CHÙA AM VÃI - HÀNH TRÌNH TÌM VỀ DẤU CHÂN PHẬT

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc

Viện Hàn lâm KHXH VN

  1. Vài nét về chùa Am Vãi

Chùa Am Vãi tên chữ là AM NI TỰ. Chùa tọa lạc trên núi Am Vãi, thuộc xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Về vị trí địa lý, đây là ngọn núi đối diện với núi Phật Sơn, thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, “Núi Am Ni: ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn, mạch núi từ Phật Sơn và Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn, cạnh núi có 2 cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ”[1]. Sách Đồng Khánh dư địa chí, phần chép về huyện Lục Ngạn cho biết thêm các núi trong địa hạt của huyện như sau: “Núi Huyền Đinh, từ núi Yên Tử ở Hải Dương chạy đến, nhiều ngọn liên tiếp; núi Phục Tượng, ở xã Cẩm Lý, mạch núi từ núi Huyền Đinh chạy đến. Thế núi giống hình voi phục cho nên gọi tên như vậy, ở giữa có một chỗ lõm làm đường đi qua, nhưng rất hẹp và nguy hiểm; núi Phong Hanh, ở địa phận tổng Niệm Sơn, gồm nhiều núi khoáng liên tiếp với nhau; núi Cô Sơn, ở xã Cương Sơn, mạch núi từ núi Huyền Đinh chạy tới, một ngọn nổi lên cao vút; núi Chúng Sơn, ở xã Mai Sảo, mạch núi từ núi Nham Phật chạy đến, đột khởi lên cao, bốn phía đều là núi, dân men theo dưới chân núi làm nhà ở, rất cheo leo nguy hiểm; núi Am Vãi, ở xã Nam Điện, mạch núi từ núi Nham Phật chạy đến. Thế núi cheo leo dốc đứng, cây cối xanh tốt; núi Diên Chuỷ (núi Mỏ Diều), ở xã Kỳ Công, mạch núi từ núi Bảo Đài chạy đến. Núi nhấp nhô tầng tầng lớp lớp, đỉnh núi nghiêng nhọn như hình mỏ diều nên gọi tên ấy”[2]. Như vậy, tên chùa Am Vãi theo nghĩa là một ngôi chùa do một ni sư tu tập đã trở thành tên của ngọn núi nơi chùa tọa lạc.

Chùa Am Vãi là ngôi chùa nằm trong quần thể hệ thống chùa tháp ở khu vực Tây Yên Tử, mang đậm dấu ấn của Phật giáo thời Trần. Tương truyền, đây là nơi tu hành của một công chúa nhà Trần nhưng chưa rõ danh xưng vì không được ghi lại trong các tư liệu sử. Tuy nhiên, căn cứ vào những tư liệu khảo cứu trong chính sử và những mối tương quan về vị trí địa lý, lịch sử hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâmở khu vực phía Tây và Đông dãy Yên Tử, có thể đưa ra giả định như sau: Từ những ghi chép trong sách Lục Nam địa chí cho biết: tương truyền Công chúa nhà Trần đã lên chùa Am Vãi để tu hành ở đây. Đồng thời, đối chiếu với những ghi chép trong văn bia chùa Thanh Mai (thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), cho biết: “Tháng 8 năm 1329, Sư Pháp Loa truyền giới xuất gia cho Tuyên Chân Công chúa, ái nữ của Quốc phụ Thượng tể; Tháng 9 năm 1329, Sư truyền giới xuất gia cho Lê Bảo Công chúa, Ái nữ Chiêu Văn vương”.Cho đến nay, sử sách cũng như các nguồn tư liệu thực địa không cho biết thêm hành trạng của hai vị công chúa này. Vậy giữa thông tin về Công chúa nhà Trần lên chùa Am Vãi tu hành và hai vị Công chúa được ghi trong văn bia chùa Thanh Mai có mối liên quan nhất định.

Bản khắc bài vị trong một ngôi tháp còn lại tại chùa Am Vãi có dòng chữ: “Trúc Lâm viên tịch thiền sư hóa thân Bồ Tát cẩn vị” Được dịch là: vị thiền sư là Ma Ha bất thương Tỳ khưu Như Liên hóa thân là Bồ tát đã viên tịch về chốn Trúc Lâm. Theo Lục Nam địa chí, Nguyên văn chữ Hán chép: 庵妮山在南奠社東北高数千丈上山四望東潮諒江諸路皆歷歷可数一井在絕嶺處水甚清洌又有古寺相傳爲陳公主出家住持之所. Phiên âm: Am Ni sơn tại Nam Điện xã Đông Bắc cao số thiên trượng, thượng sơn tứ vọng Đông Triều, Lạng Giang, chư sơn. Lộ giai lịch lịch khả số, nhất tỉnh tại tuyệt lĩnh xứ thủy thậm thanh liệt hựu hữu cổ tự, tương truyền vi Trần Công Chúa xuất gia trụ trì chi sở[3]. Dịch nghĩa là, núi Am Ni ở phía Đông Bắc xã Nam Điện, cao nghìn trượng, từ trên núi nhìn được bốn phía xung quanh các núi ở Đông Triều, Lạng Giang. Đường đi lên đó rất dài. Trên đỉnh núi cao có một cái giếng, nước trong leo lẻo, lại có một ngôi chùa cổ, tương truyền là công chúa nhà Trần đã xuất gia tu hành.

Năm 1998, chùa Am Vãi được xây lại trên nền chùa cũ. Chùa không lớn, tọa lạc bên sườn núi, trong không gian thoáng đãng, từ chùa có thể bao quát khung cảnh quanh vùng. Từ trên đỉnh núi có thể thấy toàn cảnh thị trấn Chũ. Trước mặt chùa, từ ngoài nhìn vào phía bên tay phải sát chùa là đường đi vào hang Gạo, khu vườn tháp, chếch lênh đỉnh núi là đường đi lên hang Tiền, Bàn cờ tiên và dấu chân Phật lớn. Phía tay trái là đường ra giếng tiên và dấu chân Phật nhỏ.

Tam bảo chùa hình chữ Đinh gồm tiền đường nối với Thượng điện. Tiền đường gồm 5 gian, Thượng điện gồm 3 gian. Hệ thống tượng thờ trong chùa Am Vãi hiện là hệ thống tượng mới. Dấu ấn chùa cũ còn lại là các chân cột đá, tháp đá…

Sơ đồ Phật điện chùa Am Vãi hiện nay như sau:

 

        Quan Âm Tọa Sơn                  Tam Thế Phật           Quan Âm Chuẩn Đề

 

Quán Thế Âm              A Di Đà                     Đại Thế Chí

 

                      Tuyết Sơn              Thích Ca Niêm hoa             Di Lặc

 

                      Nam Tào                   Ngọc Hoàng                      Bắc Đẩu

 

                                                        Cửu Long

 

Sơ đồ Phật điện hiện trạng của chùa Am Vãi cho thấy chùa Am Vãi có sự hiện diện của hai dòng phái Phật giáo là Thiền tông và Tịnh độ tông.

  1. Dấu chân Phật, những điểm đến tâm linh

Dấu chân Phật là một dấu tích tôn giáo mà các quốc gia Phật giáo ở Châu Á sùng kính, như Myanma, Thái Lan, Ấn Độ, Srilanka.. Đặc biệt là các nước theo Phật giáo Nam truyền. Dấu chân là biểu tượng, tượng trưng cho sự siêu việt. Ngay từ trước khi Phật giáo ra đời, tại Ấn Độ, dấu chân đã là vật thể được tôn kính. Tôn thờ biểu tượng bàn chân có từ Ấn Độ giáo. Hiện một số địa điểm ở Ấn Độ trở thành nơi hành hương mang dấu chân của thần Vishnu. Theo thần thoại Ấn Độ, vũ trụ, vạn vật đâm chồi, nảy lộc từ giấc mơ của thần Vishnu. Mỗi khi vạn vật hỗn loạn, nhiều vị thần sẽ hiện thân với một hay nhiều hóa hiện, tham gia trận đánh và vũ trụ thành các lực lượng hỗn mang. Trong các trận đánh đó, các vị thần thường bước trên mặt đất và để lại dấu chân của mình. Tiêu biểu, đền Vishnupada Mandir, Gaya, Ấn Độ thờ vị thần Vishnu nằm dọc sông Falgu nơi ghi dấu chân của thần Vishnu lõm sâu trong khối đá bazan. Điểm có sự hiện diện của dấu chân thần Vishnu được tín đồ Ấn giáo coi là một trục vũ trụ cho các vùng, miền, là điểm hội tụ, kết nối thông linh trời đất và địa ngục. Và như thế, các địa điểm này được coi là các khu thánh tích. Liên quan tới dấu chân thần Vishnu. Truyền thuyết Ấn Độ có câu chuyện: Con quỷ Gayasura/ Atula, đã thực hành sám hối cùng cực và có được đặc ân mà bất cứ ai nhìn thấy nó sẽ đạt được giải thoát. Nếu sự giải thoát đạt được thông qua đức hạnh chính đáng trong cuộc đời một con người, thì giờ đây mọi người có nó một cách dễ dàng. Để ngăn chặn những kẻ vô đạo đức có được sự giải thoát, thần Vishnu đã yêu cầu Gayasura đi vào bên dưới lòng đất và để làm được như vậy thần đã đặt chân phải lên đầu của A tu la này. Sau khi đẩy Gayasura xuống dưới bề mặt của đất, dấu chân của thần Vishnu vẫn còn lưu lại trên mặt đất. Dấu chân này gồm chín biểu tượng khác nhau: Shankam/ pháp loa, Chakram/luân xa và Gadham/chủy. Đây được cho là những vũ khí của thần Vishnu. Gayasura khi bị đẩy xuống đất đã thỉnh cầu thức ăn. Vị chúa tể Vishnu đã bàn cho nó một ân huệ là mỗi ngày đều có người dâng thức ăn cho nó. Bất cứ ai làm vậy, linh hồn của họ sẽ được lên thượng giới. Và người ta tin rằng, ngày mà Gayasura không có thức ăn, con quỷ sẽ đi ra khỏi lòng đất. Nên mỗi ngày, người dân từ mọi vùng miền khác nhau đến đây để cầu nguyện sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng cho người thân đã mất và dâng cúng thức ăn chó Gayasura[4].

Quan niệm về Dấu chân Phật hình thành theo truyền thuyết sau khi đạt chứng quả vị Phật, bước chân của Phật có in dấu trên đá. Truyền thuyết khác thì cho rằng, khi đản sinh, đức Phật bước bảy bước nở ra bảy đóa sen, tượng trưng cho quyền ngự trị tâm linh bao trùm toàn vũ trụ. Dấu chân Phật in trên đá được gọi là Phật túc thạch, Phật túc tích, Phật cước thạch. Dấu chân Phật biểu thị cho sự hiện diện của hình ảnh đức Phật. Biểu tượng dấu chân Phật xuất hiện sau khi Phật nhập diệt vài thế kỷ. Dấu chân Phật biểu thị sự hiện hữu của đức Phật trên thế gian. Dấu chân Phật là những dấu vết in hằn một phần hay cả bàn chân của đức Phật. Dấu chân Phật có thể là vết tích tìm được trong tự nhiên mà cũng có thể là nhân tạo. Truyền thống một số nước Phật giáo kính ngưỡng dấu chân Phật có thể tạo nên các biểu tượng khác nhau của dấu chân Phật bằng nghệ thuật hội họa và điêu khắc. Phát hiện dấu chân Phật trên thế giới có từ rất sớm như tại Thái Lan vào khoảng 600 năm sau Công nguyên.

Theo Huỳnh Thanh Bình, về mặt biểu trưng, dấu chân Phật theo con đường từ vô hình tướng, đến các hình tượng bắt đầu từ các biểu trưng như pháp luân và chuyển biến đến việc tạo tác nên các bức tượng Phật. Các dấu chân mang ý nghĩa nhắc nhở rằng đức Phật đã hiện diện trên trái đất và để lại con đường tâm linh, con đường giải thoát cho chúng sinh. Dấu chân này đặc biệt vì chúng là những di tích duy nhất mang đến sự hiện diện vật chất của đức Phật trên trái đất khi chúng là vết lún/chỗ lõm thực sự tồn tại trên mặt đất.[5]

Một truyền thuyết của Phật giáo cho rằng: không lâu trước khi sắp viên tịch và nhập Niết bàn, đức Phật đã đi đến Kushinara và đứng trên một tảng đá, quay mặt về hướng Nam. Người ta cho là Ngài đã lưu lại dấu chân in hằn vào mặt đá như một di vật cho hậu thế.[6]

Phần lớn trong số những dấu vết tự nhiên của dấu chân Phật được thừa nhận không phải là dấu chân thực sự của đức Phật nhưng nét biểu trưng của chúng được coi là di vật Phật giáo và là hình thức phi hình tướng và biểu trưng cho đức Phật. Câu chuyện về dấu chân trên đá thường gắn liền với sự tích các nàng tiên giáng trần, hay những câu chuyện liên quan tới sự hiện diện của ông Bụt cứu giúp dân lành. Dấu chân ghi nhận các nàng tiên hay ông Bụt đã tới nơi này. Hình tượng dấu chân Phật đi vào huyền thoại như phép màu niệm trong đạo Phật hiện hữu giữa nhân gian.

Dấu chân Phật được tìm thấy nhiều ở các quốc gia châu Á, với nhiều niên đại khác nhau. Giáo sư MotojiNiwa ước tính đã tìm thấy 3000 dấu chân Phật, trong đó tại Nhật Bản có khoảng 300 và Srilanka là 1000[7]. Dấu chân Phật lớn nhất và nổi tiếng nhất được tìm thấy trên đỉnh Sri Padaya ở Sri lanka. Người đầu tiên phát hiện thấy dấu chân Phật là nhà vua Walagamba (104-76 trước Công nguyên) khi ông đi trong vùng núi hoang dã. Truyền thuyết địa phương ghi lại, ông được một vị thần trong lốt một con hươu dẫn đến đỉnh núi. Sau đó, không chỉ những người hành hương mà cả hoàng tộc cũng tỏ lòng tôn kính dấu chân Phật thời cổ đại. Mùa hành hương đến vùng Sri Pada bắt đầu hàng năm vào ngày trăng rằm poya trong tháng mười hai và kết thúc vào ngày Vesak poya của tháng năm[8].

Dấu chân Phật, dấu chân thần hiện diện tại nhiều di tích ở Việt Nam. Người Việt cũng như các quốc gia châu Á khác có truyền thống kính ngưỡng dấu chân thiêng. Chùa Am Vãi, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một trong số ít di tích có 2 dấu chân Phật, một dấu chân to trên đỉnh núi ở vị trí gần bàn cờ tiên, một dấu chân nhỏ gần giếng tiên.

Dấu chân to nằm trên phiến đá có kích thước: chiều cao 2m, dài 2,1m, rộng 1,4m. Đứng từ phiến đá này có thể nhìn toàn cảnh thị trấn Chũ. Kích thước dấu chân Phật: Chiều dài 35cm (tính từ gót đến phần ngón), rộng (ngang) 12cm; Vết gót có chiều dài 12cm, rộng 6cm, sâu 2cm.

Dấu chân nhỏ nằm dưới chân một mặt phiến đá. Kích thước phiến đá: chiều dài 3,9m, rộng 2,3m, cao 3,8m. Kích thước dấu chân: Từ gót đến đỉnh cao nhất dài 1,1m, rộng 45cm, sâu 17cm. Kích thước dấu chân nhỏ gần khớp với dấu chân người bình thường, vết ngón chân còn rõ.

Hai dấu chân Phật trong quần thể chùa Am Vãi có vị trí cách xa nhau và không thấy có độ kết nối giữa hai dấu chân này. Hiện tại chùa Am Vãi có hai dấu chân trên đá, dấu chân nhỏ còn được người dân trong vùng gọi là dấu chân Phật và dấu chân to được gọi là dấu chân Tiên. Lý do dấu chân to được gọi là dấu chân Tiên có thể do gần bàn cờ tiên. Tại phiến đá cách phiến đá có dấu chân to khoảng 2m, phiến đá này ở vị trí cao hơn so với phiến đá có dấu chân to, là bàn cờ tiên. Kích thước bàn cờ: Dài 2,5m, rộng 1,35m, cao 1,75m.

Thực tế, không có gì để xác định hai dấu chân này đâu là dấu chân Phật và đâu là dấu chân Tiên. Khu vực chùa Am Vãi, từ cứ liệu lịch sử, chúng tôi chỉ tìm thấy cứ liệu chùa xây dựng lại trên nền chùa cũ. Dấu tích cơ sở Phật giáo đã được ghi chép trong văn bản sử. Thời điểm xây dựng chùa cụ thể chưa rõ nhưng theo tài liệu ghi lại và tư liệu khảo sát trong nhân dân, tương truyền chùa Am Vãi có từ thời Lý -Trần. Không thấy tài liệu nào ghi lại dấu ấn đạo giáo, đạo quán hay đạo sĩ đến vùng này. Do đó, với hai dấu chân tại địa điểm Phật giáo chúng tôi thấy hợp lý hơn nếu cả hai dấu chân này được coi là dấu chân Phật. Về bằng chứng khoa học, chúng ta không có gì để khẳng định hay chứng minh sự khác biệt giữa dấu chân Tiên và dấu chân Phật. Cho dù đây là dấu chân Tiên hay Phật thì hai dấu chân cùng là dấu chân Thiêng trong lòng người dân, tín đồ Phật tử trong và ngoài vùng. Hai dấu chân Thiêng góp phần gia tăng sự linh thiêng cho quần thể chùa Am Vãi./.

 

 

 

 

[1]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 93

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh dư địa chí, Ngô Hữu Thọ dịch, tập 1,2,3, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003, tr 538

[3] Lục Nam địa chí, Tư liệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán nôm, ký hiệu A 2037.

[4]Huỳnh Thanh Bình, 2019,  Huyền thoại về dấu chân Phật, https://giacngo.vn/huyen-thoai-ve-dau-chan-phat-post47865.html.

[5] Huỳnh Thanh Bình, 2019,  Huyền thoại về dấu chân Phật, https://giacngo.vn/huyen-thoai-ve-dau-chan-phat-post47865.html.

[6] Huỳnh Thanh Bình, 2019,  Huyền thoại về dấu chân Phật, https://giacngo.vn/huyen-thoai-ve-dau-chan-phat-post47865.html

[7][7] Huỳnh Thanh Bình, 2019,  Huyền thoại về dấu chân Phật, https://giacngo.vn/huyen-thoai-ve-dau-chan-phat-post47865.html

[8] Huỳnh Thanh Bình, 2019,  Huyền thoại về dấu chân Phật, https://giacngo.vn/huyen-thoai-ve-dau-chan-phat-post47865.html

 

 

User Online: 13,395
Total visited in day: 3,067
Total visited in Week: 8,215
Total visited in month: 76,775
Total visited in year: 638,682
Total visited: 3,213,175