CHÙA AM VÃI VÀ CÁC GIÁ TRỊ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
TS. Tạ Thị Tâm Viện Dân tộc học Email: tam110986@gmail.com

Tóm tắt: Chùa Am Vãi ở tỉnh Bắc Giang, thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh và hệ thực vật phong phú, đa dạng, cùng sự cư trú đan xen của các tộc người thiểu số, tạo nên những giá trị đặc trưng riêng của di tích. Với những giá trị lịch sử, Phật giáo, văn hóa hòa quyện với tính linh thiêng vốn có của ngôi chùa, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái tỉnh Bắc Giang. Bài viết tập trung phân tích các giá trị chùa Am Vãi cũng như tiềm năng, lợi thế trong phát triển các mô hình du lịch ở tỉnh Bắc Giang.

Từ khóa: Chùa Am Vãi, giá trị, Phật giáo, Trúc Lâm Yên Tử, du lịch, tỉnh Bắc Giang.

Abstract: Am Vai pagoda in Bac Giang province, a historical site surrounded by primaeval forests and diverse flora, belongs to the Truc Lam Yen Tu Zen sect of Buddhism. The pagoda’s unique values are enhanced by the interweaving residence of ethnic minority groups. The temple’s inherent sacredness blends with its historical, Buddhist, and cultural values, making it a significant resource for tourism development, particularly for spiritual and ecotourism in Bac Giang province. The article focuses on analysing the values of Am Vai pagoda as well as the potential and advantages of developing tourism models in Bac Giang province.

Keywords: Am Vai Pagoda, values, Buddhism, Truc Lam Yen Tu tourism, Bac Giang province.

      Ngày nhận bài: 1/1/2023; ngày gửi phản biện: 5/1/2023; ngày duyệt đăng: 14/2/2023.

 

Mở đầu

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch đã có từ lâu trên thế giới, nhưng ở nước ta mới chỉ được nói đến trong khoảng hơn chục năm qua khi điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần con người được nâng lên. Du lịch tâm linh thường diễn ra các hoạt động khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, mang đến cho du khách những cảm xúc thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn (Ngọc Hà, 2019). Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về du lịch tâm linh. Đã từ lâu trong văn hoá của người Việt hình thành các con đường hành hương về miền đất thiêng, đất Tổ, đất Phật như Đền Hùng, chùa Hương, Yên Tử, Phủ Dầy,... Những địa điểm tôn giáo gắn với việc hành hương đi lễ của các Phật tử đã phát triển thành điểm thu hút khách du lịch, nơi vừa là di tích quốc gia với những di sản văn hóa vừa là khu du lịch kinh tế phát triển (Duc Dao The, 2008; Andrea Lauser, 2015). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghi lễ, lễ hội có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa hiện đại, nhất là trong việc giáo dục những tư tưởng, tình cảm cao đẹp như lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng và các hoạt động văn hóa nghệ thuật (Duc Dao The, 2008; Endres, 2002; Andrea Lauser, 2015). Chính vì vậy, du lịch tâm linh không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của du khách mà còn tăng cường sợi dây gắn kết con người với thiên nhiên cũng như gia tăng niềm tin, nâng cao đời sống tâm hồn của con người. Mặc dù, trong xu hướng phát triển hiện nay đâu đó xuất hiện hiện tượng thương mại hóa du lịch tâm linh, sự biến tướng của các hoạt động tâm linh tại một số danh thắng, đền, chùa do sự lỏng lẻo trong tổ chức quản lý của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp. Song, không thể phủ nhận những lợi ích vật chất và tinh thần mà hình thức du lịch này mạng lại cho du khách và người dân địa phương (Ngọc Hà, 2019).

          Bắc Giang là một tỉnh trung du miền núi vừa thuộc vùng Kinh Bắc xưa, vừa thuộc vùng Đông Bắc ngày nay, nổi tiếng với hệ thống di tích đình, chùa, đền có giá trị văn hoá, lịch sử lâu đời. Đây cũng nơi lưu giữ dấu tích các ngôi chùa của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần bên phía Tây Yên Tử, chứng tích cho một thời kỳ Phật giáo phát triển hưng thịnh. Qua thời gian lịch sử, hệ thống chùa ở Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đóng vai trò quan trọng và là một phần không thể tách rời trong quần thể di sản văn hóa và danh thắng Yên Tử gắn với Phật giáo Trúc Lâm mang đậm bản sắc Việt. Trường hợp chùa Am Vãi là một di tích quan trọng và tiêu biểu trong quần thể di tích đó.

Tọa lạc trên đỉnh núi Am Ni (thuộc địa phận 3 xã Nam Dương, Tân Mộc, Tân Lập), huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, độ cao khoảng 700m, chùa Am Vãi có những giá trị lịch sử, Phật giáo, văn hóa quý báu cũng như tiềm năng, lợi thế về cảnh quan và sinh thái trong phát triển du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái. Trải qua thời gian, ngôi chùa cổ chỉ còn lại tàn tích, hiện nay đang trong quá trình được phục dựng và nâng cấp. Bài viết này sẽ trình bày các giá trị của chùa Am Vãi và việc phát huy các giá trị của chùa trong phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang hiện nay. Các tư liệu thực địa sử dụng trong bài viết là kết quả điền dã nhiều đợt từ năm 2020 - 2021 tại chùa Am Vãi và các khu vực lân cận. Trong quá trình nghiên cứu thực tế, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu (25 phỏng vấn sâu các bậc cao niên trong vùng), quan sát và thảo luận nhóm (5 thảo luận nhóm) để thu thập thông tin.

1. Giá trị chùa Am Vãi trong mối liên hệ với quần thể di tích tỉnh Bắc Giang

1.1. Chùa Am Vãi qua các tài liệu thư tịch  

Chùa Am Vãi tên chữ là Am Ni tự. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, “Núi Am Ni: ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn, mạch núi từ Phật Sơn và Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn, cạnh núi có 2 cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, tr. 93). Trong chính sử này cho biết, ngoài nền chùa cũ, nơi đây còn có giếng nước và 2 bồn đá. Đến tháng 4 năm 2022, tại khu vực chùa, các nhà nghiên cứu phát hiện và sưu tầm được một trong hai chiếc bồn đá đã ghi trong chính sử trên và chuyển về phía sân chùa.

 Sách Đồng Khánh dư địa chí, phần chép về huyện Lục Ngạn cho biết thêm: “Núi Am Vãi ở xã Nam Điện, mạch núi từ núi Nham Phật chạy đến. Thế núi cheo leo dốc đứng, cây cối xanh tốt, phía bên trái có một cái giếng nước rất trong, bốn mùa không cạn, bên giếng có hai chậu đá, phía trên có di tích nền chùa, nhưng hiện nay rêu phong mây phủ, không khảo được sự tích” (Quốc Sử quán triều Nguyễn, 2003, tr. 538).

Sách Lục Nam địa chí ( ), mục Sơn dã/xuyên ( ), cũng chép: Núi Am Ni ở phía Đông Bắc xã Nam Điện, cao nghìn trượng, lên núi nhìn bốn phía xung quanh thấy các núi ở Đông Triều, Lạng Giang. Đường đi qua đều rất dài. Trên đỉnh núi rất cao có một cái giếng, nước trong leo lẻo, lại có một ngôi chùa cổ, tương truyền là Công chúa nhà Trần đã xuất gia và tu hành ở đây.     

Bên cạnh các tư liệu chính sử, di sản Hán Nôm cổ ở chùa Am Vãi còn tấm bài vị trên tháp “Liên Hoa bảo tháp/ 蓮花寶塔” (Tháp báu Liên Hoa). Đây là ngôi tháp đá khá nguyên vẹn, dựng bằng đá nhám cát kết già, màu nâu nhạt, được cư dân trong vùng khôi phục lại vào năm 1998. Phân tích cấu trúc và nội dung bài vị cho thấy một số chi tiết đáng chú ý như sau: - Trúc Lâm viên tịch (hiểu là: người theo đạo Phật ở chùa Am Vãi thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã mất); - Ma ha bất thương Tỳ khưu (khâu) Như Liên (hiểu là: người xuất gia theo đạo Phật ở chùa Am Vãi có tên là Tỳ khưu Như Liên). Ở đây cần nói thêm rằng, trong giới Phật, tỳ khưu được chia thành 2 đối tượng: Tỳ khưu (chỉ nam giới xuất gia theo đạo Phật); Tỳ khưu ni (chỉ nữ giới xuất gia theo đạo Phật). Nếu căn cứ vào sự phân chia này, thì người được táng trong Liên Hoa bảo tháp là nam giới, theo đạo Phật tại chùa Am Vãi. Để khẳng định thêm chùa Am Vãi là ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, chúng tôi đã đối chiếu với tư liệu chữ Hán tại Tháp Chân thường, thuộc Vườn Tháp tổ, Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh, tháp có niên đại triều vua Lê Thần Tông năm thứ 5 (1623). Văn bia trong tháp có tên: (phiên âm: Linh sơn ứng tích Yên Tử sơn, Hoa Yên tự Chân Thường tháp ký; tạm dịch là: Bài ký trên Tháp Chân thường của Chùa Hoa Yên tại núi Yên Tử nơi linh thiêng lưu dấu tích). Văn bia có đoạn ghi: ... (phiên âm: Trúc Lâm Tỳ khưu Như Lịch Giác Viên Tuệ thiện Thiền sư hóa thân - Tạm dịch là: Thiền sư theo Phật giáo Trúc lâm Yên Tử là Tỳ khưu Như Lịch Giác Viên Tuệ Thiện Thiền sư đã hóa thân...).

          Thông qua việc phân tích và đối chiếu thông tin trong bài vị của Liên Hoa bảo tháp và văn bia trong Tháp Chân thường, chúng ta có cơ sở khẳng định rằng chùa Am Vãi là ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, bài vị trong tháp có khắc 2 từ Trúc Lâm ( )[1] như văn bia Tháp Chân thường đã ghi và người được táng trong tháp là một vị sư nam.          

Ngoài ra, chùa còn 2 - 3 ngôi tháp đá khác được xếp lại theo hình bậc thang để làm nơi thờ. Đến năm 2022, các nhà nghiên cứu sưu tầm thêm được các mảnh cạnh tháp, chân đế và chóp tháp ở quanh khu vực chùa. Điều đó cho thấy, chùa Am Vãi đã có từ 3 - 4 ngôi tháp, song các ngôi tháp đều được cư dân trong vùng dựng lại vào các thời điểm khác nhau.

Qua ghi chép từ các tài liệu chính sử cho thấy, Am Ni tự là ngôi chùa cổ, tọa lạc trên núi Quan Âm. Chùa đã từng là nơi tu hành của công chúa nhà Trần. Qua các giai đoạn phát triển có các thế hệ đến trụ trì khác nhau. Hơn nữa, tư liệu Hán Nôm cổ còn khẳng định, chùa Am Vãi là nơi tu hành của các vị sư thuộc thiền phái Trúc Lâm.

1.2. Quá trình phục dựng, nâng cấp chùa Am Vãi

Mặc dù các tư liệu cho thấy chùa Am Vãi ra đời trong thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh, khi các vị vua nhà Trần đã trút bỏ ngai vàng để xuống tóc đi tu, lấy dãy Yên Tử để dựng các thiền viện, chùa, am cho bản thân cùng tăng đồ tu luyện. Từ đó, hàng loạt chùa tháp ra đời, được xây dựng cả phía đông Yên Tử (Đông Triều của Quảng Ninh ngày nay) và phía tây Yên Tử (Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn của Bắc Giang). Tuy nhiên, theo những ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống chí (đã trình bày ở trên), đến thời Nguyễn, chùa Am Vãi đã đổ nát chỉ còn lại nền cũ.

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, vào thời Lê, chùa Am Vãi có những dấu tích là một ngôi chùa lớn, có bố cục mặt bằng theo kiểu “Nội công - ngoại quốc”, trên diện tích ước chừng hơn 2000m2, với rất nhiều dãy nhà như: Tiền đường, Tam bảo, nhà tăng…. (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, Lý lịch di tích chùa Am Vãi, 2016). Đến giai đoạn những năm 1960 - 1970 thì hầu như những dấu tích trên không còn nữa.

Theo lời kể của cụ Thân Văn T., 1929, Hội người cao tuổi xã Nam Dương cho biết: đến thời Pháp thuộc: “Vốn dĩ chùa Am Vãi ở phía bắc núi Am Vãi. Trước đây, chùa do cư dân làng Đồng Chằm (ngày nay thuộc xã Tân Lập) trông nom. Nhưng không biết với lý do gì, cư dân hai làng Đồng Chằm và làng Biềng (xã Nam Dương) tranh nhau quyền trông coi ngôi chùa; hai bên giành nhau mãi không bên nào chịu bên nào, dẫn tới phải đến quan xử. Quan ra điều kiện: Đêm đó quan ngủ lại chùa để nghe gà gáy. Trong hai làng, làng nào có tiếng gà gáy trước thì làng đó được quyền trông coi chùa Am Vãi. Dân làng Biềng đem gà tới gần chùa rồi cho gà thức dậy, gáy vang trước gà làng Đồng Chằm. Từ đó, làng Biềng được quyền trông coi chùa. Quanh chùa, nhân dân vẫn truyền tụng gà ở đây không bao giờ gáy nữa”. Từ khi làng Biềng được trông coi chùa, việc hương khói cũng như quản lý chùa thêm khó khăn, do chùa cách làng 6km đường bộ. Đặc biệt, hai làng ở dưới chân núi Am Vãi vẫn có hai ngôi chùa là: Hàm Long tự (chùa làng Nam Điện); Vĩnh Phúc Thiền tự (chùa làng Biềng). Hai chùa này ra đời giải quyết được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh tại chỗ của cư dân trong làng, làm cho vai trò của chùa Am Vãi đối với đời sống nhân dân giảm dần.

Vào năm 1998, chùa Am Vãi được cư dân trong vùng dựng lại 3 gian Phật điện trên nền chùa cũ. Ban trùng tu chùa gồm 14 thành viên là cư dân làng Biềng (xã Nam Dương), đã vận động cư dân trong vùng góp công, góp của xây dựng 3 gian Phật điện (trong đó tường xây bằng đá, khung gỗ, mái lợp tấm Proximang). Ngày mùng 3 tháng Ba năm 1998, chùa Am Vãi mở hội truyền thống, sau nhiều năm gián đoạn. Tháng 8 năm 1999, chùa hoàn thiện việc đắp và tô 16 pho tượng thờ. Từ năm 2010 đến 2012, chùa Am Vãi được xây dựng lại 3 gian Phật điện bằng vật liệu kiên cố và đẹp hơn, dựng mới 5 gian Tiền tế, khu nhà tổ, nhà khách và một số công trình phụ khác. Từ năm 2009 đến nay, chùa Am Vãi có các nhà sư tới tu hành và tu sửa, nâng cấp các hạng mục trong khuôn viên nhà chùa.

Với giá trị về lịch sử, văn hóa, năm 2002, chùa Am Vãi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; ngày 9/3/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 819/QĐ-BVHTTDL công nhận chùa Am Vãi là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

1.3. Những giá trị của chùa Am Vãi

1.3.1. Giá trị Phật giáo của chùa Am Vãi trong không gian Phật giáo Tây Yên Tử

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Am”: Cái hang nhỏ; “Ni (danh từ): Người phụ nữ tu hành, theo đạo Phật và ở chùa. Chữ ni và chữ tăng”; “Vãi (danh từ): Người đàn bà có tuổi chuyên đi chùa lễ Phật, người đàn bà theo đạo Phật, ở chùa giúp việc cho nhà chùa, sư nữ” (Hoàng Phê, 1998, tr. 757, 1130). Như vậy, chùa Am Vãi là am, hang nhỏ, nơi tu hành của các nhà sư nữ khi xưa. Am hay Âm là tên dãy núi Quan Âm (thường gọi: Núi Phật Bà) cùng song song chạy dài với núi Phật Sơn (núi Phật Ông), nằm trong dãy Yên Tử.

Từ những ghi chép trong tài liệu chính sử và phân tích tên gọi của chùa cho thấy, Am Vãi là ngôi chùa cổ, nơi công chúa nhà Trần đã từng tu hành ở đây. Tên gọi của chùa (Am Ni), tên núi tọa lạc (Am Ni, Am Vãi, Quan Âm, Phật Bà) cho thấy thời kỳ khởi dựng của chùa mang đậm dấu ấn, vai trò của giới nữ quý tộc tham gia vào đời sống Phật giáo thời Trần.

Theo các bậc cao niên trong vùng: chùa Am Vãi sơ khai chỉ là một am nhỏ, có một vị sư trụ trì. Theo truyền thuyết, ở đây có một hang tiền và một hang gạo do mái đá núi tạo thành. Mỗi ngày cả hai hang chảy đủ gạo và tiền cho một vị sư dùng. Một ngày, nhà sư có khách tới chơi đã khơi cho hang chảy nhiều hơn để đủ cho hai người dùng. Từ đó, hang tiền và hang gạo không bao giờ chảy ra nữa, nhà sư cũng không còn ở đó. Từ đấy trở đi chùa vắng sư - trở thành hoang phế. Từ tư liệu trên có thể giả thiết rằng, ban đầu các nhà sư tu tại chùa theo lối khổ hạnh với biểu tượng bàn chân đá, ăn uống kham khổ ép xác (nghĩacó gì ăn nấy tại nơi nhập thiền; hình tượng hang tiền hang gạo là lương nhu tại chỗ), nếu thấy nơi đó hết thức ăn lại đi nơi khác. Và các vị sư trụ trì này tu theo thiền phái Tiểu Thừa (cỗ xe nhỏ chỉ chở đủ một người), theo lối tu riêng cho cá nhân, không có khả năng cứu cánh kiêm nhiệm cho người khác (hình ảnh ông khách đến hang tiền hang gạo ngừng chảy luôn từ đó). Khi lối tu Đại thừa xuất hiện bằng việc nhà sư ra đi, là lối tu Tiểu thừa không còn phù hợp. Thực tế cho thấy, đạo Phật ở Việt Nam từ thời Lê đã đi vào làng xã, không còn tu ở những nơi thâm sơn cùng cốc như các vị sư triều Trần.

Quá trình khảo sát tại chùa Am Vãi vẫn còn thấy hai dấu bàn chân trên đá mà dân gian thường quan niệm là dấu chân Phật (một là tảng đá ngay sân chùa, bàn chân này có nhiều điểm giống chân người bình thường; còn một bàn chân trên đỉnh núi rất to, quá khổ chân người). Dấu chân Phật thứ nhất, là dấu chân nhỏ nằm dưới chân một mặt phiến đá có chiều dài 3,9m, rộng 2,3m, cao 3,8m. Kích thước dấu chân: từ gót đến đỉnh cao nhất dài 1,1m, rộng 45cm, sâu 17cm. Dấu chân Phật thứ hai (còn gọi là dấu chân Tiên), ở phía trên đỉnh núi, nằm trên phiến đá có chiều cao 2m, dài 2,1m, rộng 1,4m. Từ vị trí của phiến đá này có thể nhìn toàn cảnh trung tâm thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn và nhìn lên chùa Đồng, Yên Tử. Dấu chân này có chiều dài 35cm (tính từ gót đến phần ngón), rộng (ngang) 12cm; vết gót có chiều dài 12cm, rộng 6cm, sâu 2cm. Kích thước dấu chân này gần khớp với dấu chân một người bình thường, vết ngón chân còn rõ. Bàn chân tựa như một đế dày đục trên mặt phiến đá. Cạnh nơi có dấu chân Tiên, là phiến đá to, có bề mặt bằng phẳng, được cư dân trong vùng gọi là bàn cờ Tiên.

Ngoài hai dấu chân Phật ở chùa Am Vãi, trong không gian Phật giáo ở khu vực Tây Yên Tử, còn xuất hiện dấu chân Phật ở chùa Yên Mã (xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam) có kích thước nhỏ hơn. Chiều dài chừng 0,35m, rộng 0,2m, sâu 0,1m, được đục trên phiến đá rộng. Việc phát hiện các dấu chân Phật trên đá ở các chùa thuộc khu vực Tây Yên Tử nói chung, ở chùa Am Vãi nói riêng cho thấy đây là dấu tích của các chùa thờ Phật ban đầu. Ở đó, các thiền sư thực hành tu theo lối khổ hạnh. Hệ thống chùa tháp được xây dựng từ thời Lý, Trần sau này dù đã đổ nát, chỉ còn nền cũ, tượng Phật không còn nhưng giá trị tinh thần, biểu tượng của thời kỳ Phật giáo sơ khai vẫn tồn tại ở nơi đây. Cho dù đây là dấu chân Tiên hay Phật thì các dấu chân này luôn là dấu ấn thiêng trong lòng người dân, tín đồ Phật tử trong và ngoài vùng, góp phần gia tăng sự linh thiêng cho quần thể chùa Am Vãi cũng như các di tích ở khu vực Tây Yên Tử. Theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, hầu hết các Phật tử đến cầu tự ở chùa Am Vãi đều ướm thử vào vết chân Phật, vết chân Tiên và uống nước giếng Tiên để mong ước trở thành hiện thực.

1.3.2. Giá trị văn hóa và tâm linh

Về niềm tin liên quan tới việc cúng lễ và giải toả những ước muốn trong cuộc sống, nhiều truyền tích và không ít người trong vùng hiện nay vẫn truyền nhau rằng, chùa Am Vãi rất linh thiêng về mặt tâm linh. Người dân tin rằng cầu cúng lễ tại chùa Am Vãi không chỉ mong muốn được bình an về sức khoẻ và may mắn trong công việc..., mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh đối với việc cầu tự. Với nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn hoặc mong muốn có một cậu quý tử để nối dõi tông đường, việc đi lễ tại chùa Am Vãi có ý nghĩa rất lớn đối với họ bởi niềm tin vào việc ướm chân vào dấu chân Phật sẽ cầu được ước thấy. Hơn nữa tương truyền công chúa nhà Trần đã từng tu hành ở ngôi chùa này cũng là một trong nhiều yếu tố linh thiêng, có ý nghĩa về niềm tin tâm linh cho những người đến cầu cúng, trải nghiệm,... Theo lời kể của bà Nguyễn Thị T., 85 tuổi, xã Nam Dương: “Chùa Am Vãi là nơi linh thiêng để cầu tự con. Những năm 1930 - 1940 trong vùng có một số gia đình hiếm muộn đã lên chùa cầu tự và thành công. Những người là con cầu ở chùa Am Vãi vẫn theo lễ ở chùa. Sau này họ mất đi, con cháu đều nhớ về chi tiết này và đến chùa vào mỗi dịp lễ, hội”.

Đối với người dân địa phương, “không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã tin vào sự linh thiêng và mầu nhiệm của chùa Am Vãi, tin vào sự may mắn mà chùa mang lại cho dân làng. Sự linh thiêng của chùa được nhân dân hai làng Biềng và Nam Điện gắn liền với sinh hoạt hằng ngày, nhất là mỗi khi làng xảy ra sự cố lớn, trong tâm thức mỗi người lại hướng lên dãy núi cao nhất nơi có chùa Am Vãi” (Giáp Thị Huyên, 2006, tr. 64). Từ sau khi chùa Am Vãi được phục dựng trở lại, tín đồ, người dân đến chùa ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhất là vào các lễ hội, ngày mồng Một, ngày Rằm. Theo thống kê của Ban quản lý di tích chùa Am Vãi, ước tính ngày Rằm, mùng Một hàng tháng có từ 400 - 500 Phật tử và người dân trong vùng đến chùa thắp hương, trong đó số Phật tử và người làm nghề kinh doanh buôn bán chiếm 70% số người đến chùa, độ tuổi chủ yếu từ 30-50. Mùa lễ hội có từ 10.000 - 12.000 Phật tử và nhân dân về chùa, ngoài Phật tử trong vùng còn có cả du khách từ các tỉnh khác, thậm chí đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết du khách và Phật tử đến chùa cầu sức khỏe và may mắn trong công việc.

Lễ hội Chùa Am Vãi là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Ngạn, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự. Phần lễ được diễn ra trọng thể cùng với nghi thức rước tượng Phật hoàng và lễ dâng hương. Lễ hội chùa Am Vãi là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của địa phương, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa Phật giáo cao đẹp. Thông qua lễ hội, cư dân đã thay đổi nhận thức trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, gắn bó đoàn kết cộng đồng, hình thành và phát triển các mô hình du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

2. Phát huy các giá trị chùa Am Vãi trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang

2.1. Thực trạng du lịch chùa Am Vãi những năm qua

2.1.1. Con đường du lịch văn hóa tâm linh gắn với hệ thống di tích ở khu vực Tây Yên Tử

Trong hệ sinh thái đặc thù của vùng đất Lục Ngạn, Bắc Giang, các tộc người nơi đây như người Việt, Tày, Nùng, Kinh, Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ… đã thích ứng mưu sinh từ lâu đời và đang sáng tạo ra những tập quán canh tác mới như tạo lập nên vùng cây ăn quả lớn ở miền Bắc, với các mô hình chuyên canh cây vải thiều, cam, bưởi… và một số làng nghề thủ công truyền thống (làng mỳ Chũ, làng nấu rượu men lá ở xã Kiên Thành, làng đan lát của người Sán Chỉ ở xã Kiên Lao). Xung quanh ngôi chùa là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc làm cho bức tranh văn hóa nơi đây rất đa dạng, tạo nên đặc trưng riêng để phát triển du lịch địa phương. Chính vì vậy, các mô hình du lịch mang bản sắc riêng của địa phương với sự kết hợp giữa du lịch tâm linh, du lịch sinh thái với du lịch văn hóa đã hình thành, mang tính đặc trưng trong hành trình du lịch tâm linh ở phía Tây Yên Tử.

Trước hết cần nhìn nhận, các tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã hình thành và kết nối các di tích trong không gian Phật giáo này. Đó là các tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm như:

- Tuyến Tây Yên Tử: Từ trung tâm Phật giáo, chùa Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích thứ nhất gồm các chùa: Bình Long (Huyền Sơn), Yên Mã (Bắc Lũng), Hòn Tháp (Cẩm Lý), Hang Non (Khám Lạng) của huyện Lục Nam; tiếp theo đi đến cụm di tích thứ hai, gồm: Đồng Vành (Lục Sơn), Nghè Mẫu, đền Thánh Trần Cao San, Nghè Cả, Nghè Long (Lục Sơn) của huyện Lục Nam; và cụm di tích thứ ba có các chùa: Am Vãi xã Nam Dương (Lục Ngạn), am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên và chùa Đồng (tỉnh Quảng Ninh).

- Kết hợp tuyến Đông - Tây Yên Tử: Từ chùa Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích thứ nhất gồm các chùa: Bình Long, Yên Mã, Hòn Tháp (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); đi tiếp là chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương); tiếp đến chùa Hồ Bấc, khu đền Trần, khu sinh thái, đền Suối Mỡ (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

Hoặc từ chùa Vĩnh Nghiêm đi các chùa: Bình Long, Yên Mã, Hòn Tháp. Sau đó đi tiếp chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, chùa Ngũ Đài Sơn; rồi đến trung tâm Phật giáo - chùa Quỳnh Lâm, đền An Sinh, am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên; đi tiếp xuống cụm di tích thứ ba gồm chùa Đồng Vành, chùa Am Vãi, đền Trần (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); và tiếp theo lên chùa Đồng, xuống chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, Chùa Vân Tiêu, chùa Hoa Yên, chùa Giải Oan (tỉnh Quảng Ninh).

Hoặc đi từ chủa Vĩnh Nghiêm đến hết các di tích Tây Yên Tử, sau đó lên chùa Đồng, chùa Hoa Yên, chùa Giải Oan, và quay về chùa Quỳnh Lâm, đền An Sinh, am Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên, sau đó về chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc. Hoặc là từ Vĩnh Nghiêm đi chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, đến chùa Quỳnh Lâm, đền An Sinh, am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên để rồi lên chùa Hoa Yên, chùa Đồng và xuống chùa Đồng Vành, đền Trần, chùa Am Vãi để rồi trở về đền Suối Mỡ, chùa Hồ Bấc và kết thúc ở chùa Bình Long, chùa Hòn Tháp, chùa Yên Mã.

Con đường du lịch này, đến nay chủ yếu thu hút du khách ở trong tỉnh, hành trình theo tour, tuyến đi trong ngày. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn, năm 2022 có 11.500 lượt khách đến chùa Am Vãi, đi theo cung đường đến các chùa ở khu vực Tây Yên Tử. Trước năm 2020, mỗi năm có khoảng 10.000 - 12.000 lượt khách đến chùa. Vào dịp lễ hội, số lượng du khách tăng lên từ 10 - 12 lần so với ngày thường.

  1. Phát triển du lịch tâm linh ở vùng tộc người thiểu số kết nối với du lịch tại chùa Am Vãi

Với sự đa dạng thành phần dân tộc và phong phú trong đời sống tín ngưỡng truyền thống của các tộc người huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, việc quan tâm tổ chức kết hợp bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội, nghi lễ truyền thống sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng các tộc người về chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó tập trung đề cao hình thức giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các tộc người không chỉ nhằm phục vụ phát triển du lịch, mà còn giúp ích cho công tác phát huy các giá trị tích cực của tín ngưỡng truyền thống tộc người trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên ở địa phương. Đây là một tiềm năng cần được các cấp các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn quan tâm khai thác, biến thành hiện thực trong phát triển du lịch.

Trong các hình thức du lịch, du lịch cộng đồng kết hợp du lịch văn hóa - tâm linh tại vùng các tộc người thiểu số cũng như đa số ở huyện Lục Ngạn có tiềm năng rất lớn, cần thiết được quy hoạch, khai thác, phát triển có hiệu quả trong sự kết nối với thăm quan tại các ngôi chùa, di tích lịch sử..., đặc biệt là chùa Am Vãi nơi vừa linh thiêng, vừa có những đặc trưng riêng biệt so với các ngôi chùa, am, tháp, đền... của Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bởi chùa Am Vãi đến nay về cơ bản vẫn gìn giữ được tính linh thiêng với không gian cảnh quan yên tĩnh, khá nguyên sơ, đặc biệt là sự tồn tại các di tích vật thể mang dấu ấn Phật Giáo thời kỳ đầu sâu sắc mà ít ngôi chùa nào có được, như Hang tiền, Hang gạo, Bàn cờ tiên, Dấu chân Phật, Vũng chị vũng em... cùng với những truyền thuyết liên quan. Bên cạnh đó, trong tín ngưỡng truyền thống của các tộc người thiểu số sinh sống trong vùng đều có yếu tố Phật giáo, được phản ánh sâu đậm không chỉ trong quan niệm của nhiều người, đặc biệt đối với đội ngũ các thầy cúng, thầy tào, thầy mo..., mà đôi khi còn được thể hiện rõ nét ở một số hình thức thờ cúng trong phạm vi gia đình, dòng họ và cộng đồng cư trú. Trong đó, tiêu biểu là các lễ Then, Pựt ở hai tộc người Tày và Nùng, thờ Phật ở người Hoa,...

Hình thức du lịch này thu hút đông đảo du khách ở ngoài tỉnh đến địa phương với mục đích khám phá văn hóa tộc người kết hợp với tham quan trải nghiệm những vườn cây ăn trái. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn, năm 2022 có 15.000 - 17.000 lượt, năm 2020 có 9.000 - 10.000 lượt du khách đến tham quan theo mô hình này. Nhu cầu tham quan trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm kết hợp với du lịch tâm linh có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

  1. Phát triển quần thể du lịch tâm linh - du lịch thể thao leo núi

Du lịch thể thao leo núi (Trekking) là một loại hình du lịch hiện đang được nhiều người quan tâm. Trekking là môn thể thao chinh phục các đỉnh núi cao khó. Môn thể thao này đòi hỏi các kỹ năng riêng, dành cho người thích mạo hiểm và khám phá. Tuy nhiên, nhiều nhóm Trekking ở Việt Nam hiện nay có xu hướng chinh phục các đỉnh núi mới, an toàn, khám phá cảnh quan thiên nhiên nên có khả năng thu hút được nhiều người tham gia, phù hợp với việc rèn luyện sức khỏe. Những đỉnh núi này có thể được các nhóm Trekking thường xuyên thực hành leo núi như một sự rèn luyện cơ thể và thỏa mãn đam mê. Hiện nay, có rất nhiều nhóm Trekking có thể có cả trẻ nhỏ từ 10 tuổi trở lên tham gia chinh phục. Hành trình leo núi có thể từ một ngày đến cả tuần với nhiều địa hình và thời tiết khác nhau. Hiện chùa Am Vãi có 3 đường lên:

- Đường bộ thứ nhất mới được mở vòng qua xã Nam Dương. Đây là con đường đã được rải nhựa, ô tô đi thuận tiện và lên tới tận sân chùa. Quang cảnh dọc hai bên đường dưới chân núi là những cánh rừng vải thiều, cam, bưởi; lên trên là rừng thông, bạch đàn thoáng đãng đẹp mắt.

- Đường bộ thứ hai qua cầu Nam Dương, rẽ trái men núi vòng qua xã Tân Mộc. Đường này thuộc dạng đường mòn nhỏ, khó đi, cảnh quan đẹp, hữu tình vòng quanh núi. Trekking có thể sử dụng con đường này hoặc khai mở đường mòn mới theo vòng núi để khám phá thêm các vẻ đẹp của núi rừng.

- Đường thứ ba là đường sông, từ Bắc Giang đi dọc theo nhánh của sông Lục Nam tới bến Nam Dương ở khu vực cầu Chũ hoặc bến cầu phao Tân Lập thì đi bộ vào chùa khoảng 7 - 8km.

Quần thể chùa Am Vãi không chỉ là vùng tâm linh in đậm dấu ấn Phật giáo thời Trần mà còn là vùng có phong cảnh thiên nhiên đẹp. Khí hậu vùng núi thoáng mát, trong lành là địa điểm lý tưởng cho hoạt động thể thao leo núi. Định hướng xây dựng quần thể vừa bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, vừa phát triển du lịch thể thao, du lịch tâm linh tại địa bàn này có thể đáp ứng được. Đây có thể coi là một hướng phát triển mới cho du lịch chùa Am Vãi. Tới đây, người tham gia Trekking không đi theo đường mòn xe tô tô chạy hiện nay mà có thể mở đường mòn theo sườn núi. Quá trình vừa leo núi, vừa ngắm toàn cảnh thị trấn Chũ. Lên tới chùa, người tham gia Trekking được tận hưởng dòng nước mát từ giếng thiêng của chùa giải tỏa vất vả của chặng đường đã qua, tham quan bàn cờ tiên, dấu chân Phật, và lễ Phật cầu bình an. Có thể mở rộng vùng Trekking ra các ngọn núi lân cận và điểm nhấn kết nối với hệ thống các chùa trong quần thể chùa Am Vãi. Trekking hiện không chỉ thu hút đông đảo người Việt Nam tham gia mà đây là môn thể thao yêu thích của cư dân nhiều quốc gia. Do vậy, nếu triển khai mô hình Trekking thành công, đây là điểm đến của du khách quốc tế trong hành trình khám phá Việt Nam nói chung, khám phá Tây Yên Tử nói riêng. Tuy nhiên, mô hình du lịch này mới hình thành và đang thu hút du khách ở trong và ngoài tỉnh tới trải nghiệm, khám phá. Số lượng du khách đến chùa Am Vãi theo hình thức này còn khá khiêm tốn.

2.2. Những vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch chùa Am Vãi ở tỉnh Bắc Giang

2.2.1. Vấn đề trùng tu gắn với bảo tồn di sản văn hóa

Đối với chùa Am Vãi, việc trùng tu mở rộng quy mô cần kết hợp giữa mục tiêu bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia, với mục tiêu khai thác các giá trị vốn có của chùa để phục vụ đời sống của người dân địa phương và phát triển du lịch. Theo đó, việc trùng tu tôn tạo, mở rộng ngôi chùa về mặt chuyên môn cần quan tâm hai vấn đề: Một là cần kết nối được tính đương đại với các giá trị lịch sử của ngôi chùa; Hai là đặt ngôi chùa trong sự hài hòa với hệ sinh thái văn hóa ở xung quanh. Cách kiến trúc, xây dựng, bài trí trong chùa và hệ sinh thái bao quanh phải làm nổi bật được các giá trị văn hóa phi vật thể vốn có của khu vực. Nếu làm được vậy thì trong tương lai chùa Am Vãi sẽ trở thành một điểm văn hóa có bản sắc riêng của khu vực Tây Yên Tử, là điểm phục vụ đời sống tâm linh cho cư dân và là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài địa phương.

          Về giải pháp thực hiện, có thể hiện thực hóa mô hình theo ba cấp độ du lịch tâm linh mang tính kết nối giữa các yếu tố cảnh quan môi trường - văn hóa - tâm linh tại địa bàn các tộc người thiểu số với văn hóa Phật giáo tại chùa Am Vãi và các chùa lân cận, tùy theo sở thích cũng như nhu cầu của từng loại du khách. Đó là các cấp độ như: (i) Hoạt động tham quan, vãng cảnh tại cộng đồng cư trú cùng với các đặc trưng văn hóa, bao gồm nơi thờ cúng kết hợp tham dự lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của gia đình hay cộng đồng; (ii) Trên cơ sở tham quan, vãng cảnh văn hóa tại cộng đồng cư trú và nơi thờ cúng kết hợp tham dự lễ hội/nghi lễ, du khách trực tiếp tiến hành lễ cúng bái, cầu nguyện ở nơi thờ cúng hoặc tại lễ hội của cộng đồng tộc người và tại chùa Am Vãi cũng như các chùa cận kề nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của du khách; (iii) Thông qua tham quan, vãng cảnh và cầu nguyện tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo ở tộc người thiểu số và chùa Am Vãi, du khách tiến hành tìm hiểu dưới nhiều góc độ, chiều cạnh về các triết lý, thế giới quan, quan niệm... trong tín ngưỡng tôn giáo của tộc người thiểu số và của Phật giáo, khiến cho du khách đắm chìm tâm trạng thư thái, nhờ đó cải thiện tình trạng sức khỏe với cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng, cảm nhận được các yếu tố tích cực của mình. Qua đây có thể thấy, du lịch tâm linh vừa có ý nghĩa thư giãn, lại vừa mang tính trải nghiệm tín ngưỡng tôn giáo, kết hợp tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa tộc người hay văn hóa địa phương,... Song, trong bối cảnh hiện nay, cấp độ đầu tiên của du lịch tâm linh ở vùng tộc người thiểu số tại huyện Lục Ngạn chắc chắn sẽ có nhiều du khách muốn trải nghiệm, nhất là những du khách mới tham gia du lịch lần đầu.

          Nhằm hiện thực hóa các cấp độ du lịch cộng đồng - văn hóa - tâm linh trên địa bàn tộc người thiểu số trong sự kết nối trực tiếp với yếu tố Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại chùa Am Vãi, kết hợp vãng cảnh các di tích văn hóa xung quanh ngôi chùa, rất cần thiết kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

          - Tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về các đặc trưng văn hóa cổ truyền, đặc biệt là tín ngưỡng, lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của các tộc người thiểu số cũng như đa số trong huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang, nhằm phát hiện, bảo tồn các giá trị văn hoá đặc sắc.

          - Lập kế hoạch chi tiết về bảo tồn, duy trì các đặc trưng văn hóa tiêu biểu của mỗi cộng đồng tộc người tại địa phương, đặc biệt là tổ chức thực hành theo đúng phong tục kết hợp phục dựng lại những hình thức thờ cúng đã mai một cùng với các lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của mỗi tộc người tại mỗi địa phương khác nhau. Trên cơ sở đó, tăng cường quảng bá các giá trị mang tính di sản văn hóa, di tích lịch sử, môi trường sinh thái tự nhiên... trên các lĩnh vực vật thể và phi vật thể của mỗi tộc người tại mỗi địa phương cũng như của chùa Am Vãi và các ngôi chùa khác bao quanh chùa Am Vãi.

          - Khảo sát tổng thể nhưng thật chi tiết, xây dựng mang tính khả thi và thật sự phù hợp, cần thiết với bối cảnh về điều kiện, nguồn lực, tiềm năng... của mỗi cộng đồng tộc người tại mỗi địa phương đối với một số cơ sở vật chất, sản phẩm văn hóa... từ tối thiểu rồi theo thời gian để tăng dần đến tối đa, nhằm phục vụ phát triển du lịch văn hóa - tâm linh tại địa phương trong sự kết nối với chùa Am Vãi.

          - Trên cơ sở tiềm năng cùng điều kiện cơ sở vật chất và sự phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như thời gian tới, xây dựng một số mô hình về các tour du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh trên từng địa bàn của mỗi tộc người thiểu số trong sự kết nối với chùa Am Vãi và các ngôi chùa xung quanh chùa Am Vãi.

          - Thông qua những phương cách, tiếp thị, quảng bá khác nhau để thu hút du khách tới du lịch văn hóa - tâm linh tại các cộng đồng tộc người thiểu số trong sự kết nối với du lịch ở chùa Am Vãi và các chùa xung quanh từ các tour du lịch sinh thái, du lịch vườn cây ăn quả, du lịch văn hóa - tâm linh tại các chùa, di tích lịch sử, danh thắng... trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, bao gồm phía Tây Yên Tử.

          2.2.2. Bảo tồn giá trị văn hóa tộc người gắn với mô hình du lịch sinh thái    

          Từ khi tái tạo, trùng tu đến nay, chùa Am Vãi đang là điểm sinh hoạt tâm linh cho người dân địa phương bao gồm người Kinh, người Sán Dìu, người Dao, người Hoa, người Tày, người Nùng ở địa phương và một số người hành hương ngoài địa phương tìm đến chùa Am Vãi để chiêm bái Phật bà Quan âm,… Trong dòng người ở bên ngoài địa phương đến chùa Am Vãi có nhóm chỉ đến với mục đích tín ngưỡng, nhưng cũng có những nhóm đến với mục đích chính là du lịch, tham quan thưởng ngoạn cảnh quan văn hóa vùng Tây Yên Tử, kết hợp vãng cảnh chùa Am Vãi. Trong những năm gần đây, số lượng các đoàn đến vì mục đích du lịch ngày càng tăng. Từ thực tế đó, đã xuất hiện ý tưởng phát huy các giá trị cảnh quan, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa khu sinh thái - văn hóa chùa Am Vãi thành một điểm nhấn du lịch của khu vực Tây Yên Tử. Điều đó không chỉ là mong muốn mà Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nghiên cứu, quy hoạch và ngày 09 tháng 01 năm 2017 đã ban hành Quyết định số 20/QĐ- UBND về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - Văn hóa và danh thắng chùa Am Vãi, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, không gian quy hoạch là 12.280ha trùng với địa giới hành chính của 3 xã: Tân Lập, Tân Mộc và Nam Dương. Mục đích của quy hoạch là để bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích chùa Am Vãi. Bản Quy hoạch đã xác định quy mô dân số, phân khu vực quy hoạch thành 8 vùng phát triển và định hướng: Không gian chức năng và giới hạn tăng trưởng tổng quan; định hướng phát triển không gian tâm linh. Đồng thời đưa ra các giải pháp: thiết kế đô thị, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan; giải pháp tổ chức mạng lưới hạ tầng k thuật. Bản quy hoạch cũng đã nêu quy hoạch xây dựng đợt đầu (giai đoạn 2017 - 2020). Sau các năm thực hiện quy hoạch trên đây bước đầu đã tạo lập được cơ sở hạ tầng để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị chùa Am Vãi ở các giai đoạn tiếp theo.

          Có thể thấy di tích chùa Am Vãi trong những năm qua đã có những thay đổi theo hướng rất tích cực, tạo nền tảng để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của nó cho phát triển kinh tế xã hội thông qua phát triển hoạt động du lịch. Tuy nhiên để chùa Am Vãi thành một điểm đến, điểm nhấn của du lịch khu vực Tây Yên Tử thì vẫn còn phải đối diện với một số thách thức như sau:

  • Các sản phẩm đã sẵn sàng để phục vụ cho khách du lịch: Ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm để phục vụ phát triển du lịch được nhìn thấy khá nhiều, tương đối phong phú. Theo bản quy hoạch được ban hành bởi Quyết định số 20/QĐ - UBND có 3 loại hình di sản vừa cần được bảo vệ, bảo tồn vừa như là nguồn vốn để phát triển kinh tế, xã hội địa phương thông qua hoạt động du lịch, đó là: di sản văn hóa - lịch sử, di sản thiên nhiên, di sản nông thôn, nông nghiệp. Ở dạng tiềm năng, có thể nói đây là những nguồn vốn lớn, nhưng hiện tại chưa được nhận diện, kiểm kê đầy đủ để có kế hoạch khai thác. Ví dụ: về di sản thiên nhiên, các tài liệu mới đề cập đến cảnh quan núi rừng hùng vĩ, nhưng trong hệ thống cảnh quan thiên nhiên ấy dung chứa những nguồn lợi gì, các loài thực vật, động vật đặc hữu là gì, trong quá trình lịch sử người địa phương đã tương tác, khai thác như thế nào để phục vụ cho cuộc sống? Những nguồn lợi và hoạt động nào của con người có thể biến thành sản phẩm du lịch để phục vụ cho nhu cầu du lịch sinh thái của du khách? Về di sản văn hóa - lịch sử, mới tập trung góc nhìn vào di tích chùa Am Vãi, mà chưa nhận diện và kiểm kê đầy đủ đời sống văn hóa khá đa dạng của cộng đồng các dân tộc cư trú quanh chùa (người Sán Dìu, người Dao, người Hoa, người Tày và người Nùng…) để khai thác tạo sản phẩm phục vụ du khách, phát triển du lịch.

          Trở lại với chùa Am Vãi, từ góc nhìn du lịch, về di sản kiến trúc, ngôi chùa mới được tái phục dựng lại chưa lâu, quy mô ngôi chùa còn khiêm tốn, kỹ thuật kiến trúc còn mộc mạc chưa đủ độ tinh xảo để thu hút khách tham quan. Các bộ phận liên quan như vườn tháp bằng đá, hang Tiền, hang Gạo, dấu tích bàn chân của Phật, bàn cờ trên núi, chuyện Hàm Rồng, Giếng Lân… là những di tích quý báu mang tính phi vật thể đậm đặc. Về các hoạt động trải nghiệm, ngoài lễ hội, vào các ngày mồng Một hàng tháng và lễ Vu lan có số Phật tử và người dân trong vùng tham gia đông đảo, số ngày lễ khác được trải đều theo các tháng trong năm chủ yếu là để làm vía cho các vị Phật… với một số ít Phật tử tham gia.

          - Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho các tuor du lịch lớn hoạt động: Muốn phát triển du lịch, thu hút đông đảo khách tham quan, không chỉ tạo ra được các sản phẩm du lịch (vấn đề khách du lịch đến để thưởng ngoạn cái gì) mà còn phải đáp ứng các điều kiện khác như hệ thống giao thông thuận tiện cho đi lại, đảm bảo các tốt điều kiện lưu trú, tha mãn các dịch vụ ăn uống, vui chơi và có các sản phẩm để khách mua làm quà lưu niệm. Hiện tại, bằng quan sát trên thực địa, có thể thấy điều kiện hạ tầng cơ sở khu vực xung quanh chùa Am Vãi chưa sn sàng để đón các tuor du khách có số lượng lớn đến tham quan và lưu trú lại. Như vy, để thu hút các đoàn khách lớn đến chùa, cần phải mở đường lên chùa là đường bộ và đường ô tô. Cả 2 đường này đều phải có và đảm bảo an ninh cho khách vãng lai mọi lúc mọi nơi. Và quan trọng hơn ở đây là phải quy hoạch tổng thể toàn khu và thực hiện quy hoạch đó theo kế hoạch dài hạn, ngắn hạn. Hơn nữa, cần phải đặt du lịch chùa Am Vãi trong tuyến du lịch Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang và đánh giá du lịch chùa Am Vãi phải thông qua các hoạt động du lịch Tây Yên Tử. 

Kết luận

Các tư liệu lịch sử và nghiên cứu cho thấy Am Vãi là một ngôi chùa cổ, gắn với không gian Phật giáo Tây Yên Tử thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Những di tích vật thể và phi vật thể của ngôi chùa cùng với cảnh quan sinh thái, không gian văn hoá xung quanh chùa là những giá trị lịch sử, văn hoá có thể khai thác để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để phát huy những giá trị của chùa Am Vãi trong phát triển du lịch, cần tiếp tục có sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo từ Trung ương và địa phương, các chức sắc Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc xây dựng chùa và không gian điểm tâm linh cần theo quy hoạch không gian phát triển khu du lịch đạt tới độ tinh tế đáp ứng đúng các nhu cầu về tâm linh của du khách, kết nối hình thành được các tuyến du lịch tâm linh của tỉnh Bắc Giang và liên vùng. Bên cạnh việc tập trung nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào điểm du lịch dựa trên quy hoạch, cần đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa gắn với ngôi chùa trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc để thu hút khách du lịch; đầu tư vào hạ tầng tiếp cận chùa và hệ thống cơ sở dịch vụ đảm bảo chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất linh thiêng của điểm du lịch. Cuối cùng, cần phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư xung quanh chùa nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. 

Tài liệu tham khảo

1. Duc Dao The (2008), Buddhist Pilgrimage and Religious Resurgence in Contemporary Vietnam, Doctoral thesis of Philosophy, University of Washington.

2. Endres, Kirsten W. (2002), “Beautiful Customs, Worthy Traditions: Changing State Discourse on the Role of Vietnamese Culture”, Internationales Asienforum, Vol. 33, No. 3-4, pp. 303-332.

3. Ngọc Hà (2019), “Du lịch tâm linh và những vấn đề cần quan tâm”, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 7/2019.

4. Giáp Thị Huyên (2006), “Vài nét về chùa Am Vãi”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5, tr. 62-64.

5. Lauser, Andrea (2015), Traveling to Yên Tử (North Vietnam) Religious Resurgence, Cultural Nationalism and Touristic Heritage in the Shaping of a Pilgrimage Landscape, DORISEA Working Paper Series, No. 20, pp. 1-21.

6Khuyết danh (1897), Lục Nam địa chí (Bản chữ Hán), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A 2037.

7. Hoàng Phê (Chủ biên, 1988), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh địa dư chí, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tập 4.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang (2016), Lý lịch di tích Chùa Am Vãi, Tài liệu lưu hành nội bộ.

 

[1] Văn bia Tháp Tự Huệ (Tuệ), tại vườn tháp Hòn Ngọc, thuộc Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh có đoạn viết: "安 子 山 花 湮 寺 道 場 真 俗 二 ... 衆 等 承 ... 師 于 嗣 慧 寳 塔 其 宗 師 [...] 摩 訶 竹 林 覺 了 比 丘 号 慧 基 字 性 晃 禪 師 [...] 皇 朝 景 興 十 九 年 - Yên Tử sơn Hoa Yên tự đạo tràng chân tục nhị... chúng đẳng thừa ... sư vu Tự Huệ (Tuệ) bảo tháp kỳ tôn sư [...] Ma ha Trúc lâm Giác Liễu Tỳ khưu hiệu Huệ (Tuệ) Cơ tự tính hoảng Thiền sư [...] Hoàng triều Cảnh Hưng thấp cửu niên - Dòng tư liệu cho biết tại Chùa Hoa Yên, núi Yên Tử là nơi đạo Phật tỏa sáng từ trong tâm đến mọi chúng sinh. Ở đây có Thiền sư Ma ha Giác Liễu theo Phật phái Trúc lâm Yên Tử, hiệu là Huệ (Tuệ) Cơ, tự là Tính Hoảng [...]. Văn bia được khắc dưới triều vua Lê Hiển Tông năm thứ 19 (1758)".        

Quang cảnh chùa Am Vãi ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Ảnh: Tạ Thị Tâm, tháng 9/2022.

    

 

 

User Online: 9,232
Total visited in day: 2,661
Total visited in Week: 2,660
Total visited in month: 50,152
Total visited in year: 612,059
Total visited: 3,186,552