          Cạnh khu chùa Am Vãi này có một khu gọi là khu bàn cờ tiên. Khu này có nhiều đá lớn chồng lên nhau. Toàn lại đá cát kết, tục truyền đây là nơi có tiên giáng. Thế chơi bời thưởng ngoạn ở đó, đánh cờ ở đó mà gọi là Khu bàn cờ tiên. Tại đó có viên đá lớn có hình bàn chân lớn chừng hơn 1m, rộng chừng 70cm. Tục gọi là dấu chân Phật - giữa khu bàn cờ tiên với khu chùa Am Vãi có hai mái đá nhỏ, dân gian gọi là Hang tiền, Hang gạo. Có đặt bát hương thờ ở chỗ này.

          Như vậy, ta có thể nói rằng núi Am Vãi là một núi lớn nằm ở tả ngạn sông Lục Nam, ở khu vực vùng Chũ. Đây là khu vực ngã tư nếu lấy Chũ làm Trung tâm quy chiếu. Ngã tư này có thể đi Sơn Động, Bắc Giang - Kiên Lao Kiên Thành và Lục Sơn, Mai Sưu. Trong đó, núi Am Vãi nằm Án ngữ đường đi Lục Sơn - Mai Sưu.

Khu bàn cờ tiên, bàn chân tiên.

Về mặt khí hậu

Khu vực núi Am Vãi chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Mùa xuân mát mẻ nhưng có mưa xuân và có rét đài, rét đậm, rét hại và ấm dần lên vào tháng 3 Âm lịch. Mùa hè có nóng nắng và mưa rào. Thời tiết ấm áp. Mùa thu trời trong xanh bắt đầu khô dần vẫn có mưa rào, mưa ngâu. Cây cối đi vào mùa cây khô lá vàng dần. Mùa đông hanh hao cây cỏ khô héo, có gió mùa Đông Bắc rét lạnh khắp cả các triền núi Am Vãi có nhiều trảng cỏ tranh lớn khô héo ngả màu vàng xuộm, dễ bốc cháy do bén lửa. Người ta trước đây cũng thường đốt cỏ tranh khiến cho cả một vùng biến thành vùng đất cháy đầy tro tàn cỏ tranh. Các cây chịu hạn nay lại qua hỏa hạn những vẫn sống sót chờ đến mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Trong các cây chịu hạn sống sót qua đám cỏ cháy cỏ tranh nhanh chóng đó có cây Sầm là cây kiên cường nhất. Loài cây này là đặc trưng rõ nét nhất của vùng núi Am Vãi. Sau đến là cây tầu tấu, Thành ngạnh, me đất rồi mới đến các cây khác. Cây sầm là cây có dáng dấp đẹp, tự nhiên. Nó không cao nhưng là loài cây góp phần làm cho cảnh sắc tự nhiên ở núi Am Vãi có nét đẹp riêng. Tuy thế, từ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, người ta đã tiến hành cải tạo lại bề mặt tự nhiên của núi này bằng sự tác động của máy xúc. Các tảng đá lớn nhỏ được di chuyển vào một chỗ, các cây tự nhiên chịu hạn được đánh nhổ cả gốc. Đất bề mặt núi được đào sới lên san lại để trồng cây lấy gỗ phục vụ cho sản xuất như cây keo, cây bạch đàn và một vài loại cây khác thu hoạch theo năm, tháng định kỳ. Do đó mà khí hậu của núi có vẻ xanh và mát mẻ hơn.

Về nguồn nước

Trong khu vực núi Am Vãi, như đã nói ở trên, các khe nước của núi là rất hạn chế. Chúng tôi thấy ở khu vực chùa có mạch nguồn nhỏ cung cấp nước cho khu vực chùa và giếng chùa, mạch nguồn này sách Đại Nam nhất thống chí đã có đề cập đến. Song mạch nguồn đó cũng không được coi là mạch dồi dào nước. Mạch này được người xưa sử dụng vào giếng để làm nguồn nước sinh hoạt của chùa Am Vãi. Chất lượng nước tốt, ngọt và trong. Đi nắng về đó có thể múc và uống giải khát

Ảnh 5: Giếng tiên

Tại khu núi Am Vãi có 2 lối lên: một lối theo làng Biềng lên, một lối theo đường Nam Điện lên. Cả hai lối này có thể lên bằng ô tô đến khu vực chùa được. Dưới chân núi này, ở hai đầu đường lên có một đầu có một hồ nước nhân tạo. Song cả hai hồ này đều không cấp được nước cho khu chùa Am Vãi được, nhưng ở đây có thể xây dựng các công trình phục vụ văn hóa du lịch phục vụ khách lai vãng thăm chùa trong các mùa là hai điểm kết nối khu chùa Am Vãi với hai khu dân cư làng Nam Điện và làng Biềng để khoảng cách xa dân ngắn lại.

Động thực vật ở khu vực núi Am Vãi

 Không có các loài dã thú, chim muông lớn. Các loài thú nhỏ cũng có nhưng ít. Các loài chim nhỏ cũng vậy. Tình trạng săn bắn chim thú vẫn còn nhưng dần dần hạn chế hơn. Thay vào các loài dã thú lớn ở khu vực núi Am Vãi, người dân các làng ven núi nuôi trâu bầy trong núi khá phổ biến. Có thời kỳ, khu ta lên núi bắt gặp những đàn trâu lớn xuống núi cứ rầm rập. Đây là loài thú lớn có thể cung cấp sức kéo và thịt dồi dào trong vùng. Ngoài ra, cũng có thể nuôi dê và các loài gia súc gia cầm khác quanh chân núi phục vụ cho đời sống nhân sinh.

Như vậy, với tài nguyên tự nhiên này nếu chúng ta cần có những định hướng, cải tạo và trồng rừng đa dạng, bảo vệ tốt không cho chặt phá rừng, giữ cảnh quan sinh thái bền vững, góp phần phát triển du lịch chùa Am Vãi hiệu quả hơn./.

 

 

 

 

 

 

 

 

User Online: 9,571
Total visited in day: 2,631
Total visited in Week: 2,630
Total visited in month: 50,122
Total visited in year: 612,029
Total visited: 3,186,522