Tháp đá, gốm sành, sứ chùa Hàm Long và mối liên hệ với chùa Am Vãi

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

ThS. Đỗ Danh Huấn

Viện Sử học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 

1. Mở đầu

          Trong không gian địa lý tự nhiên và không gian lịch sử, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm khu vực Tây Yên Tử, thuộc địa phận các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động của tỉnh Bắc Giang, nơi đây dưới thời Trần đã hình thành nên các chùa tháp của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, hệ thống chùa tháp này được phân bố rải rác trên các đỉnh núi, trong các xóm làng của các huyện nêu trên. Trong không gian như vậy, nhất định giữa các ngôi chùa tháp này phải có sự liên hệ với nhau. Tuy nhiên, qua thời gian nhiều chùa tháp đã bị mai một, cùng với sự thay đổi của thời cuộc, của hệ tư tưởng trong xã hội Đại Việt... đã trở thành những tác nhân chia cắt mối liên hệ giữa các chùa tháp trong khu vực này.  

          Một điều rất đáng lưu ý là, nền cảnh tự nhiên của khu vực Tây Yên Tử là mạng lưới thủy văn và sơn văn đã trở thành yếu tố cốt lõi chi phối sâu sắc việc tọa lạc của các chùa tháp này. Trong đó, chủ đạo là hệ thống núi non mà đại diện là vòng cung Đông Triều và hệ thống sông ngòi với đại diện là dòng sông Lục Nam-dòng chủ lưu. Hai yếu tố này kết hợp lại đã tạo nên con đường hoằng dương Phật pháp của Thiền phái Trúc Lâm khu vực phía Tây Yên Tử.

          Những ghi chép của Phan Huy Chú mục Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí, đã phần nào cho biết đặc điểm tự nhiên sông núi của vùng này: “Phủ Lạng Giang có 6 huyện: Phượng Nhỡn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn. Phủ Lạng Giang ở miền thượng du trấn Kinh Bắc, sáu huyện đều nhiều núi [...]. Dòng Xương Giang từ sông Lục Đầu trở lên quanh vòng ở khoảng 6 huyện. Thời Trần, Hưng Đạo vương thường coi quân ở phủ Lạng Giang, mở dinh thự ở Vạn Kiếp...”[1]. Dưới góc nhìn của nhà địa lý, tác giả Lê Thông cũng cho biết thêm về mạng lưới sơn văn và thủy văn ở khu vực Tây Yên Tử như sau: “Khu vực miền núi xâm thực được nâng lên mạnh, thuộc lưu vực sông Lục Nam. Khu vực này có những đỉnh núi cao và hiểm trở của tỉnh Bắc Giang. Các dãy núi Bảo Đài-Cấm Sơn và Huyền Đinh-Yên Tử là đường phân giới của tỉnh với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương. Trên đường đỉnh của dãy núi Huyền Đinh-Yên Tử có đỉnh cao nhất là Yên Tử ở Sơn Động-Lục Ngạn cao 1063m; trên đường đỉnh của các dãy núi Bảo Đài-Cấm Sơn có đỉnh Ba Vòi ở Lục Ngạn cao 975m [...]. Sông Lục Nam bắt nguồn từ Đình Lập (Lạng Sơn), dài 178km. Từ thượng nguồn đên Chũ lòng hẹp, uốn khúc, gồ ghề, lắm thác ghềnh, độ dốc lớn. Từ Chũ đến Lục Nam, lòng sông rộng trung bình 80-100m, độ sâu trung bình 4-5m. Từ Lục Nam đến ngã ban Nhãn (cửa ra), lòng sông rộng và sâu hơn. Sông Lục Nam có 33 nhánh, trong đó có 4 nhánh lớn là sông Ràng, sông Thanh Luân, sông Cẩm Đàn và sông Bò”[2].

          Trở lại với không gian phân bố của hệ thống chùa tháp thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm khu vực Tây Yên Tử cho thấy, hầu hết các chùa tháp này đều phân bố trong không gian đồi núi, đó là các chùa như: Chùa Yên Mã, thuộc thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, chùa nằm trên núi Tượng Sơn thuộc dãy Huyền Đinh - Yên Tử;  Chùa Hòn Tháp (hay Sơn Tháp), thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam;  Chùa Đọ, thôn Đọ Làng, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam; Chùa Chản, thôn Chản Làng, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam; Chùa Đồng Vành, thôn Đồng Vành, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam; Chùa Đám Trì, thôn Đám Trì, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam; Chùa Hưng Vũ (chùa Chể), thôn Chể, xã Phượng Sơn; Chùa Am Vãi, thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn...

          Tại huyện Lục Ngạn, còn một số ngôi chùa ít được biết tới, đó là Chùa Hàm Long, thuộc thôn Nam Điện, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; Chùa Am Vãi,  tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất gọi là Núi Am Ni, thuộc thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Chùa Am Vãi, còn gọi là chùa Cao, vì ở trên núi nên nhân dân gọi là chùa Cao, để phân biệt với chùa ở dưới thấp là chùa Biềng); Chùa Biềng, hay còn gọi là Vĩnh Phúc Thiền Tự.

          Nguồn tư liệu trong bài viết này được dùng làm cơ sở để phân tích và xem xét mối liên hệ giữa chùa Hàm Long và chùa Am Vãi là các di vật khảo cổ gồm: Gốm sành, gốm sứ và tháp đá được chúng tôi sưu tầm và đến khảo sát trực tiếp tại 2 ngôi chùa này, trong đó chủ yếu là nguồn tư liệu tại chùa Hàm Long. Trong khi đó, chùa Am Vãi lấy 1 ngôi tháp đá khá nguyên vẹn - được lấy làm cơ sở để đối sánh. Mục đích của việc chỉ ra mối liên hệ giữa 2 ngôi chùa này là: i/ Tìm hiểu niên đại tồn tại trong một khoảng thời gian, đặt trong tiến trình hình thành của nó; ii/ Tương ứng với khoảng thời gian tồn tại như vậy là sinh hoạt Phật giáo vẫn được thực hành tại 2 ngôi chùa này.      

 

 

 

2. Phân tích các nguồn tư liệu

          Chùa Hàm Long, tọa lạc trên một quả đồi đất thấp, các bậc cao niên và một số thầy địa lý trong vùng gọi nơi đây là trán của con rồng. Hiện nay, phía trước chùa vẫn còn mỏm đá phía trên nhô ra, phía dưới thu vào, giống hình miệng con rồng, nên nhân dân gọi là chùa Hàm Long. Chùa quay về hướng Tây, bên trái và bên phải của chùa có hai chiếc giếng, tượng trưng cho 2 con mắt của rồng. Tuy nhiên, giếng bên trái đã bị nhân dân lấp để xây nhà, nên hiện còn lại giếng ở bên phải. Trải qua thời gian, chùa Hàm Long đã bị hư hỏng và phá hủy, diện mạo chùa Hàm Long ngày nay đều được dựng lại, trùng tu trong khoảng 20 năm trở lại đây. Trước đó, vào những năm 70 của thế kỷ XX, chùa Hàm Long đã bị tháo dỡ toàn bộ khung chùa và bán đi. Theo nhân dân kể lại, khi chưa bị tháo dỡ, chùa có nhiều tượng Phật làm bằng gỗ mít, được sơn son, thếp vàng, cùng với việc tháo dỡ chùa, thì tượng Phật cũng từ đây bị hủy hoại theo. Những năm gần đây, nhân dân đã dựng lại chùa, bộ khung gỗ được lấy từ nhà tiền tế của chiếc nghè cạnh đó dựng lên làm khung, tượng Phật bài trí trong chùa cũng được đắp lại bằng đất... 

          Hiện nay, dấu vết di tích còn sót lại để góp phần nhận biết lịch sử của chùa Hàm Long là 1 ngôi tháp đá tọa lạc ở phía sau bên phải của chùa (xem ảnh 1). Tuy nhiên, ngôi tháp này đã không còn nguyên vẹn, chưa rõ từ khi nào ngôi tháp bị phá hủy, những năm gần đây dân làng đã thu lượm các phiến đá và dùng xi măng ghép lại thành hình hài như hiện nay. Mặc dù vậy, việc chắp ghép các phiến đá của ngôi tháp cổ xưa đã không được thực hiện đúng cấu trúc và hình dáng của nó, nhưng dẫu sao, đây vẫn là điều đáng trân trọng để ít nhiều các nhà nghiên cứu có sơ sở tư liệu xem xét về giá trị lịch sử và Phật giáo của ngôi chùa cổ này.

          Cũng tại vị trí của ngôi tháp này, phía dưới chân tháp còn hiện hữu một lớp gạch bìa hình chữ nhật, gạch màu đỏ nhạt, kích thước dài 24 cm x rộng 11cm x dày 3,5cm. Theo suy nghĩ ban đầu, chúng tôi cho rằng đây là lớp gạch thuộc cấu trúc móng tháp. Sở dĩ xuất hiện lớp gạch nằm dưới móng tháp lộ thiên như vậy là vào năm 2018 chính quyền và nhân dân đã mở một con đường nhỏ chạy xung quanh chùa, việc thi công đã làm xuất lộ lớp gạch như vừa trình bày. Điều đặc biệt nữa là, cũng trong dịp này, dân làng đã phát hiện một hòm di cốt, được cho là xá lị của sư trụ trì tại chùa từ thuở xa xưa. Xá lị đựng trong nồi sành hình tròn, bên ngoài có quách hình chữ nhật. Sau đó, xá lị đã được đưa vào an vị trong một ngôi tháp mới xây gần đó (xem ảnh 3).

          Trong 3 chùa nêu trên, chỉ có 2 chùa là Am Vãi[3] và Hàm Long còn tồn tại tháp đá. Xét về hình dáng của tháp và chất liệu chế tạo, 2 ngôi tháp này mang những điểm chung đó là: i/ Về chất liệu chế tạo tháp, chúng đều được làm từ chất liệu đá cát, là loại đá mềm, dễ chế tác; ii/ Về hình dáng, giữa 2 ngôi tháp này đều có hình dáng khá giống nhau (xem ảnh 1 và 2). Trước hết, chúng tôi chưa có cơ sở để xác định niên đại của 2 ngôi tháp này, nhưng từ sự tương đồng về chất liệu và hình dáng, bước đầu có thể nêu lên một giả thuyết là: Thời điểm xây dựng tháp Chùa Am Vãi và tháp Chùa Hàm Long diễn ra trong cùng một khoảng thời gian. Hơn nữa, tại thời điểm đó sinh hoạt Phật giáo tại hai ngôi chùa này vẫn được thực hành.

          Chùa Am Vãi, dựa vào ghi chép trong chính sử thời Nguyễn là sách Đại Nam nhất thống chí, cho biết: "Núi Am Ni ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn, mạch núi từ Phật Sơn và Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn, cạnh núi có 2 cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ"[4].

          Chùa Am Vãi có tất cả 3 ngôi tháp đá, vào những năm 70 thế kỷ XX, các ngôi tháp này đều bị phá hủy. Đến năm 1998, nhân dân thôn Biềng đã đồng sức, đồng lòng dựng lại chùa Am Vãi, đồng thời cũng dựng lại 1 ngôi tháp có hình dáng như hiện nay, tên là Liên hoa bảo tháp. Hai ngôi tháp khác chỉ còn lại dấu vết.     

          Như vậy, vào thời điểm ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí, Chùa Am Vãi đã bị hoang tàn, chỉ còn lại nền cũ. Suy rộng ra đến trước thời Nguyễn, Chùa Am Vãi có thể đã bị hư hỏng, và tháp đá Chùa Am Vãi có thể được xây dựng trước thời Nguyễn. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc tháp đá chùa Hàm Long cũng được xây dựng trước thời điểm như sử liệu thời Nguyễn chép về chùa Am Vãi.

          Mở rộng phạm vi nghiên cứu và so sánh với các di tích chùa tháp thuộc không gian Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, chúng tôi nhận thấy tháp đá ở Chùa Am Vãi và Chùa Hàm Long có chung hình dáng và chất liệu với các tháp ở Chùa Thanh Mai (xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và các tháp ở Quần thể danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh (xem ảnh 3). Phần lớn các tháp ở 2 điểm di tích này đều có niên đại thời Lê Trung hưng[5]. Như vậy, nhiều khả năng tháp ở Chùa Am Vãi và Chùa Hàm Long cũng mang niên đại thời Lê Trung hưng.

          Chùa Am Vãi và Chùa Hàm Long được xem là 2 ngôi chùa gắn với Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm, tuy nhiên các dấu vết vật chất thời Trần khó tìm thấy ở 2 di tích này. Trong khí đó, một thời gian dài của triều hậu Lê, triều đình đã lấy học thuyết Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, thay thế cho hệ tư tưởng Phật giáo được thịnh hành trước đó dưới thời Lý, Trần. Nhưng đến thời Lê Trung hưng, tư tưởng sùng đạo Phật lại được hồi sinh, đây là nền tảng xã hội cơ bản để Phật giáo một lần nữa ăn sâu vào đời sống nhân dân, từ đây đưa đến việc xây dựng nhiều chùa, dựng nhiều văn bia khắc ghi việc trùng tu, tôn tạo chùa, rồi cúng ruộng vào chùa, trong đó có cả việc dựng tháp như trường hợp hai Chùa Am Vãi và Chùa Hàm Long.

          Một nguồn tư liệu thứ hai chúng tôi sưu tầm được ở Chùa Hàm Long đó là các di vật gốm sứ, gốm sành, hầu hết các di vật này đều bị vỡ thành nhiều mảnh. Chùa Hàm Long chưa được khai quật khảo cổ học, các di vật sưu tầm được chủ yếu tìm thấy ngẫu nhiên xung quanh chùa. Một số ít lon sành được chúng tôi sưu tầm trong các nhà dân ở sát chùa. Các di vật sưu tầm được trong nhà dân vẫn còn nguyên vẹn, họ cho biết đã tìm thấy chúng ở ngoài vườn. Qua so sánh và phân tích, phần lớn các gốm sành này đều có niên đại thời hậu Lê. Chúng là những vật dụng được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như: lon sành, nồi sành, lọ sành, vại sành... Các di vật gốm sứ chủ yếu là bát, đĩa đều đã bị vỡ, chúng có niên đại kéo dài từ thời hậu Lê sang thời Nguyễn.  

          Việc thống kê sơ bộ các di vật gốm sành, gốm sứ sưu tầm tại Chùa Hàm Long cho thấy số lượng chiếm ưu thế của các di vật sành so với gốm sứ. Gốm sành có: mảnh đáy, mảnh thân và mảnh miệng, cụ thể: Có 31 mảnh miệng (trong đó có 17 mảnh mang niên đại thời Lê sơ - xem ảnh 4 và 5); 23 mảnh thân; 31 mảnh đáy. Di vật gốm sứ số lượng ít nhất, gồm: 14 mảnh chân đế; 1 mảnh miệng; 1 mảnh thân. Nhóm di vật gốm sứ có niên đại chủ yếu là cuối thời hậu Lê sang thời Nguyễn (xem ảnh 6 và 7).

3. Nhận xét

          Ngày nay, các Chùa Hàm Long, Chùa Am Vãi và Chùa Biềng đều nằm trong không gian hành chính là xã Nam Dương, khoảng cách giữa các chùa rất gần nhau. Chùa Am Vãi ngự trên đỉnh núi, hai chùa còn lại nằm dưới chân núi. Kết nối không gian 3 ngôi chùa này tạo thành một hình tam giác cân đối, hài hòa và tương xứng. Với không gian phân bố như vậy và ở những giai đoạn lịch sử nhất định, thì đời sống sinh hoạt Phật giáo ở 3 ngôi chùa này đều có chung những đổi thay.    

          Căn cứ vào các nguồn tư liệu thực địa sưu tầm tại Chùa Hàm Long, gồm có tháp đá, gốm sành, gốm sứ so sánh với tháp đá ở Chùa Am Vãi, chúng tôi nhận thấy: 2 ngôi tháp này có cùng khoảng niên đại xây dựng. Điều này nhận ra rõ hơn khi so sánh với các tháp phân bố ở các chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như chùa Thanh Mai, Khu di tích Yên Tử, chúng đều có phong cách và niên đại trùng tu, tạo dựng dưới thời Lê Trung hưng. Nên chúng tôi cho rằng, tháp đá Chùa Hàm Long và tháp đá Chùa Am Vãi được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng, đây là mối liên hệ thứ nhất về 1 khoảng niên đại của hai ngôi chùa này.

          Qua các di vật gốm sành, sứ tìm thấy ở Chùa Hàm Long chúng bước đầu được xác định niên đại là thời hậu Lê (bao gồm cả Lê Trung hưng) và kéo dài tới thời Nguyễn. Riêng với Chùa Am Vãi chúng tôi không tìm được các di vật gốm sành, sứ để so sánh. Tuy nhiên, với sự hiện diện của nhóm di vật sành, sứ ở Chùa Hàm Long, cho phép đoán định rằng, thời điểm này sinh hoạt Phật giáo ở chùa này vẫn được thực hành. Hơn nữa, cũng có thể đoán định rằng tại Chùa Am Vãi, sinh hoạt Phật giáo dưới thời Lê Trung hưng vẫn được duy trì như ở Chùa Hàm Long, điều đó phản ánh qua việc dựng tòa Liên hoa bảo tháp dưới thời Lê Trung hưng. Một điều lưu ý là, trong bối cảnh thời Lê sơ, tư tưởng Nho giáo đã lẫn át tư tưởng Phật giáo, nên đến thời Lê Trung hưng, khi tư tưởng Phật giáo đã trở lại với đời sống cung đình và dân gian, thì các chùa tháp ở khắp nơi được trùng tu, xây mới và hiện tượng này cũng được phản ánh ở Chùa Hàm Long và Chùa Am Vãi.  

          Chùa Am Vãi, tương truyền là nơi tu hành cùa Công chúa nhà Trần, Chùa Hàm Long chúng tôi cũng tìm thấy một mảnh ngói mũi hài thời Trần. Tuy nhiên, việc xác định rõ hai ngôi chùa này được xây dựng từ thời Trần và quá trình tồn tại của nó kéo dài liên tục hay gián đoạn qua từng thời kỳ... cần có thêm tư liệu. Nhưng qua những gì đã trình bày và phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng trong suốt chiều dài tồn tại của chúng, thì ít nhất vào giai đoạn Lê Trung hưng, 2 ngôi chùa này vẫn duy trì các sinh hoạt Phật giáo và giữa chúng có sự qua lại và liên hệ lẫn nhau.

Ảnh 1: Tháp đá Chùa Hàm Long Ảnh 2: Tháp đá Chùa Am Vãi Ảnh 3: Tháp đá tại Khu di tích Yên Tử

 

Ảnh 4: Di vật gốm sành chùa Hàm Long Ảnh 5: Miệng gốm sành chùa Hàm Long
Ảnh 6: Di vật gốm sứ chùa Hàm Long Ảnh 7: Di vật gốm sứ chùa Hàm Long

 

Tài liệu tham khảo

1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập một, Nxb. Giáo dục, 2007.

2. Mai Thùy Linh, Tháp thời Lê ở khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học, trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội, 2015.     

3. Lê Thông (Chủ biên), Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam, tập 2, Các tỉnh vùng Đông Bắc, Nxb. Giáo dục, 2005.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.

 

 

[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập một, Nxb. Giáo dục, 2007, tr. 126-127.   

[2] Lê Thông (Chủ biên), Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam, tập 2, Các tỉnh vùng Đông Bắc, Nxb. Giáo dục, 2005, tr. 6, 8.

[3] Chùa Am Vãi có tất cả 3 ngôi tháp đá, những năm 70 thế kỷ XX, các ngôi tháp này đều bị phá hủy. Đến năm 1998, nhân dân thôn Biềng đã đồng sức, đồng lòng dựng lại chùa Am Vãi, đồng thời dựng lại 1 ngôi tháp có hình dáng như hiện nay (tên là Liên hoa bảo tháp). Hai ngôi tháp khác chỉ còn lại dấu vết.  

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 93.    

[5] Xem: Mai Thùy Linh, Tháp thời Lê ở khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học, trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội, 2015.    

 

 

User Online: 10,718
Total visited in day: 2,516
Total visited in Week: 2,515
Total visited in month: 50,007
Total visited in year: 611,914
Total visited: 3,186,407