MỘT SỐ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐỀN THỜ TIẾN SĨ THÂN NHÂN TRUNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

Ths.Nguyễn Thị Duyên

Phòng Tu bổ và tôn tạo di tích

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Theo các nguồn tư liệu chính sử, Thân Nhân Trung tên tự là Hậu Phủ sinh năm 1419, mất năm 1499; ông là người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay là thôn Yên Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ông đỗ Hội nguyên, đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), lúc ông đã trên 50 tuổi, ông là người đầu tiên của làng Yên Ninh đỗ đạt ra làm quan, đến chức Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính, Quốc Tử giám Tế tửu (1493). Ông và Đỗ Nhuận cùng được vua Lê Thánh Tông vời vào hoàng cung dạy học cho các hoàng tử, là thành viên được vua Lê Thánh Tông phong là "Tao Đàn Phó nguyên soái" (ông đã đóng góp phần đáng kể vào các tập thơ Quỳnh uyển cửu caHồng Đức quốc âm thi tập-những tác phẩm tiêu biểu của hội Tao Đàn) trở thành nguồn động viên vô cùng to lớn cho con em làng Yên Ninh nỗ lực học tập không ngừng tiếp tục tiến bước ghi danh bảng vàng bằng con đường khoa cử. Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông sai soạn bài văn đề danh tiến sỹ của Khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) để khắc lên bia đá dựng tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Trong bài văn, ông đã nêu lên một tư tưởng đúng cho mọi thời đại: “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí, nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long, nguyên khí nỗi tắc quốc thế nhược dĩ ô. Thị dĩ thánh đế minh vương mạc bất dĩ dục tài thủ sĩ, bồi thực nguyên khí vi tiên vụ dã” nghĩa là (Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết). Thân Nhân Trung mất năm Kỷ Mùi (1499), thọ 81 tuổi.

Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung hiện nay tọa lạc tại thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, đền xây dựng ngoảnh nhìn hướng Nam, với tổng diện tích 19.183,5m2, gồm các hạng mục công trình: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Nhà bia, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại. Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng gắn với danh nhân khoa bảng: Đây là một công trình tín ngưỡng, văn hóa được xây dựng trên chính quê hương của ông, thể hiện sự tri ân sâu sắc của hậu thế đối với bậc “Danh nho trùm đời” có công lao to lớn đối với quê hương, đất nước. nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến, hiếu học, khoa bảng của tỉnh Bắc Giang; quảng bá, giới thiệu về các giá trị lịch sử văn hóa của địa phương nhằm thu hút khách tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chung của huyện việt Yên nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên số với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Làn sóng công nghệ mớinày đang diễn ra với tốc độ  khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, có sự tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực bảo tàng, di tích. Các bảo tàng, di tích trên thế giới đã và đang đón đầu xu thế ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng nền tảng bảo tàng số, di tích số (không gian số, tài nguyên số) từ đó ứng dụng công nghệ có hệ thống, hiệu quả trong quản lý, trưng bày và giới thiệu trưng bày để hình thành xu thế mới lầ bảo tàng thông minh, di tích thông minh và ở Việt Nam, đồng thời là hướng tới xấy dựng di sản số cho di sản văn hóa Việt Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá nhu cầu công chúng cũng như nhận thức, xác định được xu hướng phát triển di tích số hiện đại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Việt Yên đã từng bước thay đổi chỉ đạo Ban Quản lý một số di tích trọng điểm trên địa bàn huyện điều chỉnh hướng hoạt động, nhất là hoạt động ứng dụng CNTT trong quản lý và phát huy giá trị văn hóa trong lĩnh vực di tích nói chung, di tích Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung nói riêng trong trưng bày và giới thiệu trưng bày làm tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về tư liệu, hiện vật đáng lưu giữ tại di tích, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách tham quan.

Trong bài viết này, tôi xin tập trung đưa ra ứng dụng CNTT cơ bản, rất cần thiết trong quản lý và phát huy giá trị Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung trong bối cảnh hiện nay.

Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung hiện đang lưu giữ 24 hiện vật đang trưng bày tại di tích, gồm: 01 Tượng Thân Nhân Trung, 02 Ngai thờ, 02 Bài vị, 04 hương án, 02 bộ bát bửu; 01 đỉnh hương; 01 khám thờ; 04 hạc thờ, 02 ngựa thờ, 01 trống, 01 chiêng, 01 bảng gỗ và 02 bia đá và  nhiều hình ảnh, tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và quốc gia. Không gian trưng bày chia thành 5 khu vực gồm: Đền chính, Tả vu, Hữu vu và 02 nhà bia. Ngoài ra tại di tích hiện còn lưu giữ bộ Hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh để nhân dân địa phương và khách tham quan di tích có thể tra cứu, tìm hiểu về vùng đất, con người, dòng học của Thân Nhân Trung. Qua đó, góp phần phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa đang được di tích lưu giữ, bảo quản.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động của di tích triển khai chậm, có lúc phải phải tạm dừng. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng, thì số hóa tài liệu hiện vật tại di tích là nhu cầu tất yếu, nó làm tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về kho tư liệu, hiện vật quý đang lưu giữ tại đây. Hiện tại, di tích chủ yếu trưng bày hiện vật theo tính chất truyền thống và đón khách đến xem trực tiếp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và phát huy giá trị đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung hiện vật trong di tích sẽ khoa học và chính xác hơn. Việc ứng dụng công nghệ không còn là giải pháp tạm thời mà là cầu nối hữu hiệu để đưa các di sản đang được trưng bày tại di tích đến gần hơn với công chúng (số hóa tài liệu, hiện vật, từ đó ứng dụng mã QR để tìm hiểu về tại liệu, hiện vật tại di tích). Vì vậy, đổi mới hoạt động của di tích, đặc biệt là ứng dụng công nghệ càng trở nên cần thiết.

Hệ thống quản lý và số hóa hiện vật tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung là một giải pháp quản lý tổng thể, đồng bộ với dữ liệu hiện vật lưu trữ trong di tích. Là công cụ hỗ trợ Ban Quản lý di tích địa phương quản lý, khai thác dữ liệu hiện vật (phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu, kiểm kê, phát huy giá trị giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương). Hỗ trợ tạo lập và quản lý toàn bộ tài liệu, hồ sơ hiện vật, thống kê hiện vật…gìn giữ lâu dài các giá trị văn hóa tiêu biểu của di tích.

Hệ thống vừa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về lưu trữ, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu của Ban Quản lý di tích, vừa là nguồn dữ liệu đầy đủ, chính thống để các cá nhân, đơn vị bên ngoài tìm hiểu, khai thác một các nhanh chóng và thuận tiện qua môi trường Internet và qua đó quảng bá tốt hơn nguồn tài nguyên văn hóa của địa phương ra bên ngoài.

Hệ thống đảm bảo khả năng sẵn sàng tích hợp với các hệ thống thông tin khác của huyện, của tỉnh…có cơ chế mã hóa đảm bảo an toàn dữ liệu. Hệ thống được thiết kế phù hợp để triển khai  trên cơ sở hạ tầng CNTT hiện có của địa phương và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu công nghệ, kỹ thuật theo tiêu chuẩn mới ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiệu quả mang lại khi sử dụng hệ thống số hóa, tài liệu, hiện vật trong quản lý di tích Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung:

Việc số hóa tài liệu, hiện vật tại Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung là một chương trình cần thiết và kịp thời để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa của cha ông. Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống số hóa tài liệu, hiện vật trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, dần tiến tới thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa. Chương trình này thực sự rất ý nghĩa, là bước tiến mới của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của huyện Việt Yên nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung. Ngoài lợi ích là chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn hiện nay, số hóa tài liệu, hiện vật tại Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung cũng sẽ giúp các giá trị được lan tỏa rộng hơn, nhanh hơn không chỉ ở trong tỉnh mà cả trong nước. Nếu di tích được số hóa thì các thế hệ mai sau cũng thuận lợi hơn trong việc tu bổ, phục dựng di tích… Đặc biệt, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc số hóa tài liệu, hiện vật tại di tích chính là cầu nối để các thế hệ thỏa sức sáng tạo, vừa lưu giữ tốt di sản của cha ông, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.

Áp dụng số hóa tài liệu, hiện vật tại Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung là công cụ hỗ trợ các cán bộ quản lý di tích quản lý, khai thác dữ liệu di tích phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm kê, phát huy giá trị giáo dục về lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Việt Yên nói riêng;

Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về hiện vật của di tích Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung giúp: Quản lý, tra cứu hiện vật tại di tích dễ dàng; tiết kiệm thời gian thống kê, tổng hợp số liệu; cung cấp số liệu thống kê, phân tích tình trạng hiện vật của di tích luôn kịp thời, với độ chính xác cao. Chủ động, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu về báo cáo thống kê của các cấp quản lý,  phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về quản lý hiện vật tại di tích, thúc đẩy phát triển chính quyền số tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung nói riêng và tại các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Những khó khăn, thách thức đó là công nghệ số ngày càng phát triển, trong khi nền tảng lưu trữ cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (mạng internet), kinh phí đầu tư, chuẩn bị nội dung, tài liệu hóa, nguồn nhân lực xây dựng và vận hành... ở di tích còn hạn chế. Đặc biệt, với sự phát triển càng mạnh thì công nghệ càng nhanh bị lạc hậu, việc cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại lại cần đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí lớn. Vì vậy, việc đầu tư ứng dụng công nghệ số cần được tính toán kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn hiện vật, đặc biệt là nhóm hiện vật cấp thiết, hiện vật có giá trị cao. Bên cạnh đó, lựa chọn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sao cho phù hợp là việc làm rất cần thiết và quan trọng trong việc số hóa tài liệu, hiện vật cũng như xây dựng di tích số của đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung trong tương lai./.

 

 

 

 

 

 

User Online: 16,863
Total visited in day: 2,471
Total visited in Week: 20,647
Total visited in month: 89,207
Total visited in year: 651,114
Total visited: 3,225,607