Lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong hệ thống lăng ở huyện Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung đều lưu giữ được những giá trị độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật và dấu ấn lịch sử-văn hóa của một thời kỳ oanh liệt trong tiến trình phát triển của dân tộc. Trong đó, lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân - gọi tắt là lăng cụ Nghè Sổ) thuộc thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa là một trong những ngôi lăng như vậy.

Toàn cảnh lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân)

Lăng cụ Nghè sổ được xây dựng từ lâu đời, đến nay còn bảo tồn nguyên vẹn những kết cấu cơ bản của ngôi lăng từ khi khởi dựng. Lăng chính là nơi an nghỉ của cụ Nghè Sổ-Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân. Cụ là người đỗ đầu khoa thi Đình năm Tân Sửu 1901. Trong 180 thủ khoa Nho học qua các triều đại phong kiến Việt Nam kéo dài từ năm 1075 đến 1919, Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân là 1 trong 4 người của tỉnh Bắc Giang đỗ Đình nguyên-Tiến sĩ (cùng với Giáp Hải, Đào Sư Tích và Đoàn Xuân Lôi). Thời nhà Nguyễn, cụ Nghè Sổ là người duy nhất của tỉnh Bắc Giang đỗ Đình nguyên, trong tổng số 43 Đình nguyên. Cụ có nhiều công trạng với dân với nước, là người sáng lập ra xã Tân Cương (nay thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) và có công mang cây chè từ Phú Thọ về trồng ở Tân Cương, sau này nhân dân đã phát triển cây chè trở thành sản phẩm, thức uống nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Bởi thế, cụ Nghè Sổ còn được coi như ông tổ nghề chè Tân Cương và được tôn thờ làm Thành hoàng làng ở chính vùng đất này.

Theo tài liệu của dòng tộc cung cấp có viết về cụ Nghè Sổ được biết: Cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân) tự Hữu Mai, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Mão (1867) tại làng Trâu Lỗ, tổng Mai Đình (nay là thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Làng Trâu Lỗ có tên nôm là làng Sổ, vì vậy ông Nghè Nguyễn Đình Tuân vẫn được gọi là ông nghè Sổ. Cụ thân sinh ông là Nguyễn Đình Khiêm, một nhà nho nghèo. Tuy không đỗ cao, chỉ đỗ tú tài nhưng là đỗ thứ hai khoa thi Hương năm Giáp Tý (1864)...Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ, việc gì cũng để tâm xem xét, ghi nhớ, tỏ rõ trí lực và cốt cách hơn hẳn những trẻ cùng lứa tuổi...Chính vì vậy, năm 14 tuổi ông đi khảo khóa đã đỗ. Đặc biệt, Năm 35 tuổi (Tân Sửu-1901) ông đi thi Hội tại kinh đô Huế. Cả 4 kỳ đều được phê điểm cao, kỳ văn sách được phê 5 phân điểm tối đa quán trường (nhất trường thi) được dâng lên vua Thành Thái xem. Khoa thi Hội năm ấy cả nước đỗ được 9 vị Tiến sỹ. Khi vào kinh thi Đình (cuộc thi dành cho các Tiến sỹ mới đỗ) ông đỗ Đình Nguyên (đỗ đầu), ông Ngô Đức Kế đỗ thứ hai...Ông nghè Trâu Lỗ Nguyễn Đình Tuân mất ngày 20 tháng 6 năm Tân Tỵ (14/7/1941).

 

 

 

Cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân)

Lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân) được tọa lạc ở nơi đắc địa phong thủy, có cảnh quan thiên nhiên đẹp và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ và nhân dân địa phương. Hiện nay, lăng cụ Nghè Sổ còn bảo tồn cơ bản nguyên vẹn các hạng mục công trình từ nghi môn nội, nghi môn ngoại, khu mộ và nhà bia. Nghi môn ngoại được xây dựng theo dạng trụ biểu bằng gạch, trát vữa, phía trên cột trụ biểu đắp trang trí hình bốn con chim phượng chụm đuôi vào nhau, phía dưới tạo các hình lồng đèn. Nghi môn ngoại mặt trước tường nối với hai cột trụ biểu nghi môn nội đắp trang trí hình võ sĩ đang trong tư thế đứng, võ sĩ bên phải tay cầm thanh đao, võ sĩ bên trái tay cầm chùy (nhìn từ ngoài vào). Nghi môn nội xây theo kiểu trụ biểu, gồm hai cột trụ biểu phía ngoài cùng trên đỉnh đắp trang trí hình hai con nghê đang trong tư thế chầu vào trong, phía dưới tạo các ô lồng đèn, không trang trí hoa văn, thân cột trụ biểu để trống. Hai cột trụ biểu phía trong trên đỉnh đắp trang trí hình bốn con chim phượng chụm đuôi vào nhau, phía dưới trang trí hình rồng. Ở gần thân trụ biểu được tạo bốn ô hình lồng đèn, mặt ngoài đắp trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Hai cửa giả phụ của nghi môn nội được xây bằng gạch, trát vữa gồm 2 tầng 8 mái. Tại các đầu đao cửa giả phụ đắp trang trí hình hoa văn thủy ba cách điệu. Phía dưới tầng mái thứ nhất, thứ hai cửa giả phụ được tạo ô hình chữ nhật, mặt ngoài đắp trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng).

Khu mộ trong lăng gồm có các phần mộ của người thân trong dòng họ, trong đó tiêu biểu, đặt ở vị trí trung tâm là phần mộ của cụ Nghè Sổ. Mộ cụ Nghè Sổ có dạng hình chữ nhật, được xây bằng gạch, phủ vữa.

Tiếp đến, nhà bia trong lăng được xây dựng rất độc đáo theo bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tòa tiền bia và hậu bia. Tòa tiền bia được tạo bởi 3 gian, theo kiểu hai tầng tám mái. Tường xây gạch, trát vữa, quét vôi trắng phía trong. Tầng mái trên bờ nóc xây gạch, phủ vữa, chính giữa bờ nóc đắp trang trí hình mặt trời. Bờ dải, bờ guột xây gạch, phủ vữa, phía trên đắp trang trí hình rồng. Phía dưới tầng mái trên tạo 3 ô hình chữ nhật, ô chính giữa trang trí hình rồng, hai ô bên khắc chữ Hán, bên trái khắc chữ “Hữu”, bên phải khắc chữ “Mai” là tên tự của cụ Nghè Sổ. Tầng mái dưới bờ dải xây gạch, trát vữa, phía trên đắp trang trí hình rồng. Tòa tiền bia gồm có 1 cửa chính ra vào được xây kiểu cuốn vòm. Phía trước hai gian hồi trổ hai ô thoáng hình hoa văn kỷ hà. Phía trong tòa tiền bia được xây dạng cuốn vòm, chính giữa đặt một tấm bia đá niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930). Hậu bia gồm 1 gian nhỏ. Các nét chạm khắc ở khu lăng mộ rất tinh tế trên đá muối thể hiện ở tượng voi, trên nghi môn, nhà bia với các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), hoa lá cách điệu, vân mây…mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Ngoài ra, lăng cụ Nghè Sổ còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: 01 bia đá thời Nguyễn niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930) ghi về tiểu sử công trạng của cụ Nghè Sổ, 02 tượng voi đá muối, sắc phong... Đồng thời, di tích là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dòng tộc họ Nguyễn và nhân dân địa phương. Hằng năm, vào ngày 20 tháng 6 âm lịch, dòng tộc cùng cộng đồng nhân dân Trâu Lỗ tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ tới công trạng của Cụ Nghè Sổ đối với quê hương đất nước. Những năm làm giỗ lớn, nhân dân vùng Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên lại cùng về khu lăng mộ thắp hương tưởng nhớ công ơn của cụ đã khai sáng giúp dân phát triển cây chè, trở thành một sản phẩm nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên.

Với những giá trị to lớn đó, lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân), đã được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2014 (Quyết định 1987/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2014).

Nguyễn Văn Luyện

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,941
Tổng số trong ngày: 784
Tổng số trong tuần: 783
Tổng số trong tháng: 139,251
Tổng số trong năm: 393,191
Tổng số truy cập: 2,967,684