Phúc Lâm lưu truyền hội hàng khóa

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Mùa xuân năm Canh Tý 2020 tôi có dịp về thôn Phúc Lâm, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và được chứng kiến một phong tục tập quán độc đáo hiếm nơi nào trên đất nước ta còn lưu giữ một cách bài bản, chuẩn mực như vậy- đó là lễ hội hàng khóa của các trai đinh trong làng.

Hội hàng khóa diễn ra vào Rằm tháng Giêng. Điều đặc biệt của hội hàng khóa là chỉ có các trai đinh tham dự. Theo giải thích của ông Đỗ Xuân Tuất, 62 tuổi, phong tục hàng khóa được nhân dân trong làng bảo tồn và duy trì từ rất lâu đời ở Phúc Lâm. “Hàng” ở đây là việc xếp năm sinh của các trai đinh theo thứ tự 12 con giáp. Cứ 3 con giáp, mỗi con cách nhau bốn năm, được xếp thành một hàng, ví dụ: Tý – Thìn – Thân; Sửu – Tỵ - Dậu; Dần – Ngọ - Tuất; Mão – Mùi – Hợi... Trong số 12 con giáp được chia thành 4 khóa, mỗi khóa có 3 độ tuổi đứng chung một hàng khóa, bắt đầu từ con giáp ứng với năm sinh của những người tuổi 52. Năm nay lần lượt các tuổi Dậu, Sửu và Tỵ đứng chung một hàng hóa.

Sau khi các trai đinh tề tựu đầy đủ trong đình, thay mặt cho bậc cao tuổi trong thôn, cụ Thân Văn Hoàn (87 tuổi) làm lễ xin phép Thành hoàng. Tiếp đến là “đầu giấy” Đỗ Xuân Trung, tuổi 52 (SN Kỷ Dậu - 1969) đại diện cho hàng khóa thực hiện một bài văn khấn:... “Chúng con dân thôn làng Phúc Lâm theo dân tục, dân lệ ngày Rằm tháng Giêng lễ hội hàng khóa bao đời còn lưu giữ truyền lại. Nay sang tiết xuân năm Canh Tý, hàng khóa Dậu, Sửu, Tỵ đại diện cho dân làng nhất kiến, nhất tâm sửa soạn tiết lễ đầu năm gồm ngũ cốc, hương đăng, kim ngân, hoa quả, trầu nước, tiên tửu... dâng lên Thành hoàng làng. Cầu mong Thành hoàng ban phước lành cho toàn dân, hàng khóa, mọi nhà được bình an, tấn tài, tấn lộc, nam nữ đa sinh, gái trai đầy đủ, trẻ già mạnh khỏe, gia đạo hưng long, quế hòe tốt tươi, mọi việc hanh thông, bách sự như ý, vạn sự như tâm...”.

Đình Phúc Lâm khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng niên hiệu Chính Hòa (1680-1704), thờ Thành Hoàng làng Đô Ngự sử Đỗ Nhạc húy, Nhạc Quý Công   (thời Lê Sơ thế kỷ XV ). Ông là người đã có công Phò Lê diệt Mạc và dạy học cho dân làng Phúc Lâm. Theo phong tục, hội hàng khóa ngày nay vẫn được thực hiện rất nền nếp, chuẩn mực cổ xưa ở Phúc Lâm, những người con trai trong làng sinh cùng một năm được gọi là đồng tuế. Ai có bố nhiều tuổi nhất (với điều kiện phải sinh sống ít nhất ba đời ở làng Phúc Lâm) thì được gọi là “đầu gang”. Các đầu gang có trách nhiệm tập hợp và phân công công việc cho các đồng tuế. Trước đó, “đầu gang” các lứa tuổi về nhà người đầu giấy để họp bàn, chuẩn bị cho việc sắp cỗ. Nhiệm vụ của các lứa tuổi do những người tuổi ở 52 phân công. 

 Người ở tuổi 52 có bố nhiều tuổi nhất được gọi là “đầu giấy”. Năm 2020, đầu giấy hàng khóa là ông Đỗ Xuân Trung, tuổi 52 (SN Kỷ Dậu - 1969), như vậy sang năm sẽ là một người sinh năm 1970 sẽ đảm nhận vai “đầu giấy” này.

Cũng theo ông Tuất, trong năm trước, đôi vợ chồng nào sinh được con trai thì những ngày Tết năm sau bế con đến chúc Tết trong các gia đình trong họ, trong làng để gia chủ mừng tuổi cho con một quả cau. Ngày mồng 5 Tết mang cau ra đình làm lễ để tên con được ghi vào sổ trai đinh của làng. Việc này dân làng gọi là “vào phe” cho đứa trẻ, xem như có lời để được nhập vào làng và được ban khánh tiết ghi rõ họ tên để chính thức công nhận là trai Phúc Lâm. Khi đến tuổi 20, đứa trẻ này sẽ trở thành trai đinh của làng và được vào hàng khoá. Và đến đúng ngày Tết của 20 năm sau những trai đinh này sẽ tự tìm đến nhau để bàn, chuẩn bị việc tham gia hàng khóa. Ông Tuất tự hào kể rằng: Đã là trai đinh làng Phúc Lâm đầu tiên phải biết quét nhà, rửa bát, tiếp theo là phải biết sắp mâm làm cỗ và thậm chí phải biết sắp lễ và làm lễ ở đình và lo việc đại sự khác. Ý nghĩa của hội hàng khóa chính là dịp để lớp trước giáo dục, truyền dạy lớp sau những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông; đồng thời, bồi đắp kỹ năng, hướng tới sự hoàn hảo của trai đinh trong làng. Do đó, mỗi trai đinh trong làng từ khi 20 tuổi đến tuổi 52 được làm cỗ chín khoá, sang tuổi 53 thì được khao lão và lúc đó mới được nhận áo the, khăn xếp vào đình và chuyện bếp núc khi này đã có lớp trẻ hơn lo. “Như tôi đang 62 tuổi khi con cháu nhờ ra đình làm lễ là phải biết để còn giúp, không làm được là thiếu sót tại bản thân mình không chịu học hỏi”, ông Tuất chia sẻ thêm.

Hàng khoá Dậu – Sửu – Tỵ năm nay có 154 trai đinh thuộc 9 lứa tuổi, đó là tuổi ứng với các con giáp trong cùng một hàng, được tính từ tuổi 20 đến 52, theo tuổi âm lịch. Trong đó đứng đầu là tuổi Kỷ Dậu 52 tuổi (SN 1969), kế đến là Quý Sửu (SN 1973), Đinh Tỵ (SN 1977), Tân Dậu (SN 1981), Ất Sửu (SN 1985), Kỷ Tỵ (SN 1989), Quý Dậu (SN 1993), Đinh Sửu (SN 1997) và Tân Tỵ (SN 2001). Trông số này tuổi 32 (Kỷ Tỵ- 1989) là đông nhất với 26 trai đinh. Sau khi làm lễ ở đình xong, đoàn trai tráng tổ chức dẫn lễ lên đền và chùa của làng, đi đầu là đội múa lân và các cụ cao niên, tiếp đến là các độ tuổi từ cao đến thấp thành tâm.

Với ý nghĩa như trên, hội khóa ở Phúc Lâm được xem là một mỹ tục cần được bảo tồn, phát huy. 

 Tiến Đạt

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,892
Tổng số trong ngày: 1,805
Tổng số trong tuần: 1,804
Tổng số trong tháng: 79,350
Tổng số trong năm: 497,844
Tổng số truy cập: 3,072,337