GIÁ TRỊ LỊCH SỬ TỪ NHỮNG DI VẬT HIỆN CÒN TẠI CHÙA AM VÃI

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

ThS. Đỗ Danh Huấn

Viện Sử học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

          Chùa Am Vãi là một ngôi cổ tự, nằm trong hệ thống chùa tháp thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, phân bố ở khu vực Tây Yên Tử trên địa phận tỉnh Bắc Giang, đã được ghi chép trong chính sử thời Nguyễn. Những dòng ghi chép này là nguồn tư liệu chính thống có giá trị cao trong việc nghiên cứu về Chùa Am Vãi. Đặc biệt, các nguồn tư liệu từ chính sử đã góp phần làm rõ quá trình hình thành và phát triển của chùa Am Vãi qua các giai đoạn lịch sử. Tuy những dấu tích cổ xưa của chùa Am Vãi không còn nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay, song những dấu vết, hiện vật còn lại trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm của các Phật tử trong vùng cũng như của các nhà khoa học cũng góp phần làm rõ những giá trị lịch sử của chùa Am Vãi qua những giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc cũng như của lịch sử Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ở khu vực phía Tây dãy Yên Tử.  

          Đặc biệt, quá trình nghiên cứu, sưu tầm tại các khu vực xung quanh chùa Am Vãi, cùng với việc dựa trên những di vật hiện tồn, kết hợp với những ghi chép khái lược từ chính sử có thể đưa tới gợi mở hoặc hiểu thêm về các di vật hiện còn lại ở chùa Am Vãi.        

          Xem lại chính sử thời Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Am Ni, ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn, mạch núi từ Phật Sơn và Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn, cạnh núi có 2 cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ”[1]. Từ nguồn tư liệu này cho thấy, Chùa Am Vãi xưa đã không còn nữa, mà chỉ còn lại “nền chùa cũ”. Tức là đến thời Nguyễn, Chùa Am Vãi đã xuống cấp. Ngoài nền chùa cũ, trong chính sử này còn cho biết nơi đây còn có giếng và 2 cái bồn đá (nguyên văn chữ Hán ghi: - Hữu thạch bồn nhị - Có 2 cái bồn đá).              

          Cũng với những ghi chép tương tự như Đại Nam nhất thống chí, sách Đồng Khánh địa dư chí chép về Chùa Am Vãi như sau: “Núi Am Vãi, ở xã Nam Điện, mạch núi từ núi Nham Phật chạy đến. Thế núi cheo leo dốc đứng, cây cối xanh tốt, phía bên trái có một cái giếng nước rất trong, bốn mùa không cạn, bên giếng có hai chậu đá, phía trên có di tích nền chùa, nhưng hiện nay rêu phong mây phủ, không khảo được sự tích[2].

          Điểm chung của hai nguồn chính sử thời Nguyễn này khi chép về Chùa Am Vãi là vào thời điểm ghi chép, thì chùa cũ đã không còn; bên cạnh đó các sách này đều nhắc đến giếng nước và bồn đá/chậu đá. 

          Từ thực địa hiện nay của chùa Am Vãi cho thấy, trong khuôn viên chùa có 2 giếng nước, 1 giếng nằm sát chùa (cách chùa khoảng 5-6m); xa hơn khoảng gần 100m, men theo đường đi trước cửa chùa, cũng có 1 cái giếng nữa. Đối với giếng gần chùa, nhân dân thôn Biềng, xã Nam Dương cho biết, vị trí này xưa kia chỉ là một vũng nước nhỏ, nơi chứa nước từ mạch núi chảy ra, rộng khoảng 4-5m2, về sau, vũng nước này được nhà tu hành đến chùa cải tạo bằng việc khơi rộng, sâu và xây lên thành một cái giếng hoàn chỉnh. Đối với giếng còn lại, trong những năm đầu thế kỷ XXI, nhà chùa đã tận dụng mạch nước ngầm từ núi chảy ra để xây lên thành một cái giếng hoàn chỉnh như hiện nay. Đối chiếu với sử liệu thời Nguyễn như đã dẫn ở trên, chúng ta thấy các sách mô tả và cho biết chùa có giếng  nước trong xanh không bao giờ cạn. Như vậy, từ hệ quy chiếu từ ngoài nhìn vào chùa, thì giếng nước hiện nay thuộc về bên trái và đúng với ghi chép của sử sách thời Nguyễn. Hơn nữa, các nhà chép sử thời Nguyễn nếu lấy hệ quy chiếu từ ngoài nhìn vào để mô tả cảnh quan của Chùa Am Vãi, thì rõ ràng giếng cổ xưa nằm ở bên trái. Nhưng, thông thường khi định vị và lấy phương hướng của đình, đền, chùa... dân gian thường lấy hệ quy chiếu từ trong nhìn ra, theo hướng nhìn của thánh, thần, Phật. Ví dụ, chùa quay về hướng tây, thì rõ ràng hệ quy chiếu phải nhìn từ trong ra. 

          Với 2 chiếc bồn đá/chậu đá được sử chép, thật khó để tìm lại chúng. Nhiều năm trước đó, Chùa Am Vãi đã không còn hình dung rõ diện mạo, tiếp đến trong những năm chiến tranh diễn ra, chùa lại càng bị ảnh hưởng nặng hơn, nên hầu hết các di tích, di vật tại đây đã tản mát, không còn nguyên gốc. Đầu năm 2022, Viện Dân tộc học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đã tổ chức sưu tầm và trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến Chùa Am Vãi, hoạt động này nằm trong đề tài nghiên cứu: “Phát huy giá trị chùa Am Vãi trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang”. Trong quá trình sưu tầm tại chùa, chúng tôi đã phát hiện một hiện vật bằng đá cát mềm, hình dáng gần giống như chiếc cối đá, nhưng kích thước to hơn, đã bị vỡ hết thành. Người dân thôn Biềng cho biết, trước kia hiện vật này hiện diện ở chùa từ lâu, với đầy đủ hình dáng nguyên vẹn, nhưng trong những năm cuối thế kỷ XX, nó đã bị vỡ hết thành, chỉ còn lại đáy. Họ cho biết thêm, khi còn nguyên vẹn, nó có thể ngâm được 20-25kg gạo. Mặc dù không còn nguyên vẹn, chúng tôi đã tiến hành mô tả, đo vẽ và chụp ảnh hiện vật này (xem ảnh 1). Hiện vật có kích thước như sau: Đường kính đáy 67cm; đáy dày 35cm; thành dày 11cm; do thành đã bị vỡ, nên chúng tôi ước chừng thành cao khoảng 30cm, tổng chiều cao của hiện vật khoảng 60-70cm.       

          Nhân dân thôn Biềng vẫn thường gọi hiện vật này là thống đá. Chúng tôi đã quan sát và so sánh với một số cối đá hiện còn tại Chùa Am Vãi, nhưng di vật này hoàn toàn không phải là cối đá (xem ảnh 2). Căn cứ vào sử liệu thời Nguyễn đã dẫn ở trên, chúng tôi cho rằng, hiện vật này đích thực là chiếc bồn đá/chậu đá. Tuy nhiên, do biến thiên của thời gian, chỉ còn lại 1 chiếc.

          Về công năng của bồn đá, chúng tôi chưa rõ nó được dùng vào mục đích chuyên biệt nào, nhưng rõ ràng là, trong điều kiện khó khăn về vật dụng, trang thiết bị, thì bồn đá này có thể phát huy tối đa chức năng chứa đựng trong đời sống hàng ngày của nhà chùa.

          Khảo sát hệ thống chùa tháp thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ở khu vực Tây Yên Tử và một số ngôi chùa khác ở trong vùng, chúng tôi gặp rải rác một số cối đá tản mát quanh các ngôi chùa này, nhưng rõ ràng bồn đá/chậu đá có hình dáng như ở chùa Am Vãi thì chúng tôi chưa từng gặp. Do đó, với sự hiện tồn của bồn đá tại Chùa Am Vãi như chính sử nhà Nguyễn đã ghi, chúng tôi cho rằng đây là hiện vật rất có giá trị, nó sẽ góp phần vào nhận thức và tái dựng lại diện mạo của Chùa Am Vãi thời xưa./.                                                      

 

Tài liệu tham khảo

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.    

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, tập 1, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003. 

 

Chùa Am Vãi (tháng 1/2021)

Chùa Am Vãi được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí

Chùa Am Vãi được ghi chép trong sách Đồng Khánh dư địa chí

Giếng nước cổ chùa Am Vãi (giếng tiên)

Di chuyển hiện vật - bệ đá hoa sen (thống đá) về khuôn viên chùa Am Vãi

Di chuyển hiện vật - bệ đá hoa sen (thống đá) về khuôn viên chùa Am Vãi

Các hiện vật sưu tầm tại khuôn viên chùa Am Vãi (tháng 3/2022)

 

 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 93.    

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, tập 1 (bản dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr. 538. 

 

 

 

User Online: 11,640
Total visited in day: 2,472
Total visited in Week: 2,471
Total visited in month: 49,963
Total visited in year: 611,870
Total visited: 3,186,363