Bối cảnh lịch sử Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang năm 1946

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 06 tháng 01 năm 1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được tổ chức trên địa bàn toàn quốc và đã thu được kết quả tốt đẹp, mặc dù Thực dân Pháp vẫn đánh phá miền Nam và bọn phản động vẫn âm mưu phá hoại thành quả cách mạng của ta ở miền Bắc.

Ở miền Nam, tháng 01 năm 1946, Anh rút quân khỏi miền Nam Đông Dương, nhượng cho Pháp vào miền Nam đổi cho Anh quyền lợi ở Xy-ri và Li-băng. Pháp cho quân đánh lấn ra miền Nam trung bộ, bị quân dân miền Nam kiên cường chống lại. Ở Bắc Bộ quân Tưởng không muốn cho Pháp đổ bộ vào Hải Phòng mặc dù chúng có Hiệp ước Pháp – Hoa, tạo nên tình hình căng thẳng trong quan hệ Pháp – Tưởng.

Ngày 02 tháng 3 năm 1946, Quốc hội đầu tiên của nước ta họp phiên thứ nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội. Quốc hội đã tán thành bản báo cáo của Chính phủ, đề cử Bác Hồ làm Chủ tịch liên hiệp kháng chiến và đề nghị Người thành lập Chính phủ mới. Sau khi được Quốc hội thông qua các thành viên mới của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Kháng chiến ủy viên hội, Đoàn cố vấn tối cao và Ủy ban dự thảo hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên mới, Đoàn cố vấn, Ủy ban kháng chiến đọc lời tuyên thệ nhậm chức.

Trong tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo sát sao các cuộc tiếp xúc của cán bộ ta với Pháp và Người cũng đích thân giao thiệp với Pháp để yêu cầu Pháp phải thừa nhận quyền độc lập và thống nhất của Việt Nam, xóa bỏ ý định của Pháp chỉ coi Việt Nam là một quốc gia tự trị. Chiều ngày 06 tháng 3 năm 1946, lễ ký Hiệp định sơ bộ Pháp- Việt được tổ chức tại Hà Nội. Nội dung Hiệp ước có điều khoản nước Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là quốc gia tự do, có Chính phủ, có nghị viện, quân đội và tài chính riêng, ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp. Nước Pháp thừa nhận nước ta thống nhất cả ba kỳ. Về phía ta, chấp thuận để 15.000 quân Pháp được vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và phải rút hết sau thời hạn 5 năm. Hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán quân 2 bên ở đâu đóng ở đấy.

Việc ký hiệp ước này đã đạt mục tiêu là loại bớt kẻ thù ra khỏi nước ta. Quân Tàu Tưởng rút về nước, ta chỉ còn một kẻ thù là Thực dân Pháp. Về phía ta, Đảng ta chỉ đạo đồng bào và đồng chí ở miền Nam tranh thủ tình hình để xây dựng và phát triển lực lượng của mình. Chúng ta hòa với Pháp là để dành thời gian, bảo toàn lực lượng, giữ vững lập trường tiến đến giành độc lập hoàn toàn.

Nhưng Hiệp định chưa ráo mực thì Thực dân Pháp đã có hành động gây hấn: đòi quân đội ta nộp vũ khí, đánh úp quân ta ở Nam bộ và Nam trung bộ, di chuyển quân tới những vùng ta không cho phép... Vì thế Hồ Chủ tịch nhắc nhở quân dân ta bình tĩnh, chờ lệnh. Người đã xúc tiến những cuộc tiếp xúc với đại diện Pháp nhằm duy trì chủ quyền nước ta, buộc Pháp phải lui quân và chấp hành hiệp định 06/3/1946.

Ngày 25 tháng 4 năm 1946, ta cử một phái đoàn 15 người do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pari họp nhằm làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp hiểu về dân ta, tạo điều kiện dư luận cho Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm nước Pháp vào dịp tháng 5 năm 1946. Tại Bắc Giang, để đối phó với thực dân Pháp và bọn phản động, ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang. Các đơn vị tự vệ cứu quốc và giải phóng quân chuyển thành vệ quốc đoàn. Tháng 4 năm 1946, tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ huy tự vệ cấp huyện và xã. Phong trào mua sắm, rèn đúc vũ khí được phát động rộng rãi, các lớp huấn luyện quân sự cũng được triển khai, nhằm nâng cao kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Tháng 5 năm 1946, phong trào luyện tập quân sự được phát động rộng rãi trong nhân dân. Ở Nội Hoàng (Yên Dũng) có buổi tập có tới 300 người tham gia. Lực lượng dân quân du kích ra sức hoạt động chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất.

Về chuyến thăm thị xã Phủ Lạng Thương năm 1946, sách Bác Hồ với Bắc Giang, Bắc Giang với Bác Hồ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang, xuất bản năm 2013 cũng có ghi nhận tư liệu như sau:

“Mùa hè 1946, Thị xã Bắc Giang rực nắng.

Đoàn xe lửa mang những tấm băng đỏ đang sầm sập đổ về sân ga.

Mấy chiếc tầu thủy Lễ Giang, Chấn Hòa vẫn cập bến sông Thương đón khách. Trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ, người qua lại đông vui. Ở các bãi tập, nam nữ tinh vệ với dao găm, giáo mác hăng say luyện tập để sẵn sàng đánh trả mọi hành động phá hoại gây rối của tụi phản động và đế quốc.

Trong trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, các đồng chí phụ trách tỉnh đang thảo luận những công việc cần kíp trước mắt. Có tiếng động cơ ô tô ngoài sân. Một đồng chí đi rảo bước vào xuất trình giấy tờ.

- Chắc có cán bộ trên Trung ương về làm với tỉnh! Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh nghĩ thế và chạy ra tiếp. Đồng chí bỗng trở nên lúng túng vì quá xúc động reo lên:

- Bác Hồ đến!... Hướng về phía Hồ Chủ tịch, đồng chí nói:

- Dạ thưa Bác! Mời Bác vào trong nhà nghỉ ạ!

- Các chú đang họp cứ để mặc Bác!

Nói rồi Hồ Chủ tịch thong thả đi xuống thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, hỏi han sức khỏe và chế độ sinh hoạt của những người phục vụ. Sau đó Hồ Chủ tịch lên ô tô đi thăm bộ đội ở Trại Vệ quốc đoàn, trường trung học Hoàng Hoa Thám, bệnh viện Bắc Giang rồi mới trở lại trụ sở ủy ban.

Ăn xong cơm trưa, Hồ Chủ tịch ra gốc bàng ngồi nghỉ, đồng chí Chủ tịch Ủy ban mang ghế xuống mời Bác ngồi, bác xua tay:

- Thôi chả cần, cứ ngồi đây làm việc cho tiện!

Thế là ngay dưới gốc bàng, giữa trưa hè nóng bức Bác cháu cùng ngồi thảo chương trình làm việc cho buổi chiều. Bác hỏi:

- Chú định cho Bác gặp mỗi đoàn thể bao lâu?

- Dạ thưa Bác, độ 10 phút ạ! Bác gật đầu.

Sau khi tiếp các đoàn thể cứu quốc, các đại biểu phụ lão, các nhà sư và cha cố, thanh niên, phụ nữ,... Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên hiên nhà gác của Ủy ban nói chuyện với nhân dân. Người thay mặt Chính phủ kêu gọi đồng bào Bắc Giang hãy tích cực sản xuất, phải coi tấc đất tấc vàng, phải học để biết chữ và sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.

Hồ Chủ tịch ra về, mọi người ùa ra hai bên đường vẫy cờ tung hoa, lưu luyến tiễn đưa Người.”

Sáng ngày 30 tháng 5 năm 1946, Hồ Chủ tịch lên máy bay sang thăm nước Pháp./.

Thanh Tùng 

 

 

 

 

User Online: 31,625
Total visited in day: 3,586
Total visited in Week: 14,649
Total visited in month: 113,550
Total visited in year: 532,044
Total visited: 3,106,537