|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
“Quýt Bo, bò Sỏi, gỏi Rinh, đỗ lạc Nhã Nam, quýt cam Bố Hạ”. Yên Thế không những nổi danh bởi cuộc khởi nghĩa Yên Thế hào hùng với tên tuổi của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám mà còn là vùng đất màu mỡ, giàu sản vật, khoáng sản như than, sắt, lâm thổ sản, thóc, gạo, mía và đặc biệt là Cam. Cam Bố Hạ một đặc sản nổi tiếng đã đi vào trong ca dao, thơ ca, trong tiềm thức của những người đã một thời được thưởng thức một thứ quả đặc sản của dân tộc.

Cam Bố Hạ hay còn được gọi là cam Sành có thân dáng thẳng và góc phân cành hẹp, lá hình lưỡi mác dày, xanh đen. Vỏ thân màu xanh nâu. Quả hình tròn hơi dẹt và có rốn lõm cả hai đầu. Vỏ quả sần sùi, khi chín có màu vàng pha đỏ tươi. Theo lời kể của các lão nông trong vùng thì cây cam Sành được trồng ở Bố Hạ vào khoảng năm 1930 và được một lão nông mang về từ vùng đất Thái Nguyên. Do giá trị của giống cam này nên nó đã được nhân ra bằng cách chiết cành nhanh chóng. Cam Sành được trồng thành vùng dọc hai bên bờ sông Sỏi từ Cầu Lường đến Mỏ Trạng. Theo sách Bắc Giang địa chí của Trịnh Như Tấu thì năm 1936 tại Bến Lường chỉ có 26 cây cam sành, năm 1937 nhân thêm được 230 cây. Trước năm 1945, Bố Hạ có khoảng 30 ha cam, mỗi ha cam có khoảng 500 cây và sản lượng cao nhất là 500 tấn/năm. Trong số cam trên có tới gần 80% là của hai gia đình một là địa chủ người Việt là Chánh Triệu và một điền chủ người Pháp là Balangđơ.

Cam Bố Hạ

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ 1946 – 1954, do chiến tranh nên việc trồng cam có chiều hướng giảm đi, từ năm 1958, nhà nước đã quốc hữu hóa các vườn cam của địa chủ và xây dựng Nông trường quốc doanh trồng cam tại Bố Hạ.

Với quyết tâm gìn giữ loại quả đặc sản địa phương, Nông trường Cam Bố Hạ đã bước đầu trồng thử nghiệm tuyển lựa những cây cam sành còn sót lại nhập thêm các giống cam mới như cam Xã Đoài, cam Sun Kết, cam Na Ven. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có kết quả tốt thu hiệu quả kinh tế cao, theo tính toán của các gia đình trồng cam thì giá trị của 1ha cam tương đương với 15-20ha lúa. Tuy nhiên, cây cam là một loại cây đòi hỏi kỹ thuật rất cao và kén đất. Đất trồng cam tốt nhất là loại đất không được quá nặng hoặc cát rời rạc. Đất phải xốp và thoát nước, phù hợp với chất đất phù sa, ven sông. Vì vậy, các vườn cam có chất lượng quả ngon ở Bố Hạ là những vườn được trồng ở dọc hai bên bờ sông Sỏi, vùng Bo Chợ. Ở vùng này vẫn còn truyền tụng câu ca “Cam Bo Chợ, vợ Bo Giàu”

Thu hoạch cam Bố Hạ năm 1974. Ảnh: Tư liệu

Với kỹ thuật trồng và chăm bón công phu nên cam Bố Hạ có chất lượng rất cao đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như thịt quả màu vàng, đỏ tươi, ít xơ bã, ít hạt chỉ khoảng 8 hạt/quả, tỷ lệ đường và a xít cân đối nên ăn ngọt đậm, có mùi thơm đặc trưng. Cam Bố Hạ quả to vừa phải, khoảng 5 quả/1kg, bảo quản được rất lâu và lại chín đúng vào dịp tết Nguyên đán nên đã trở thành một loại quả rất quý. Ngày xưa, cam Bố Hạ thường được dùng để tiến vua trong các dịp lễ tết. Sách Bắc Giang địa chí của Trịnh Như Tấu viết: “Tháng giáp tết, lính trạm thay nhau chạy mang thứ cam Bố Hạ tươi màu nắng, ngọt như đường phèn kịp tiến vua Nguyễn ở tận kinh thành Huế”. Ngày nay, trong các gia đình vào những dịp lễ, tết, cưới xin có được cân cam sành Bố Hạ nguyên chất thật là khó bởi vì hầu như cam Bố Hạ bây giờ đã lai tạp rất nhiều và nghề trồng cam hiện nay đang ở trong tình trạng đi xuống nghiêm trọng. Về nguyên nhân có nhiều ý kiến cho rằng, do giống thoái hóa, do đất đai, hệ thống chăm bón, biện pháp kỹ thuật chưa phù hợp và một nguyên nhân cũng rất quan trọng là con người ở đây có còn yêu thích và gắn bó với nghề trồng cam nữa hay không? Hay bởi thời buổi làm ăn kinh tế, buôn bán phát triển, làm giàu nhanh chóng hơn nghề trồng cam làm cho người ta dần quên đi một loại quả đặc sản của địa phương?

Cam Bố Hạ đã dần lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho sự xâm nhập của các loại hoa quả ngoại nhập. Nhưng trong ý nghĩ và tâm khảm của những người đã từng một thời được thưởng thức hương vị ngọt ngào của loại đặc sản này, cam Bố Hạ vẫn là một loại đặc sản quý của Kinh Bắc xưa và Bắc Giang nay. Hy vọng rằng trong những năm tới nghề trồng cam sẽ dần được khôi phục lại ở Bố Hạ để cùng với vải thiều Lục Ngạn, cam Bố Hạ sẽ là một đặc sản khó quên cho mỗi ai khi tới Bắc Giang về vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử-văn hóa, thưởng thức miếng cam ngon nhớ tới tổ tiên mà càng thêm yêu quê hương, đất nước.

Đỗ Tuấn Khoa

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,440
Tổng số trong ngày: 397
Tổng số trong tuần: 2,309
Tổng số trong tháng: 79,855
Tổng số trong năm: 498,349
Tổng số truy cập: 3,072,842