Đình Thanh Lương - Một di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Lạng Giang

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

Thanh Lương là một làng quê yên bình nằm bên cạnh dòng sông Thương hiền hoà thơ mộng. Trong suốt quá trình sinh tồn và phát triển, con người Thanh Lương đã tạo dựng cho mình một hệ thống di sản văn hoá phong phú mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt.

Trong số đó có ngôi đình Thanh Lương. Đây là một ngôi đình cổ kính, một di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu được khởi dựng từ thời Lê (cuối thế kỷ thứ XVII- đầu thế kỷ XVIII). Theo lời kể của một số cụ cao niên trong thôn cho biết, khi xưa đình có quy mô bề thế theo lối bố cục hình chữ nhất (-) gồm một toà đại đình 3 gian 2 chái, có 4 mái đao cong thanh thoát. Trong đình, các cấu kiện kiến trúc gỗ đều được trang trí, chạm khắc tinh xảo với những đề tài mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Lê. Tiếc rằng trong những năm cuối thế kỷ XIX, giặc Cờ Đen tràn qua đốt phá xóm làng, khiến ngôi đình đã bị tàn phá nặng nề. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân địa phương với lòng hảo tâm đã trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình cũ làm nơi thờ Thánh tôn nghiêm và sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng chung cho cộng đồng dân cư nơi đây.

Hiện nay, đình Thanh Lương toạ lạc trên một khuôn viên thoáng đẹp ở trung tâm của thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, cách thành phố Bắc Giang chừng 25km về phía Bắc. Đình ngoảnh mặt nhìn về hướng Tây-Nam. Bao quanh sau trước đình là đường giao thông nội thôn và khu dân cư trù mật. Nhìn từ xa, ngôi đình hiện lên với dáng vẻ uy nghiêm giữa một vùng quê yên bình. Nhìn tổng thể, bình đồ kiến trúc đình làm theo lối chữ nhị gồm toà tiền đình 1 gian 2 chái song song với toà hậu cung 1 gian 2 dĩ. Phía trước là khoảng sân rộng thoáng mát với nhiều cây cổ thụ tạo một không gian cổ kính cho di tích.

Khi đặt chân đến di tích, ta bước vào tòa tiền đình có quy mô vừa phải nhưng còn bảo lưu nhiều nét kiến trúc cổ đặc sắc. Tòa này tạo bởi 1 gian 2 chái với 4 mái đao cong. Tường xây gạch chỉ, ngoài phủ vữa. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc, bờ chảy gắn dải gạch rỗng hoa chanh kép. Chính giữa bờ nóc đắp trang trí đề tài “lưỡng long chầu nhật”, hai đầu bờ nóc có 2 con xô châu đầu vào nhau, đuôi vểnh tít, 4 chân bám chặt vào bờ nóc trông thật ngộ nghĩnh. Tại các khúc nguỷnh mái trước có đắp con xô với thân hình mập khoẻ, các chân xoải rộng bám chặt xuống bờ mái. Bốn tàu đao được đắp đề tài long hí thuỷ, bên cạnh có chú sóc ngộ nghĩnh đang chạy tung tăng trên bờ guột như muốn thể hiện cái tài nhảy nhót của mình. Dọc theo tàu mái trước đình được trang trí dải hoa văn lá đề chạy suốt chiều dài mái. Các đề tài trang trí từ bờ nóc bờ chảy xuống tàu mái đình Thanh Lương vừa tô điểm nét thẩm mỹ cổ kính, tôn nghiêm cho di tích, vừa góp phần làm giảm sự thô cứng của công trình kiến trúc, đem lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát bay bổng.

Vào trong nội đình, hệ thống kết cấu chịu lực bên trong toà tiền đình được tạo bởi 4 vì, mỗi vì 7 hàng chân cột. Kết cấu chịu lực của 2 vì giữa toà tiền đình gắn kết theo kiểu thức con chồng trụ giá chiêng, kẻ chuyền. Hai vì còn lại gắn kết theo kiểu thức vì biến thể kèo kìm ván mê, kẻ chuyền. Trên các con chồng 2 vì gian giữa được chạm nổi hình vân xoắn mập, đầu dư được chạm lộng hình rồng miệng ngậm ngọc, mắt mở to, các tua mắt và râu bay ngược ra phía sau. Trên bức cốn nách bên phải đình chạm kín đề tài rồng, lân, phượng, mỗi con ở một tư thế vận động khác nhau như đang đùa rỡn. Vì nách bên trái được chạm nổi hình phượng, lân, ngư long hí thuỷ rất sinh động. Người nghệ nhân xưa đã kết hợp nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật chạm truyền thống: chạm chìm, chạm nổi, chạm kênh bong, chạm lộng….để tạo nên những bức tranh sống động, có hồn. Nhìn tổng thể trong di tích đình Thanh Lương, có thể nói đây được coi là hai mảng chạm đẹp nhất. Ngoài ra, trên các nghé kẻ và đầu kẻ trước và sau cũng được chạm nổi, chạm lộng đề tài tứ linh, long hoá thật sống động. Mặc dù có chung một đề tài thể hiện, song mỗi đầu kẻ lại mang đặc điểm và cách thức thể hiện khác nhau, tạo nên tính đa dạng trong phong cách biểu đạt. Trên các vì nách trước và sau hai gian chái toà tiền đình có kết cấu con chồng, đấu kê. Trên hệ thống con chồng được chạm hình phượng và vân xoắn với đường, khối mập mạp.

Hậu cung đình Thanh Lương được xây bình đầu bít đốc, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Kết cấu khung chịu lực bên trong được tạo bởi 2 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột. Các vì được liên kết với nhau theo kiểu thức kèo kìm, kẻ tràng đơn giản không chạm khắc cầu kỳ. Riêng hai đầu kẻ trước hậu cung được chạm nổi hình rồng cách điệu đan xen các vân xoắn mập. Tại gian giữa hậu cung có sập thờ trên đặt ngai thờ, bài vị, bát hương, hòm sắc cùng nhiều đồ thờ tự khác. Nhìn tổng thể, các đồ thờ gỗ đình Thanh Lương đều được chạm khắc tinh xảo, ngoài phủ sơn thếp lộng lẫy. Căn cứ vào đặc điểm chạm khắc cho hay, đây là sản phẩm điêu khắc gỗ thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Qua những đường nét chạm khắc, trang trí còn bảo lưu được ở đình Thanh Lương có thể nói rằng, đình Thanh Lương mang giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc nghệ thuật. Các đề tài, họa tiết trang trí ở đây rất đa dạng phong phú với thủ pháp nghệ thuật chạm khắc tinh tế, điêu luyện mang phong cách đặc trưng của nghệ thuật tạo hình thời Lê (cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII).

Bên cạnh những giá trị điển hình về mặt kiến trúc nghệ thuật, đình Thanh Lương còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật cổ như: 4 bài vị mang phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVIII); 2 tấm bia đá có niên đại thời Nguyễn năm Tự Đức thứ 13 (1860) và Thành Thái thứ 6 (1894); 1 hòm đựng sắc phong; 1 bộ bát biểu gỗ,  2 sập thờ gỗ; 2 ngai thờ gỗ; 2 kiệu thờ gỗ đều có niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX. Những hiện vật này góp phần làm tăng thêm giá trị của ngôi đình. Đình Thanh Lương là một công trình vừa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, vừa là một công trình có giá trị lịch sử, văn hoá cao, nơi tôn thờ các vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại bình yên cho quê hương, đất nước. Cụ thể, đình Thanh Lương tôn thờ đức thánh Cao Sơn, Quý Minh, Nguyễn Hương Lang, Nguyễn Đào Lang, Nguyễn Lộc Lang, Nguyễn Tiệm Lang và Hương Cập Cung Phi Hoàng hậu Nguyễn Ngọc Xuân.

Hàng năm để tưởng nhớ công ơn của những vị thánh thờ trong đình, nhân dân thôn Thanh Lương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống tại trung tâm khu vực ngôi đình vào các ngày mồng 8 tháng Giêng và 20 tháng 8 âm lịch. Trong ngày hội, ngoài phần tế lễ thờ thánh, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi độc đáo như: đấu vật, cướp cầu, chơi đu, chọi gà… thu hút rất đông khách thập phương về dự hội.

Với những giá  trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định xếp hạng đình Thanh Lương là di tích kiến trúc - nghệ thuật theo Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2008 nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của di tích.

Lương Hàn Mai

 

 

User Online: 13,078
Total visited in day: 1,444
Total visited in Week: 4,113
Total visited in month: 1,443
Total visited in year: 660,733
Total visited: 3,235,226