Giáp Hải - Nhà văn hóa lớn thế kỷ 16

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Giáp Hải là con Giáp Hà người xã Dĩnh Kế (huyện) Phượng Sơn theo bia mộ Giáp Hà tìm thấy năm 1998 tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì, nay Dĩnh Kế và Dĩnh Trì đều thuộc thành phố Bắc Giang, sinh năm 1517 theo kết quả khảo cứu của Lâm Giang trong công trình “Trạng nguyên Giáp Hải”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2009. Năm ông 10 tuổi đã biết qua ba triều vua thối nát cuối thời Lê sơ, xã hội loạn ly rồi sự biến Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê (1527). Những năm đầu nhà Mạc có một số cải cách quan trọng, thu hút nhiều người tài đi thi và ra làm việc nước, năm 21 tuổi Giáp Hải đỗ Trạng nguyên vào đời Mạc Đăng Doanh (1538). Ông về hưu cuối năm 1586 đời Mạc Mậu Hợp. Như vậy ông đã phò nhà Mạc 49 năm và từng giữ nhiều chức vị cao, đặc biệt là Thượng thư sáu Bộ (Chưởng lục Bộ sự- nắm việc sáu Bộ) kiêm Đông các Đại học sỹ, coi việc ở tòa Kinh diên, tước Kế Khê bá, Thiếu bảo Luân Quận công, Thái bảo Sách Quốc công, được vua ban lá cờ thêu đôi câu đối: Trạng đầu Tể tướng đẩu Nam tuấn/ Quốc lão Đế sư thiên hạ tôn (Là Trạng nguyên, Tể tướng cao đẹp như sao đẩu trời Nam/ Bậc Quốc lão, Thầy dạy Vua thiên hạ đã tôn vinh).

          Giáp Hải là con Giáp Hà người xã Dĩnh Kế (huyện) Phượng Sơn theo bia mộ Giáp Hà tìm thấy năm 1998 tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì, nay Dĩnh Kế và Dĩnh Trì đều thuộc thành phố Bắc Giang, sinh năm 1517 theo kết quả khảo cứu của Lâm Giang trong công trình “Trạng nguyên Giáp Hải”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2009. Năm ông 10 tuổi đã biết qua ba triều vua thối nát cuối thời Lê sơ, xã hội loạn ly rồi sự biến Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê (1527). Những năm đầu nhà Mạc có một số cải cách quan trọng, thu hút nhiều người tài đi thi và ra làm việc nước, năm 21 tuổi Giáp Hải đỗ Trạng nguyên vào đời Mạc Đăng Doanh (1538). Ông về hưu cuối năm 1586 đời Mạc Mậu Hợp. Như vậy ông đã phò nhà Mạc 49 năm và từng giữ nhiều chức vị cao, đặc biệt là Thượng thư sáu Bộ (Chưởng lục Bộ sự- nắm việc sáu Bộ) kiêm Đông các Đại học sỹ, coi việc ở tòa Kinh diên, tước Kế Khê bá, Thiếu bảo Luân Quận công, Thái bảo Sách Quốc công, được vua ban lá cờ thêu đôi câu đối: Trạng đầu Tể tướng đẩu Nam tuấn/ Quốc lão Đế sư thiên hạ tôn (Là Trạng nguyên, Tể tướng cao đẹp như sao đẩu trời Nam/ Bậc Quốc lão, Thầy dạy Vua thiên hạ đã tôn vinh).

Triều Mạc chỉ tồn tại 65 năm (1527- 1592) ở kinh thành Đông Đô (Thăng Long) đã phải chịu sức ép đe dọa của nhà Minh phương Bắc với chiêu bài “phò Lê diệt Mạc” mà thực chất là muốn xâm lược nước ta một lần nữa sau khi thất bại cuộc xâm lược “phù Trần diệt Hồ” (1407- 1427) 100 năm về trước, mặt khác nảy sinh quân Lê Trung hưng từ Lào vừa cầu viện nhà Minh vừa tiến về Nghệ An, Thanh Hóa lập ra Nam Triều chống Bắc Triều (Mạc). Mạc Đăng Doanh mất năm 1540 thì trước đó ba năm quân Minh do Cừu Loan là Đô đốc, Mao Bá Ôn làm Tán lý quân vụ tiến sát cửa Nam Quan và truyền hịch bắt cha con Mạc Đăng Dung và sau đó ba năm quân Lê Trung hưng do Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm (bố vợ và con rể) chỉ huy thu phục được Tây Đô (Thanh Hóa). Vận mệnh nhà Mạc ngàn cân treo sợi tóc nhưng vận mệnh đất nước được đặt lên trên trước nguy cơ giặc ngoại xâm tràn sang nên vua tôi nhà Mạc nhẫn nhục chịu tội với quân Minh và dùng lời lẽ thiệt hơn để quân Minh không vượt biên giới. Kết quả là biên giới không có nạn binh đao mà Mạc Đăng Dung còn được vua Minh phong làm Đô thống sứ, hàm quan nhị phẩm nhà Minh. Tài biện luận ngoại giao đó là do các bề tôi nhà Mạc làm nên nhưng nổi bật là tài năng Giáp Hải vị tân Trạng nguyên. Sự đối đáp mềm dẻo mà cứng cỏi của ông được tương truyền qua sự việc Mao Bá Ôn và ông làm thơ Vịnh Bèo. Để thăm dò tinh thần vua tôi nhà Mạc và cũng thể hiện sức mạnh quân Minh đe dọa, Mao Bá Ôn làm bài thơ Bèo (Bình thi) gửi vua tôi nhà Mạc. Bài thơ chữ Hán, dịch nghĩa như sau: Xương bé như cái kim trôi theo ruộng nước / Đến bên mới thấy rễ chẳng cắm sâu / Gốc rỗng không mà thân cũng rỗng không/Không dám sinh ra cành lá thì đâu dám có lòng ruột / Chỉ biết tụm lại đâu biết tản ra / Chỉ biết nổi lên, đâu biết chìm xuống/Gặp trận cuồng phong giữa trời / Bị quét ra hồ ra bể, khó mà tìm thấy.

          Giáp Hải họa lại nguyên vận, thơ chữ Hán, dịch nghĩa là: Dày như vảy gấm đến mũi kim cũng không xỏ qua được / Mang áo giáp liền sát (nên) rễ chẳng cần phải ở sâu / Đường đường tranh lấy mặt nước với mây trắng / Sóng nước không để mặt trời soi xuống / Sóng ngàn trùng cũng không phá nổi / Muôn trận gió thổi mãi mà vẫn không bị chìm / Không ít cá rồng ẩn nấp dưới đó / Thái công Lã Vọng cũng không cách nào câu tìm được (cá rồng) đâu. Từng câu thơ và toàn bài thơ của Giáp Hải đối đáp sâu sắc, thể hiện khẩu khí hùng biện. Ông được giữ chức Tuyên phủ đồng tri để thương nghị với nhà Minh việc biên giới. Người Minh thường gọi ông là Giáp Tuyên phủ. Sử sách cho biết ông đi sứ tới 5 lần và có biên soạn sách Ứng đáp bang giaoBang giao bị lãm về công việc ngoại giao giữa nhà Mạc với nhà Minh nhưng tiếc thay các sách đó bị thất truyền, đời sau không biết cụ thể các cuộc bang giao thế nào. Tuy nhiên chắc chắn rằng biện luận khiến quân Minh không tiến quân, giữ được độc lập nước nhà có phần đóng góp của Giáp Hải. Thực tế rằng đương thời nhà Minh thuộc những năm Gia Tĩnh (1522-1566) là những năm xã hội bất ổn (như xã hội trong Truyện Kiều của Nguyễn Du phản ánh, “Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh…”) tương ứng với Triều Mạc nên không dễ gì xâm lược nước ta như thời Trần- Hồ một thế kỷ trước và bài học thất bại ở Chi Lăng- Xương Giang còn đó với nhà Minh. Phải chăng sự hiểu biết thời thế đem lại sự tự tin cho Giáp Hải.

          Vừa mới đỗ Trạng nguyên đã gặp thử thách lớn nhiệm vụ ngoại giao vào thời điểm đối đầu nguy cơ chiến tranh sờ sờ trước mắt, Giáp Hải thể hiện lòng tự tôn dân tộc qua bài thơ Vịnh Bèo, rồi lòng yêu nước thương dân của ông còn thể hiện qua các bài thơ viết về sau. Đến thành nhà Hồ, nhớ lại cuộc xâm lăng của quân Minh ngày xưa bắt Hồ Quý Ly, đô hộ nước ta, ông bâng khuâng:“Ai đem chữ Hồ chép vào sử nước /Một chữ như sương mùa thu lưu lại muôn đời…”, ông cảm khái trước cảnh hoang tàn của thành, không dấu nổi lòng căm thù giặc Minh thuở đó “Nhìn những lá úa vàng nhớ lại mối hận cũ…” và khẳng định “Thành xây càng cao mối thù càng nặng mãi’, “Vỗ về dân là vua, ngược đãi dân là kẻ thù”. Đến Lam Kinh thăm đến miếu thờ Lê Thái Tổ- Lê Lợi, vị anh hùng dân tộc đánh đuổi quân Minh xưa kia, ông không khỏi chạnh lòng “Những tấm bia nằm đổ gợi nỗi thương cảm /Công đức bình Ngô (thuở nào) còn như màu xanh (của rừng kia)…”, ông xúc động làm mấy bài thơ liền về phong cảnh đất Lam Sơn. Rõ thật hoài cổ đấy nhưng nung nấu ý chí giữ nước của tổ tiên. Di tích lịch sử đã lay động tâm hồn nhà văn hóa Giáp Hải. Đó là căn nguyên để hiểu vì sao trong nhiệm vụ hiện tại là ngoại giao, đi sứ ông luôn luôn giữ chủ quyền của đất nước, sao cho giặc không xâm phạm biên giới suốt mấy chục năm lo việc nước của ông.

          Qua bài “Phụng sắc Bắc sứ thuật hoài” (Vâng mệnh vua đi sứ phương Bắc kể lại nỗi lòng), Giáp Hải thường tâm niệm “Xong việc, thành công, nào mong gì hơn?” và chỉ mong “Thiên tử được thái bình, dân được thái bình”. Đến khi về hưu, ông làm thơ chia tay các bạn đồng liêu và các bạn đồng triều không quên nhắn nhủ hạnh phúc, niềm vui chung có phần riêng trong đó:

      - Qua năm tháng, hàng thông cao vẫn nở hoa

      Nước được thái bình, thân (tôi) cũng được thái bình

      - Nhờ sức các bậc hiền tài mà (đất nước) thái bình

     Tôi ở nơi thôn dã an nhàn hưởng phúc quanh năm

          Cuộc chiến giữa Nam triều (Lê trung hưng) và Bắc triều (Mạc) kéo dài hết năm này sang năm khác lại thêm nạn phương Bắc đe dọa xâm lăng khiến thơ Giáp Hải, tâm sự của Giáp Hải thường nói tới hai chữ “thái bình”. Nhà Mạc cố gắng làm sao cho quân Minh dừng chân ở bên kia biên giới, còn họ Nguyễn họ Trịnh giương cờ phù Lê và cầu viện nhà Minh mà nhà Minh cũng giương cờ phù Lê, cơ hồ nhà Mạc mắc tội tiếm quyền rất đáng trừng phạt. Song những người thức thời ngày đó hiểu rằng cuối thời Lê sơ thối nát nếu Mạc Đăng Dung không chấm dứt tình trạng đó thì không biết đất nước sẽ đến đâu, xã hội chìm đắm đến bao giờ. Vì thế họ hi vọng nhà Mạc hưng thịnh để dân lành được yên ổn, thái bình. Nhiều người vẫn miệt mài học tập và đi thi, tất cả có tới 486 người đỗ đại khoa (trong đó 11 trạng nguyên, 12 bảng nhãn, 19 thám hoa) theo chiếu cầu hiền tài của nhà Mạc cứ đúng 3 năm thi Hội một lần. Cũng có người vào Thanh Hóa theo Lê trung hưng, có người hồ nghi Lê trung hưng giành ngôi chắc gì hơn thời Lê sơ. Lịch sử sẽ trả lời điều này. Sau 1541, hai triều vua đầu nhà Mạc qua đi, Giáp Hải là đại diện cho những người muốn phò Mạc, giúp nhà Mạc vững mạnh lên, gánh nhiệm vụ lịch sử đương thời nên hết lời khuyên vua làm những điều tốt có lợi cho dân cho nước. Lời khuyên lại rất thẳng rất thật, nhất là dưới triều Mạc Mậu Hợp chính sự suy yếu không khác gì cuối triều Lê sơ. Năm 1578, Giáp Hải dâng sớ cảnh tỉnh nhà vua 6 điều đáng sợ(1):

“… Nay chính sự mỗi ngày một bậy… Làm lễ tiên tổ… lễ vật kính dâng cẩu thả. Ấy là một điều đáng sợ.

…Nay những người bên cạnh bệ hạ quen thói nịnh hót, dỗ dành chơi bời để cầu hợp ý bệ hạ. Cung cấm là chỗ rất nghiêm mà nay ra vào không cấm kỵ, tuyên bố mệnh lệnh và thu nạp lời can là việc rất cẩn thận mà nay bị che lấp không thông. Ấy là hai điều đáng sợ.

…Nay các quan trên dưới, người không ham lợi mười phần chỉ được hai, ba, còn ngoài ra đắm đuối về lợi cả. Nào nhũng lạm quan tước, nào chiếm đoạt ruộng đất, các quan phiên trấn sách nhiễu và mua rẻ của dân không việc gì là không làm. Ấy là ba điều đáng sợ.

… Nay xem quan lại trong ngoài, kể là chính đáng thì mười người chỉ độ hai, ba, còn đều là gian tà cả. Khi có sắc chỉ truyền việc gì thì quan lại sách nhiễu. Khi có kiện cáo to nhỏ thì đòi tiền đút lót, không biết đâu là cùng. Ấy là bốn điều đáng sợ.

… Nay việc công việc tư đều bị sách nhiễu khổ sở, dân khó lòng sống được, vậy thì nước nương tựa vào ai? Ấy là năm điều đáng sợ.

… Nay tướng soái trái ngược nhau, mỗi người một ý, quân sao thắng được? Ấy là sáu điều đáng sợ.

Ngoài ra còn nhiều việc trái ngược đạo lý không kể xiết được… Xin bệ hạ tự răn, lo sợ, thay đổi việc chính thối nát. Khi lòng dân đã hòa thì ý trời cũng thuận. Nếu bệ hạ chỉ say đắm về sự yên vui, không chịu răn chừa sửa đổi thì sẽ có ngày suy vong, không sao giữ được nữa”

Ba năm sau, 1581, ông lại có sớ khuyên vua lo việc chính sự, võ bị, đặc biệt nhấn mạnh “lấy dân làm gốc”:“Lại xin bệ hạ tôn trọng gốc nước cố kết lòng dân, hậu đãi mà đừng làm khốn dân, giúp đỡ mà đừng làm hại dân, dè dặt chứ không dùng hết sức của dân, nhẹ bớt cho dân những việc phục dịch”…

Năm 1586, Giáp Hải lại có sớ cho Mạc Mậu Hợp. Ông lại cảnh tỉnh vua “Đang lúc thịnh trị cũng nên nghĩ tới sự nguy vong. Đó là lòng chí thành của bầy tôi già này cần bày tỏ”. Năm ấy ông đã 70 tuổi âm, chí thiết xin nghỉ hưu và lần cuối cùng khuyên vua lo việc chính sự, võ bị một cách cụ thể… “Tính việc trị an, cung kính phép trước, chuyên về chính học, thân cận người ngay, thực ý ngay lòng, phòng sai ngăn dục, không gần sắc đẹp hát hay, không gây lợi về tiền của, không ham rượu, không mê nhạc, ngăn kẻ nịnh nọt, răn sự rong chơi…”; “Việc dùng binh là một việc cần thiết…sùng thượng kiệm ước, giảm sự tiêu bừa, tích của dùng vào việc binh…phải nghiêm hiệu lệnh, tướng tá phải chọn bậc anh dũng, quân sĩ phải tuyển hạng tinh nhuệ, sắm thuyền bè, duyệt thủy quân, luyện voi ngựa, khí giới, súng ống, cung nỏ…”. Ông còn chỉ ra những thành, những hào phải tu sửa, đắp cao, đào sâu, đặt đồn trại, đặt bẫy nỏ…thật tỉ mỉ cho vị vua ở tuổi 25.

Đọc thơ văn của Giáp Hải mới thấy ông lo cho số phận đất nước lúc ấy hơn là lo cho số phận một triều đại. Các trí thức triều Lê trung hưng lên án nhà Mạc nên phê phán những người phò nhà Mạc như Giáp Hải. Nhiều truyền thuyết hư cấu về thân phận, gia đình ông được lưu truyền và viết sách để đời. Nếu năm 1998, không tìm thấy tấm bia hộp ở thôn Cốc, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang (nay là thành phố Bắc Giang) thì mọi người vẫn theo truyền thuyết Giáp Hải là con hoang của bà bán nước ở Bát Tràng, huyện Gia Lâm, còn bố là một thương nhân người Dĩnh Kế đã bắt trộm về làm con nuôi. Nay được văn bia chỉ rõ cụ Giáp Hà, bố Giáp Hải, người Dĩnh Kế là một nhà nông giàu có ham đọc sách, làm điều nhân, thi đỗ lực điền, có vợ thứ họ Hoàng (đoạn dưới kia lại viết là họ Đỗ) sinh được 2 trai 01 gái, Giáp Trừng là con lớn (tức Giáp Hải vì kỵ húy vua Mạc Phúc Hải nên đổi là Giáp Trừng). Truyền tuyết còn nói Giáp Hải tàn nhẫn giết học trò, làm đường để triệt long mạch thi cử của một làng…Nếu không tìm hiểu kỹ thân thế sự nghiệp của Giáp Hải chúng ta sẽ không tỉnh táo trước những thuyết phong thủy, thuyết ác giả ác báo, tín ngưỡng hoang đường vây quanh ông bao đời nay, dễ bị ngộ nhận, không thấy được sự đóng góp của ông, vai trò của ông trong lịch sử đương thời phức tạp, gay gắt, mâu thuẫn thù trong giặc ngoài….

Đánh giá nhà Mạc, nhất là với việc Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê sơ, chịu tội trước quân ngoại xâm cũng không đơn giản. Các nhà sử học đã khách quan, công bằng xem xét đánh giá nhà Mạc, gần đây trên thành phố Hà Nội đã có đường phố mang tên Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh). Giáp Hải đỗ Trạng nguyên năm 1538, năm đó Mạc Đăng Dung đang làm Thái thượng hoàng, Mạc Đăng Doanh đang làm vua, đến năm 1540 vua mất, rồi năm 1541, Thái thượng hoàng mất, vua mới là Mạc Phúc Hải ở ngôi vừa được 5 năm (1541-1546) ốm chết, triều Mạc đứng trước bước ngoặt mới sau 20 năm tồn tại qua 3 đời vua Đăng Dung, Đăng Doanh, Phúc Hải. Trong khi đó triều Lê trung hưng khởi đầu từ Lào về, đánh Nghệ An, ra Thanh Hóa lập hành tại và vai trò của họ Trịnh đã nổi bật, tình thế vua Lê chúa Trịnh bắt đầu. Năm 1566, Giáp Hải làm nhiệm vụ đi đón Lê Quang Bí đi sứ bị nhà Minh giữ 18 năm (1548-1566) trên đất Trung Quốc, chắc rằng sự việc này cũng làm ông suy nghĩ mỗi lần đi sứ nhưng lo việc nước được thái bình nên ông vẫn đi vui vẻ, không một chút ưu tư. Đến cuối năm 1586, ông về hưu rồi mất. Trong 10 năm cuối đời làm quan, ông đã nhiều lần có sớ nhắc nhở, cảnh tỉnh, hiến kế cho vua giữ vững triều chính, lo cho dân cho nước. Từng chữ từng chữ ông viết đều chứa đựng tâm huyết, đầy trách nhiệm của một nhà văn hóa yêu nước. Hai triều vua Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, nhất là triều Mạc Mậu Hợp đã không thực hiện đầy đủ các lời khuyên ngăn của các quan đại thần, nhất là Giáp Hải, nên đã bị quân Trịnh đánh bật khỏi kinh thành Đông Đô vào năm 1592, sau 6 năm Giáp Hải về hưu và mất. Đất nước rơi vào thời vua Lê chúa Trịnh, chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài…

Giáp Hải (1517-1586) là một nhà văn hóa lớn thời Mạc, cũng là một nhà văn hóa lớn thế kỷ 16 trong lịch sử nước ta. Thành phố Bắc Giang có đường phố, trường PTTH mang tên ông. Ông là một trong hai trạng nguyên được lấy đỗ trúng cách của tỉnh Bắc Giang và của thành phố Bắc Giang(2).

Nguyễn Đình Bưu

 

(1) Các sớ của Giáp Hải xem trong “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn.

(2) Đào Sư Tích (thời Trần), Giáp Hải (thời Mạc)

 

 

Danh mục Danh mục

Diễn đàn Diễn đàn

THÔNG TIN QUẢNG BÁ THÔNG TIN QUẢNG BÁ

Liên kết Liên kết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,515
Tổng số trong ngày: 8,373
Tổng số trong tuần: 8,372
Tổng số trong tháng: 146,840
Tổng số trong năm: 400,780
Tổng số truy cập: 2,975,273