Bắc Giang sau 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngay sau khi có Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, ngày 12/01/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 83/CT-NC về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới. Chỉ thị quy định cán bộ, công chức khi tổ chức cưới cho bản thân và cho con phải báo cáo cấp trên trực tiếp, không tặng hoa và tiền khi đi dự các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các đơn vị…

 

Ngay sau khi có Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, ngày 12/01/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 83/CT-NC về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới. Chỉ thị quy định cán bộ, công chức khi tổ chức cưới cho bản thân và cho con phải báo cáo cấp trên trực tiếp, không tặng hoa và tiền khi đi dự các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các đơn vị…

Ngày 25/6/2006, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh đã có Hướng dẫn số 989/HD-BCĐ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Ngày 07/12/2012, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 15/3/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 74/2013/QĐ-UBND về Quy định “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Sở VHTTDL- Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Trang nghiêm màn rước tại một lễ hội Xuân. Ảnh: Đắc Hồng 

Các Huyện ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố đã ban hành gần 20 văn bản gồm: Nghị quyết, quyết định, chỉ thị, chương trình, đề án… để chỉ đạo thực hiện. Trong đó, có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đã đạt hiệu quả như: Đề án 02/ĐA-TU ngày 23/5/2006 của Thành ủy Bắc Giang về “Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Bắc Giang”; Nghị quyết số 54-NQ/HU của Huyện ủy Việt Yên về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số việc khác; Quyết định số 01-QĐ/HU năm 2006 của Huyện ủy Tân Yên về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, mừng lên nhà mới đối với đảng viên, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/9/2010 của UBND huyện Yên Dũng về tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; HĐND huyện Tân Yên đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 18/12/2014 về việc hỗ trợ hỏa táng người chết trên địa bàn huyện… 

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn đã cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập với thành phần là các thành viên Ban chấp hành Đảng bộ, cán bộ UBND và các ngành, đoàn thể, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận. Chỉ đạo bổ sung nội dung Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào các hương ước, quy ước làng văn hóa để thực hiện trong cộng đồng dân cư. Theo thống kê của Sở Tư pháp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 2.000 quy ước, hương ước làng văn hóa có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được tuyên truyền sâu rộng trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các bản tin, tạp chí của các ngành, đoàn thể; tại các buổi sinh hoạt của đoàn thể, các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn; sinh hoạt của các câu lạc bộ, các nhà văn hóa thôn, bản; triển khai xây dựng các mô hình, điển hình theo từng địa bàn, khu vực…góp phần làm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhận thức về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực, tạo thành phong trào tiết kiệm rộng lớn trong nhân dân.

 Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương trong tỉnh và kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn công tác Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL Bắc Giang trong tháng 3 vừa qua tại thành phố Bắc Giang và huyện Sơn Động cho thấy: Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có sáng kiến vận động, thuyết phục các hộ gia đình văn hóa phải có cam kết chấp hành đúng quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt cộng đồng khác. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền lồng ghép vào các hội nghị, sinh hoạt tổ dân phố, trên hệ thống loa truyền thanh về gương người tốt việc tốt, các điển hình về xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, tổ dân phố văn hóa… được triển khai thường xuyên, tạo sự hưởng ứng đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đạt được kết quả tích cực.

Về việc cưới:Theo thống kê, trong 10 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh có trên 140.000 đám cưới. Việc đăng ký và cấp giấy kết hôn tại UBND xã, phường, thị trấn được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các lễ nghi theo phong tục truyền thống trước và sau khi cưới cơ bản được tổ chức giản tiện, lành mạnh, nhiều nơi đã bỏ lễ dạm ngõ, hoặc nếu có chỉ là sự gặp gỡ trao đổi thân tình giữa hai gia đình. Lễ ăn hỏi thường được tổ chức trước hoặc sát ngày cưới, việc tổ chức lễ cưới phần lớn tiến hành trong một ngày, không tổ chức lễ lại mặt. Lễ cưới nhìn chung được tổ chức trang trọng, lành mạnh. Ở thành phố, thị trấn việc dựng rạp lấn chiếm lòng, lề đường, sử dụng nhiều ô tô, xe máy đi đưa đón dâu đã giảm, hiện tượng ăn uống linh đình, phô trương hình thức, thách cưới, mời khách tràn lan mang tính vụ lợi đã được hạn chế. Lễ cưới ở vùng nông thôn có nhiều chuyển biến như hạn chế uống rượu, bỏ việc mời thuốc lá. Trang phục cô dâu, chú rể phù hợp với truyền thống dân tộc. Trong lễ cưới, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được tổ chức vui tươi, lành mạnh. Các địa phương tiêu biểu thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới như: xã Quảng Minh (Việt Yên); Lão Hộ, Đồng Sơn (Yên Dũng); Kiên Lao, Đèo Gia (Lục Ngạn); Lam Cốt, Cao Xá (Tân Yên); các xã, phường của thành phố Bắc Giang như: Dĩnh Trì, Hoàng Văn Thụ… Lễ cưới và ăn hỏi, đón dâu hiện nay ở xã An Lập, huyện Sơn Động chỉ gọn nhẹ trong 01 ngày…

Về việc tang:Theo số liệu thống kê từ các huyện, thành phố, 10 năm qua trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 8.000 đám tang. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang của tỉnh có nhiều chuyển biến tốt. Gia đình có người qua đời làm đúng các thủ tục theo quy định như: khai tử, thông báo cho chính quyền cơ sở, Ban lễ tang cùng gia đình tang chủ phối hợp tổ chức các nghi thức tang lễ đảm bảo trang nghiêm, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm. Người chết không để trong nhà quá 48 giờ. Nếu mắc bệnh truyền nhiễm thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế, không để người chết trong nhà quá 24 giờ. Cơ bản giảm tình trạng rắc tiền, vàng mã trên đường đưa tang và không làm cản trở giao thông; mai táng đúng nơi quy định. Hầu hết các đám tang đã xóa bỏ những thủ tục rườm rà, mê tín dị đoan như: bắc cầu, đội mũ rơm, chống gậy, lăn đường, đi giật lùi, chèo đò, giáo ngựa... Các đám tang đã giảm hẳn việc tổ chức mời khách ăn uống mà chỉ làm cơm cho họ hàng gia đình. Xã An Lập, huyện Sơn Động 100% các thôn sử dụng băng đĩa nhạc tang thay cho đội nhạc hiếu, thực hiện nghiêm việc không mời thuốc lá và mời cơm trong ngày đại tang; huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang có cơ chế hỗ trợ (5 triệu đồng/đám) cho gia đình có người qua đời thực hiện việc hỏa táng. Tiêu biểu đám tang ở xã Dĩnh Trì thành phố Bắc Giang trước năm 2005 mỗi đám ăn hàng trăm mâm cỗ nay không còn tình trạng làm cỗ mời khách mà chỉ tổ chức gọn nhẹ trong nội bộ gia đình.

Về lễ hội:Hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh có trên 500 lễ hội. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương những năm qua được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Các lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và sinh hoạt văn hóa lành mạnh của nhân dân; phần hội có nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc được tổ chức như: kéo co, vật, cờ người, đẩy gậy..., nhiều sinh hoạt văn hóa của các dân tộc trên địa bàn được duy trì, an ninh trật tự được đảm bảo, cảnh quan môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm. Một số lễ hội do cấp huyện, cấp xã định kỳ tổ chức nhưng chủ yếu là lễ hội truyền thống ở các làng xã. Các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang), lễ hội Yên Thế (Yên Thế), lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), lễ hội Đình Vồng (Tân Yên), lễ hội Tòng Lệnh, Suối Mỡ (Lục Nam), lễ hội Y Sơn, Tiếu Mai (Hiệp Hòa), lễ hội chùa Bổ Đà, Thổ Hà (Việt Yên), Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn, Sơn Động... Công tác xã hội hóa ở các lễ hội được thực hiện hiệu quả, ngày càng có nhiều các tổ chức, cá nhân đóng góp công sức tiền của cho các lễ hội.

Đắc Hồng

 

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,303
Tổng số trong ngày: 758
Tổng số trong tuần: 2,670
Tổng số trong tháng: 80,216
Tổng số trong năm: 498,710
Tổng số truy cập: 3,073,203