Vài suy nghĩ về niên đại tháp đá Chùa Am Vãi

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

ThS. Đỗ Danh Huấn

Viện Sử học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 

            Chùa Am Vãi ở thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tọa lạc trên đỉnh núi Am Vãi, là nơi linh thiêng nhất tại huyện Lục Ngạn và vùng phụ cận. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Am Ni ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn, mạch núi từ Phật Sơn và Thù Sơn kéo đến”[1]. Điều đặc biệt hơn, trên núi còn có dấu vết ngôi chùa cổ, gắn với sự phát triển của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Sách Đồng Khánh địa dư chí cho biết: “Núi Am Vãi ở xã Nam Điện, mạch núi từ núi Nham Phật chạy đến. Thế núi cheo leo dốc đứng, cây cối xanh tốt, phía bên trái có một cái giếng nước rất trong, bốn mùa không cạn, bên giếng có hai chậu đá, phía trên có di tích nền chùa, nhưng hiện nay rêu phong mây phủ, không khảo được sự tích”[2]. Thông qua những ghi chép của Đồng Khánh địa dư chí chúng ta được biết muộn nhất đến trước thời Nguyễn chùa đã bị đổ nát, không còn nguyên vẹn, mà chỉ còn lưu lại vết tích như: nền chùa, giếng nước, chậu đá. Hiện nay, trong khuôn viên chùa, giếng nước và chậu đá vẫn còn.

            Sự ra đời và tồn tại của Chùa Am Vãi gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ở thế kỷ XIV. Như đã dẫn ở trên, chùa Am Vãi đã được các bộ chính sử thời Nguyễn ghi chép về sự hiện diện trong hệ thống chùa tháp thời Lý Trần. Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng: Đầu thế kỷ XX, trong chùa Am Vãi vẫn còn khá nguyên vẹn, đây là ngôi chùa nhỏ, trong chùa có bức tượng Phật Bà Quan Âm được đúc bằng đồng đen rất đẹp. Đến năm 1944, để lưu giữ hiện vật quý trong chùa, vị pháp sư lớn trong vùng đã xin phép mang bức tượng Phật Bà Quan Âm về thờ và cất giữ tại điện thờ của gia đình. Tuy nhiên, hiện vật quý này cũng không lưu giữ được đến nay. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, chùa Am Vãi vẫn còn những bức tường đá, hệ thống tượng Phật, bát hương, đặc biệt là khu tháp đá. Năm 1998, chùa Am Vãi được cư dân trong vùng phục dựng lại, với 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Từ đó đến nay, chùa Am Vãi tiếp tục được cư dân  trong vùng tôn tạo và xây dựng mới.

Hiện nay, vườn tháp chùa Am Vãi có 3 ngôi tháp đá, trong đó có 1 ngôi tháp ở phía trong còn khá nguyên vẹn, 1 ngôi ở phía ngoài cùng chỉ còn chóp và một cạnh tháp ghi dòng chữ Mậu Ngọ niên tác, còn ngôi tháp ở giữa còn chóp và một số cạnh tháp không đầy đủ. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, khu vườn tháp đã bị phá đổ và làm xáo trộn. Một số người từ nơi khác đến đây tìm vàng đã đào tung cả tro cốt trong các ngôi tháp và làm vỡ một số cạnh tháp.

Năm 1998, các cụ cao niên làng Biềng đã thu thập các cạnh tháp ở xung quanh chùa, dựng được 1 ngôi tháp hoàn chỉnh, có tên là: 蓮花寳塔 - Liên hoa bảo tháp (Tháp quý hình hoa sen) (Ảnh 1). Các cạnh tháp còn lại được sắp xếp lại thành 2 ngôi tháp nhưng không hoàn chỉnh. Đến tháng 3 năm 2022, trong khuôn viên chùa tìm thấy các cạnh tháp, chóp và chân tháp. Điều này chứng tỏ, chùa Am Vãi đã có ít nhất 4 ngôi tháp đá.

            Cuối thế kỷ XIV, vương triều Trần dần suy yếu. Đầu thế kỷ XV, nhân dân Đại Việt phải đối mặt với âm mưu và ách đô hộ của nhà Minh. Đến năm 1427, cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, vương triều Lê Sơ thành lập. Đây là thời kỳ hệ tư tưởng Phật giáo có xu hướng mờ nhạt trong đời sống xã hội. Thay vào đó, vương triều Lê Sơ đã lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng cai trị đất nước. Thời kỳ này, tư tưởng và các hoạt động của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thu hẹp những ảnh hưởng trong xã hội. Điều này được lý giải như sau: Thứ nhất, kháng chiến chống Minh thắng lợi, nhà nước Đại Việt đã lấy Nho giáo thay thế Phật giáo làm hệ tư tưởng cai trị đất nước, nên Phật giáo đã phai nhạt ảnh hưởng trong đời sống xã hội; thứ hai, hệ thống chùa, tháp khu vực Tây Yên Tử chủ yếu phân bố trên núi cao, xa dân cư,việc trông nom và tu bổ chùa gặp nhiều khó khăn. Điều này đã làm giảm ảnh hưởng và vai trò của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói chung và hệ thống chùa, tháp trong đời sống xã hội ở khu vực Tây Yên Tử nói riêng, trong đó có chùa Am Vãi.

            Sang thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI-XVIII), vai trò và ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo suy giảm, thì Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử được phục hồi trở lại. Từ đó, hệ thông chùa, tháp được tôn tạo và xây dựng mới ở nhiều nơi, nhân dân công đức, tục gửi hậu vào chùa cũng nở rộ trong giai đoạn này.Đây là thời kỳ mà các công hầu, quan lại trong triều đình đã cúng nhiều ruộng, nhiều tiền để đúc chuông, tô tượng, xây chùa.

            Trở lại với Chùa Am Vãi, những dòng ghi chép của chính sử triều Nguyễn không cho biết chùa có tháp đá, mà chỉ nhắc đến nền chùa cũ, giếng và bồn đá... Ngôi tháp hiện tồn là dấu tích và cứ liệu còn lại duy nhất để minh chứng sự tồn tại và phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử của Chùa Am Vãi. Bên trong Bảo tháp Liên hoa có bài vị khắc trực tiếp vào thân tháp, với dòng chữ Hán như sau: 竹林圓寂摩訶不蒼比丘如蓮化身菩薩謹位- Phiên âm: Trúc Lâm viên tịch Ma ha bất thương Tỳ khưu Như Liên hóa thân Bồ tát cẩn vị - Tạm dịch:Bài vị của Tỳ khưu (khâu) Như Liên Ma ha bất thương đã hóa thân thành Bồ tát viên tịch về chốn tổ Trúc Lâm.

            Phân tích cấu trúc và nội dung dòng bài vị nêu trên ta thấy một sốchi tiết đáng chú ý như sau: 竹林圓寂 - Trúc Lâm viên tịch: hiểu là người theo đạo Phật ở Chùa Am Vãi thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đã mất (viên tịch); 摩訶不蒼比丘如蓮 - Ma ha bất thương Tỳ khưu (khâu) Như Liên: hiểu là người xuất gia theo đạo Phật ở Chùa Am Vãi cótên là Tỳ khưu Như Liên. Ở đây cần nói thêm là, trong giới Phật, tỳ khưu được chia thành 2 đối tượng[3]: Tỳ khưu (chỉ nam giới xuất gia theo đạo Phật); Tỳ khưu ni (chỉ nữ giới xuất gia theo đạo Phật). Nếu căn cứ vào sự phân chia này, thì người được táng trong Liên hoa bảo tháp là nam giới đi theo Phật tại Chùa Am Vãi. Để khẳng định thêm Chùa Am Vãi là ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Qua việc đối chiếu nguồn tư liệu chữ Hán tại Tháp Chân thường, thuộc Vườn Tháp tổ, Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh, tháp có niên đại triều vua Lê Thần Tông năm tứ 5 (1623). Văn bia trong tháp có tên: 靈山應跡安子山华 煙 寺 真 常 塔 記, phiên âm: Linh sơn ứng tích Yên Tử sơn, Hoa Yên tự Chân Thường tháp ký; tạm dịch: Bài ký trên Tháp Chân thường của Chùa Hoa Yên tại núi Yên Tử nơi linh thiêng lưu dấu tích. Văn bia có đoạn ghi: 竹林比丘如歷覺圓慧善禪師化身, phiên âm: Trúc Lâm Tỳ khưu Như Lịch Giác Viên Tuệ thiện Thiền sư hóa thân; tạm dịch: Thiền sư theo Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Tỳ khưu Như Lịch Giác Viên Tuệ Thiện Thiền sư đã hóa thân.

            Bằng việc phân tích và đối chiếu thông tin trong bài vị của Liên hoa bảo tháp và văn bia trong Tháp Chân thường, chúng ta có cơ sở khẳng định rằng Chùa Am Vãi là ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, vì bài vị trong tháp có khắc 2 từ trúc lâm (竹林)[4] như văn bia Tháp Chân thường đã ghi, và người được táng trong tháp là một sư nam giới.

            Đặc biệt, sách Lục Nam địa chí[5] cho biết như sau: 庵妮山在南奠社東北高数千丈[...] 相傳爲陳公主出家住持之所 - Phiên âm: Am Ni sơn tại Nam Điện xã Đông Bắc cao số thiên trượng[...] tương truyền vi Trần Công chúa xuất gia trụ trì chi sở - Tạm dịch: Núi Am Ni ở phía Đông Bắc xã Nam Điện, cao nghìn trượng [...] tương truyền là công chúa nhà Trần đã xuất gia và tu hành ở đây.

            Đối chiếu tư liệu trong bài vị Liên hoa bảo tháp và sách Lục Nam địa chí, cho thấy sự khác biệt là: Người viên tịch được táng trong Liên hoa bảo tháp là sư nam giới, vì dòng bài vị có từ Tỳ khưu; trong khi đó, sách Lục Nam địa chí lại chép tương truyền công chúa nhà Trần đã đến chùa Am Vãi tu hành. Căn cứ vào nguồn thông tin trong chính sử và tư liệu khảo sát thực địa cho thấy:

            Những ghi chép trong Lục Nam địa chí là sát thực và đáng tin cậy. Nguồn tài liệu đó cho biết, chùa Am Vãi hình thành từ thời Lý Trần, tương truyền là nơi công chúa nhà Trần đến đây tu hành. Vì tên gọi hiện nay của chùa vẫn phản ánh đúng tính chất từ khi nó xuất hiện, đó là nơi tu hành của một nhà sư nữ-vãi (vãi:là từ chỉ người phụ nữ theo đạo Phật). Điều đăc biệt, những tư liệu về việc tu hành của công chúa nhà Trần tại chùa Am Vãi cũng khẳng định vị thế và vai trò của giới nữ không chỉ ở dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng và trong xã hội Đại Việt thời Lý Trần nói chung.

            Thứ hai, dòng bài vị khắc trong Liên Hoa bảo tháp cho biết thông tin về người theo đạo Phật là nam giới (Tỳ khưu), khi mất được táng trong tháp này. Trong khi đó, sách Lục Nam địa chí chép là công chúa nhà Trần tới chùa tu hành. Như vậy, chùa Am Vãi tồn tại từ thời Lý Trần. Các giai đoạn phát triển của chùa Am Vãi khá liên tục và xuyên suốt.

            Trong một số nghiên cứu về chùa Am Vãi, cũng như tìm hiểu về Phật giáo khu vực Tây Yên Tử đã cho rằng tháp này có niên đại thời Trần, đó là các quan điểm của Nguyễn Văn Phong, Ngô Dương Ninh, của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Các ý kiến này đều cho rằng tháp có niên đại thời Trần[6].

            Kết quả nghiên cứu thực địa, kết hợp đối chiếu, phân tích các nguồn tư liệu, cho thấyLiên Hoa bảo tháp ít khả năng được tạo dựng thời Trần vì:

            Một là, như vừa phân tích ở trên khi công chúa nhà Trần đến Chùa Am Vãi tu hành, thì không thể có một vị sư nam cũng đến tu hành ở đây. Hơn nữa, lịch sử hình thành Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tính từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất gia lên núi Yên Tử tu hành vào năm 1299, từ đây dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử chính thức ra đời. Kế tục sự nghiệp của Đệ Nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, các vị Đệ Nhị tổ là Pháp Loa và Đệ Tam tổ là Huyền Quang đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng của thiền phái này trong đời sống xã hội thông qua việc xây dựng hệ thống các chùa, tháp, khắc in kinh Phật, độ tăng, giảng đạo, cứu độ chúng sinh... Năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông băng. Tiếp đó các năm 1330 và 1334, Đệ Nhị tổ Pháp Loa và Đệ Tam tổ Huyền Quang lần lượt viên tịch.Như vậy, Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử phát triển mạnh trong hơn 30 năm đầu của thế kỷ XIV, gắn với việc phát triển ảnh hưởng của dòng thiền này trong xã hội, đặc biệt là khu vực Đông và Tây Yên Tử. Trong đó, Đệ Nhị tổ Pháp Loa kế tục sự nghiệp từ 1308 đến 1330, được cho làkhoảng thời giancó nhiều chùa tháp xây dựng, mở rộng, nhiều dân chúng được độ theo Phật... Chúng tôi cho rằng, Chùa Am Vãi nhiều khả năng được hình thành từ thời Lý Trần, và phát triển hưng thịnh trong thời gian Đệ Nhị tổ Pháp Loa kế nghiệp và đây cũng là thời điểm công chúa nhà Trần đến chùa tu hành. Trong trường hợp, Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử không còn nhiều ảnh hưởng trong xã hội, thì ít nhất việc tu tập, sinh hoạt Phật giáo ở Chùa Am Vãi vẫn tồn tại đến cuối thế kỷ XIV. Khi đó, sư trụ trì chùa Am Vãi mới viên tịch và việc dựng tháp mới được tiến hành. Do vậy, Liên hoa bảo tháp được dựng vào thời Trần (nửa cuối thế kỷ XIV) là ít xảy ra. Trong khi đó, bài vị của tháp ghi là Tỳ khưu Như Liên, là một vị sư nam, nên Liên Hoa bảo tháp càng không phải là nơi lưu giữ tro cốt của công chúa nhà Trần viên tịch sau thời gian dài tu hành ở đây. Giả định rằng, đến cuối thế kỷ XIV, công chúa nhà Trần tu hành ở Chùa Am Vãi viên tịch, mà người kế tục tiếp theo là một vị sư nam như thông tin trong bài vị của tháp, thì khi vị sư nam này viên tịch cũng nằm trong khoảng thời gian của thế kỷ XV, chứ không thuộc khung niên đại thế kỷ XIV của thời Trần. Do vậy, Liên Hoa bảo tháp được dựng lên không thuộc khung niên đại thời Trần như một số quan điểm của các nhà nghiên cứu đã nêu.

            Hai là, thông qua so sánh loại hình và chất liệu giữa Liên Hoa bảo tháp với một số tháp đá tại các chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, như ở Chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương); ở Khu Di tích Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh); ở Am Ngọa Vân, Đông Triều, Quảng Ninh..., chúng tôi nhận thấy giữa chúng mang những điểm tương đồng về hình dáng và khung niên đại.

            Nghiên cứu của Mai Thùy Linh về các tháp ở Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh,cho thấy: “Tháp 1 tầng có mặt bằng hình vuông. Đế tháp không trang trí hoa văn. Bệ tháp hình tu di tọa. Thân tầng tháp hình thang cân. Mái tháp được tạo hình mui luyện, dáng mềm mại, đao mái được tạo rõ, uốn cong giống với mái đình chùa. Chóp tháp được tạc thành hình bình nước cam lộ. Tổng số có 11 tháp mang niên đại thế kỷ XVII – XVIII”[7]. Có thể kể đến một số tháp như: Tháp Độ Nhân (Ảnh 2), dựng năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738); Tháp Tự Tuệ, dựng vào mùa hè năm Mậu Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1758); Tháp Tịnh Trụ, dựng năm 1752; Tháp Hoa Quang, dựng năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (1771); Tháp Chân Thường, dựng vào tháng Giêng, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739)[8].

Tại Am Ngọa Vân, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Anh cho thấy, ban đầu Am này cũng là một nơi tu hành quy mô nhỏ như chùa Am Vãi, trải qua thời gian cũng bị mai một thành phế tích. Đến thời Lê Trung hưng, Phật giáo được coi trọng, nên nhiều hạng mục tại Am Ngọa Vân cũng được phục dựng với quy mô rộng hơn, trong đó có việc dựng các tòa tháp: “Dưới thời Lê Trung hưng, tại đây có 2 tòa tháp bằng đá, tháp thứ nhất được xây ở cấp nền trên là tháp thờ Phật (Phụng Phật tháp - 奉佛塔) (Ảnh 3); tháp thứ hai được xây dựng ở cấp nền dưới, là tháp mộ của một vị thiền sư, theo bài vị đặt trong tháp thì vị sư này thuộc Thiền phái Trúc Lâm, có tên là Viên Mãn Chân Giác”[9].

            Ngoài ra, cấu trúc và hình dáng của Liên Hoa bảo tháp cũng gần giống Linh Quang tháp ở Chùa Thanh Mai, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tháp này dựng năm Chính Hòa thứ 24 (1702). Bên cạnh đó, dòng chữ蓮花寳塔 - Liên Hoa bảo tháp, khắc trên cửa tháp nhiều khả năng có tự dạng, nét chữ giống các văn bản khắc trên bia đá có niên đại thời Lê Trung hưng.

            Qua so sánh loại hình giữa Liên hoa bảo tháp ở chùa Am Vãi với các tháp ở Khu Di tích Yên Tử và Am Ngọa Vân, chúng tôi nhận thấy, các tháp ở khu vực này có kiểu dáng tương đồng với tòa Liên hoa bảo tháp. Đặc biệt hơn, các tháp có niên đại cụ thể tại Khu Di tích Yên Tử, là cơ sở quan trọng để tiến tới xác định niên đại cho Liên Hoa bảo tháp.

            Từ những tư liệu đã phân tích, so sánh ở trên, chúng tôi thấy Liên Hoa bảo tháp không được xây dựng dưới thời Trần (thế kỷ XIV). Hơn nữa, tháp này cũng không phải nơi chứatro cốt của công chúa nhà Trần, người đã đến đây tu hành như ghi chép của Lục Nam địa chí, mà tro cốt trong tháp là của một nhà sư nam, điều này được thể hiện rõ ở bài vị ghi trong tháp với tên gọi Tỳ khưu.

            Đặt chùa Am Vãi trong bối cảnh chung của đời sống Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và bối cảnh xã hội Đại Việt trong nhiều giai đoạn lịch sử, chúng tôi cho rằng, Liên Hoa bảo tháp được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng thế kỷ XVI-XVIII, khi Phật giáo được chấn hưng sau một thời gian dài Nho giáo chiếm ưu thế trong xã hội. Trong trường hợp khác, Liên Hoa bảo tháp nhiều khả năng còn mang niên đại cụ thể hơn là được dựng vào thế kỷ XVIII./.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Nguyễn Văn Anh, Am Ngọa Vân, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013. 

2. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Di tích và Danh thắng Tây Yên Tử, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2018.

3. Mai Thùy Linh, Tháp thời Lê ở Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ Khảo cổ học, Hà Nội, 2015.

4. Lục Nam địa chí, tư liệu lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: A2037.       

5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.    

6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, tập 1, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003.  

7. Ngô Dương Ninh, Giá trị của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2020.

8. Nguyễn Văn Phong, Nghiên cứu văn bia tỉnh Bắc Giang, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm, bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.

 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 93.    

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, tập 1, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr. 538.  

[3]Tỳ Khưu (Bhikkhu), được giải thích như sau: 1. Người cận sự nam đủ 20 tuổi trở lên thọ Tỳ khưu gọi là: Bhikkhu (Tỳ khưu); 2. Người cận sự nữ đủ 20 tuổi trở lên thọ Tỳ khưu gọi là: Bhikkhunī (Tỳ khưu ni). Truy cập tại: hoavouu.com 

[4] Văn bia Tháp Tự Huệ (Tuệ), tại vườn tháp Hòn Ngọc, thuộc Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh có đoạn viết: "安子山花湮寺道場真俗二 ... 衆等承 ... 師于嗣慧寳塔其宗師 [...] 摩訶竹林覺了比丘号慧基字性晃禪師 [...] 皇朝景興十九年 - Yên Tử sơn Hoa Yên tự đạo tràng chân tục nhị ... chúng đẳng thừa ... sư vu Tự Huệ (Tuệ) bảo tháp kỳ tôn sư [...] Ma ha Trúc lâm Giác Liễu Tỳ khưu hiệu Huệ (Tuệ) Cơ tự tính hoảng Thiền sư [...] Hoàng triều Cảnh Hưng thấp cửu niên - Dòng tư liệu cho biết tại Chùa Hoa Yên, núi Yên Tử là nơi đạo Phật tỏa sáng từ trong tâm đến mọi chúng sinh. Ở đây có Thiền sư Ma ha Giác Liễu theo Phật phái Trúc lâm Yên Tử, hiệu là Huệ (Tuệ) Cơ, tự là Tính Hoảng [...]. Văn bia được khắc dưới triều vua Lê Hiển Tông năm thứ 19 (1758)".

[5]Lục Nam địa chí, tư liệu lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: A2037.

[6] Xem: Nguyễn Văn Phong, Nghiên cứu văn bia tỉnh Bắc Giang, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm, bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 127: "Ở chùa Am Vãi (Âm Ni tự) được xây dựng từ thời Trần, trên vườn chùa còn ngôi tháp đá cổ thời Trần “Liên Hoa bảo tháp 蓮花寶塔” (Tháp báu Liên Hoa)"; Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Di tích và Danh thắng Tây Yên Tử, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2018, tr. 69, khi viết về Chùa Am Vãi, sách đã minh họa và chú thích: "Liên hoa bảo tháp thời Trần"; Ngô Dương Ninh, Giá trị của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2020, tr. 58: "Phật giáo Trúc Lâm còn phát triển nhánh lên vùng Lục Ngạn. Cho đếnnay, cơ sở xác định điều đó được tư liệu Hán-Nôm ở chùa Am Vãi ghi chép.Trên vườn chùa còn ngôi tháp đá cổ thời Trần “Liên Hoa bảo tháp” (Thápbáu Liên Hoa)".  

[7] Mai Thùy Linh, Tháp thời Lê ở Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ Khảo cổ học, Hà Nội, 2015, tr. 46.

[8]Mai Thùy Linh, Tháp thời Lê ở Khu Di tích Yên Tử, Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ Khảo cổ học, Hà Nội, 2015, tr. 57-64.

[9] Nguyễn Văn Anh, Am Ngọa Vân, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013, tr. 38.

 

 

Liên hoa bảo tháp (Chùa Am Vãi)

(Ảnh:tác giả)

Tháp Độ Nhân (Khu Di tích Yên Tử)

(Ảnh: Mai Thùy Linh)

Mậu Ngọ niên tác trên cạnh tháp đá

Linh Quang Tháp - Chùa Thanh Mai - Chí Linh, Hải Dương

Phụng Phật Pháp - Am Ngọa Vân - Quảng Ninh

Ảnh Nguyễn Văn Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

User Online: 9,117
Total visited in day: 2,744
Total visited in Week: 2,743
Total visited in month: 50,235
Total visited in year: 612,142
Total visited: 3,186,635