Vĩnh Nghiêm chưa đến thiền tâm chưa đành

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, đạo Phật từng được xem là quốc đạo dưới thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) và có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Với nhiều loại hình di sản văn hóa đặc sắc có giá trị như: Kiến trúc chùa tháp, tượng thờ, tế khí, ván khắc, đồ họa Phật giáo, cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học và hệ thống nghi thức... Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm vốn di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, với các tiêu chí xác thực, quý hiếm và độc đáo, năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Giữa một vùng đồng bằng trù phú bên dòng Lục đầu giang, nổi lên một hòn đảo đẹp kỳ lạ, nơi đó người xưa đã biết gửi mơ ước của mình vào từng cột gỗ, đường vân thớ đá mang dáng dấp Phật đường, nơi đây sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi. Chùa Vĩnh Nghiêm (hay còn gọi là chùa Đức La) toạ lạc trên một quả đồi thấp, đó là bậc thềm cổ của sông Thiên Đức (sông Lục Nam), xưa thuộc xã Đức La nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Vĩnh Nghiêm cổ tự như một hòn đảo xanh im ắng nổi bật trên một vùng rộng lớn. Hòn đảo xanh này được hai con sông Thương và sông Lục Nam ôm bọc lấy. Đằng sau chùa là dãy núi Cô Tiên nằm ngửa mình giữa bầu trời xanh lồng lộng. Núi sông đã thực sự tô điểm cho công trình quy mô to lớn này. Nơi đây, nhìn về phía bên kia sông trông thấy rất rõ đền Kiếp Bạc-nơi phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, rồi thấy dãy núi cao nằm kề, đó là nơi nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi về mai danh ẩn tích (núi Côn Sơn), xa hơn chút nữa là danh lam thắng tích Yên Tử nơi được coi là vùng đất thiêng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết: Chỉ liếc qua ý nghĩa của việc chọn Đức La lập chùa là thấy ngay cái thế ứng xử khéo léo của Phật giáo. Sách Thiền Uyển Tập Anh cho hay: Vào năm Hưng Long thứ 21 (1313), đại sư Pháp Loa đã về Vĩnh Nghiêm trụ trì để định các tăng đồ trong toàn quốc. Như vậy là từ đây đánh dấu việc thống nhất chặt chẽ trong toàn quốc của Phật giáo. Từ sau đó vẫn theo thư tịch cứ 3 năm nhà Trần lại định chức các tăng đồ một lần. Vậy thì vai trò quan yếu đầu tiên của ngôi chùa này chính là trung tâm đào luyện các tăng ni và ban hành các pháp chế của Phật đạo trong cả nước. Nhưng chùa Vĩnh Nghiêm còn có một ý nghĩa mà nhiều người đã từng cho là quan trọng đối với lịch sử riêng của Phật giáo Việt Nam. Bởi đó là nơi gặp gỡ của 3 nhân vật sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền rất thịnh hành ở Việt Nam mà lịch sử vẫn quen gọi "Trúc Lâm tam tổ". Ba vị tổ sáng lập ra thiền phái này là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Thư tịch cho biết, trạng nguyên Huyền Quang, một hôm theo Vua đến huyện Phượng Nhỡn vào chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh bèn dâng biểu xin vua cho xuất gia tu đạo. Những soạn giả của Phật giáo Việt Nam đã gọi "Trúc Lâm tam tổ" là "những bậc giáo hoàng thời ấy, vì ngoài sự đắc đạo tu hành, thuyết pháp độ sinh, các ngài còn được đặt quyền cầm sổ tăng tịnh trong nước, thống lãnh hết thảy tăng đồ". Tầm quan trọng của chùa Vĩnh Nghiêm đời Trần đã phần nào được thể hiện trong câu ca:

Ai đi Yên Tử, Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành

Chùa Vĩnh Nghiêm có kiến trúc bề thế, khuôn viên rộng đẹp gồm: Tam quan, tam bảo, nhà Tổ đệ nhất, nhà tổ đệ nhị, gác chuông, khách đường, tả hữu hành lang, vườn tháp... tất cả được bố trí hài hoà theo bố cục “Nội vương, ngoại quốc”. Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa còn được xem như một bảo tàng văn hoá Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam, nơi lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: Hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc... Chính vì là nơi đào luyện tăng đồ nên Vĩnh Nghiêm còn là nơi tàng trữ nhiều bộ ván kinh quý giá. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 tấm ván rời gỗ thị, khắc nổi chữ Hán- Nôm. Bản cổ nhất ra đời khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII. Bộ mộc bản có 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại, có thể kể tên một số loại kinh, sách chính như sau: Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, A Di Đà kinh (Đây là 2 bộ kinh chủ yếu dùng trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử). Về luật giới Phật có: Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh. Về sách có: Thần du Tây phương ký, Tây phương mỹ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình (bài Hạnh thiền tông chỉ nam truyền tâm quốc ngữ, bài phú Cư trần lạc đạo, bài phú Giáo tử, bài Du Yên Tử sơn nhật trình, bài phú Thiếu thất, phú Thiền tịch). Trong đó Thần du Tây phương ký và Tây phương mỹ nhân truyện là sách nói về nguồn gốc của đạo Phật Ấn Độ. Tập Yên Tử nhật trình nói về sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và phương pháp tu thiền tâm của thiền phái này. Tất cả các tăng ni, phật tử theo dòng Đại thừa ở Việt Nam cũng như hải ngoại đều sử dụng các bộ kinh, luật, sách trên để tu trì hành đạo. Từ các tư tưởng và giáo lý đó, các thiền sư đã tiếp thu biên soạn thành sách để phát hành, truyền giảng trong toàn quốc và trên thế giới. Đặc biệt mộc bản “Thiền tông bản hạnh”, được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (the Vietnammese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

Hiện nay, toàn bộ số mộc bản được bảo quản theo phương pháp thủ công trên kệ gỗ. Trải  qua thời gian và qua nhiều lần sử dụng, mực in bám khá dày nên các tấm ván có màu đen. Bản thân mộc bản đã cũ, một số bị mục, nứt, mờ, cong vênh, hoặc mòn mất nét chữ. Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa cho biết: Từ lúc mới san khắc mộc bản, các vị sư tổ đã cho in thành sách và phát rộng rãi cho các chùa, việc in sách bằng mực tàu nên ván in được bao bọc một lớp keo mực bảo vệ, mối mọt khó gặm nhấm. Bên cạnh đó, các tấm mộc bản làm bằng gỗ thị, loại gỗ này tương đối bền, ít mối mọt, chịu nước, chịu ẩm tốt, đó là ưu thế cho việc bảo quản. Tuy nhiên do thời gian, khí hậu bào mòn, không ít tấm mộc bản bị cong, vênh, nứt, mục, ẩm mốc, hơn nữa nghề khắc mộc bản hiện đã thất truyền. Nếu bị mất hay hư hỏng thì việc phục hồi rất khó khăn. Nhận thức được điều đó nên từ rất sớm, các nhà sư từng trụ trì tại chùa luôn suy nghĩ, trăn trở tìm phương pháp bảo tồn. Ngay từ những năm 1945, nhà chùa đã quan tâm gìn giữ, bảo vệ kho mộc bản khỏi các tác nhân có hại từ thiên tai, địch họa, chiến tranh. Các nhà sư  vận dụng linh hoạt các phương pháp thủ công truyền thống trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lâu dài mộc bản. Để tránh ẩm mốc, mối mọt, nhà chùa đã chuẩn bị các tủ gỗ được đóng rất cẩn thận bằng gỗ lim, xung quanh có chấn song thoáng mát. Dưới chân của kệ gỗ đều có đặt các bát con, trong bát có đổ dầu trẩu, quết dầu trẩu để bảo vệ tránh mối mọt leo lên tàn phá mộc bản. Mộc bản thường được nhà chùa đặt ở những nơi thoáng gió, nơi có khả năng hút ẩm tốt.

Năm 2017, nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được hoàn thành góp phần gìn giữ, bảo quản và phát huy tốt hơn giá trị di sản mộc bản gắn với phát triển du lịch. Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm. Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách; kết nối chùa Vĩnh Nghiêm với các điểm di tích liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và các di tích, danh lam thắng cảnh nối tiếng khác trong tỉnh để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách.

 Anh Khoa

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 4,918
Tổng số trong ngày: 2,140
Tổng số trong tuần: 4,052
Tổng số trong tháng: 81,598
Tổng số trong năm: 500,092
Tổng số truy cập: 3,074,585