Kéo co - Sân chơi có sức thu hút lớn ở Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Kéo co là một môn thể thao đồng đội phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại các nước Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam, kéo co đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại. Có thể nói Kéo co là một sân chơi bổ ích, dễ chơi, dễ tổ chức. Với trò chơi này, người chơi cần chú trọng đến sức mạnh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội. Kéo co được coi là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe, sự gắn kết, nâng cao tinh thần đồng đội và tạo niềm vui, sự thoải mái cho tất cả mọi người tham gia.

Kéo co hay kéo dây là một trò chơi dân gian truyền thống đã hiện hữu từ nhiều năm nay, nhất là trong giới trẻ và học sinh. Trò chơi kéo co thường được tổ chức trong dịp trại hè, trong các hoạt động tập thể của thiếu niên, học sinh hoặc các cuộc sinh hoạt cộng đồng của thanh niên, công nhân viên chức trong các cơ quan, công ty, doanh nghiệp… Chơi kéo co ngoài rèn luyện cho người chơi sức mạnh, sức bền bỉ, dẻo dai còn giúp phát triển sự phối hợp giữa các cá nhân trong đội để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tổ chức trò chơi kéo co không đòi hỏi tốn kém về sân bãi, dụng cụ; luật chơi thì đơn giản, ai cũng có thể tham gia chơi được. Vì vậy, trò chơi kéo co hiện nay phát triển nhanh trong các vùng, miền, đối tượng.

Trận thi đấu kéo co tại Hội khỏe Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc năm 2023

Kéo co thường được tổ chức trên khoảng đất trống, sân cỏ hoặc sân lát gạch, xi măng bằng phằng, sạch sẽ, thoáng mát. Giữa sân kẻ một đường ranh giới (đây là điểm chuẩn để xác định thắng, thua giữa hai bên), dụng cụ chỉ cần một đoạn dây dài, mềm, to, chắc chắn, ở chính giữa buộc nút vải đỏ làm mốc, từ điểm chính giữa sang hai bên cách 5m buộc hai nút vải đỏ (là điểm cầm dây của người đầu trong đội). Tùy theo số lượng người chơi, người hướng dẫn chia thành hai đội đều nhau (về cả số lượng và sức lực). Số người chơi không hạn chế, ít khoảng 5-6 người, nhiều từ 8-10 người một bên. Hai đội đứng hai bên vạch ranh giới theo hàng dọc, từng đội bố trí lực lượng người đứng trước, người đứng sau so le nhau, hai tay nắm chặt dây, hai chân song song vai ở tư thế vững chắc nhất. Người chỉ huy (trọng tài) điều chỉnh sao cho nút dây đỏ chính giữa thẳng với vạch giới hạn trên sân, sau đó hô “chuẩn bị 1-2-3”, đồng thời phất cờ thì cuộc chơi bắt đầu. Lúc này người chơi hai bên cùng hết sức kéo dây về phía của đội mình, đội nào kéo người đầu tiên của đội đối phương qua vạch giới hạn trên sân là đội đó thắng cuộc. Thường cuộc chơi thi đấu trong 3 keo (hiệp), đội nào thắng trước 2 keo là đội đó thắng cuộc.

Đoàn Bắc Giang nhận HCV tại giải vô địch Kéo co toàn quốc năm 2019

Trên nền tảng Luật Kéo co thế giới, Luật kéo co của Việt Nam đã được ban hành và áp dụng trong các cuộc thi đấu từ cấp cơ sở đến toàn quốc. Theo Luật Kéo co hiện nay, Kéo co được tổ chức cho đội nam riêng, đội nữ riêng, quy định mỗi đội được đăng ký 10 người chơi, thi đấu chính thức 08 người với tổng trọng lượng cân của đội nam không quá 560kg, đội nữ không quá 480kg. Trang phục thi đấu của VĐV trong đội phải mặc đồng phục, VĐV có thể đi chân đất hoặc đi giày đế phẳng. Dây kéo được quy định cụ thể về kích thước dây dài tối thiểu 33,5m, chu vi dây từ 100mm-125mm; có 3 điểm đánh dấu dây bằng 3 màu khác nhau; điểm chính giữa - giới hạn bắt đầu kéo; cách điểm giữa dây 4m về hai bên là giới hạn phân định thắng - thua; điểm thức 3 cách điểm giữa dây 5m về hai bên là giới hạn nắm dây của VĐV hai đội. Sân bãi thi đấu có thể tổ chức trong nhà (sàn gỗ hoặc xi măng) hoặc ngoài trời trên nền đất cứng, sân lát gạch, xi măng hoặc có thể tổ chức trên sân cỏ. Sân kéo phải có chiều dài tối thiểu là 36m, chiều rộng 1,5m, ở giữa sân kẻ 1 đường trung tâm - giới hạn đất đầu và phân định thắng-thua. Cách đường trung tâm về hai bên 5m kẻ hai vạch - giới hạn VĐV đứng nắm dây. Hình thức thi đấu 3 hiệp, nghỉ giữa hiệp là 3 phút, đội nào thắng trước 2 hiệp đội đó thắng cuộc. Tùy theo số lượng đội chơi, Ban tổ chức có thể sắp xếp thi đấu vòng tròn tính điểm hoặc loại thi đấu trực tiếp. Hiện nay, Cục TDTT đã đưa trò chơi kéo co vào nội dung thi đấu chính thức trong hệ thống thi đấu quốc gia, môn Kéo co cũng được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Đoàn Bắc Giang nhận HCV tại giải vô địch Kéo co toàn quốc năm 2021

Ở tỉnh Bắc Giang, để phát triển phong trào, ngoài việc đưa môn Kéo co vào nội dung thi đấu của Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số, Ngày hội VHTTDL của tỉnh thì từ năm 2009 môn kéo co chính thức được đưa vào hệ thống thi đấu giải hàng năm của tỉnh và Đại hội TDTT cấp tỉnh. Tại Đại hội TDTT tỉnh Bắc Giang lần thứ IX vừa qua có 230 xã, phường, thị trấn và 10 huyện, thành phố đều đưa nội dung thi đấu môn Kéo co vào khuôn khổ Đại hội. Các năm vừa qua, đoàn VĐV Bắc Giang tham gia tranh tài tại giải vô địch Kéo co quốc gia đều giành thành tích cao; năm 2019, giành 2HCV, 1HCB, 5HCĐ; năm 2020, giành 1HCV; năm 2021, giành 2HCV, 2HCĐ; năm 2022, giành 2HCB, 3HCĐ tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX; năm 2023, giành hai giải Nhất, 6 giải Nhì, 6 giải Ba. Bên cạnh đó, các ngành Công an, Quân sự, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, trường học các cấp, các doanh nghiệp, các hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp … đều đưa môn Kéo co trong các giải, chương trình hội thao và hội khỏe của đơn vị./.

Hà Phương

 

 

 

 

 

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 4,911
Tổng số trong ngày: 1,717
Tổng số trong tuần: 1,716
Tổng số trong tháng: 79,262
Tổng số trong năm: 497,756
Tổng số truy cập: 3,072,249