Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục và xúc tiến du lịch tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Nguyễn Thị Mai Thanh Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Nằm trong hệ thống di tích danh nhân khoa bảng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên là một di tích mang giá trị văn hoá tiêu biểu cho vùng đất giàu truyền thống hiếu học. Đây là điểm đến lý tưởng không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, khoa học, giáo dục, nổi bật là truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang qua câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vì vậy, nơi đây được xác định là một trong những điểm nhấn du lịch của huyện Việt Yên, góp phần tạo nên lợi thế trong chiến lược phát triển du lịch văn hoá tâm linh của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục cũng từ đó mà trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và nhiều thách thức. Vấn đề đặt ra là sự cần thiết xây dựng các hoạt động tuyên truyền mang tính thiết thực, góp phần xúc tiến du lịch một cách hợp lý, đạt hiệu quả cao và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chung của huyện.  

1.Thực trạng công tác tuyên truyền, giáo dục và xúc tiến du lịch tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung

- Về  nguồn nhân lực tham gia công tác tuyên truyền: Ban Quản lý di tích đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung đã được thành lập với cơ cấu cán bộ là các chức danh kiêm nhiệm. Cơ cấu ban quản lý di tích gồm 17 thành viên, bao gồm: một trưởng ban quản lý di tích do đồng chí Phó phòng Văn hoá thông tin huyện Việt Yên đảm nhiệm, hai phó ban do đồng chí lãnh đạo UBND thị trấn Nếnh và đồng chí lãnh đạo trung tâm văn hoá huyện đảm nhận. Các thành viên còn lại được giao cho các trưởng ban ngành, đoàn thể tại địa phương phụ trách. Trong đó, hai cán bộ được giao phụ trách nhiệm vụ thuyết minh, tuyên truyền và giới thiệu về di tích.

- Về các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và quảng bá du lịch: Trong những năm qua, lãnh đạo các ban ngành, các cấp tỉnh đến địa phương cùng ban quản lý di tích đã áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá di tích và khơi gợi tiềm năng du lịch. Cụ thể là: Phòng Văn hoá thông tin huyện Việt Yên đã xây dựng các văn bản phối hợp với Phòng Giáo dục huyện, chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi tham quan, dâng hương, học tập và trải nghiệm tại di tích; xây dựng kế hoạch và triển khai thiết kế, in ấn poster, tờ gấp truyên truyền, xây dựng phim tài liệu, phim hoạt hình giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hoá, tiến sĩ Thân Nhân Trung; nghiên cứu, thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng tại điểm du lịch, tiến tới sẽ bày bán tại các gian trưng bày về sản phẩm du lịch trong lễ khánh thành tượng đài Thân Nhân Trung… Kết quả cho thấy, kể từ khi hình thành di tích đến nay, mỗi năm có khoảng 6000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đây cũng là địa điểm tổ chức lễ dâng hương, lễ báo công, lễ trồng cây cùng nhiều hoạt động văn hoá tín ngưỡng phù hợp với tinh thần tôn vinh đạo học của di tích.

Mặc dù được xây dựng một cách đa dạng, bắt kịp xu thế thời đại nhưng các giải pháp tuyên truyền nêu trên vẫn chưa thực sự có chiều sâu, chưa thể hiện rõ nét tư tưởng cốt lõi mà di tích muốn hướng tới nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày một nâng cao của công chúng.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên tuyền, giáo dục và xúc tiến du lịch tại di tích đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung.

- Tăng cường công tác quản lý tuyên truyền và quản lý du lịch: Ban Quản lý đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung cần củng cố, kiện toàn, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, phong cách giao tiếp văn minh, mến khách của cán bộ tuyên truyền, đặc biệt là cán bộ thuyết minh. Lực lượng làm công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết minh cần có năng lực và kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực tuyên truyền thông qua các buổi đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức như: nghiệp vụ thuyết minh, công tác truyền thông, maketing tại điểm du lịch. Lãnh đạo ban quản lý di tích cần chỉ đạo công tác hướng dẫn khách tham quan, xây dựng nội dung thuyết minh chuẩn và  lựa chọn hình thức thuyết minh sao cho phù hợp với từng đối tượng du khách.

Cần có biện pháp quản lý, thống kê cụ thể số lượng, phân luồng khách đến tham quan để đối chiếu, đánh giá kết quả hoạt động xúc tiến du lịch và nghiên cứu định hướng quy mô, kết cấu khách du lịch để xây dựng lộ trình và các chương trình giáo dục phù hợp.

Nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương trong việc quản lý các hoạt động du lịch tại di tích. Vận động tuyên truyền, cán bộ, quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phong trào ứng xử văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Các lực lượng chức năng cần làm tốt công tác thanh kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, gây phiền hà cho du khách, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương.

- Hoàn thiện các hạng mục công trình phụ trợ tại di tích: Các đơn vị quản lý cần đề xuất phối hợp với cơ quan chức năng đầu tư, xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình còn thiếu, xây dựng thêm cây xanh, đặt quầy vé, tôn tạo lối đi, mái che, hành lang phân luồng khách tham quan; xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn thông tin, sơ đồ hướng dẫn khách tham quan, khu vực nhà lưu niệm, khu vực vệ sinh, nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng mang tính đặc trưng của di tích và đặc trưng vùng miền… tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hoá, du lịch trên quần thể di tích.

- Đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, giáo dục: Ngoài những hoạt động đón khách tham quan thuần tuý, đơn vị quản lý di tích cần phối hợp với những đơn vị nghiên cứu, văn hoá, giáo dục, du lịch trong tỉnh tổ chức các sự kiện văn hoá có ý nghĩa, phù hợp với những giá trị tư tưởng cốt lõi mà di tích đã đem lại. Chẳng hạn như: Tổ chức lớp học chữ Hán – Nôm, triển lãm tranh thư pháp, ngày hội đọc sách, ngày thơ Việt Nam…Phối hợp với các trường học trong tỉnh tổ chức lễ tuyên dương học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, khen thưởng học sinh giỏi, lễ kết nạp đội viên, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương, truyền thống khoa bảng của địa phương và lịch sử khoa cử Việt Nam; xây dựng chương trình giáo dục di sản thông qua các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn và thiết thực cho học sinh, sinh viên như: trải nghiệm viết thư pháp, trải nghiệm lớp học xưa, trải nghiệm mài mực và dùng bút lông,….

Gắn kết với các di tích đền thờ danh nhân khoa bảng trong tỉnh và các di tích ngoài tỉnh như Văn miếu Bắc Ninh, Văn miếu Quốc Tử Giám, Văn miếu Hải Dương tổ chức các cuộc trưng bày, triểm lãm chủ đề về danh nhân nho học, hay chủ đề khoa cử thời xưa qua các tài liệu lưu trữ nhằm phát huy giá trị di tích Nho học trong tỉnh và cả nước.

Không chỉ khai thác các giá trị di sản vùng lõi (di sản về Nho học và khoa cử) mà còn cần khai thác và đưa vào các yếu tố vùng đệm như các yếu tố văn hoá phi vật thể vùng miền như: nghệ thuật văn hoá dân gian, làng nghề truyền thống… đan xen, phối cảnh cùng những di sản vốn có (vùng lõi) của di tích, trên cơ sở cam kết tuân thủ Luật Di sản văn hoá, không để những yếu tố lợi nhuận làm biến đổi tinh thần của di tích.

- Áp dụng các phương thức công nghệ mới trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục: Trước xu hướng phát triển của thời đại công nghệ, kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu, đòi hỏi các hoạt động văn hoá, du lịch phải có hình thức đa dạng, được tổ chức một cách chuyên nghiệp và bài bản, hiện đại vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân và du khách nhưng mà không làm mất đi tính dân tộc. Một số giải pháp được đưa ra như: xây dựng ý tưởng dùng giải pháp công nghệ như thuyết minh tự động, phim tài liệu, sách 3D… kể cho du khách nghe về những câu chuyện lịch sử; tận dụng mạng xã hội, đẩy mạnh truyền thông trên các trang thông tin điện tử (thành lập webside, trang facebook,…) để vừa giới thiệu, quảng bá về di tích và các hoạt động sinh hoạt văn hoá tại đây, vừa chia sẻ thông tin, vừa là nơi giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng; thiết kế các loại tờ gấp, catalogue giới thiệu về di tích, cung cấp cho các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh; biên soạn in ấn sách hướng dẫn tham quan cho du khách.

- Phát huy công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành để quảng bá di tích: Phòng Văn hoá thông tin huyện cùng Ban quản lý di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung cần thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình để tuyên truyền về những hoạt động của mình. Đồng thời xây dựng mối quan hệ với cơ quan báo chí, truyền thông, kết nối nhà báo để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả.

Phát huy vai trò của trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh, trao đổi phối hợp với các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch phối hợp tìm hiểu nhu cầu của các nhóm đối tượng khách tham quan để xây dựng chương trình du lịch phù hợp, có sự kết nối cộng đồng và quảng bá liên thông giữa các bên.

Tận dụng các hình thức xã hội hoá trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận để tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, vừa góp phần làm tốt công tác truyền thông, lại vừa mang hiệu quả về kinh tế và du lịch, tái đầu tư bảo tồn di tích. Cần xây dựng các quy chế liên doanh, liên kết, nhận tài trợ theo đúng quy định pháp luật.

Tóm lại, công tác tuyên truyền, giáo dục và xúc tiến du lịch tại các điểm di tích nói chung và tại Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung nói riêng chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có một quần thể di tích hoàn thiện, thể hiện đầy đủ bản sắc, giá trị tư tưởng mà di tích muốn hướng tới; một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có nhiệt huyết với công việc; đa dạng hoá các hình thức hoạt động…Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên thì công tác giáo dục, tuyên truyền và xúc tiến du lịch tại đây sẽ đạt kết quả tốt và đáp ứng nhu cầu đã đặt ra. Mặt khác, đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch mà còn cần sự chung tay tích cực của các ban ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng để góp phần nâng cao giá trị di tích, thúc đẩy du lịch phát triển và đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch văn hoá tâm linh đang là một thế mạnh của du lịch tỉnh Bắc Giang./.

N.T.M.T

 

 

User Online: 11,990
Total visited in day: 861
Total visited in Week: 3,530
Total visited in month: 860
Total visited in year: 660,150
Total visited: 3,234,643