MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHAI THÁC PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐỀN THỜ TIẾN SĨ THÂN NHÂN TRUNG

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Làng Yên Ninh nổi tiếng là "làng Tiến sĩ" với truyền thống khoa bảng vẻ vang, nơi đã sinh ra nhiều Đại khoa, tiêu biểu là Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Để bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học khoa bảng, năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt chủ trương và cho phép xây dựng đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung với tổng diện tích 19.183,5m2. Đền được xây dựng với các hạng mục công trình: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Nhà bia, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại trên một khuôn viên đất rộng đẹp ở gần đình Yên Ninh.

Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung thuộc tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 12km về phía Tây Nam. Ngôi đền là công trình văn hóa tín ngưỡng, nơi tôn thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung và Thân Phụ, Thân Mẫu của ông. Trong cuộc đời và sự nghiệp, ông đã có nhiều công lao to lớn cho sự nghiệp chính trị, văn hóa, giáo dục, ngoại giao vào thế kỷ XV. Ngay sau khi đăng khoa kỳ thi Hội khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đỗ Hội nguyên, vào kỳ Điện thí đỗ Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, ông được bổ giữ chức Hàn Lâm viện thị độc, sau thăng Hàn Lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu. Sau được thăng giữ chức Lễ bộ Thượng thư. 

Đặc biệt, trong sự nghiệp giáo dục Thân Nhân Trung còn là một danh nhân khoa bảng có đường quan lộ gắn bó với khoa cử, ông luôn dành nhiều quan tâm tới sự nghiệp giáo dục khoa bảng, đặc biệt là việc phát triển và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức nho học cho đất nước. Luận điểm này của ông được thể hiện sâu sắc trong hai bài ký trong bia đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất và khoa Đinh Mùi được dựng ở Quốc Tử Giám. Trong Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), Thân Nhân Trung đã trình bày luận điểm: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp".

Trải qua thời gian, đường lối trị quốc dựa vào nhân tài đối với quốc gia của ông luôn được khẳng định, nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho thấy đây là một quốc sách, là điểm cốt lõi trong đạo trị quốc cho dân tộc ta mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Về sự nghiệp văn chương, Thân Nhân Trung luôn được vua Lê Thánh Tông đánh giá rất cao và bốn lần được cử làm Độc quyển các kỳ thi Đình. Đặc biệt năm 1495, khi vua Lê Thánh Tông thành lập Hội Tao đàn, Thân Nhân Trung được nhà vua tin tưởng giao cho làm Phó Nguyên súy hội Tao đàn (Hội xướng họa thi ca mà Hoàng đế Lê Thánh Tông sáng lập vào năm 1495. Hội thơ tập hợp 28 vì sao sáng trên bầu trời thơ văn Đại Việt lúc đó nên còn gọi là Tao đàn nhị thập bát tú). Các tác phẩm của Tiến sĩ Thân Nhân Trung tuy chưa được sưu tầm đầy đủ nhưng cũng khá phong phú và đa dạng.

Hiện nay, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, mà còn là địa điểm khắc ghi những công trạng của ông đối với quốc gia, quê hương làng xóm. Hằng năm, lễ hội đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, được diễn ra vào ngày 14 tháng 11 âm lịch và đây cũng là ngày giỗ của Tiến sĩ Thân Nhân Trung, với nghi thức dâng lễ được diễn ra long trọng thu hút được đông đảo nhân dân tham dự. Cùng với các di tích trong vùng như đền thờ Tiến sĩ, Nghè Nếnh, Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã trở thành điểm sáng trong phong trào khuyến học, tạo sức lan tỏa, khơi dậy truyền thống hiếu học khoa bảng cho các thế hệ trên vùng đất Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.

 Trong thời gian tới, để hoạt động quản lý, khai thác phát huy giá trị đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đi đúng hướng, đạt hiệu quả, chúng tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp cơ bản như:

1. Giải pháp trong công tác quản lý nhà nước:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung: UBND huyện Việt Yên quan tâm chỉ đạo Ban QLDT đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tập trung hoạt động mang tính chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu quản lý di tích; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Ban QLDT đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung; tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, từ đó có những hành động cụ thể trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý thiết thực, hiệu quả để bảo vệ di tích này ngày một tốt hơn.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực để có một đội ngũ cán bộ quản lý trức tiếp tại đền thờ Tiến sĩ có trình độ chuyên môn, có năng lực, nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết phục vụ nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Nhà nước cần đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

- Xây dựng nội quy, lời giới thiệu di tích; xây dựng quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ của Ban Quản lý di tích. Tổ chức thuyết minh, hướng dẫn khách đến thăm di tích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham quan, nghiên cứu, học tập và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp tại di tích theo quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ di tích trước những tác động xấu của môi trường tự nhiên và con người theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục quy hoạch bổ sung các hạng mục trong dự án, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nghiên cứu bổ sung thêm các cây xanh phù hợp với tính chất của di tích.       

- Triển khai tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội, từng bước phục dựng lại các nghi thức, nghi lễ truyền thống với nội dung phong phú, hấp dẫn, diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, có ý nghĩa thiết thực; phát huy vai trò cộng đồng, của người dân trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, để lễ hội giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống thể hiện trong việc tế lễ, dâng hương, tưởng niệm, các hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian diễn ra tại đền thờ.

2. Giải pháp trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích

- Ban Quản lý di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, UBND thị trấn Nếnh cần tăng cường công tác quản lý cũng như xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hằng năm để bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trước tiên phải có biện pháp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.

  - Đối với hệ thống cơ sở hạng tầng: Đó là hệ thống đường giao thông đi đến di tích, hệ thống điện, nước, cây xanh… cần được quy hoạch, mở rộng, nâng cấp thuận tiện cho việc lưu thông, tạo sự kết nối liên thông giữa các điểm di tích trọng điểm của huyện Việt Yên cũng như tỉnh Bắc Giang. Mở rộng các hoạt động hợp tác, giao lưu và liên kết giữa các điểm di tích trong tỉnh ngoài tỉnh với các tour du lịch "Về nguồn" như:

 Tour trong huyện: Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung - đền Tiến sĩ - nghè Nếnh.

Tour trong tỉnh: Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung - đền Tiến sĩ - nghè Dĩnh Kế (thờ Trạng nguyên Giáp Hải) - Mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân - đền thờ Nguyễn Khắc Nhu.

- Tiếp tục quan tâm sưu tầm các giá trị văn hoá phi vật thể gắn với di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, lễ hội, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian bản địa, thơ ca, truyền thuyết tại đây… để nghiên cứu làm sáng tỏ thêm các nguồn thông tin sử liệu về thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Thân Nhân Trung… Bên cạnh đó, cần khôi phục các nghi lễ, hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian trong lễ hội đã bị mai một tạo sự hấp dẫn của lễ hội và thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động của lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.

3. Giải pháp trong công tác nghiên cứu tuyên truyền và phát huy giá trị di tích

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, đa dạng hóa các hoạt động tại những di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung nhằm thu hút công chúng tìm hiểu, nghiên cứu, tạo động lực thúc đẩy tinh thần hiếu học. Mặt khác phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di tích. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền quảng bá di tích thông qua việc hoàn thiện hệ thống bảng, biển giới thiệu về di tích; các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân bảo vệ di tích như thiết kế tờ rơi, tập gấp, đưa ra một số thông tin chung để giới thiệu về di tích; xây dựng trang Website về di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung trên Website của cổng thông tin điện tử huyện Việt Yên, Sở VH,TT&DL Bắc Giang nhằm giới thiệu cho đông đảo nhân dân cả nước biết về di tích này; dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương nơi có di tích; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, có nhiều hình thức để áp dụng cho việc đào tạo như ngắn hạn, dài hạn, tham quan học tập, giao lưu học hỏi; định hướng để cho thế hệ trẻ có sự nhìn nhận đúng về truyền thống văn hóa, truyền thống khoa bảng của tỉnh Bắc Giang thông qua việc tham quan trải nhiệm tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung.

- Ngành văn hóa nên phối hợp với ngành giáo dục lập kế hoạch "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Trên cơ sở đó giao cho một số trường học trên địa bàn đăng ký chăm sóc di tích. Định kỳ, các giáo viên đưa học sinh đến quét dọn kết hợp với nói chuyện, sinh hoạt tìm hiểu về di tích, danh nhân Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Đồng thời thực hiện chương trình giáo dục lịch sử địa phương, kết nối với các trường học trên địa bàn huyện Việt Yên tổ chức các buổi học ngoại khóa, dã ngoại, các hoạt động trải nghiệm cho học sinh các cấp đến tham quan tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu truyền thống lịch sử, truyền thống hiếu học khoa bảng của quê hương Yên Ninh, Việt Yên cùng những đóng góp to lớn của Tiến sĩ Thân Nhân Trung trong sự nghiệp chính trị, văn hóa, giáo dục, ngoại giao của đất nước vào thế kỷ XV. Đồng thời, các em ý thức được giá trị của di tích để cùng chung tay bảo tồn và phát huy trong thời gian tới./.

 

Ngô Thị Thu Hường

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

User Online: 16,610
Total visited in day: 2,478
Total visited in Week: 20,654
Total visited in month: 89,214
Total visited in year: 651,121
Total visited: 3,225,614