Nghiên cứu, xây dựng một số mẫu sản phẩm quà lưu niệm tiêu biểu của đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung phục vụ phát triển du lịch

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Nói về sản phẩm lưu niệm, quà tặng, nhìn từ khía cạnh phát triển, quảng bá du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm lưu niệm là khái niệm rộng, thường được hiểu đơn giản là đồ vật được sử dụng làm quà tặng hay được giữ lại để làm kỷ niệm.

Quà lưu niệm hàm chứa một ý nghĩa hết sức đặc biệt, không chỉ làm người nhận nhớ đến người tặng mà còn là sự ghi lại một kỷ niệm và mang thông điệp đặc trưng văn hóa của nơi sản xuất ra nó.

Mặt khác, sản phẩm lưu niệm còn được xem là mặt hàng xuất khẩu tại chỗ, bởi nó được bán ngay ở trong nước. Khách du lịch quốc tế chọn mua và mang về sau chuyến du lịch, giữ lại làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè, tức là sản phẩm đã được ra khỏi biên giới, là vật dụng gợi nhớ về một hành trình, trải nghiệm. Vì thế, sản phẩm lưu niệm, quà tặng có ý nghĩa cả về kinh tế và văn hóa tinh thần, giúp tạo việc làm cho cư dân địa phương. Đối với hoạt động du lịch, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng là một trong những yếu tố quan trọng, tạo dấu ấn cho điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời tạo sự lan tỏa, quảng bá hình ảnh của điểm đến. Coi trọng phát triển, sáng tạo những sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn và đặc trưng đang là vấn đề được các ngành, các cấp của huyện Việt Yên nhất là các nhà làm du lịch quan tâm. Bởi, làm tốt việc này sẽ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh con người và bản sắc văn hóa của địa phương đến với du khách; mặt khác sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch của huyện Việt Yên nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung trong tương lai.

Việt Yên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và hiếu học của xứ Kinh Bắc xưa, nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc và nhiều làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời là những yếu tố tạo nên vùng đất giàu tiềm năng khai thác, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Với trên 300 di tích lịch sử văn hóa, nhiều ngôi đình không những mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như: Đình Thổ Hà (xã Vân Hà); đình Đông (thị trấn Bích Động), đình Mật Ninh… và nhiều ngôi chùa của huyện cũng được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn), chùa Vĩnh Hưng (xã Quảng Minh)...cùng với hệ thống các di tích, Việt Yên có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc và độc đáo, tiêu biểu đó là hội Bổ Đà, lễ hội Thổ Hà, hội vật cầu nước làng Vân đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia…

Việt Yên còn được xem là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống như: gốm Thổ Hà, rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến… Ngoài ra, nơi đây còn được biết đến với những sản vật nổi tiếng: bánh đa nem, bánh đa vừng của làng Thổ Hà…

Không những là vùng đất giầu truyền thống cách mạng và văn hóa, Việt Yên còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, giầu truyền thống khoa bảng. Truyền thống khoa bảng của Việt Yên được nhiều sử sách nhắc tới bởi mảnh đất này đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước mà người khai khoa cho truyền thống hiếu học, khoa bảng huyện Việt Yên là Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Để ghi nhớ công ơn của bậc danh nhân- hiền tài quê hương Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng khu đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Di tích được xây dựng với quy mô lớn, trở thành địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, hiếu học khoa bảng đồng thời tiếp tục khơi dậy, phát huy niềm tự hào quê hương, tinh thần hiếu học, tư tưởng coi trọng hiền tài xứng với câu nói nổi tiếng của ông đã được lưu sử sách.

Là mảnh đất giầu tiềm năng phát triển du lịch, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, trùng tu tôn tạo các di tích, xây dựng tour, tuyến phù hợp tạo tiền đề thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Hằng năm, Việt Yên thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, trong đó chủ yếu là khách chiêm bái, lễ Phật ở các di tích nổi tiếng. Cùng với nhu cầu vãn cảnh, trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu văn hóa của vùng đất, con người địa phương, du khách có nhu cầu tìm mua những sản phẩm đặc trưng làm quà lưu niệm cho bạn bè, người thân.  Hiện nay, ở hầu hết các khu, điểm du lịch trong huyện ít nhiều có bày bán sản phẩm, quà tặng lưu niệm song các mặt hàng còn đơn điệu về chủng loại, mẫu mã. Trong đó chủ yếu là nhóm sản phẩm ẩm thực, ít mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch mang đặc trưng văn hóa vùng đất Việt Yên vẫn còn thiếu, ít, chưa tạo dấu ấn cho du khách khi đến nơi đây.

Để góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị của đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung và các điểm du lịch cũng như bản sắc văn hóa Việt Yên, nội dung tham luận đề xuất ý tưởng “ Nghiên cứu, xây dựng mẫu sản phẩm quà lưu niệm tiêu biểu của đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung và những đặc trưng văn hóa vùng đất Việt Yên” để sử dụng làm quà tặng lưu niệm và dùng để bán tại di tích và các điểm du lịch trên địa bàn huyện Việt Yên.

Sản phẩm quà lưu niệm tiêu biểu của đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung là những món quà có sự liên quan đến di tích, con người, sự nghiệp của Tiến sĩ Thân Nhân Trung và truyền thống hiếu học khoa bảng xưa và nay. Vì vậy, từ việc nghiên cứu những đặc trưng văn hóa, sự kiện lịch sử, danh nhân lịch sử của vùng đất, con người Việt Yên, lựa chọn một số hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng để để sử dụng thiết kế trang trí trên sản phẩm lưu niệm với tiêu chí độc đáo mang nét đặc trưng của di tích và vùng đất Việt Yên: Hình ảnh về khu di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung; Câu nói nổi tiếng của tiến sĩ Thân Nhân Trung “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”; hình ảnh cá chép hóa rồng; hình ảnh vinh quy bái tổ của các sĩ tử thời xưa và một số hình ảnh tiêu biểu đặc trưng của Việt Yên: Hình ảnh cổng làng Thổ Hà; hình ảnh đình Thổ Hà; hát quan họ trên sông Cầu; hình ảnh về lễ hội vật cầu nước làng Vân; hình ảnh trong lễ rước của lễ hội Thổ Hà…

Xây dựng thiết kế mẫu sản phẩm do đơn vị được giao nhiệm vụ cần thành lập nhóm chủ trì xây dựng mẫu mà thành phần phải là các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa có hiểu biết sâu về văn hóa, vùng đất con người địa phương; các họa sĩ, nhà thiết kế mỹ thuật, các nhà quản lý kinh tế với phương châm chú trọng đến nhu cầu, thị hiếu và phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều đối tượng du khách. Trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo các mẫu sản phẩm, quà lưu niệm tại các địa phương để tạo các sản phẩm đa dạng về loại hình: Đồ trang trí như mô hình, biểu tượng liên quan điến di tích hay đơn giản là những đồ vật có giá trị sử dụng như túi xách, mũ đội, móc khóa, hộp đựng, bình hoa… Đặc biệt cần chú ý đến đối tượng khách tham quan là các các sĩ tử, học sinh, sinh viên để thiết kế những sản phẩm phù hợp, mang nhiều ý nghĩa: Hộp bút, sổ, nghiên mực, thẻ đánh dấu sách, tranh thư pháp, chèn giấy, lọ hoa, móc khóa, túi,….

Chất liệu làm nên sản phẩm chú trọng đến chất liệu sản phẩm được làm từ các làng nghề thủ công truyền thống của huyện như gốm Thổ Hà, mây tre đan Tăng Tiến, gồm nhiều chất liệu phù hợp: Gỗ, gốm sứ, tre, đồng, thủy tinh…

Bản phác thảo mẫu thiết kế cần kèm theo bản thuyết minh về ý nghĩa của các mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sau đó tổ chức họp, xin ý kiến các nhà quản lý, nghiên cứu về mẫu sản phẩm.

Ngoài ra, những sản vật nổi tiếng của địa phương như bánh đa nem, bánh đa vừng Thổ Hà, rượu làng Vân cũng cần được chú ý, đầu tư thiết kế mẫu mã, quy cách, đóng gói, gắn định vị truy xuất nguồn gốc…

Việc triển khai thực hiện ý tưởng “ Nghiên cứu, xây dựng mẫu sản phẩm quà lưu niệm tiêu biểu của đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung và những đặc trưng văn hóa vùng đất Việt Yên” có hiệu quả trong thực tiễn có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế và văn hóa tinh thần, vừa tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương, làm tăng doanh thu cho ngành du lịch và nền kinh tế. Thông qua các mặt hàng lưu niệm, quà tặng du lịch sẽ góp phần quảng bá cho du khách thấy được hình ảnh con người và bản sắc văn hóa vùng đất Việt Yên, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Yên nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung.

Nguyễn Thị Thủy

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

 

 

 

 

 

 

User Online: 16,759
Total visited in day: 2,966
Total visited in Week: 21,142
Total visited in month: 89,702
Total visited in year: 651,609
Total visited: 3,226,102