GIÁ TRỊ CHÙA AM VÃI TRONG VĂN HÓA VÙNG TÂY YÊN TỬ VÀ NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BẮC GIANG

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Tây Yên Tử gồm các di tích lịch sử, văn hóa được xây dựng từ thời Lý - Trần, gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thuộc địa phận các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, một số dấu tích được phát hiện cho là “dấu chân Phật” trên đá ở một số ngôi chùa ở thời Lý - Trần như: chùa Am Vãi (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn), chùa Yên Mã (xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam), chùa Bạch Liên (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn), chùa Cao, chùa Khám Lạng, chùa Bình Long, đền Suối Mỡ,… mang nhiều giá trị văn hóa, Phật giáo đặc thù. Trải qua thời gian, các giá trị đó vẫn còn nguyên cho đến ngày nay, nhất là giá trị về tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, giá trị văn hóa tâm linh trong vùng Tây Yên Tử. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin giới thiệu về chùa Am Vãi cũng như nêu những giá trị Phật giáo của chùa trong vùng văn hóa Tây Yên Tử, từ đó có những gợi ý về phát huy giá trị Phật giáo trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Giang.

1. Giá trị chùa Am Vãi trong văn hóa vùng Tây Yên Tử

* Chùa Am Vãi (còn có tên chữ là Am Ni tự) thuộc địa bàn thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Chùa Am Vãi nằm bên trái con sông Lục Nam, tựa lưng vào núi Am Ni. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Núi Am Ni ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn. Mạch núi từ Phật Sơn và Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng nước trong không bao giờ cạn. Cạnh núi có hai cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ”[1]. Dưới thời Lý- Trần (thế kỉ XI- thế kỉ XIII), thời kì phát triển cực thịnh của đạo Phật ở Việt Nam, các vua Trần sau khi truyền ngôi cho con đã xuống tóc đi tu và lập ra thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo nước ta. Các vua Trần đã lấy dãy núi Yên Tử để dựng lên thiền viện, chùa, am, nghiên cứu phật pháp và đào tạo tăng đồ, tụng kinh giảng đạo, tu luyện tại đó. Suốt mấy thế kỉ, hàng loạt chùa tháp được xây dựng trên vòng cung Yên Tử. Ba vị tổ sư của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đã đào tạo hàng ngàn tăng đồ rồi cử đi trụ trì ở nhiều ngôi chùa, trong đó có các ngôi chùa thuộc dãy núi Yên Tử.

Chùa Am Vãi cũng là một trong những ngôi chùa nằm trong hệ thống chùa tháp được xây dựng trong thời Lý- Trần. Đến thời nhà Lê, chùa Am Vãi vẫn tồn tại và còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Chùa Am Vãi xưa có các công trình: Tiền đường, Tam bảo, hành lang, nhà tăng ni, bếp, giếng và khu đặt tháp đá. Tháp đá ở chùa 3-4 ngôi, một tháp đã đổ còn 3 tháp được phục dừng từng phần. Trong khu vực chùa Am Vãi còn có tháp báu Liên Hoa, trong lòng tháp còn khắc tấm bia với nội dung: “Trúc Lâm viên tịch Ma ha Tỳ khưu Như Liên hóa thân Bồ tát cẩn vị. Nghĩa là: Vị Thiền sư là Ma ha Tỳ khưu Như Liên hóa thân Bồ tát được viên tịch về chốn Tổ Trúc Lâm”[2]. Theo tác giả Nguyễn Văn Phong khi nghiên cứu về chùa Am Vãi qua mục Sơn Xuyên sách Lục Nam địa chí (soạn cuối thế kỷ XIX) cho biết: “Núi Am Ni, ở phía đông bắc xã Nam Điện, cao hơn ngàn trượng, lên núi có thể nhìn được các đường núi ở bốn xung quanh thuộc Đông Triều và Lạng Giang. Có một giếng ở đỉnh núi, nước rất trong ngon. Lại có chùa cổ, tương truyền là nơi Công chúa nhà Trần xuất gia tu hành ở đó”[3].

Trong quần thể di tích chùa Am Vãi có hang Tiền, hang Gạo, dấu chân Phật, bàn cờ tiên, xa hơn có vũng Chị, vũng Em, núi Hàm Rồng, giếng Cần…  Trước khi vào chùa phải đi qua khu đá có tên là bàn cờ tiên. Khu đá này có tảng đá lớn như ngôi nhà ba gian, chống xếp lên nhau từ bao đời. Có hòn đá bàn cờ rất phẳng có tên là bàn cờ tiên. Cạnh bàn cờ tiên lại có tảng đá rất lớn, mặt đá bằng phẳng nhưng lõm ở giữa hình giống như một vết chân lớn, nước mưa thường lưu đọng lại đây, được gọi là dấu chân Phật. Truyền thuyết kể rằng trên đường vân du, Đức Phật đã để lại dấu chân nơi này. Ngày nay, những ai muốn cầu tự, sinh con khỏe mạnh đều cố gắng ướm chân mình vào dấu chân lạ thường đó. 

Điều đặc biệt nữa của ngôi chùa còn phải kể đến giếng khơi ở bên cạnh chùa. Giếng không sâu nhưng nước trong mát và không bao giờ cạn. Đã từ rất lâu, người dân trong vùng coi đây là một chiếc giếng quý, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tâm linh. Dấu tích hang Tiền, hang Gạo vẫn còn với truyền thuyết kể rằng trước đây chùa có một vị sư trụ trì, hàng ngày từ trong hang gạo, tiền chảy ra vừa đủ để nhà sư sống. Một ngày nọ chùa có khách đến chơi, vị sư liền khơi cho hang chảy thêm nhiều tiền, gạo. Vậy là từ đó hang không còn tiền, gạo nữa. Hiện nay, cửa hang đã bị bịt kín, nhưng vẫn là nơi được nhiều người tìm đến thắp hương. Ngay phía trên cửa hang là hình một con rùa đá khổng lồ, đầu nhô hẳn ra ngoài, người dân địa phương cho rằng thần linh đã trấn yểm rùa đá để bảo vệ kho báu trong hang Tiền, hang Gạo.

Mặc dù đã có thời kì phát triển, hưng thịnh nhưng cho đến thời nhà Nguyễn, vì nhiều lí do khách quan khác nhau ngôi chùa này đã bị hư hỏng nặng chỉ còn lại phế tích. Nguyên nhân làm cho ngôi chùa này bị bỏ hoang phế trong một thời gian dài được giải thích bằng một truyền tích như sau: Vốn dĩ Am Vãi nằm ở sườn phía bắc của dãy núi, bên kia đường phân thuỷ của núi. Do đó xưa kia do dân ở xã Tân Lập trông nom quản lí. Vì một lí do nào đó, dân ở làng Biềng và dân làng Khả Lã (xã Tân Lập) tranh giành nhau quyền trông nom hương đèn trên chùa. Hai bên giành nhau mãi không thôi, bèn đưa lên quan xử. Quan ra điều kiện như sau: Quan sẽ ngủ lại chùa để nghe tiếng gà gáy, nếu nghe thấy gà làng nào gáy trước thì chùa sẽ thuộc về quyền quản lí của làng ấy. Dân làng Biềng mang gà đến gần chùa rồi cho gà thức giấc gáy vang núi rừng trước gà của xã Tân Lập. Thế là quan cho làng Biềng thắng kiện được quyền trông nom chùa. Tình trạng này làm cho việc quản lí chùa thêm khó khăn. Nhất là khi hai làng Nam Điện và Biềng lại dựng thêm hai ngôi chùa ở trong làng để cư dân trong làng sinh hoạt văn hóa tâm linh. Chùa Hàm Long (Nam Điện), chùa Vĩnh Phúc (Biềng), hai ngôi chùa này ở gần dân hơn đã góp phần giải quyết vấn đề văn hoá, tâm linh trong làng, xã khiến vai trò của chùa Am Vãi bị suy giảm. Do thời cuộc biến đổi cùng với chiến tranh tàn phá, ngôi chùa chỉ còn lại một số dấu tích: 2-3 ngôi tháp cổ, hang Tiền, hang Gạo và dấu bàn chân Phật. Đến những năm 90 của thế kỷ 20, người dân thôn Biềng cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã Nam Dương đã cùng nhau họp bàn góp công, của và sức lực để tu bổ lại chùa trên cơ sở nền chùa cũ còn lại. Và đến năm 1998 ngôi chùa mới đã được hoàn thành. Năm 2017, Chùa Am Vãi, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Từ năm 1998 đến nay, cứ vào hai ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm chùa lại tưng bừng mở hội. Lễ hội đã thu hút được sự quan tâm không những chỉ của người dân địa phương mà còn cả khách thập phương ở các vùng lân cận tới tham dự. 

* Giá trị văn hóa Phật giáo chùa Am Vãi trong vùng Tây Yên Tử

- Giá trị Phật giáo: Trong vùng Tây Yên Tử, cùng với chùa Am vãi, chùa Vĩnh Nghiêm có vị trí và gắn bó chặt chẽ với Phật giáo Trúc Lâm, một dòng Phật giáo mang hơi thở của Phật giáo Việt Nam từ thời Trần cho đến ngày nay. Theo tài liệu Tam Tổ thực lục, Tam Tổ hành trạng, Thiền Tông bản hạnh, Thánh đăng lục cho biết quá trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm có một bề dày lịch sử theo dòng chảy của lịch sử Việt Nam. Người sáng lập thiền phái là một vị vua học Phật người Việt Nam cùng các đệ tử. Tư tưởng thiền học của Phật giáo Trúc Lâm “Lấy tâm làm tông”, người người bất kể xuất gia hay tại gia đều có cơ hội học đạo và trải nghiệm Phật pháp ngay trong cuộc sống thường nhật. Tinh thần nhập thế tuỳ duyên, hoà hợp dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm là cơ sở hoạt động hoằng pháp của đạo Phật ở Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Tinh thần nhập thế, tích cực tham gia xây dựng xã hội phồn vinh, an ninh và hoà bình của Phật giáo Trúc Lâm không chỉ cần thiết cho đạo Phật Việt Nam mà còn thích hợp cho nhu cầu phát triển xã hội toàn cầu của nhân loại ngày nay.

Giá trị tư tưởng, đạo đức của Phật giáo Trúc Lâm là gắn liền với Tâm, theo Trần Thái Tông, mọi việc thiện ác đều xuất phát từ tâm, điều này được thể hiện rõ  trong bài Giới vọng ngữ văn (Văn răn nói càn) như sau: “Phàm tâm là gốc của thiện ác, miệng là cửa của họa phúc. Nghĩ một ý thì ảnh hưởng không lầm, buông một lời thì hệ quả chẳng lẫn. Quân tử trọng lời nói như biện luận, người xưa giữ mồm miệng kín như bình. Nói thì thẳng thắn công bằng, kể thì không cong không vẹo”[4].

Kết quả khảo sát tại của Dương Ngô Ninh tại một số chùa thuộc hệ thống di tích khu vực Tây Yên Tử[5] về tu dưỡng đạo đức theo tư tưởng “Phật tại tâm” hiện nay cho thấy số người cho rằng tu dưỡng đạo đức theo tư tưởng “Phật tại tâm” giúp tâm trong sáng chiếm tỷ lệ cao nhất (92%), trong đó tỷ lệ trả lời Không là 5%; Không biết/ không trả lời chiếm 3%... Điều này cho thấy, tư tưởng “Phật tại tâm” của Phật giáo Trúc Lâm ở Bắc Giang đã ăn sâu trong tư tưởng nhiều người dân nơi đây. Tư tưởng này giúp người dân và tín đồ tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tâm trong sáng, góp phần trong việc tu dưỡng đạo đức, hướng thiện cho con người và giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc[6].

Cũng theo kết quả khảo sát của Dương ngô Ninh cho biết, khi con người tu tập theo tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm sẽ thấy tâm thanh thản, trong sáng hơn, chiếm tỷ lệ 93,75% số người được hỏi. Việc tu tập theo Phật giáo Trúc Lâm để tránh xa các tệ nạn xã hội chiếm 87,75% số người được hỏi. Việc tu tập để cân bằng cuộc sống chiếm 86,5% số người được hỏi. Việc tu tập để làm nhiều việc thiện hơn chiếm 77,75% số người được hỏi.... Như vậy, rõ ràng giá trị tôn giáo của Phật giáo Trúc Lâm khu vực Tây Yên Tử đã có ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây, giá trị tôn giáo đã khuyên răn con người, tự điều chỉnh hành vi, hình thành lối sống mẫu mực với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, định hướng đạo đức và nhân cách con người trong mọi thời đại và đặc biệt trong bối cảnh xây dựng nền đạo đức xã hội mới ở nước ta hiện nay[7].

- Giá trị Văn hóa: Ở đây xét tới giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể

Trước hết, giá trị của các di tích, di vật tại khu vực chùa Am Vãi nói riêng và các di tích thuộc khu vực Tây Yên Tử nói chung là một minh chứng sống động cho khả năng tồn tại và phát triển của nền văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là tinh hoa Phật giáo Việt Nam, mà còn là tinh hoa văn hóa của cả dân tộc. Trong khi phần lớn di tích kiến trúc Phật giáo thời Trần ở Tây Yên Tử, Bắc Giang đến nay đã bị hư hỏng, biến đổi nhiều, thì những văn bia, mộc bản còn sót lại nơi đây được xem là những trang sử có giá trị trong việc khôi phục diện mạo của các di tích cũng như các hoạt động Phật giáo và văn hóa xã hội thời nhà Trần[8].

Chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Trần, trên vườn chùa còn ngôi tháp đá cổ thời Trần được gọi là “Liên Hoa bảo tháp” (Tháp báu Liên Hoa). Hiện nay, trong khu vực chùa Am Vãi còn hai di tích là chùa cũ và chùa mới. Chùa cũ gồm: các tòa tiền đường, tam bảo, hành lang, hậu đường, nhà bếp, giếng nước, vườn tháp. Chùa mới: có mặt bằng kích thước dài 11m, rộng 6,1m.

Bên cạnh đó, chùa Am Vãi đáp ứng phần nào đời sống tâm linh của người dân nơi đây, theo Giáp Thị Huyền cho biết, chùa Am Vãi,không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã tin vào sự linh thiêng và mầu nhiệm của chùa Am Vãi, tin vào sự may mắn mà chùa mang lại cho dân làng. Sự linh thiêng của chùa được nhân dân hai làng Biềng và Nam Điện gắn liền với sinh hoạt hằng ngày, nhất là mỗi khi làng xảy ra sự cố lớn, trong tâm thức mỗi người lại hướng lên dãy núi cao nhất nơi có chùa Am Vãi”[9]. Từ sau khi chùa Am Vãi được phục dựng trở lại, tín đồ, người dân đến chùa ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhất là các lễ hội, ngày mồng Một, ngày Rằm. Lễ hội Chùa Am Vãi là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Ngạn, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự. Phần lễ được diễn ra trọng thể cùng với nghi thức rước tượng Phật hoàng và lễ dâng hương. Lễ hội chùa Am Vãi là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của địa phương, chứa đựng nhiều giá trị cao đẹp. Thông qua lễ hội, người dân đã thay đổi nhận thức trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, gắn bó đoàn kết cộng đồng, cùng nhau phát triển quê hương ngày một tốt đẹp.

2. Một vài gợi ý cho việc phát huy giá trị Phật giáo chùa Am Vãi trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang

* Một vài nhận xét

Trước hết, chùa Am Vãi nằm trong hệ thống các chùa thuộc vùng Tây Yên Tử với sự ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm. Với những sắc thái riêng biệt, tư tưởng Phật giáo trúc Lâm thể hiện bản lĩnh Việt Nam trong việc tiếp biến tinh hoa tôn giáo. Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm khẳng định sự độc lập, tự chủ, bước lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu quá trình Việt Nam hóa Phật giáo. Ngày nay, Phật giáo Trúc Lâm có vai trò và vị trí quan trọng trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần phát triển văn hóa du lịch tâm linh trong vùng Tây Yên Tử cũng như trong cả nước.

Những giá trị văn hóa, Phật giáo của chùa Am Vãi là minh chứng cho sự hiện diện, sự sáng tạo và truyền thừa của Phật giáo Trúc Lâm tại đây, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương cũng như các vùng lân cận. Những giá trị đó cần được bảo tồn và phát huy trong tiến trình phát triển kinh tế địa phương, nhất là phát triển du lịch cộng đồng. Theo tác giả Hoàng Thị Hoa cho biết: “Khu vực Tây Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, làm nổi bật và gắn liền với vai trò trung tâm Phật giáo Đại Việt thế kỷ XIII-XIV như: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Am Vãi, chùa Hòn Tháp, Suối Mỡ,... cũng như nhiều hoạt động lễ hội, trò chơi dân gian thú vị. Bên cạnh đó, nơi đây có những khu vực bảo tồn sinh thái (khu bảo tồn sinh thái du lịch Đồng Thông-Khe Rỗ) và đa dạng văn hóa tộc người (13 tộc người sinh sống)...”[10]. Như vậy, nếu kết nối các khu di tích tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng của vùng Tây Yên Tử với các điểm du lịch sinh thái sẽ tạo ra các nhánh, tuyến du lịch khác nhau để phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Giang. Cũng theo tác giả Hoàng Thị Hoa cho biết, khu vực Tây Yên Tử sẽ không thể tách rời du lịch Đông Yên Tử - một địa điểm đã tạo dựng được danh tiếng của mình[11]. Và muốn phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích tín ngưỡng, tôn giáo và du lịch sinh thái bền vững, tỉnh Bắc Giang cần có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và sát thực, nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch tại địa phương.

* Một số ý kiến đề xuất

Đối với các ban, ngành tỉnh Bắc Giang

Phật giáo Trúc Lâm có thể được xem là cốt lõi của văn hóa vùng Tây Yên Tử, nếu thiếu Phật giáo Trúc Lâm thì văn hóa vùng Tây Yên Tử sẽ “nhạt nhòa”. Vì vậy, trước hết cần làm rõ các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích của Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử, nhất là chùa Am Vãi. Muốn bảo tồn thì tỉnh Bắc Giang cần phải có quy hoạch lâu dài cũng như tầm nhìn chiến lược.

Để khai thác những giá trị Phật giáo của chùa Am Vãi nói riêng và Phật giáo Trúc Lâm nói chung, tiếp tục có sự phối hợp của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo từ Trung ương và địa phương, các chức sắc Phật giáo, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi lẽ, Phật giáo Trúc Lâm là bài học đáng quý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt cần phát huy những giá trị đó trong phát triển văn hóa du lịch tâm linh.

Cần tăng cường quảng bá, giới thiệu đưa tin, phóng sự về các giá trị văn hóa, Phật giáo của chùa Am Vãi trong vùng Tây Yên Tử, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của chùa Am Vãi, đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói chung và Chùa Am Vãi nói riêng, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương ở Bắc Giang hiện nay.

Cần phải có quy hoạch đồng bộ giữa bảo tồn và phát huy di sản các di tích trong đó có chùa Am Vãi; giữa phát triển văn hóa du lịch với phát triển kinh tế địa phương của chùa Am Vãi trong vùng Tây Yên Tử cũng như toàn tỉnh Bắc Giang và liên vùng. Theo đó, cần nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn, di tích tại địa phương.

Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Phật giáo của chùa Am Vãi cũng như các di tích trong vùng Tây Yên Tử.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang

 Cần nâng cao nhận thức của tăng, ni tại các chùa nói chung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, Phật giáo thông qua việc học tập, giáo dục tại các trường Hạ hay trường trung cấp của Giáo hội tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, cần nêu cao tinh thần bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan, môi trường thông qua các hoạt động thực tế tại chùa.

Cần hướng dẫn tín đồ nhận thức, bảo tồn, phát huy các giá trị của chùa Am Vãi nói riêng và Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử nói chung. Cần tuyên truyền vận động, tổ chức cho tăng, ni và Phật tử có nếp sống văn hóa lành mạnh, trong sáng, hướng thiện và đúng pháp luật.

Cần phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị văn hóa, Phật giáo chùa Am Vãi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bắc Giang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb KHXH, Hà Nội.

2. Đinh Khắc Thuân, (2015). “Giá trị di sản Hán Nôm với hệ thống di tích Tây Yên Tử” đăng trong Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2015 tại Bắc Giang.

3. Nguyễn Văn Phong (2016), Nghiên cứu văn bia tỉnh Bắc Giang, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần Tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Dương Ngô Ninh, (2020). Giá trị của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

6. Giáp Thị Huyền (2006), “Vài nét về chùa Am Vãi”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, (5).

7. Hoàng Thị Hoa, (2015). “Thực trạng việc khai thác các giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch cộng đồng tại khu vực Tây Yên Tử” đăng trong Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2015.

 

Lễ hội chùa Am Vãi 2014

 

Lễ hội chùa Am Vãi 2014 

Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Am Vãi 

Bảo tháp Liên Hoa chùa Am Vãi 

Bàn chân tiên - chùa Am Vãi

 

 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.77.

[2] Đinh Khắc Thuân, (2015). “Giá trị di sản Hán Nôm với hệ thống di tích Tây Yên Tử” đăng trong Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2015 tại Bắc Giang, tr 68-69.

[3] Nguyễn Văn Phong (2016), Nghiên cứu văn bia tỉnh Bắc Giang, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.127.

[4] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần Tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.100.

[5] 4 địa điểm khảo sát mà tác giả đã chọn mẫu đó là: lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (100 phiếu), lễ hội Tây Yên Tử (100 phiếu), lễ hội chùa Am Vãi (100 phiếu) và tại Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (100 phiếu).

[6] Dương Ngô Ninh, (2020). Giá trị của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.75-77.

[7] Dương Ngô Ninh, (2020). Giá trị của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.82-85.

[8] Dương Ngô Ninh, (2020). Giá trị của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.93.

[9] Giáp Thị Huyền (2006), “Vài nét về chùa Am Vãi”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, (5), tr.62-64, tr.64.

[10] Hoàng Thị Hoa, (2015). “Thực trạng việc khai thác các giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch cộng đồng tại khu vực Tây Yên Tử” đăng trong Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2015 tại Bắc Giang, tr.28.

[11] Hoàng Thị Hoa, (2015). “Thực trạng việc khai thác các giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch cộng đồng tại khu vực Tây Yên Tử” đăng trong Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2015 tại Bắc Giang, tr.33.

 

 

User Online: 9,652
Total visited in day: 2,574
Total visited in Week: 2,573
Total visited in month: 50,065
Total visited in year: 611,972
Total visited: 3,186,465