Mùa xuân kể về Võ thí và Tiến sĩ đất Bắc Giang thời Phong kiến

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Khác với Khoa cử, lịch sử Võ cử Việt Nam chỉ kéo dài khiêm tốn trong vòng 69 năm dưới triều Lê Trung hưng,  với 19 khoa, cả nước tuyển chọn được 199 Tạo sĩ, trong đó có 05 Tạo sĩ (tức Tiến sĩ võ) là người thuộc đất Bắc Giang ngày nay. Sau khi thi đỗ, đa số họ đã trở thành những võ quan, võ tướng đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Khác với Khoa cử, lịch sử Võ cử Việt Nam chỉ kéo dài khiêm tốn trong vòng 69 năm dưới triều Lê Trung hưng,  với 19 khoa, cả nước tuyển chọn được 199 Tạo sĩ, trong đó có 05 Tạo sĩ (tức Tiến sĩ võ) là người thuộc đất Bắc Giang ngày nay. Sau khi thi đỗ, đa số họ đã trở thành những võ quan, võ tướng đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thực tế, việc tuyển chọn những người giỏi võ và có tài thao lược để ra cầm quân giúp nước đã có từ thời Trần và được sử sách ghi rõ. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 (1241) đời Trần Thái Tông đã cho tuyển chọn người khỏe mạnh biết võ nghệ sung làm quân Thượng đô Túc vệ. Năm Nguyên Phong thứ 3 (1253) lập Giảng võ đường. Sang thời Lê sơ năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đã có sắc lệnh về khảo thí Võ kinh ở Đông Kinh. Triều Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ 9 (1478) định kì thi Đô thí về Võ ban ở Kinh đô, từ đó thành lệ nhưng vẫn chưa quan phương như khoa cử văn ban được.

Tuy nhiên, đến thời Lê Trung hưng, năm Bảo Thái thứ 2 (1721) chúa Trịnh Cương mới cho mở trường Võ học và đặt chức Giáo thụ dạy con em các quan tướng học võ kinh, võ nghệ thì Võ cử nước ta mới được chính thức hóa. Trong năm này Triều đình đã bàn thi hành nội dung về phép thi võ, đồng thời có sắc chỉ cho con em công thần quan chức được vào học võ nghệ, võ kinh… Tháng 10 năm Bảo Thái thứ 4 (1723) định lệ 3 năm mở một khoa Võ thí. Các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Sở cử (tổ chức ở trấn); các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Bác cử (tổ chức ở kinh đô), thí sinh phải là người đỗ Sở cử. 

Khoa thi Sở cử đầu tiên nhà Lê tổ chức vào cuối năm 1723 tại nhà Võ học tức trường Giảng võ. Chúa Trịnh phê chuẩn đặt cử chức Đề điệu do một võ quan có uy tín đảm nhiệm. Tham bác ngạch văn đặt các chức Giám thí (1 viên), Giám khảo (2 viên), Phúc khảo (4 viên), Đồng khảo (4 viên). Lại theo lệ Hương thí (ngạch văn) đặt các viên Thể sát, Tuần xước, Thu quyển, Di phong, Soạn hiệu, Tả bảng mỗi chức 1 viên. Khoa này lấy 14 người đỗ Cống sĩ và mấy chục người đỗ Biền sinh, đợi năm sau vào thi Bác cử.

Khoa thi Bác cử đầu tiên được thực hiện năm Bảo Thái thứ 5 (1724) tổ chức ở phường Thịnh Quang, nghi thức giống như ở điện Giảng Võ, cả vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương đều khảo duyệt. Khoa thi này phải qua ba trường. Trường Nhất phải làm 10 câu trong bộ Võ kinh thất thư; Trường Nhì thi Võ nghệ; Trường Ba thi văn sách hỏi về thao lược binh pháp. Phải qua cả 3 trường điểm cao đỗ Trúng cách thì được bổ làm Tạo sĩ ngang với Tiến sĩ ngạch văn. Từ đấy trở đi cứ 3 năm mở một khoa Võ thí. Đến năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732) chúa Trịnh sợ bỏ mất nhân tài vì khoa Bác cử đỗ có hạn nên đặt ra khoa Hoành tuyển khảo hạch bổ sung giống khoa Hoành từ ngạch văn. Đối tượng thi được mở rộng hơn, người đỗ nhiều hơn Tạo sĩ và được bổ dụng theo ngạch Võ. Các khoa thi sau được tổ chức đều đặn, trong vòng 69 năm triều Lê Trung hưng đã mở được 19 khoa tuyển chọn được 199 Tạo sĩ, đa số họ đã trở thành những võ quan, võ tướng đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Miền đất Bắc Giang xưa kia là miền thượng của đạo/xứ/trấn Kinh Bắc, một trong Tứ trấn trọng yếu ở phía bắc Kinh thành Thăng Long/Đông quan/Đông Đô và được xem như “miền phên dậu” nơi ải Bắc. Nơi đây đã sản sinh ra 58 nhà khoa bảng (Tiến sĩ ngạch văn) và nhiều nhân tài, những võ tướng tài ba đã lưu danh trong sử sách. Thời Lý có các Phò mã họ Giáp/Thân đại diện làThân Cảnh Phúc. Thời Trần có Hùng Thắng quận công người họ Vi đất Lục Ngạn. Thời Lê - Mạc phải kể đến các Quận công họ Dương ở Yên Viễn/Yên Thế/ Tân Yên hay các Quận công họ Vi vùng An Châu (nay thuộc huyện Sơn Động). Thời Lê - Trịnh danh tướng đất Bắc Giang xuất thế rất nhiều ở các địa phương. Nhất là 3 huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng nhưng nổi danh nhất về tài thao lược phải kể đến Hoàng Ngũ Phúc người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng. Ông từng được tấn phong đến tước Việp Công, chức Bình Nam Thượng tướng quân chỉ huy đại quân Nam tiến thu phục được Thuận Hóa. Quân Lê - Trịnh đại thắng khải hoàn quay ra Bắc, trên đường đi ông lâm bệnh qua đời ngay ở dinh quân lữ trên thuyền đất Nghệ An, thọ 64 tuổi. Sau khi mất được tặng phong bậc “Quốc lão”. Điều kiện và hoàn cảnh không thuận lợi cho Việp Công Hoàng Ngũ Phúc theo con đường khoa cử ngạch võ, song tài năng xuất chúng đã khiến ông trở thành danh tướng cuối thời Lê Trung hưng mà lịch sử đã ghi nhận.

Kể về lịch sử Võ cử quê hương, trước tiên phải nhắc đến vị Tạo sĩ/Tiến sĩ võ khai khoa cho nền Võ cử Bắc Giang là Tiến sĩ Hoàng Đình Tá người làng Quế Trạo, Hiệp Hòa (nay thuộc thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn). Ông đỗ Đồng Tạo sĩ trúng hạng khoa Bính Thìn năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1726) đời vua Lê Ý Tông.

Tiếp đến võ cử đất Bắc Giang phải kể đến 04 vị Tiến sĩ  ở huyện Yên Dũng xưa mà nay thuộc về Yên Dũng và Việt Yên.  Đó là Tiến sĩ  Hoàng Đình Bảo. Hoàng Đình Bảo trước có tên là Hoàng Đăng Báo sau đổi làm Hoàng Tố Lý được Hoàng Ngũ Phúc nhận nuôi làm con trong dinh phủ. Chính vì được Hoàng Ngũ Phúc nuôi dạy nên từ khi còn ít tuổi Hoàng Đình Bảo đã có thiên hướng theo Binh nghiệp dùi mài kinh sử võ nghệ. Ông sinh năm 1743 và năm 22 tuổi đã đậu Hương Tiến khoa Ất Dậu năm Cảnh Hưng 26 (1765). Một năm sau niên hiệu Cảnh Hưng 27 (1766) ông thiđỗ Tạo sĩ ưu phân hạng khoa Bính Tuất. Sau được bổ chức Quản binh, Hoàng Đình Bảo đã thể hiện là người tài giỏi cả văn lẫn võ. Ông được Minh Đô vương Trịnh Doanh tin tưởng gả con gái cho làm Phò mã phủ Chúa.

Với tài thao lược Hoàng Đình Bảo được cử làm Trấn thủ các xứ Thuận Hóa, Sơn Nam, Nghệ An. Đấy là những vùng đấtquan yếu của chính quyền Lê - Trịnh rất cần võ tướng tài ba trấn nhậm. Ông được thăng chức Tham tụng tước Điển thọ hầu, sau được thăng tước Huy Quận công là trọng thần thời Trịnh Sâm. Đến năm Cảnh Hưng 43 (1782) gặp loạn kiêu binh nên bị loạn quân giết.

Làng Phụng Công - Yên Dũng còn một vị Võ Tiến sĩ nữa nhưng vì tư liệu ghi chép về ông không còn thu thập được nên chỉ tản mạn được mấy dòng. Đó là Dương Đình Hài không rõ năm sinh và mất. Sách Lê triều Tạo sĩ đăng khoa lục chỉ ghi ông đỗ Biền sinh hợp thức khoa thi Sở cử trước năm 1769 thời Lê - Trịnh. Sau đó đến khoa Bác cử võ thí Kỷ Sửu năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769) đời Lê Hiển Tông ông đỗ Đồng Tạo sĩ ưu trúng hạng.

Trong sách Lê triều Tạo sĩ đăng khoa lục chúng ta dễ tìm thấy hai Tiến sĩ võ đất Yên Dũng mà nay thuộc phần đất huyện Việt Yên của tỉnh BắcGiangngày nay. Hai vị đó là Nguyễn Đình Triêm và Nguyễn Trọng Nhẫn. Nguyễn Đình Triêm người làng Thiết Thượng - Yên Dũng (nay thuộc xã Trung Sơn, huyện Việt Yên). Ông thi đậu Tạo sĩ ưu trúng hạng khoa Giáp Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 (1754) đời vua Lê Hiển Tông. Ông được bổ chức Thủ hiệu. Nguyễn Trọng Nhẫn người làng My Điền - Yên Dũng (nay là thôn My Điền, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên), đỗ Đồng Tạo sĩ ưu trúng hạng khoa Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785).

Khác với các danh nhân Khoa cử, các danh nhân Võ cử được các sử liệu ghi chép thường rất vắn tắt, không có năm sinh năm mất, không có cả chức tước được phong và công trạng thành tích ghi nhận. Trong số 05 danh nhân Võ cử của quê hương Bắc Giang, có lẽ chỉ có Tiến sĩ Hoàng Đình Tá và Tiến sĩ Hoàng Đình Bảo là còn xác định được tương đối về thân thế vì sử sách hay gia phả dòng họ còn lưu, còn với ba vị (Dương Đình Hài, Nguyễn Đình Triêm và Nguyễn Trọng Nhẫn) rất ít tư liệu nhắc đến. 

Đến nay, các danh nhân Võ lược Bắc Giang nói chung, danh nhân Võ cử đất Bắc Giang nói riêng vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. Những thành tích, sự cống hiến của các Tiến sĩ võ cho lịch sử dân tộc và quê hương rất cần được sự quan tâm tìm hiểu của các nhà khoa học.

Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ - 2014, xin viết đôi dòng về các Tiến sĩ võ miền quê Bắc Giang thời phong kiến để độc giả có thêm tư liệu tham khảo về truyền thống thượng võ chuộng văn của quê hương miền thượng xứ Bắc./. 

Nguyễn Văn Phong

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,864
Tổng số trong ngày: 918
Tổng số trong tuần: 917
Tổng số trong tháng: 139,385
Tổng số trong năm: 393,325
Tổng số truy cập: 2,967,818