Tiềm năng du lịch tâm linh ở vùng dân tộc huyện Lục và vấn đề kết nối với chùa Am Vãi

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

TS. Lý Hành Sơn, Viện Dân tộc học

Mở đầu

Du dịch là một hướng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Có nhiều hình thức du lịch, cụ thể như du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch di tích lịch sử, du lịch văn hóa - tâm linh... Trong đó, du lịch văn hóa - tâm linh đang phát triển khá phổ biến tại nhiều địa bàn sinh sống của các tộc người thiểu số thuộc các tỉnh miền núi nước ta. Đó là do xuất phát từ thế mạnh, tiềm năng của đồng bào các tộc người này luôn gắn liền với các yếu tố đặc sắc của văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đặc biệt là các lễ hội/nghi lễ mang tính tâm linh diễn ra theo chu kỳ hàng năm tại mỗi cộng đồng ở địa phương.

Lục Ngạn là một huyện miền núi - dân tộc thuộc tỉnh Bắc Giang, nơi đây có các tộc người như Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay, Dao, Hoa. Do đó, huyện Lục Ngạn cũng đã và đang phát triển nhiều hình thức du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn quả, du lịch văn hóa - tâm linh thông qua tổ chức một số lễ hội tiêu biểu của tộc người thiểu số cũng như đa số... Dựa trên cơ sở nghiên cứu về tín ngưỡng và việc tổ chức lễ hội của một số tộc người trong huyện Lục Ngạn, bài viết này tập trung làm rõ một số vấn đề về du lịch văn hóa - tâm linh ở vùng dân tộc thiểu số của huyện trong xu hướng kết nối với du lịch ở chùa Am Vãi thuộc xã Nam Dương.

1. Khái quát về tín ngưỡng và các hình thức thờ cúng của một số tộc người

Qua kết quả nghiên cứu có thể thấy, về mặt truyền thống, tất cả các tộc người ở huyện Lục Ngạn bất kể Kinh, Tày hay Dao, Sán Chay, Hoa... đều có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cùng các thần linh khác nhau, bao gồm nhiên thần và nhân thần. Song, có một điều đáng lưu ý là các tộc người thiểu số như Tày, Nùng, Dao hay Sán Chay, đã từ lâu đời có sự ảnh hưởng của tam giáo. Chẳng hạn như tộc người Dao, Đạo giáo được thể hiện bằng: sự hiện diện của các bức tranh thờ với các vị thần linh khác nhau; việc đồng bào cầu khấn hoặc thổi sừng trâu gọi một số vị thiên thần đến dự và chứng kiến những lễ cúng lớn như cấp sắc, tang ma...; đặc biệt là các thầy cúng luôn quan tâm thực hành những bùa phép, ma thuật, bài phú của Đạo giáo để chữa bệnh, đuổi ma xấu hoặc khi tẩy uế, khai đàn cho các nghi lễ, thu phục âm binh cho bản thân và cho các đệ tử. Trong khi, quan niệm về Phật giáo của hai tộc người Dao và Sán Dìu hay Sán Chay được thể hiện rõ nét ở việc ăn chay, cấm phá giới, cấm những người đang thực hành lễ cúng và những người thụ lễ cấp sắc tiến hành sát sinh vào các dịp lễ trọng thể... Các thầy cúng và những người đàn ông Dao cũng như Sán Dìu hay Tày, Nùng sau khi đã qua lễ cấp sắc đều chịu sự ảnh hưởng từ thuyết luân hồi định mệnh của đạo Phật, cũng như việc phải tu thân luyện đức theo lời dạy của Phật giáo. Về Vật linh giáo, thờ cúng tổ tiên là chủ yếu, đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống tín ngưỡng của người Dao và các tộc người thiểu số khác ở huyện Lục Ngạn; bởi vì hầu hết các gia đình của các tộc người đều có bàn thờ để thờ phụng tổ tiên và họ thường cầu cúng tổ tiên vào các dịp lễ, tết, kể cả mỗi khi trong nhà có những công việc hệ trọng, có con cháu ốm đau, xuất hành đi xa... Đặc biệt ở tộc người Dao, còn có ông tổ huyền thoại là Bàn Vương cho đến nay vẫn luôn được đồng bào tổ chức cúng bái long trọng mỗi khi có lễ tết, lễ cấp sắc bất kể cấp sắc ở bậc thấp hay bậc cao, thậm chí tiến hành cúng riêng nếu trong dòng họ có những vấn đề liên quan tới ông tổ này. Ngoài ra, yếu tố vật linh giáo còn thể hiện rõ nét trong quan niệm của đồng bào các tộc người nơi đây, bởi họ cho rằng, mọi vật sống xung quanh con người đều có linh hồn, bất kể người, cây trồng, vật nuôi... Vì thế, đồng bào vẫn thường xuyên làm lễ gọi hồn cho con cháu đặc biệt là người già, thực hành các nghi lễ nông nghiệp và chăn nuôi để cầu cúng hồn lúa, cúng các thần chăm sóc chăn nuôi, thần lúa gạo, thổ địa, thổ công, ma rừng núi, ma sông, ma suối...

Trên cơ sở các yếu tố tín ngưỡng vừa đề cập, các tộc người thiểu số ở huyện Lục Ngạn đều có một số hình thức thờ cúng tương đối gần giống nhau. Theo đó, đối với mỗi gia đình, đáng chú ý là các hình thức thờ cúng như: tổ tiên, ma bếp, thổ thần... Ngoài ra, một số gia đình trước đây còn thờ cúng ma tổ nghề, chẳng hạn như nghề thầy thuốc, tổ nghề rèn... Đó là chưa kể một số nghi lễ trong chu kỳ đời người của các thành viên mỗi gia đình. Còn ở phạm vi cộng đồng cư trú, tiêu biểu là thờ cúng tại miếu của thôn/làng. Đến nay, hầu hết mỗi cộng đồng thôn/làng đã được thành lập lâu đời của các tộc người Tày, Nùng hoặc Dao, Sán Chay... đều có một cái miếu để thờ cúng thổ công cùng các thần linh bao gồm nhân thần và nhiên thần để phù hộ sức khỏe của dân làng, phù hộ các công việc làm ăn, chăn nuôi, buôn bán... của các hộ gia đình trong làng.

Để hiện thực hóa hàng ngày đối với một số nghi lễ thờ cúng trong gia đình và cộng đồng kể cả trong dòng họ, mỗi tộc người đều có đội ngũ những nghệ nhân dân gian chuyên thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Đó là đội ngũ các thầy cúng, thầy mo, thầy tào, bà then, pựt... Ở một số tộc người như người Dao, Sán Dìu hay Tày và Nùng, đội ngũ những người này thường phải trải qua lễ cấp sắc để có pháp danh, âm binh, tổ sư nghề cúng bái... phù hộ khi thực hành các nghi lễ lớn của tộc người.

2. Những lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của một số tộc người

Qua kết quả nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng truyền thống của một số tộc người tại nhiều địa phương thuộc vùng miền núi nước ta có thể nhận thấy, mỗi cộng đồng cư trú của tộc người bất kể thiểu số hay đa số sinh sống ở vùng sinh thái thấp hay cao, trong đó có huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, đều có những lễ hội/nghi lễ tiêu biểu, thể hiện bản sắc riêng của tộc người mình. Đây là một trong những yếu tố tạo nên tính đa dạng nhưng thống nhất trong văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa địa phương.

Vấn đề đáng lưu ý là ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, theo tập quán trao truyền lại, tộc người Tày và Nùng đều có nghi lễ/lễ hội Lồng tổng được diễn ra vào đầu năm mới hàng năm, đây là lễ hội lớn nhất của cả cộng đồng thôn/làng, do các gia đình trong làng cùng góp lễ vật để tổ chức và vui chơi hội. Ngoài ra, tộc người Tày và Nùng còn có lễ Then nổi tiếng và đặc sắc tộc người diễn ra trong phạm vi gia đình, với mục đích cầu sức khỏe, chữa bệnh... cho thành viên trong nhà nhưng có sự tham dự của cộng đồng thôn/làng. Đặc biệt, cũng theo tập quán cổ truyền, người Tày ở một số địa phương đến nay vẫn còn duy trì lễ hội cầu Trăng hay lễ hội Nàng Hai, với ngày tháng tổ chức lại tùy từng nơi, thông thường có nơi thường diễn ra vào tháng Ba hoặc tháng Tám âm lịch, trong đó phần lễ thường được tổ chức vào tối hôm trước trên một bãi đất rộng với các nghi thức “cúng thổ công chúa thôn/làng” tại ngôi miếu chung của cộng đồng để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng vào đêm hôm sau.

Trong khi ở tộc người Dao, nếu theo truyền thống, thường có những lễ hội/nghi lễ đặc sắc mang tính tộc người. Trước hết là lễ hội Bàn Vương hoặc lễ Tết nhảy,thường có thể diễn ra trong phạm vi cả dòng họ, với thời gian tổ chức khác nhau tùy theo từng chu kỳ thường 3 năm một lần hoặc kết hợp với nghi lễ cấp sắc nếu là lễ cúng Bàn Vương thông thường. Trong khi, những ngày diễn ra Tết nhảy cũng đã có lễ cúng Bàn Vương cùng với việc luyện binh tướng nhằm ý nghĩa bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt của gia đình, dòng họ và cộng đồng thôn/làng. Tiếp theo là lễ quét làng hay còn gọi là lễ cầu an kết hợp diệt trừ sâu bọ của cộng đồng cư trú cũng diễn ra khá hấp dẫn, được dân làng đóng góp lễ vật để tổ chức vào tháng 5 - 6 âm lịch. Hơn nữa, đồng bào Dao còn có thêm lễ hội cầu mùa nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời cũng là dịp để tạ ơn trời đất, các vị thần linh đã ban cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc; diễn ra vào đầu năm mới và thường ba năm tổ chức một lần ở ngay cạnh thôn/làng - nơi có miếu thờ Thổ công, với sự tham gia của các gia đình trong làng. 

Bên cạnh đó, các tộc người Sán Dìu, Sán Chay, Dao cũng như Tày, Nùng, Hoa trong huyện Lục Ngạn còn có lễ cúng của cộng đồng tại đình hoặc miếu của thôn/làng, diễn ra hàng năm, với thời điểm tổ chức cúng tùy thuộc từng tộc người và mỗi địa phương. Trong khi theo phong tục cổ truyền, các tộc người Dao, Sán Dìu, Tày, Nùng, Sán Chay (chủ yếu là nhóm Cao Lan)... đều có nghi lễ cấp sắc. Ở đây có sự khác biệt ở chỗ, các tộc người Sán Dìu, Tày, Nùng... chỉ tiến hành cấp sắc cho những người có chủ trương với mong muốn trở thành hoặc đang là thầy cúng, thầy tào đảm nhiệm công việc trực tiếp thực hành các lễ cúng lớn. Trong khi theo tập quán truyền thống, mọi người đàn ông người Dao, bất kể nhóm Dao Đỏ hay Dao Dao Thanh Y... đều phải trải qua nghi lễ này mới coi là người trưởng thành, được tổ tiên công nhận là con cháu và cũng vì thế mới được đảm nhiệm công việc cúng bái tổ tiên và hành nghề tín ngưỡng, khi chết mới về đoàn tụ với tổ tiên... Rõ ràng, lễ cấp sắc đều là một những lễ hội/nghi lễ tiêu biểu mang tính cổ truyền của các tộc người Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay..., đặc biệt ở tộc người Dao.Hơn nữa, nghi lễ này tuy diễn ra trong phạm vi gia đình hay dòng họ có người thụ lễ nhưng luôn thu hút được cả cộng đồng cư trú cùng tham dự, chứng kiến.

Cần lưu ý thêm rằng, ngoài những lễ hội/nghi lễ tiểu biểu vừa đề cập, hầu hết các tộc người thiểu số trong huyện Lục Ngạn cũng như tỉnh Bắc Giang còn có không ít đặc trưng văn hóa truyền thống đặc sắc. Bởi vì đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, do đó đến nay đồng bào vẫn còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản phi vật thể khác như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn... Trong đó, dân ca của tộc người Sán Chay mà cụ thể là người Sán Chí xã Kiên Lao và người Cao Lan xã Đèo Gia, kể cả hát Then của người Tày và Nùng nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là chưa kể tới các đặc trưng văn hóa vật thể truyền thống của mỗi tộc người, như cảnh quan và cấu trúc thôn/làng, trang phục, nhà ở, ẩm thực... Tất cả đều là những yếu tố văn hóa quan trọng và đặc sắc tộc người, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa - tâm linh tộc người trong vùng.

3. Vấn đề phát triển du lịch tâm linh ở vùng tộc người thiểu số và định hướng kết nối với du lịch tại chùa Am Vãi

Với sự đa dạng thành phần tộc người cũng như những nét đặc trưng về các yếu tố tiêu biểu trong tín ngưỡng mang tính thế giới quan truyền thống, hình thức thờ cúng trong cuộc sống và một số lễ hội/nghi lễ mang bản sắc tộc người diễn ra trên địa bàn huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, việc quan tâm tổ chức kết hợp bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội/nghi lễ truyền thống đã mai một nói chung sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng các tộc người đối với chủ trương phát huy giá trị văn hóa của đồng bào nơi đây. Qua đó tập trung đề cao hình thức giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là các lễ hội/nghi lễ truyền thống tiêu biểu của các tộc người không chỉ nhằm phục vụ phát triển du lịch, mà còn giúp ích cho công tác phát huy các giá trị tích cực của các yếu tố tín ngưỡng truyền thống tộc người trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên ở địa phương. Bởi vì, đây là một trong những vấn đề đang trong tình trạng tiềm năng to lớn, cần được các cấp các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn quan tâm khai thác, biến thành hiện thực trong phát triển du lịch.

Rõ ràng, trong các hình thức du lịch khác nhau, du lịch cộng đồng tộc người kết hợp du lịch văn hóa -tâm linh tại vùng tộc người thiểu số cũng như đa số ở huyện Lục Ngạn có tiềm năng rất lớn, cần thiết được quy hoạch, khai thác, phát triển có hiệu quả trong sự kết nối với du lịch tại các ngôi chùa, di tích lịch sử... đặc biệt là chùa Am Vãi - nơi vừa linh thiêng vừa có những đặc trưng riêng biệt so với các ngôi chùa, am, tháp, đền... của Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bởi vì ở chùa Am Vãi thuộc xã Nam Dương đến nay về cơ bản vẫn gìn giữ được tính linh thiêng với không gian văn hóa và cảnh quan yên tĩnh, khá nguyên sơ vốn có cách nay hàng trăm năm, đặc biệt là sự tồn tại các di tích vật thể mang dấu ấn sâu sắc mà không ngôi chùa nào có được.Cụ thể như Hang tiền, Hang gạo, Bàn cờ tiên, Dấu chân Phật, Vũng chị vũng em... cùng với những câu chuyện truyền thuyết liên quan. Bên cạnh đó, như đã trình bày, trong tín ngưỡng truyền thống của các tộc người thiểu số sinh sống xung quanh chùa Am Vãi, tức thuộc huyện Lục Ngạn đều có yếu tố Phật giáo, được phản ánh sâu đậm không chỉ trong quan niệm của nhiều người, đặc biệt đối với đội ngũ các thầy cúng, thầy tào, thầy mo...;  mà đôi khi còn được thể hiện rõ nét ở một số hình thức thờ cúng trong phạm vi gia đình, dòng họ và cộng đồng cư trú. Trong đó, tiêu biểu là các trường hợp như việc tổ chức lễ Then, Pựt ở hai tộc người Tày và Nùng, thờ Phật ở tộc người Hoa...

Về giải pháp thực hiện, có thể hiện thực hóa mô hình theo ba cấp độ du lịch tâm linh mang tính kết nối giữa các yếu tố cảnh quan môi trường - văn hóa - tâm linh tại địa bàn các tộc người thiểu số với văn hóa Phật giáo tại chùa Am Vãi và các chùa lân cận, tùy theo sơ thích cũng như nhu cầu của từng loại du khách. Đó là các cấp độ như: (i) Hoạt động tham quan, vãn cảnh tại cộng đồng cư trú cùng với các đặc trưng văn hóa, bao gồm nơi thờ cúng kết hợp tham dự lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của gia đình hay cộng đồng; (ii) Trên cơ sở tham quan, vãn cảnh văn hóa tại cộng đồng cư trú và nơi thờ cúng kết hợp tham dự lễ hội/nghi lễ,du khách trực tiếp tiến hành lễ cúng bái, cầu nguyện ở nơi thờ cúng hoặc tại lễ hội của cộng đồng tộc người và tại chùa Am Vãi cũng như các chùa cận kề nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của du khách; (iii) Thông qua tham quan, vãn cảnh và cầu nguyện tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo ở tộc người thiểu số và chùa Am Vãi, du khách tiến hành tìm hiểu dưới nhiều góc độ, chiều cạnh về các triết , thế giới quan, quan niệm... trong tín ngưỡng tôn giáo của tộc người thiểu số và của Phật giáo, khiến cho du khách đắm chìm tâm trạng thư thái, nhờ đó cải thiện tình trạng sức khỏe với cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng, cảm nhận được các yếu tố tích cực của mình. Qua đây có thể thấy, du lịch tâm linh vừa có ý nghĩa thư giãn, lại vừa mang tính trải nghiệm tín ngưỡng tôn giáo, kết hợp tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa tộc người hay văn hóa địa phương... Song, trong bối cảnh hiện nay, cấp độ đầu tiên của du lịch tâm linh ở vùng tộc người thiểu số tại huyện Lục Ngạn chắc chắn sẽ có nhiều du khách muốn trải nghiệm, nhất là những du khách mới tham gia du lịch lần đầu.

Nhìn chung, nhằm hiện thực hóa các cấp độ du lịch cộng đồng - văn hóa - tâm linh trên địa bàn tộc người thiểu số trong sự kết nối trực tiếp với yếu tố Phật giáo Thiền tông Trúc lâm tại chùa Am Vãi kết hợp vãn cảnh các di tích văn hóa xung quanh ngôi chùa, thì rất cần thiết kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về các đặc trưng văn hóa cổ truyền, đặc biệt là tín ngưỡng, lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của các tộc người thiểu số cũng như đa số trong huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang, nhằm phát hiện, bảo tồn các giá trị đặc sắc.

- Lập kế hoạch chi tiết về bảo tồn, duy trì các đặc trưng văn hóa tiêu biểu của mỗi cộng đồng tộc người tại địa phương, đặc biệt là tổ chức thực hành theo đúng phong tục kết hợp phục dựng lại những hình thức thờ cúng đã mai một cùng với các lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của mỗi tộc người tại mỗi địa phương khác nhau. Trên cơ sở đó, tăng cường quảng bá các giá trị mang tính di sản văn hóa, di tích lịch sử, môi trường sinh thái tự nhiên... trên các lĩnh vực vật thể và phi vật thể của mỗi tộc người tại mỗi địa phương cũng như của chùa Am Vãi và các ngôi chùa khác bao quanh chùa Am Vãi.

- Khảo sát tổng thể nhưng thật chi tiết, rồi xây dựng mang tính khả thi và thật sự phù hợp, cần thiết với bối cảnh về điều kiện, nguồn lực, tiềm năng... của mỗi cộng đồng tộc người tại mỗi địa phương đối với một số cơ sở vật chất, sản phẩm văn hóa... từ tối thiểu rồi theo thời gian để tăng dần đến tối đa, nhằm phục vụ phát triển du lịch văn hóa - tâm linh tại địa phương trong sự kết nối với chùa Am Vãi.

- Trên cơ sở tiềm năng cùng điều kiện cơ sở vật chất và sự phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như thời gian tới, xây dựng một số mô hình về các tua du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh trên mỗi địa bàn của mỗi tộc người thiểu số trong sự kết nối với chùa Am Vãi và các ngôi chùa xung quanh chùa Am Vãi.

- Thông qua những phương cách, tiếp thị, quảng bá khác nhau để thu hút dần du khách tới du lịch văn hóa - tâm linh tại các cộng đồng tộc người thiểu số trong sự kết nối với du lịch ở chùa Am Vãi và các chùa xung quanh từ các tua du lịch sinh thái, du lịch vườn cây ăn quả, du lịch văn hóa - tâm linh tại các chùa, di tích lịch sử, danh thắng... ở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, bao gồm phía Tây Yên Tử.

Kết luận

Huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang đến nay vẫn có sự phong phú về văn hóa truyền thống của các tộc người bất kể thiểu số hay đa số, đặc biệt là các yếu tố tín ngưỡng cùng với những lễ hội/nghi lễ tiêu biểu của từng dân tộc tại mỗi địa phương khác nhau.Điều này cho thấy, huyện Lục hiện nay đang ẩn chứa những đặc trưng/tiêu biểu trong bản sắc văn hóa các tộc người với tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là du lịch văn hóa - tâm linhtrên địa bàn mỗi tộc người trong sự kết nối trực tiếp với du lịch tại chùa Am Vãi và các ngôi chùa Phật giáo ở xung quanh. 

Vấn đề đặt ra hiện nay và thời gian tới là việc bảo tồn, thực hành đúng phong tục tập quán, kết hợp khai thác có hiệu quả thiết thực những đặc trưng văn hóa của mỗi tộc người tại từng địa phương để trở thành sản phẩm các loại nhằm phục vụ khách du lịch, để du khách được tham quan, trải nghiệm. Để giải quyết vấn đề này, các cấp các ngành chức năng thuộc tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn cần có giải pháp tiến hành các nghiên cứu khảo sát chuyên sâu, quy hoạch chi tiết, tổ chức thực hành những đặc trưng văn hóa trên các lĩnh vực, đồng thời tăng cường quảng bá dưới mọi hình thức, kết hợp xây dựng những điều kiện cơ sở vật chất thiết yếu nhất định để thu hút và tiếp đón du khách từ các tua du lịch thường xuyên diễn ra trong phạm vi tỉnh và huyện./.

 

 

User Online: 8,270
Total visited in day: 3,203
Total visited in Week: 3,202
Total visited in month: 50,694
Total visited in year: 612,601
Total visited: 3,187,094