Lễ báo hiếu của dân tộc Tày, Nùng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong tâm thức của người Tày, Nùng việc báo hiếu cho cha mẹ già là điều rất được coi trọng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của đồng bào. Khi cha mẹ đã thọ từ 60 tuổi trở lên, các con có bổn phận làm lễ sinh nhật mừng thọ báo hiếu cho ông bà, cha mẹ. Điều này xuất phát từ phong tục người Tày, Nùng không làm giỗ cho người đã khuất mà chỉ làm lễ sinh nhật khi ông bà, cha mẹ đang sống để thể hiện tấm lòng tạ ơn kính hiếu. Bởi khi cha mẹ đã “nhắm mắt xuôi tay” thì dù sơn hào hải vị, mâm cao cỗ đầy con cháu dâng tiến thì cũng không thể ngồi dậy mà thụ hưởng.

Hàng trăm năm qua, đồng bào Tày, Nùng tại huyện Lục Ngạn vẫn tồn tại tục lệ tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ. Tiệc có lợn quay, xôi, gà, rượu, gạo, hoa quả. Buổi lễ rộn lên tiếng hát Then giữa trập trùng núi rừng. Lần này, gia đình bà Hoàng Thị Siêu thôn Phật Trì, xã Tân Hoa làm lễ mừng thọ vào đúng dịp sinh nhật thứ 81 cho mẹ là cụ Mã Thị Thêu. Lễ mừng thọ được gọi là Pủ Lường hay còn gọi là "thêm lương". Bà Siêu cho hay: Người Tày quan niệm, mỗi người sinh ra đều có bịch gạo mệnh, tuổi càng nhiều thì bịch gạo càng vơi, sức khỏe yếu, cây mệnh cũng úa vàng. Khi 70 tuổi trở lên, con cháu làm lễ thêm lương cho ông bà, bố mẹ, đổ thêm lương thực cho bịch gạo mệnh được đầy, trồng lại cây mệnh cho xanh tốt, vững chắc.

Là người thực hành nghi lễ then nhưng bà Siêu vẫn phải mời 3 bà then khác tới giúp. Buổi lễ diễn ra từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau. Gia đình chuẩn bị một mâm cơm chay, hai mâm cơm mặn. Sau lễ cúng, con rể cụ Thêu mang cây chuối trồng ở góc vườn. Từ đó, việc chăm bón cây chuối là nhiệm vụ của người con trai cả. Điều này có nghĩa, con gái, con rể chỉ đến thăm, con trai mới là người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Người thân tới dự lễ mừng thọ chuẩn bị những túi gạo nhỏ bỏ vào thúng, cầu chúc cho nhân vật chính trường thọ, an vui, hưởng phúc bên con cháu. Lời ca trong nghi lễ then mừng thọ như lời kể chuyện thủ thỉ, pha trộn cùng chùm sóc nhạc tạo những lời ngọt ngào.

Lời hát then ấy mang ý nghĩa răn dạy đạo lý, bổn phận làm con cháu phải có hiếu với ông bà, cha mẹ. Những câu then cúng của bà then được ví như một cuộc hành trình dài phải đi qua 7 cửa ải: Trước tiên bà then sẽ trình bày lý do, nhờ tổ tiên trong gia đình chứng giám buổi lễ, tiếp theo là bà then cùng đoàn quân đi qua các cửa Táo quân, Quan âm Bồ tát, quan sao, sau đó bà then sẽ thay mặt gia đình trình lên Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và  bà mụ sinh để xin gia hạn cho người được mừng thọ sống thêm cùng trần gian một thời gian lâu dài nữa. Thường thì buổi lễ mừng thọ của đồng bào diễn ra từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau với nhiều nghi lễ khác nhau

Đặc biệt quá trình đi đến với các thánh thần rất gian nan, bên cạnh đó lại có những câu chuyện rất hay như chuyện bắt muối, chặt hoa chuối hay săn hươu, săn nai. Săn hươu, săn nai là một chương dài mô tả một cuộc đi săn của đội quân nhà then. Trong cuộc săn ấy đoàn người đã đoàn kết phối hợp với nhau để vây bắt hươu, nai làm thức ăn cho mình, đồng thời diễn tả tình cảm của hươu mẹ và hươu con trước sự chia cắt. Qua chương này, làn điệu then của đồng bào đã chứng tỏ mọi vạn vật đều có tình cảm, có suy nghĩ chứ không chỉ có con người. Đây cũng được coi là chương đoạn hấp dẫn nhất trong một lễ cúng then. Sau khi thực hiện cúng lễ xong, con cháu tập trung lại để làm nghi thức chuyển lương và dâng rượu đốt đèn tức là chuyển lương thực vào bịch gạo mệnh cho mẹ, cho bà của mình. Trước khi chuyển lương thì bà then sẽ niệm chú rửa sạch kho lương, sau đó để một ít tiền lẻ và xúc gạo vào trước, người trong gia đình phải cắm 9 ngọn nến vào 1 cái đĩa, 9 ngọn nến này tượng trưng cho 9 ngọn đèn tinh anh luôn phát sáng làm cho kho lương của bà luôn phát sáng, sức khỏe của bà minh mẫn. Trong khi chuyển lương, con cháu trong gia đình mỗi người đều đặt tiền mừng thọ, sau đó xúc 3 lần gạo đổ vào kho lương, gạo đổ càng cao thì người được mừng thọ càng khỏe, bỏ 3 lần muối vào chén, mỗi thứ đều được làm 3 lần để mong cho sức khỏe của bà, của mẹ được vững chắc như kiềng 3 chân.

Người con trai thứ sẽ chuyển lương trước sau đó lần lượt tới các con cháu, người con trai cả sẽ làm sau cùng với ý nghĩa là người đóng kho lương cho mẹ của mình. Sau khi chiếc lẩu váng hay kho lương đã đầy thì bà then sẽ tiến hành đóng kho lương và gọi vía của người được mừng thọ về. Như vậy coi như toàn bộ nghi thức cúng đã xong, chiếc thúng đựng kho lương này sẽ được để dưới chân bàn thờ sau ba ngày sẽ được bỏ ra. Kết thúc buổi lễ, mọi người trong gia đình cùng nhau sum vầy, đoàn tụ ăn uống vui vẻ, và làm lễ trồng cây mệnh. Đây cũng là dịp để đồng bào giáo dục con cháu về truyền thống gia phong, công đức của đấng sinh thành, khuyên nhủ mọi người phát huy lòng hiếu nghĩa, biết kính trọng, chăm sóc ông bà, cha mẹ.

Nguyễn Văn Hưởng

 

 

                                        

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,258
Tổng số trong ngày: 27,555
Tổng số trong tuần: 78,382
Tổng số trong tháng: 137,835
Tổng số trong năm: 391,775
Tổng số truy cập: 2,966,268